TÀI LIỆU CƠ BẢN QUAN HỆ VIỆT NAM - VATICAN
TÀI LIỆU CƠ BẢN QUAN HỆ VIỆT NAM - VA-TI-CĂNG
TÀI LIỆU CƠ BẢN
VỀ TÒA THÁNH VA-TI-CĂNG (VATICAN)
-----
I. THÔNG TIN CƠ BẢN:
Tên nước Va-ti-căng (Vatican), tên thường dùng: Va-ti-căng (Vatican). Tên Va-ti-căng có trước khi Thiên chúa giáo ra đời, xuất phát từ chữ La tinh Mons Vaticanus, nghĩa là ngọn đồi Va-ti-căng.
Thủ đô Thành phố Va-ti-căng (Vatican City).
Vị trí địa lý Nằm phía Tây Bắc thủ đô Rô-ma (I-ta-li-a) trên đồi Va-ti-căng.
Diện tích 0,44 km2, là quốc gia nhỏ nhất thế giới, gồm thành phố Va-ti-căng, 23 địa điểm ở Rô-ma và 5 địa điểm ngoài Rô-ma.
Khí hậu Ôn hòa, mùa đông có mưa (tháng 9 đến tháng 5), mùa hè khô nóng (tháng 5 đến tháng 9).
Dân số Khoảng 800 người trong đó hơn 450 người có quốc tịch Va-ti-căng, số còn lại được tạm trú hoặc thường trú; 50% người mang quốc tịch Va-ti-căng sống bên ngoài Va-ti-căng do đa số họ là các nhà ngoại giao. Ngoài ra còn có khoảng 2880 người làm việc cho 64 tổ chức của Tòa thánh.
Dân tộc Hơn 50 quốc tịch, người I-ta-li-a chiếm đa số, còn có người Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Việt Nam...
Ngôn ngữ Tòa thánh không có quy định về ngôn ngữ chính thức, sử dụng tiếng Latin trong các văn bản chính thức quan trọng và tiếng I-ta-li-a trong các văn bản luật; trang web của Thành phố Va-ti-căng dùng tiếng I-ta-li-a, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và trang web của Tòa thánh dùng thêm tiếng La-tinh, Bồ Đào Nha và Trung Quốc.
Đơn vị tiền tệ Euro
Tôn giáo Công giáo La Mã.
Lãnh đạo chủ chốt Giáo hoàng Phơ-răng-xít (Francis, từ 13/3/2013 đến nay); Quốc vụ khanh (Thủ tướng) Hồng y Pi-ê-tơ-rô Pa-rô-lin (Pietro Parolin) ; Bộ trưởng Ngoại giao Phao Ri-chát Gha-la-ghơ (Paul Richard Gallagher).
II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:
Ba thế kỷ đầu CN Giáo hội Thiên chúa giáo (Christianity) ra đời ở bờ Tây Địa Trung Hải, nhanh chóng truyền sang Sy-ri-a, Mesopotamia, Tiểu châu Á và Ai Cập. Tuy nhiên, Giáo hội bị truy quét và đặt ra ngoài vòng pháp luật đồng thời không được sở hữu đất đai.
Năm 380 Vua Thê-ô-đô-xi-út I công nhận Thiên chúa giáo là tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã, tài sản đất đai của Giáo hội tăng nhanh nhờ hiến tặng.
Năm 756 Vua Pê-panh của đế quốc Phờ-răng-kít (tiền thân Pháp ngày nay) tặng các vùng đất chiếm được cho Giáo hoàng. Nhà nước Giáo hoàng do Giáo hoàng đứng đầu ra đời.
Năm 1054 Các phái viên La Mã tuyên bố Giáo hội La Mã (church of Rome) đứng đầu các tôn giáo. Giáo hội Công giáo La Mã chính thức ra đời, là một nhánh của Thiên chúa giáo.
1305 - 1378 Giáo hoàng sống ở A-vi-nhông (Pháp).
Từ 1378 Giáo hoàng quay về sống ở Rô-ma (I-ta-li-a).
Thế kỷ XVIII Lãnh thổ Nhà nước Giáo hoàng được mở rộng nhất, gồm hầu hết miền Trung I-ta-li-a, hai khu vực miền Nam I-ta-li-a và vùng Com-ta Vê-nai-sin miền Nam nước Pháp.
1831 - 1849 I-ta-li-a nổi dậy chống lại Nhà nước Giáo hoàng, tuyên bố lập các tỉnh I-ta-li-a thống nhất và Cộng hòa La Mã, lãnh thổ Nhà nước Giáo hoàng thu hẹp nhiều.
1860 Tiến trình thống nhất I-ta-li-a bắt đầu.
20/9/1870 Quân đội I-ta-li-a tiến vào Rô-ma, Giáo hoàng chỉ còn nắm giữ phần bờ Tây sông Ti-bê ở thủ đô Rô-ma gồm cả thành phố Va-ti-căng hiện nay. Dù Giáo hoàng không còn là nguyên thủ của Nhà nước Giáo hoàng, các nước có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh vẫn giữ quan hệ.
11/02/1929 Bê-ni-tô Mút-xô-li-ni và Hồng y Gát-xơ-pa-ri ký Hiệp ước La-tê-răng công nhận độc lập của Va-ti-căng từ I-ta-li-a, Nhà nước Va-ti-căng ra đời.
06/4/1964 Tòa thánh Va-ti-căng trở thành quan sát viên Liên hợp quốc.
III. CHÍNH TRỊ:
Nói đến Va-ti-căng cần phân biệt hai khái niệm “Tòa thánh Va-ti-căng” (the Holy See) và “Thành quốc Va-ti-căng” (Vatican City State): Tòa thánh Va-ti-căng dùng để chỉ tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo Rô-ma toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế, có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao các nước trong khi Thành quốc Va-ti-căng là vùng lãnh thổ cụ thể của Tòa thánh, có dân số ít (thường dưới 1000 người) và có những dịch vụ cơ bản như ngân hàng, báo chí, ga xe điện, trạm xăng, bệnh viện, bưu chính...
Đứng đầu Tòa thánh là Giáo hoàng được trị vì trọn đời và có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Giáo hoàng cũng là Giám mục giáo phận Rô-ma. Khi Giáo hoàng tại vị qua đời, một Hội đồng Hồng y toàn cầu gồm khoảng 120 thành viên dưới 80 tuổi sẽ nhóm họp tại Va-ti-căng để bầu ra Giáo hoàng trong số này. Năm 2013, Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo tuyên bố từ chức vì tuổi già sau 8 năm tại vị. Giáo hoàng hiện nay mang tước hiệu Phơ-răng-xít (Francis) được bầu ngày 13/3/2013 thay Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI.
Giáo hoàng lãnh đạo Tòa thánh và Giáo hội thông qua Giáo triều Rô-ma (Roman Curia) - bộ máy hoạt động trung tâm của Tòa thánh. Phủ Quốc vụ khanh, ra đời từ thế kỷ 15, đứng đầu là Quốc vụ khanh được Giáo hoàng bổ nhiệm - chức vụ như Thủ tướng các nước, vai trò quan trọng thứ hai sau Giáo hoàng. Phủ Quốc vụ khanh là cơ quan duy nhất của Giáo triều nằm trong thành phố Va-ti-căng, các cơ quan còn lại của Giáo triều nằm rải rác ở Rô-ma.
Về an ninh và quân đội, từ năm 1506, Tòa thánh có bộ phận lính gác Thụy Sỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cá nhân của Giáo hoàng. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ phận lính gác này chỉ mang tính nghi lễ và việc giữ gìn an ninh của Tòa thánh được giao cho bộ phận lính gác dân sự. Tòa thánh không có quân đội, việc phòng vệ Tòa thánh do I-ta-li-a đảm nhiệm.
IV. Kinh tế:
Phụ trách kinh tế của Tòa thánh là Cơ quan về các vấn đề kinh tế (Prefecture for the Economic Affairs of the Holy See) thuộc Giáo triều Rô-ma có trách nhiệm kiểm toán tất cả các văn phòng của Giáo triều và chuẩn bị báo cáo tài chính chung. Ngoài ra còn có Cục Tài sản Tòa thánh (Administration of the Patrimony of the Apostolic See) thuộc Giáo triều quản lý tất cả tài sản của Tòa thánh kể cả bất động sản.
Khác với các quốc gia thông thường, Tòa thánh có nền kinh tế khá đặc thù với 3 nguồn thu chính: (i) ngân hàng Va-ti-căng quản lý mọi hoạt động tài chính, dùng đồng euro và đồng xu riêng; (ii) khoản thu St. Peter’s Penance là đóng góp tự nguyện của du khách thăm quảng trường Thánh Peter; (iii) các khoản đầu tư của Va-ti-căng ở các ngân hàng, tổ chức tài chính toàn cầu. Các khoản thu này dùng để chi cho hoạt động của Giáo triều, các cơ quan đại diện ngoại giao của Tòa thánh và các ấn phẩm báo chí. Thành phố Va-ti-căng có ngân sách riêng thu từ việc bán tem thư, đồng xu, đồ lưu niệm, vé vào bảo tàng và in sách. Ngoài ra, hàng năm có các cuộc quyên góp ở các giáo phận trực tiếp cho vào quỹ Peter’s Pence để Giáo hoàng dùng làm từ thiện, cứu trợ nhân đạo và trợ giúp Giáo hội các nước đang phát triển. Năm 2014, tổng tài sản ròng của Tòa thánh hơn 1,1 tỉ euro và tổng nợ là 222 triệu euro; thâm hụt ngân sách là 25,6 triệu euro.
Một điểm đặc biệt nữa là Va-ti-căng không áp bất kỳ khoản thuế nào đối với mọi hoạt động liên quan đến kinh tế trong phạm vi thành phố Va-ti-căng. Nhân viên của Va-ti-căng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân cũng như thuế xăng dầu hay hàng hóa mua tại Va-ti-căng.
V. Văn hóa:
Thành phố Va-ti-căng, thủ đô của Tòa thánh là nơi lưu giữ các công trình kiến trúc, mỹ thuật có giá trị nghệ thuật và lịch sử của nhân loại. Quảng trường và Thánh đường thánh Phê-rô, nhà nguyện Sít-xơ-tin là nơi trưng bày những tác phẩm điêu khắc, hội họa của các bậc thầy kiến trúc lừng danh như Bốt-ti-xeo-li, Bê-ni-ni và Michelangelo. Thư viện Va-ti-căng và những bộ sưu tập của viện bảo tàng Va-ti-căng có tầm quan trọng rất lớn về lịch sử, khoa học và văn hóa. Va-ti-căng cũng là một trong những điểm đến thu hút du khách hàng đầu trên thế giới. Năm 1984, Va-ti-căng trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất đến nay được UNESCO công nhận toàn bộ lãnh thổ là Di sản Văn hóa thế giới.
VI. Đối ngoại:
Cơ quan đối ngoại của Tòa thánh là Bộ Quan hệ với các Nhà nước (Bộ Ngoại giao) thuộc Phủ Quốc vụ khanh, có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước và các chủ thể của công pháp quốc tế; đại diện cho Tòa thánh tại các tổ chức và hội nghị quốc tế; phụ trách các việc liên quan đến Đặc phái viên Giáo hoàng, cơ cấu tổ chức các Giáo hội cụ thể; làm việc với các chính quyền dân sự liên quan đến thi hành Thỏa ước. Bộ Quan hệ với các Nhà nước có 1 Bộ trưởng và 1 Thứ trưởng. Hiện Tòa thánh có quan hệ ngoại giao với 180 nước, có 106 cơ quan đại diện thường trú của trên toàn cầu, được tổ chức gọn nhẹ, tối đa 2 người, kiêm nhiệm nhiều nước, khá am hiểu lịch sử cũng như tình hình nước sở tại và thông thạo tiếng bản địa.
Trong hoạt động đối ngoại của mình, Tòa thánh tập trung vào các ưu tiên sau: (i) ưu tiên cao nhất là bảo vệ và thúc đẩy tự do cho các tín đồ Công giáo và thể chế của Giáo hội, không ngừng củng cố và mở rộng ảnh hưởng của Công giáo; (ii) bảo vệ các quyền cơ bản của con người; (iii) bảo vệ và thúc đẩy hòa bình thế giới, tích cực làm trung gian hòa giải xung đột; (iv) hỗ trợ tất cả các cơ chế đảm bảo một nền dân chủ thực sự vì người dân; (v) hướng tới một trật tự quốc tế công bằng, coi trọng vai trò của luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Hội đồng châu Âu...
Về cơ bản, hoạt động ngoại giao của Tòa thánh có ý nghĩa tích cực đóng góp cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên, thông qua chính các hoạt động này, thực tế Tòa thánh cũng đã góp phần một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào các sự kiện chính trị ở các nước nơi Công giáo có ảnh hưởng quan trọng, như sự sụp đổ của chế độ độc tài Pi-nô-chê ở Chi-lê hay sự ra đi của Tổng thống Mác-cót ở Phi-líp-pin... Đặc biệt, trong những năm 90, Tòa thánh và cá nhân cố Giáo hoàng Gioăng Phao-lô II được dư luận nhìn nhận là đã đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi chế độ tại Ba Lan cũng như thúc đẩy sự sụp đổ nhanh chóng của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Trung Đông Âu trước đây.
Trên phương diện song phương, quan hệ giữa Tòa thánh và các nước có 3 hình thức phổ biến là Sứ thần (Apostolic Nuncio, gồm thường trú và kiêm nhiệm, là quan hệ đầy đủ nhất giữa Tòa thánh với một nước trên cả hai mặt ngoại giao và tôn giáo); Khâm sứ (Apostolic Delegate, gồm thường trú và không thường trú, mức thấp hơn Sứ thần do chỉ quan hệ về mặt tôn giáo); Phái viên của Giáo hoàng (legate, thay mặt Giáo hoàng đến một nước hoặc Giáo hội địa phương giải quyết vấn đề nhất định thường là các sự kiện hay lễ kỷ niệm đặc biệt của Công giáo). Tòa thánh là quốc gia châu Âu duy nhất có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trong số 14 nước chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, 10 nước chỉ có quan hệ ở mức Khâm sứ (Bru-nây, Quốc đảo Cô-mô-rô, Mau-ri-ta-ni-a, Ô-man, Xô-ma-li, My-an-ma, Lào, Tu-va-lu, đảo An-ti, Ix-ra-en) và 4 nước chưa có quan hệ là Bu-tan, Man-đi-vơ, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc. Việt Nam là nước có đại diện Giáo hoàng (ta gọi là Đặc phái viên không thường trú) trong khi Áp-gha-nít-tăng và Ả-rập Xê-Út là hai nước không có quan hệ ngoại giao, không có Khâm sứ nhưng lại có liên lạc chính thức giữa hai bên.
Trên phương diện đa phương, đến nay Tòa thánh đã cử đại diện bên cạnh 33 cơ quan, tổ chức quốc tế và 10 cơ quan, tổ chức khu vực với tư cách thành viên chính thức. Tại Liên hiệp quốc, Tòa thánh hưởng quy chế quan sát viên thường trực từ năm 1964.
QUAN HỆ VIỆT NAM - VA-TI-CĂNG
-----
I. TÌNH HÌNH QUAN HỆ VIỆT NAM - VA-TI-CĂNG:
Hiện nay, hai bên chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Quá trình quan hệ Việt Nam - Tòa thánh từ trước đến nay có thể chia làm 03 giai đoạn:
1. Giai đoạn bắt đầu truyền giáo đến 1945:
- Năm 1533, theo Khâm Định Việt Sử, giáo sỹ Công giáo đầu tiên đến Việt Nam truyền đạo tại làng Ninh Cường, rồi qua làng Quần Anh và làng Trà Lũ (Nam Định ngày nay).
- Năm 1659, Giáo hoàng A-lếch-xăng-đơ VII lập hai giáo phận đầu tiên ở Việt Nam: Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào bao gồm cả Chiêm Thành và Campuchia) và Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra gồm cả một số địa phận ở miền Nam Trung Quốc) với mục tiêu truyền giáo trên toàn Đông Dương. Năm 1663, Hội Thừa sai Paris ra đời nhằm khuyến khích các nhà truyền giáo tới Đông Nam Á. Năm 1679, Tòa thánh chia giáo phận Đàng Ngoài thành Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài và giao cho Hội Thừa sai Pa-ri phụ trách. Năm 1884, giáo phận Đàng Trong được chia thành 2 giáo phận Bắc Đàng Trong và Nam Đàng Trong.
- Năm 1774, giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) giúp Nguyễn Ánh trong cuộc xung đột với nghĩa quân Tây Sơn, sau đó được Nguyễn Ánh cử đi cầu viện Pháp và ủy quyền ký Hiệp ước Véc-xây giữa Pháp và nhà Nguyễn. Năm 1858, Pháp bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam và lợi dụng Công giáo như một lực lượng đắc lực phục vụ cho việc thống trị của mình. Ngược lại, Công giáo cũng thông qua việc câu kết với thực dân Pháp để mở rộng truyền giáo. Điều này đã buộc nhà Nguyễn ban hành các chỉ dụ cấm đạo, một phần vì lo ngại Công giáo ảnh hưởng đến lợi ích nhà Nguyễn, một phần vì Công giáo đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc (không thờ cúng tổ tiên…). Sau nhiều chỉ dụ cấm đạo, đến năm 1869 vua Tự Đức ra chỉ dụ bãi bỏ việc cấm đạo Công giáo.
- Ngày 20/5/1925, Tòa thánh lập Tòa Khâm sứ Đông Dương đặt tại Phú Cam - Huế và cử Khâm sứ Tòa thánh đến Việt Nam (đến năm 1951 Tòa Khâm sứ được chuyển ra Hà Nội và đặt tại 42 Nhà Chung). Năm 1933, lần đầu tiên Tòa thánh đã phong chức giám mục cho người Việt Nam. Năm 1945, Tòa thánh bổ nhiệm thêm 4 giám mục người Việt.
2. Giai đoạn từ 1945 - 1990:
- Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tòa thánh tỏ thái độ thù địch với ta. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 vạch ra giới tuyến quân sự tạm thời chia hai miền để giải giáp quân đội và tổng tuyển cử, Giáo hội Công giáo đã hậu thuẫn hàng vạn giáo dân từ miền Bắc di cư vào Nam “theo Chúa”. Năm 1955, Tòa thánh rút Khâm sứ khỏi miền Bắc; công nhận chính quyền Ngô Đình Diệm và lập Tòa Khâm sứ tại Sài Gòn năm 1959. Từ đầu những năm 60, khi cuộc chiến xâm lược của Mỹ lan rộng ở Việt Nam, trên thế giới hình thành một phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam, phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ, Tòa thánh mới bắt đầu thay đổi thái độ.
- Ngày 24/11/1960, Giáo hoàng Giôn XXIII ra Sắc chỉ thiết lập hàng giáo phẩm Công giáo ở Việt Nam đồng thời chuyển tất cả các tòa giám mục của 20 giáo phận từ “hiệu tòa” lên “chánh tòa” và lập 3 Tổng Giáo phận Hà Nội, Huế, Sài Gòn, đánh dấu sự ra đời của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
- Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, ta yêu cầu Khâm sứ Tòa thánh rời Việt Nam. Tháng 8/1975, Khâm sứ Tòa thánh rời Sài Gòn, chấm dứt sự có mặt của đại diện Tòa thánh tại Việt Nam.
- Ngày 01/5/1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập gồm tất cả các giám mục giáo phận và ra Thư chung với phương châm “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (được biết đến với tên Thư chung 1980 mang nhiều nội dung tích cực về đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam).
- Năm 1988, Giáo hoàng phong Thánh tử đạo cho 117 giáo sỹ Công giáo trong đó phần lớn là người Việt (nhiều người bị kết tội phản quốc và tử hình) mà không trao đổi với Chính phủ ta, gây bất bình sâu sắc đối với dư luận.
- Tháng 7/1989, Tòa thánh cử Hồng y Rô-giơ Ét-chê-ga-ray (Chủ tịch Hội đồng Đồng tâm và Ủy ban Công lý và Hòa bình của Tòa thánh) thực hiện chuyến thăm mục vụ đầu tiên tại Việt Nam kể từ sau 1975.
3. Giai đoạn từ 1990 đến nay:
- Tiếp chuyến thăm tháng 7/1989, Hồng y Rô-giơ Ét-chê-ga-ray lại thăm Việt Nam tháng 11/1990, chính thức đánh dấu việc nối lại các tiếp xúc giữa hai bên.
- Kể từ đó, liên tục hàng năm, Tòa thánh đều cử đoàn Thứ trưởng Ngoại giao thăm Việt Nam, trao đổi với Ban Tôn giáo Chính phủ và giải quyết các vấn đề mục vụ của Giáo hội. Song song, cấp tiếp xúc giữa hai bên cũng tăng dần.
- Tháng 01/2007, nhân chuyến thăm I-ta-li-a, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI và Quốc vụ khanh Béc-tô-nê. Phía Vatican (Quốc vụ khanh) cho rằng “Việt Nam là một hình mẫu về chính sách tôn giáo gắn với sự phát triển của cộng đồng” và đề nghị hai bên xem xét thiết lập quan hệ ngoại giao.
- Tháng 6/2009, tại cuộc tiếp các giám mục Việt Nam nhân dịp Ad Limina tại Roma, Giáo hoàng đã có Huấn dụ kêu gọi “giáo dân phải là công dân tốt”, giáo dân phải có nghĩa vụ đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước và nhắc nhở Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện đường lối “Phúc âm giữa lòng dân tộc” tại Thư chung năm 1980.
- Tháng 11/2008, hai bên nhất trí thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam – Va-ti-căng, họp thường niên và luân phiên ở Việt Nam và Va-ti-căngg. Từ 16-17/02/2009, Cuộc họp Vòng I Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Va-ti-căng đã diễn ra tại Hà Nội để trao đổi sâu rộng và tổng thể về các vấn đề trong quan hệ kể cả các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam. Đến nay, hai bên đã tổ chức 5 vòng họp. Cuộc họp Vòng V được tổ chức tháng 9/2014.
- Ngày 23-25/6/2010, tại cuộc họp Vòng II Nhóm Công tác hỗn hợp tại Va-ti-căng nhất trí, bước đầu Giáo hoàng sẽ cử một Đặc phái viên không thường trú của Vatican được định kỳ vào Việt Nam để trao đổi về các vấn đề mục vụ và các vấn đề liên quan. Ngày 13/01/2011, Tòa thánh công bố Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI quyết định bổ nhiệm Tổng giám mục Lê-ô-pôn-đô Ghi-rê-li làm Đặc phái viên không thường trú của Va-ti-căng tại Việt Nam.
- Ngày 27-28/02/2012 tại Hà Nội, hai bên tổ chức Cuộc họp Vòng III Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Va-ti-căng. Ngày 11-18/6/2013, hai bên tổ chức Cuộc họp Vòng IV Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Va-ti-căng tại Va-ti-căng. Ngày 07-10/9/2014, hai bên tổ chức Cuộc họp Vòng V Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Va-ti-căng tại Hà Nội bàn thảo các vấn đề liên quan. Tháng 10/2016 đã diễn ra cuộc họp vòng VI Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican.
- Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao ta sang Va-ti-căng: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (01/2013); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3/2014); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (12/2009); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (01/2007 và 10/2014); Chủ tịch UBTW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân (7/2015); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016).
II. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI VA-TI-CĂNG:
Cộng đồng người Việt ở Va-ti-căng chia thành hai nhóm: nhóm làm việc cho Tòa thánh và nhóm lưu trú. Trong nhóm làm việc có thể kể các quan chức Tòa thánh như Tổng giám mục Nguyễn Văn Tốt (hiện là Sứ thần Tòa thánh ở Sri-lanka, đã từng là Sứ thần ở Bê-nanh và Tô-gô năm 2002, Sứ thần ở Chát và Cộng hòa Trung Phi năm 2005-2008 và Sứ thần ở Cót-ta Ri-ca); ông cũng là quan chức người Việt cao cấp nhất trong Tòa thánh nếu không kể đến cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận), ông Cao Minh Dung (Tham tán Bộ Ngoại giao Va-ti-căng)... Nhóm lưu trú bao gồm các chủng sinh, giáo sỹ Công giáo Việt Nam sang tu học tại Va-ti-căng (thường có khoảng 40 linh mục, giáo sỹ sang du học và lưu trú)./.
Cập nhật 06-05-2016
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |