Thông tin cơ bản Môn-tê-nê-grô và Quan hệ Việt Nam - Mông-tê-nê-grô

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HOÀ MÔN-TÊ-NÊ-GRÔ

VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - MÔN-TÊ-NÊ-GRÔ

 

I/ Thông tin cơ bản

-   Tên nước: Cộng hòa Môn-tê-nê-grô (Republic of Montenegro)

-   Thủ đô: Pốt-gô-ri-xa (Podgorica)

-   Quốc khánh: 13/07 (Montenegro được công nhận như một công quốc độc lập có chủ quyền tại Hội nghị các cường quốc tại Béc-lin từ 13/06 – 13/07/1878).

-   Vị trí địa lý: ở Đông-Nam Âu, trên bán đảo Ban-căng, có chung đường biên giới với Xéc-bi-a, Bô-xni-a - Héc-dê-gô-vi-na, An-ba-ni, Crô-a-ti-a và biển A-đri-a-tích.

-   Diện tích: 14.026 km2

-   Địa hình: Đa phần là núi đá.

-   Khí hậu: Vùng ven biển có khí hậu Địa Trung Hải, mùa hè khô mát, mùa đông mưa. Khu vực miền núi có lượng mưa nhiều nhất Châu Âu (4.928 mm/năm)

-   Dân số: 644.578 người, trong đó, 61% sống ở thành thị. Phân bố lao động: nông nghiệp (5,3%), công nghiệp (17,9%), dịch vụ (76,8%).

-   Dân tộc: Người Môn-tê-nê-grô chiếm 45%, người Xéc-bi-a 28,7%, người Bô-xni-a 8,7%, người An-ba-ni 4,9%, còn lại 12,7% là người các dân tộc khác như Crô-át, Di-gan, Hồi giáo...

-   Tôn giáo: Chính thống giáo (72,1%), Hồi giáo (19,1%), Thiên chúa (3,4%)...

-   Ngôn ngữ: tiếng Môn-tê-nê-grô (37% - ngôn ngữ chính thức), tiếng Xéc-bi (42,9%), tiếng Bô-xni-a (5,3%), tiếng An-ba-ni (5,3%)...

-   Cơ cấu hành chính: Gồm 21 tỉnh, thành phố.

-   Đơn vị tiền tệ: Euro

-   GDP: 4,24 tỷ USD, trong đó nông nghiệp chiếm 8,3%, công nghiệp 21,2%, dịch vụ 70,5%.

-   GDP/đầu người: 17,000 USD

- Lãnh đạo chủ chốt

· Tổng thống: Phi-líp Vui-a-nô-vích (Filip Vujanovic; thuộc Đảng Dân chủ của những người XHCN - DPS), từ 06/04/2008 và tái đắc cử năm 2013.

· Chủ tịch Quốc hội: I-van Bờ-rai-rô-víc (Ivan Brajović; thuộc Đảng SD), từ tháng 8/2006.  

· Thủ tướng: Đúc-xkô Ma-ko-víc (Duško Marković; thuộc DPS) từ 24/11/2016.

· Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nhập Châu Âu: Xờ-di-an Da-man-nô-víc (Srdjan Darmanović) từ tháng 28/11/2016.

 

II/ Khái quát lịch sử

Môn-tê-nê-grô đã 3 lần gia nhập Liên bang Nam Tư. Lần thứ nhất ngày 01/12/1918, khi Vương quốc của người Xéc-bi, người Crô-át và người Xlô-ven được thành lập, Môn-tê-nê-grô ở trong Vương quốc này (đến năm 1929 đổi tên thành Vương quốc Nam Tư). Ngày 29/01/1943, Hội đồng chống phát-xít giải phóng Nam Tư ra quyết định về những vấn đề căn bản liên quan tới việc thành lập Liên bang Nam Tư. Đó cũng là ngày ra đời của Nhà nước Liên bang Nam Tư lần thứ hai. Tháng 11/1945, nước Cộng hòa nhân dân Liên bang Nam Tư chính thức được thành lập và năm 1963 đổi tên thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Nam Tư. Môn-tê-nê-grô là một trong 6 nước Cộng hòa thuộc Nhà nước Liên bang này.

Vào đầu những năm 1990, các nước Cộng hòa như Xlô-vê-ni-a, Crô-a-ti-a, Ma-xê-đô-ni-a và Bô-xni-a – Héc-dê-gô-vi-na lần lượt tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Nam Tư. Ngày 24/04/1992, Xéc-bi-a và Môn-tê-nê-grô thỏa thuận lập Liên bang Nam Tư mới (đây là lần thứ 3 Môn-tê-nê-grô gia nhập Liên bang Nam Tư), sau đổi thành “Liên bang Xéc-bi-a và Môn-tê-nê-grô”. Năm 2003, Liên bang này thông qua Hiến pháp mới nhằm duy trì và đổi mới Liên bang. Đây là hình thức liên minh lỏng lẻo, Nhà nước chung chỉ nắm các lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng, còn các lĩnh vực khác do từng nước Cộng hòa đảm nhận và sau 3 năm các nước Cộng hòa trong Liên bang có quyền tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập của mình. Ngày 21/05/2006, Môn-tê-nê-grô đã tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập, với tỷ lệ 55% cử tri ủng hộ tách khỏi “Liên bang Xéc-bi-a và Môn-tê-nê-grô”. Ngày 03/06/2006, Quốc hội Môn-tê-nê-grô đã nhất trí thông qua kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trên, tuyên bố Môn-tê-nê-grô là quốc gia độc lập, có chủ quyền.

 

III. Thể chế nhà nước

Môn-tê-nê-grô theo mô hình nhà nước cộng hòa nghị viện – tổng thống. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia, được dân bầu trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm, có quyền ban hành luật, tuyên bố bầu cử Quốc hội, chỉ định ứng cử viên Thủ tướng để Quốc hội thông qua, đề nghị trưng cầu ý dân… Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách đối nội và đối ngoại. Quốc hội gồm 75 ghế, được dân bầu trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm.

Bầu cử Quốc hội gần đây nhất diễn ra vào ngày 14/10/2012. Kết quả là Liên minh cánh tả “Vì một Môn-tê-nê-grô Châu Âu” tiếp tục giành thắng lợi với 46% phiếu bầu.

 

IV. Giới thiệu về kinh tế

Môn-tê-nê-grô là một nền kinh tế nhỏ, chủ yếu dựa vào dịch vụ, hướng tới trở thành một điểm đến du lịch của Châu Âu, có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các điểm du lịch cũng như các dự án hạ tầng cơ sở lớn. Vào những năm 2006-2007, thị trường bất động sản tại đây phát triển nhanh, đặc biệt là các bất động sản ven biển. Tính bình quân đầu người, năm 2008, FDI vào Môn-tê-nê-grô cao nhất Châu Âu. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng toàn cầu, nhiều dự án bị chậm tiến độ. Các bạn hàng chủ yếu của Môn-tê-nê-grô là Xéc-bi-a, Hy Lạp, I-ta-li-a và Hung-ga-ri.

 

Một số số liệu năm 2016

Tăng trưởng GDP: 3,7%

Lạm phát: 1,7%

Thất nghiệp: 17,1%

Thâm hụt ngân sách: 7,5% GDP

Nợ công: 70,7% GDP

Nợ nước ngoài: 1,576 tỷ USD

Dự trữ ngoại tệ: 0,6 tỷ USD

FDI lũy kế: 0,48 tỷ USD

Đầu tư ra nước ngoài lũy kế: 0,13 tỷ USD

Xuất khẩu: 0,37 tỷ USD; đối tác chủ yếu: Crô-a-ti-a (22,7%), Xéc-bi-a (22,7%), Xlô-vê-ni-a (7,8%)…

Nhập khẩu: 1,98 tỷ USD; đối tác chủ yếu: Xéc-bi-a (29,3%), Hy Lạp (8,7%), Trung Quốc (7,1%)…

 

V. Chính sách đối ngoại

Chính sách đối ngoại của Môn-tê-nê-grô chủ yếu tập trung vào mục tiêu Hội nhập EU và NATO (Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Ngày 05/6/2017, NATO chính thức kết nạp Montenegro chính thức trở thành thành viên thứ 29 của tổ chức; tăng cường quan hệ láng giềng và hợp tác khu vực.

Hiện Môn-tê-nê-grô đã tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực như: FAO, IAEA, ICAO, IMF, Interpol, Phong trào KLK (quan sát viên), OIF (quan sát viên), OSCE, LHQ, UNCTAD, UNESCO, UNHCR, UPU, WHO, WTO…

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - MÔN-TÊ-NÊ-GRÔ

 

Việt Nam tuyên bố công nhận nước Cộng hòa Môn-tê-nê-grô ngày 28/06/2006 và lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Môn-tê-nê-grô ngày 04/08/2006. Đại sứ quán ta tại Ru-ma-ni kiêm nhiệm Môn-tê-nê-grô, Đại sứ quán Bạn tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam. Do Môn-tê-nê-grô mới tách khỏi Nam Tư, vị trí địa lý xa xôi nên quan hệ giữa Việt Nam và Môn-tê-nê-grô chưa nhiều. Bạn đã ủng hộ ta ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Bạn cho biết, hàng năm Môn-tê-nê-grô nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với trị giá khoảng 5 triệu EUR./.

Tháng 7 năm 2017



Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn