Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản và quan hệ Việt Nam - E-xtô-ni-a


                                                           

I. Thông tin cơ bản

- Tên nước: Cộng hòa E-xtô-ni-a (Republic of Estonia)

- Thủ đô: Ta-lin (Tallinn).

- Ngày Quốc khánh: Ngày Độc lập 24/2/1918.

- Vị trí địa lý: Biên giới phía Tây giáp biển Ban-tích, phía Đông giáp Liên bang Nga (294km), phía Nam giáp Lát-vi-a (339km).

- Diện tích: 45.228 km2

- Khí hậu: biển, lục địa, ôn đới ẩm, nhiệt độ trung bình tháng 7 là 180C, tháng 1 là -2 đến -70C.

- Dân số: 1.265.420 người (2015)

- Dân tộc: người E-xtô-ni-a: 69,1%, người Nga: 25,1%, người U-crai-na:  1,7%, người Bê-la-rút: 0,9%, Phần lan: 0,6%, dân tộc khác: 2,5%.

- Tôn giáo: Tin lành, đạo Chính thống Nga, Thiên chúa, đạo Do thái.

- Ngôn ngữ chính thức: tiếng E-xtô-ni-a.

- Cơ cấu hành chính: chia thành 15 tỉnh.

- Đơn vị tiền tệ: Euro (từ 01/1/2011)

          - Tăng trưởng GDP: 4.2% (2018)

- Thu nhập bình quân đầu người: 18.984 USD (2018).

- Lãnh đạo chủ chốt:

·        Tổng thống: Kớt-ti Kan-du-lây (Kersti Kaljulaid) từ 10/10/2016.

·        Chủ tịch Quốc hội: Ê-ki Nét-tơ (Eiki Nestor ) từ 20/03/2014.

·        Thủ tướng: Du-ri Ra-ta (Jüri Ratas) từ 20/11/2016

·        Ngoại trưởng: Xờ-ven Mích-xơ (Sven Mikser) từ 23/11/2016.

 

II. Khái quát lịch sử

 Quốc gia dân tộc E-xtô-ni-a hình thành vào khoảng thế kỷ 12 - 13. Đến thế kỷ 13, E-xtô-ni-a bị người Đức xâm chiếm. Giữa thế kỷ 17, E-xtô-ni-a bị người Thụy Điển thôn tính. Năm 1721, E-xtô-ni-a sáp nhập vào đế chế Nga. Ngày 24/2/1918, Cộng hoà E-xtô-ni-a được thành lập.

Với việc ký Hiệp ước Xô-Đức (Mô-lô-tốp – Ri-ben-tơ-rốp) năm 1940, Liên Xô đã đưa quân vào E-xtô-ni-a. Cộng hoà XHCN Xô-viết E-xtô-ni-a được thành lập (21/7/1940) và gia nhập Liên bang Xô-viết (06/8/1940).

Ngày 20/8/1991, Cộng hoà E-xtô-ni-a đơn phương tuyên bố độc lập và ngày 04/9/1991, Liên Xô công nhận nền độc lập của E-xtô-ni-a. Năm 2004, E-xtô-ni-a đã gia nhập NATO và EU.

 

 

 

III. Thể chế chính trị, chế độ chính trị, đảng phái chính trị

E-xtô-ni-a theo mô hình nhà nước cộng hòa nghị viện. Quốc hội (Riigikogu) gồm 101 ghế, được bầu bằng phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm. Quốc hội là cơ lập pháp tối cao của E-xtô-ni-a. Tổng thống do Quốc hội bầu với tối thiểu 2/3 số phiếu, có nhiệm kỳ 5 năm, là người không đảng phái và không được giữ hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nếu sau 3 vòng bỏ phiếu không có ứng cử viên đạt đủ số phiếu cần thiết thì một Hội đồng bầu cử đặc biệt (bao gồm đại biểu Quốc hội và đại biểu của tất cả các Hội đồng địa phương) sẽ bầu ra Tổng thống trong số hai ứng cử viên có tỷ lệ phiếu cao nhất. Thủ tướng do Tổng thống đề cử và phải được Quốc hội thông qua.

IV. Kinh tế

E-xtô-ni-a là một trong những nước có mức thu nhập đầu người cao nhất ở khu vực Trung Đông Âu. Chính phủ E-xtô-ni-a đã tiến hành các cải cách kinh tế một cách thuận lợi do có chính sách tài chính thích hợp và được sự hỗ trợ của phương Tây. E-xtô-ni-a là nước đầu tiên trong các nước thuộc Liên Xô cũ thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế liên tục tăng trưởng từ năm 1994. Sau khi gia nhập EU, tăng trưởng GDP đạt trên 8%/năm trong giai đoạn 2004-2007. Năm 2008, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, GDP giảm 3,6% và năm 2009 giảm 14,1%. Từ năm 2010, kinh tế E-xtô-ni-a bắt đầu phục hồi, ưu tiên xây dựng một nền kinh tế tri thức dựa trên công nghệ cao. Những năm gần đây kinh tế E-xtô-ni-a phát triển tích cực, Năm 2018, GDP của E-xtô-ni-a tăng 4,1%. E-xtô-ni-a có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ - thông tin, nhân công có trình độ chuyên môn cao, chi phí về nguyên liệu, dịch vụ viễn thông, vận tải, văn phòng - nhà xưởng thấp hơn các nước khác trong khu vực. E-xtô-ni-a đã gia nhập khu vực đồng Euro từ 01/01/2011.

Các ngành công nghiệp chủ yếu: máy móc, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, chế biến gỗ, dệt may. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu: ngũ cốc, khoai tây, rau, chăn nuôi và sản phẩm sữa, cá.

V. Chính sách đối ngoại

E-xtô-ni-a ưu tiên hội nhập sâu vào EU, tăng cường quan hệ với Mỹ, NATO và đẩy mạnh quan hệ với các nước Ban-tích láng giềng. Đối với Nga, một mặt, E-xtô-ni-a duy trì hợp tác tốt, mặt khác, cũng như các nước Ban-tích khác, E-xtô-ni-a chủ trương hạn chế các quyền lợi của cộng đồng Nga sống trên lãnh thổ E-xtô-ni-a. Vấn đề người nói tiếng Nga ở E-xtô-ni-a là nguyên nhân chính kìm hãm quan hệ Nga – E-xtô-ni-a.

E-xtô-ni-a là thành viên của các tổ chức quốc tế:  EU, FAO, IAEA, ICAO, IMF, IMO, Interpol, NATO, OECD, OSCE, PCA, Hiệp ước Schengen, UN, WTO….

 

  

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ

QUAN HỆ VIỆT NAM – E-XTÔ-NI-A

 

 

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ

          Sau khi E-xtô-ni-a tuyên bố độc lập và tách khỏi Liên bang Xô-viết, ngày 09/9/1991, Việt Nam đã công nhận E-xtô-ni-a. Ngày 20/2/1992, hai bên ký Nghị định thư về thiết lập quan hệ Ngoại giao cấp Đại sứ. Hiện nay, Đại sứ ta tại Phần Lan kiêm nhiệm E-xtô-ni-a, Đại sứ E-xtô-ni-a tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam. Ngày 08/4/2014, Cục Lãnh sự đã trao Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự của E-xtô-ni-a tại thành phố Hồ Chí Minh cho ông Đỗ Văn Mười.

          Trao đổi đoàn giữa hai nước:

 

Năm

Đoàn ra

Đoàn vào

2011

 

Thủ tướng An-đờ-rút An-síp

2018

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng Ngoại giao Xờ-ven Mích-xơ

 

          Cơ chế tham vấn chính trị: Đến nay hai bên đã tiến hành 5 cuộc tham vấn chính trị. Thứ trưởng Ngoại giao E-xtô-ni-a đã sang tham vấn chính trị tại Việt Nam tháng 9/2008, 10/2010 và 12/2016. Về phía ta, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham vấn chính trị tại E-xtô-ni-a tháng 7/2012 và Vụ trưởng Vụ Châu Âu tham vấn tháng 7/2009.

        Phối hợp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm gặp Bộ trưởng Ngoại giao E-xtô-ni-a bên lề Đại hội đồng LHQ (9/2007, 9/2009); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng E-xtô-ni-a bên lề Hội nghị ASEM-8 tại Brussels (10/2010); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao E-xtô-ni-a bên lề ĐHĐ LHQ tại New York (9/2013 và 9/2015). Bạn đã ủng hộ ta làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ khoá 2008-2009. Hai bên đã ủng hộ nhau ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ (bạn nhiệm kỳ 2013-2015, ta nhiệm kỳ 2014-2016), cam kết ủng hộ lẫn nhau làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

 

          II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ

Quan hệ thương mại Việt Nam – E-xtô-ni-a gần đây phát triển tích cực hơn nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn ở mức thấp. Việt Nam xuất khẩu sang E-xtô-ni-a các mặt hàng: hải sản, rau quả, hạt điều, cà phê, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm gỗ, hàng dệt may.

Việt Nam nhập khẩu của từ E-xtô-ni-a các mặt hàng: sữa và sản phẩm sữa, hóa chất, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ.

  

Kim ngạch thương mại Việt Nam –E-xtô-ni-a

 (triệu USD)

Năm

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

Tổng

16,50

29,80

41,98

44,82

44,03

44,1

50,1

          Nguồn: TCHQ Việt Nam

          Tính đến 12/2018 Estonia có 3 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 260.000 USD trong lĩnh vực thông tin truyền thông, khoa học công nghệ và y tế.

III. GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

Thời kỳ Liên Xô cũ, Bạn đã giúp ta đào tạo nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh. Hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác giáo dục và khoa học năm 2017. Hiện nay trường Đại học Ta-tu (E-xtô-ni-a) đang hợp tác thành công với trường Đại học Huế: năm 2013 Bệnh viện Đại học Ta-tu đã hỗ trợ Đại học Y dược Đại học Huế mở phòng khám vô sinh; từ năm 2016 hai bên là đối tác chính của dự án Edushare do EU tài trợ; 3 giảng viên của Đại học Ta-tu đã được mời làm giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Huế.

                  

IV. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT

Cộng đồng người Việt Nam tại E-xtô-ni-a hiện có khoảng 30 người sống tại thủ đô Ta-lin. Bà con chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ và công nhân, luôn hướng về quê hương nhưng chưa có tổ chức Hội đoàn.

                                      

V. CÁC HIỆP ĐỊNH KHUNG ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC

- Hiệp định về Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (24/9/2009).

- Hiệp định về Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (27/9/2013).

- Hiệp định về Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đánh vào thu nhập (28/9/2015)

- Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (2016)

- Hiệp định hợp tác giáo dục và khoa học (11/2017)./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer