Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA BÊ-NANH VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA BÊ-NANH

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

 

Map of Benin

 

I. Thông tin cơ bản

1. Khái quát

  • Nước Cộng hoà Bê-nanh. (République du Bénin)

  • Thủ đô: Póc-tô Nô-vô (Porto-Novo)

  • Vị trí địa lý: nằm ở Vịnh Bê-nanh thuộc Tây Phi; phía Bắc giáp Ni-giê và Buốc-ki-na Pha-sô; phía Đông giáp Ni-giê-ri-a; phía Tây giáp Tô-gô; phía Nam giáp Đại tây Dương.

  • Diện tích: 110.620 km2

  • Dân số: 12,11 triệu người (UN 7/2020)

  • Tôn giáo: Tín ngưỡng cổ truyền: 50%; đạo Hồi: 20%; Thiên chúa giáo: 30%.

  • Ngôn ngữ chính thức: tiếng Pháp

  • Đơn vị tiền tệ: Đồng Franc-CFA

  • Khí hậu: Nhiệt đới, nóng, ẩm

  • Quốc khánh : 01/8/1960 (ngày Pháp trao trả độc lập)

    2. Lịch sử

    - Bê-nanh (tên cũ là Dahomey) có lịch sử lâu đời (văn minh Abomey, làng nổi gần Cotonu...), Vương quốc Abomey của người Fon có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phát triển quan hệ thương mại sớm với châu Âu. Behanzin là vị vua cuối cùng của Vương quốc này, là người đã anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp và bị thất bại năm 1893, kết thúc 3 thế kỷ tồn tại của vương quốc này. Từ đó, Dahomey bị Pháp xâm chiếm. Behanzin được coi như vị anh hùng dân tộc.

    - Ngày 1/8/1960, Pháp trao trả độc lập cho Bê-nanh.

    - Ngày 30/11/1975, Đảng Cách mạng Nhân dân Bê-nanh được thành lập (Đảng cầm quyền duy nhất) do Tổng thống M.Kérékou đứng đầu. Nước Cộng hoà Dahomey được đổi thành Cộng hoà Nhân dân Bê-nanh, phát triển đất nước theo xu hướng XHCN.

    - Bị áp lực mạnh mẽ của các thế lực đối lập, Đại hội Quốc dân được triệu tập vào ngày 19/2/1990. Đại hội quyết định giải tán Đảng Cách mạng Nhân dân, thực hiện chế độ đa đảng, thành lập Chính phủ quá độ 12 tháng, sửa đổi Hiến pháp , bầu Quốc hội mới, đổi tên nước thành Cộng hoà Bê-nanh, lấy lại Quốc kỳ Dahomey và ngày Pháp trao trả độc lập (1/8/1960) làm ngày kỷ niệm Quốc khánh hàng năm.

    - Tháng 12/1990, Bê-nanh tổ chức trưng cầu dân ý thông qua Hiến pháp mới. Tháng 3/1991, Bê-nanh tiến hành tổng tuyển cử tự do đa đảng đầu tiên.

    3. Chính trị:

    a) Đối nội

    - Nội các:

  • Tổng thống: Pa-tơ-rích Ta-lông (Patrice Talon) (từ tháng 3/2016).

  • Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập châu Phi, Cộng đồng Pháp ngữ và kiều dân Bê-nanh: Au-rê-li-en Ác-ben-non-xi (Aurelien Agbenonci) (từ 2016)

    - Thể chế chính trị: Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm, đồng thời là người đứng đầu Chính phủ.

    - Theo Luật bầu cử sửa đổi tháng 8/2010, Quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm (trước đây là 4 năm) và bầu cử Quốc hội diễn ra đồng thời với bầu cử Tổng thống.

    - Tại cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra cuối tháng 03/2016, doanh nhân Patrice Talon đã giành chiến thắng trước Đương kim Thủ tướng Lionel Zinsou, trở thành Tổng thống tiếp theo của Bê-nanh.

    b) Đối ngoại

    - Bê-nanh là thành viên LHQ, thành viên không thường trực HĐBA/LHQ (2004-2005), KLK, Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU) năm 2012, Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp (Francophonie), FAO, IMF, WTO, ECOWAS (Cộng đồng kinh tế Tây Phi) và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác.

    - Bê-nanh tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hoà bình do ECOWAS và LHQ khởi xướng tại châu Phi như đóng góp quân cho lực lượng của LHQ ONUCI tại Bờ Biển Ngà, MONUC tại CHDC Công-gô.

    - Chính sách đối ngoại của Bê-nanh là ưu tiên hợp tác khu vực, coi trọng quan hệ với phương Tây, nhất là Pháp và các tổ chức quốc tế, tài chính quốc tế để tranh thủ vốn và kỹ thuật.

    4. Kinh tế:

    - Tài nguyên thiên nhiên có sắt (trữ lượng 1 tỷ tấn), phốt phát, vàng, đá trắng và dầu lửa ở thềm lục địa.

    - Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chiếm 80% thu nhập quốc dân. Nông nghiệp Bê-nanh lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là lương thực và bông ngoài ra còn có dầu cọ, ngô, lạc, kê, ca cao v.v... Ngành chăn nuôi có cừu, dê. Bê-nanh vẫn phải nhập phần lớn lương thực. Công nghiệp Bê-nanh nhỏ bé, chủ yếu là ngành công nghiệp ép dầu cọ và khai thác sắt.

    - Cảng Cô-tô-nu (Cotonu) là bến quá cảnh của nhiều nước trong vùng Vịnh Bê-nanh đã tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho Bê-nanh.

    - Bê-nanh xuất khẩu bông, các sản phẩm từ cọ, dừa; nhập thực phẩm, các sản phẩm dầu lửa, thiết bị.

    - Các bạn hàng chính: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Ni-giê, Ni-giê-ri-a.

    - GDP (World Bank 2019 – PPP): 29,91 tỷ USD; bình quân: 2.552 USD; tăng trưởng: 5,6%.

    II. Quan hệ Việt Nam – Bê-nanh:

    a. Quan hệ chính trị, kinh tế:

    - Quan hệ chính trị: Việt Nam và Bê-nanh lập quan hệ Ngoại giao ngày 14/3/1973.

    - Lãnh đạo và nhân dân Bê-nanh coi Việt Nam như tấm gương sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và  phát triển kinh tế. Bê-nanh mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam, cũng như hợp tác với ta trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, nông nghiệp, y tế và giáo dục.

    - Kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt 121 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 21,9 triệu USD các mặt hàng chính như gạo, linh kiện, phụ tùng xe máy… và nhập 99 triệu USD các mặt hàng chính như hạt điều, bông… (kim ngạch năm 2018 đạt 111,8 triệu USD  với xuất khẩu 12,8 triệu USD và nhập khẩu 99 triệu USD).

    b. Trao đổi đoàn:

    Phía Việt Nam: Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1978), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1980), Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình dự Hội nghị Cấp cao khối Pháp ngữ tại Bê-nanh (1995), Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (1996), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (2003).

    Phía Bê-nanh: Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Pi-e Ốt-xơ-hô (Pierre Osho (1997), Tổng thống Bê-nanh Ma-ti-ơ Kê-rê-cu (Mathieu Kérékou) dự Hội nghị cấp cao 7 các nước có sử dụng Tiếng Pháp (11/1997), Bộ trưởng Ngoại giao Bê-nanh (10/2006), Tổng thống Bê-nanh Bô-ni Y-a-y (Boni Yayi) (11/2006), Đặc phái viên Tổng thống Bê-nanh chuyển thông điệp đặc biệt của Tổng thống Bê-nanh (5/2008), Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Nghề cá (8/2008), Chủ nhiệm văn phòng Bộ trưởng phụ trách chính sách công thăm và làm việc với Viettel (7/2014).

    c. Các Hiệp định đã ký: Hiệp định khung về hợp tác Kinh tế, Thương mại, Văn hoá, KHKT (1996), Biên bản giữa hai Bộ Nông nghiệp về việc Bê-nanh mời 16 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp Việt Nam sang giúp bạn phát triển ngành trồng lúa (2008).

              d. Thông tin cơ quan đại diện

    Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Bê-nanh:

    Địa chỉ: Số 27 Phố Mezzouda, Souissi – Rabat, Vương quốc Ma-rốc

    Điện thoại: + (212) 537 65 92 56

Email : vnambassade@yahoo.com.vn

 

Đại sứ quán Bê-nanh tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam:

Địa chỉ: 38, Guang Hua Lu, Jian Guo Men Wai, Beijing 100600, China

Điện thoại: (+86) (10) 6532 2741 2302

Fax: (+86) (10) 6532 5103

Email: ambeninbj@yahoo.fr ; am.beninbj@yahoo.fr

                                               

                                                                                      Tháng 8/2020      
 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer