Tài liệu cơ bản Angola tháng 8/2020
BỘ NGOẠI GIAO
Vụ Trung Đông - châu Phi
TÀI LIỆU CƠ BẢN
CỘNG HOÀ ĂNG-GÔ-LA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
---------------
I. Khái quát:
- Tên nước: Cộng hòa Ăng-gô-la (República de Angola).
- Thủ đô: Lu-an-đa (Luanda).
- Vị trí địa lý: nằm ở phía Tây Nam châu Phi, phía Bắc giáp CHDC Công-gô (Congo Kinshasa) và CH Công-gô (Congo Brazzaville) phía Đông giáp Dăm-bi-a (Zambia) phía Nam giáp Na-mi-bi-a (Namibia) và phía Tây giáp Đại Tây Dương.
- Diện tích: 1.246.700 km2.
- Dân số: 30,8 triệu người (2018).
- Tôn giáo: Công giáo (38%), Tin lành (15%), các tôn giáo địa phương (47%).
- Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ chính thức), tiếng Ban-tu và một số ngôn ngữ địa phương được sử dụng phổ biến.
- Đơn vị tiền tệ: Kwanza (1 USD = 567.00 AOA, 7/2020).
- Quốc khánh: 11/11/1975.
- Tổng thống: Giô-ao Ma-nu-en Gôn-xa-vét Lô-ren-xô (João Manuel Gonçalves Lourenço, từ tháng 09/2017).
- Chủ tịch Quốc hội: Phéc-nan-đô đa Pi-e-đát Đi-át Đốt Xan-tốt (Fernando da Piedade Dias dos Santos, từ tháng 9/2012).
- Bộ trưởng Ngoại giao: Têt-tờ An-tô-ni-u (Tete António, từ tháng 4/2020).
II. Lịch sử:
Từ thế kỷ 15, Bồ Đào Nha đến xâm chiếm miền đất Ăng-gô-la ngày nay, biến thành thuộc địa và nơi buôn bán nô lệ da đen, thống trị suốt 5 thế kỷ.
Ngày 11/11/1975, Phong trào Nhân dân Giải phóng Ăng-gô-la (MPLA) tuyên bố độc lập, thành lập Cộng hoà Nhân dân Ăng-gô-la, nay là CH Ăng-gô-la.
Sau độc lập, Ăng-gô-la thi hành đường lối đối nội, đối ngoại tích cực, quan hệ gắn bó với các nước XHCN và Phong trào giải phóng dân tộc.
Sau khi giành được độc lập, Ăng-gô-la rơi vào nội chiến giữa Phong trào Nhân dân Giải phóng Ăng-gô-la (MPLA) và Liên minh Quốc gia vì độc lập toàn vẹn của Ăng-gô-la (UNITA). Năm 2002, nội chiến chấm dứt với thắng lợi thuộc về MPLA. Tại cuộc bầu cử quốc hội tháng 9/2008, Đảng MPLA thắng lợi áp đảo, giành được 191/220 ghế nghị sỹ, đứng ra thành lập chính phủ.
Tại cuộc bầu cử tháng 9/2017, MPLA giành 61,1% số phiếu bầu. Ứng cử viên Tổng thống João Manuel Gonçalves Lourenço (Bộ trưởng Quốc phòng 4/2014 - 9/2017) trở thành Tổng thống thứ 3 của Ăng-gô-la kể từ khi giành được độc lập năm 1975.
III. Chính trị:
1. Đối nội:
Thể chế chính trị: Cộng hòa Tổng thống.
Tổng thống là người đứng đầu Đảng cầm quyền, Nhà nước và Chính phủ. Tổng thống Ăng-gô-la có 01 Phó Tổng thống 05 Bộ trưởng trợ giúp công việc và 28 Bộ chuyên môn, không có Thủ tướng. Tổng thống được quyền chỉ định và sa thải các chức vụ trong nội các.
Ngày 27/3/2020, Tổng thống Ăng-gô-la ký sắc lệnh cải tổ nội các, giảm từ 28 còn 21 Bộ.
Theo Hiến pháp Ăng-gô-la (được Quốc hội thông qua năm 2010), ứng cử viên của đảng giành thắng lợi Tổng tuyển cử sẽ được coi là Tổng thống, có nhiệm kỳ 5 năm và được tranh cử thêm 1 nhiệm kỳ. Hiến pháp cũng cho phép lập chức danh Phó Tổng thống từ 2010.
2. Một số đảng phái chính trị chính tại Ăng-gô-la:
- Đảng MPLA cầm quyền (Phong trào Nhân dân Giải phóng Ăng-gô-la);
- Đảng UNITA, Đảng đối lập chính (Liên minh Quốc gia vì Độc lập toàn vẹn của Ăng-gô-la);
- Đảng CASA-CE (Đại hội Cứu rỗi Ăng-gô-la - Liên minh bầu cử) thành lập tháng 4/2012.
- Đảng FNLA (Mặt trận Dân tộc Giải phóng Ăng-gô-la);
3. Quốc hội: 220 ghế. Chủ tịch Quốc hội là đại diện của đảng giành chiến thắng trong Tổng tuyển cử (số thành viên theo các đảng chính trị: MPLA 150, UNITA 51, CASA-CE 16, PRS 2, FNLA 1).
4. Đối ngoại:
Ăng-gô-la theo đường lối Không liên kết (KLK), đa dạng hóa quan hệ với các nước: (i) ưu tiên các nước nói tiếng Bồ và các nước khu vực, đặc biệt là miền Trung và Nam châu Phi; (ii) tranh thủ quan hệ với Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc; (iii) duy trì quan hệ với các nước bạn bè truyền thống.
Ăng-gô-la là thành viên của Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Phi (AU), KLK, Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Thị trường chung Đông Nam Phi (COMESA), Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha (PALOP), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC)…
IV. Kinh tế:
Ăng-gô-la có nhiều tài nguyên thiên nhiên với các loại như dầu mỏ, vàng, kim cương, sắt, phốt phát, bô-xít, uranium, xi măng. Kinh tế Ăng-gô-la phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô và khai thác kim cương. Dầu lửa chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu, đóng góp khoảng hơn 60% GDP của Ăng-gô-la. Nông nghiệp với các loại nông sản chính như chuối, mía, cà phê, ngô, bông, sắn, hải sản… Lĩnh vực dịch vụ của Ăng-gô-la khá phát triển, chiếm tới 24,6% GDP.
Nông nghiệp thu hút 85% dân số nhưng chỉ tạo ra 9,6% của cải xã hội. Ăng-gô-la không tự túc được lương thực do sản xuất lương thực trong nước yếu kém, phụ thuộc chặt chẽ vào nước ngoài trong việc nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng, nhu yếu phẩm. Hàng năm Ăng-gô-la phải nhập khẩu khoảng 400 ngàn tấn gạo, người dân Ăng-gô-la (đặc biệt ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa) thường xuyên thiếu lương thực và bị bệnh tật đe dọa.
Kể từ cuối 2014 đến nay, Ăng-gô-la gặp nhiều khó khăn về tài chính và khủng hoảng kinh tế do giá dầu thế giới xuống thấp. Trong 5 năm liên tiếp từ 2015-2019, kinh tế nước này bước vào suy thoái, ngân sách thâm hụt. Để khắc phục sự lệ thuộc vào dầu lửa, đảng cầm quyền MPLA và Chính phủ Ăng-gô-la nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, cải cách hành chính và nhiều ngành luật để kêu gọi đầu tư nước ngoài, đầu tư vào nông nghiệp (Ăng-gô-la từng là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 4 thế giới trước nội chiến) và sản xuất hàng tiêu dùng và kêu gọi nhiều nguồn vay nước ngoài[1], đặc biệt từ các nước phương Tây và các thể chế quốc tế (IMF, WB). Tuy nhiên, do giá dầu sụt giảm kéo dài và tác động bất ngờ từ đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Ăng-gô-la tiếp tục lâm vào khó khăn và những cải cách của chính phủ chưa thực sự đạt hiệu quả. Theo dự đoán, kinh tế năm 2020 sẽ tăng trưởng -1,4%.
GDP (2019 - theo sức mua): 203,4 tỷ USD; Bình quân: 6.752 USD/người; Tốc độ tăng trưởng GDP: - 0,7%.
Từ tháng 01/2020, Quốc hội đã phê chuẩn việc in và sử dụng tiền mới trên chất liệu polimer thay tiền giấy, được đưa vào sử dụng từ 30/7/2020 và dần thay thế tiền giấy hiện hành.
V. Quan hệ với Việt Nam:
1. Quan hệ chính trị - ngoại giao:
Việt Nam và Ăng-gô-la lập quan hệ ngoại giao ngày 12/11/1975. Ta lập Sứ quán tại Ăng-gô-la năm 1976, rút Sứ quán năm 2000 (chuyển sang Nam Phi) và lập lại Sứ quán vào năm 2002. Tháng 2/2012, Ăng-gô-la khai trương Sứ quán tại Hà Nội.
Từ năm 1986, ta đã cử nhiều lượt chuyên gia (thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp) sang công tác tại Ăng-gô-la.
Ủy ban liên Chính phủ hai nước đã tiến hành 6 kỳ họp, gần nhất vào tháng 10/2013 tại Hà Nội và đang chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, dự kiến diễn ra trong năm 2020 tại Lu-an-đa tùy theo diễn biến dịch bệnh Covid-19. Bộ Ngoại giao hai nước đã họp tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần đầu tiên tại Lu-an-đa tháng 6/2011.
Trao đổi đoàn:
- Các đoàn Việt Nam: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ (10/1978); Phó CT HĐBT, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (12/1980); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (3/1995); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (10/2002), TBT Đảng CSVN Nông Đức Mạnh (4/2008), UVBCT-Thường trực BBT Trương Tấn Sang (7/2009), UVTW Đảng Võ Đức Huy tham dự ĐH Đảng MPLA (12/2009), đ/c Lê Hữu Nghĩa, GĐ Học viện hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thăm Ăng-gô-la (5/2010), Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng họp tham vấn chính trị tại Ăng-gô-la (6/2011), UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Ninh Bình Bùi Văn Nam (tháng 6-7/2012), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (8/2013), Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh (cuối tháng 8/2013), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (08/2015), UVBCT, Trưởng Ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình (12/2016), UVBCT, Thương trực BBT Trần Quốc Vượng (12/2018), Phó Viện trưởng VKS NDTC Trần Công Phàn (12/2019).
- Các đoàn Ăng-gô-la: Chủ tịch MPLA, A.Ne-tô (8/1971); Bộ trưởng Ngoại giao Pao-lô Gióoc-giơ (1979), Chủ tịch nước CHND Ăng-gô-la, Ê-đu-ác-đô Đốt Xan-tốt (4/1987); Chủ tịch Quốc hội Rô-béc-tô Đê An-mây-đa (10/2004), Quốc vụ khanh BNG Ăng-gô-la vào VN dự Hội thảo VN-Châu Phi (8/2010); Phó Tổng thống Ăng-gô-la thăm chính thức VN (2/2012); QVK Pháp chế Phủ Tổng thống Phlo-be-la Rô-sa (3/2013), Bộ trưởng Cựu Chiến binh Cun-đi Pai-ha-ma (9/2013), Bộ trưởng Nội vụ Ba-rô-xơ Ta-va-rét (10/2014), Bộ trưởng Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin Ăng-gô-la (3/2017), Bộ trưởng Ngoại giao Ăng-gô-la (4/2017).
2. Các thỏa thuận song phương:
- Đã ký: Hiệp định Thương mại (ký lại tháng 4/2008); Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật (1979); Hiệp định về cử chuyên gia Việt Nam sang Ăng-gô-la hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (1995) và Y tế (1996); Nghị định thư hợp tác hai Bộ Ngoại giao (2002); Thỏa thuận hợp tác về Thuỷ sản (2004); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ (4/2008); Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực Dầu lửa và Khí đốt (4/2008), Hiệp định khung về hợp tác Kinh tế, Khoa học kỹ thuật và Văn hóa (2008), Nghị định thư hợp tác chuyên gia giáo dục, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực Khoa học, công nghệ (3/2011); Nghị định thư về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục đại học, Nghị định thư về hợp tác văn hóa (2/2012), Hiệp định hợp tác trên lĩnh vực an ninh và trật tự công cộng (10/2014).
- Hai bên đang đàm phán Hiệp định về đào tạo nguồn nhân lực, an sinh xã hội và lao động, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, Hiệp định hợp tác văn hóa, Hiệp định về người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn tại Ang-gô-la, Hiệp định dẫn độ, Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù.
3. Hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác:
- Thương mại: Kim ngạch song phương Việt Nam – Ăng-gô-la tăng từ 62,1 triệu USD năm 2018 lên 86,7 triệu USD năm 2019. Ta xuất 42,6 triệu USD gồm hàng dệt may gạo, sữa, sản phẩm sữa. Ta nhập khẩu hơn 44 triệu USD gồm gỗ, sản phẩm gỗ và khí đốt hóa lỏng...
- Giáo dục: Từ những năm 1980, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giáo dục sang làm việc tại Ăng-gô-la. Bộ GD&ĐT tiếp tục cử giáo viên phổ thông, giảng viên đại học và đang xem xét việc cử giáo viên dạy nghề mộc, điện, cơ khí, xây dựng... sang Ăng-gô-la thời gian tới.
- Văn hóa: Tại thủ đô Lu-an-đa có Đại lộ Hồ Chí Minh, dài khoảng 3,4 km là một trong những đại lộ đẹp nhất của thủ đô. Nhiều cơ quan, tòa nhà quan trọng của Ăng-gô-là nằm hoặc gần tại Đại lộ như Trụ sở Đảng cầm quyền MPLA, cụm liên Bộ (Y tế, Nông nghiệp, Giáo dục, Ngoại giao I), Đài Truyền hình Nhân dân Ăng-gô-la (TPA), Đại học Agostinho Neto, Quảng trường Độc lập, Doanh trại quân đội, Sân bay quốc tế Quatro de Fevereiro và nhiều doanh nghiệp, công ty lớn. Năm 2017, chính quyền thành phố Lu-an-đa đã cấp phép để ĐSQ Việt Nam tại Ăng-gô-la xây dựng mới bảng tên Đại lộ đặt đối diện Quảng trường Độc lập.
- Cộng đồng người Việt Nam tại Ăng-gô-la là cộng đồng lớn nhất tại châu Phi, với hơn 200 chuyên gia y tế, giáo dục và trước giai đoạn Covid-19 có khoảng 10 nghìn người Việt (năm 2014 có thời điểm lên tới 40.000 người) đang sinh sống và làm việc, tập trung đông nhất ở Thủ đô Lu-an-đa. Hội người Việt Nam tại Ăng-gô-la đã được thành lập và được Chính phủ Ăng-gô-la cấp phép hoạt động chính thức từ tháng 4/2016.
Hà Nội, tháng 8/2020
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |