Thông tin cơ bản nước Cộng hòa Burundi
và quan hệ với Việt Nam
1. Khái quát
• Tên nước: Cộng hòa Bu-run-đi (La Republique du Burundi)
• Thủ đô: Bu-gium-bu-ra (Bujumbura)
• Vị trí địa lý: Cộng hoà Bu-run-đi ở khu vực Trung Phi, Đông và Nam giáp Tan-da-ni-a, Tây giáp CHDC Công-gô và hồ Tanganyika, Bắc giáp Ru-an-đa (Rwanda)
• Khí hậu: Nóng ẩm
• Diện tích: 27.650 km2
• Dân số: 8,6 triệu (2011)
• Tôn giáo: Thiên chúa giáo (67% trong đó Thiên chúa giáo La mã 62%, Tin lành 5%), Tín ngưỡng bản địa (23%), Hồi giáo (10%)
• Ngôn ngữ: tiếng Pháp và tiếng Ki-run-đi
• Đơn vị tiền tệ: đồng Franc Bu-run-đi (FB)
• Tổng thống: Pi-e-rê En-ku-run-di-gia (Pierre Nkurunziza) (từ 2005)
• Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế: Lô-răng Ka-va-ku-rê (Laurent Kavakure) (từ 2011).
• Quốc khánh: 1/7/1962
2. Lịch sử
Nhà nước phong kiến Bu-run-đi hình thành từ đầu thế kỷ XVI. Năm 1890, Đức chiếm Bu-run-đi và nước Ru-an-đa láng giềng. Năm 1899, Đức sáp nhập 2 nước này thành thuộc địa Ru-an-đa-U-run-đi. Tháng 7/1922, Hội Quốc liên đặt Ru-an-đa-U-run-đi dưới sự uỷ trị của Bỉ. Năm 1946, LHQ lại giao Ru-an-đa-U-run-đi cho Bỉ uỷ thác. Từ năm 1955, dưới sự lãnh đạo của Hoàng tử Lu-i Ru-ga-xô-rê (Louis Rwagasore), lãnh tụ Liên minh vì Tiến bộ dân tộc (UPRONA), nhân dân Bu-run-đi đã đứng lên đấu tranh đòi độc lập. Ngày 23/6/1962, LHQ đã thông qua nghị quyết trao trả độc lập cho Ru-an-đa-U-run-đi và tách thành hai nước như cũ. Ngày 1/7/1962, Bu-run-đi tuyên bố độc lập, lấy tên là Vương quốc Bu-run-đi do nhà Vua Mơ-oa-but-xa (Mwanbutxa)) (người Tutsi) trị vì. Ngày 28/11/1966, Thủ tướng, Đại uý Mít-xen Mi-côm-bê-rô (Michel Micombero) thực hiện đảo chính, thành lập nước Cộng hoà Bu-run-đi do ông làm Tổng thống.
Từ năm 1976 đến 1996 đã diễn ra 7 cuộc đảo chính tranh giành quyền lực giữa bộ tộc Hutu và Tutsi làm hàng chục nghìn người bị chết và hàng trăm nghìn người đi lánh nạn sang các nước láng giềng.
Tại hòa ước A-ru-sa (Tan-da-ni-a) năm 2000, các bên tranh chấp cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong thời hạn 3 năm. Ông Pi-e Bu-yo-ya (Pierre Buyoya) (người Tut-si) tiếp tục giữ chức Tổng thống, phó Tổng thống là Đô-mi-ti-en En-đây-dê-yê (Domitien Ndayizeye) (người Hu-tu).
Tháng 7/2005 Bu-run-di đã bầu Hạ viện và Thượng viện theo chế độ đa đảng. Ngày 19/8/2005 Hạ viện đã bầu ông Pi-e-rê En-ku-run-di-da (Pierre Nkurunziza) làm Tổng thống. Ngày 28/6/2010, Tổng thống Pi-e-rê En-ku-run-di-da, ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống đã tái đắc cử với 91,65% số phiếu..
3. Chính trị
a) Đối nội
Tình hình chính trị xã hội của Bu-run-đi nhiều năm không ổn định do tranh giành quyền lực giữa hai bộ tộc chính người Hu-tu và Tut-si. Sau cuộc bầu cử năm 2005 đến nay, tình hình Bu-run-đi được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức về an ninh và phát triển.
b) Đối ngoại
Bu-run-đi thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa quan hệ, trong đó ưu tiên quan hệ với EU để tranh thủ viện trợ về vốn và kỹ thuật.
Chỉ có Bu-run-đi và U-gan-đa có binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (AMISOM) ở Sô-ma-li để ủng hộ, hỗ trợ Chính phủ chuyển tiếp ở nước này.
Bu-run-đi là thành viên của AU, Phong trào KLK, LHQ, Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, FAO, UNESCO, EAC, Interpool… Hiện tại, Bu-run-đi đang giữ chức Chủ tịch Cộng đồng Đông Phi (EAC) gồm 5 nước Bu-run-đi, U-gan-đa, Tan-da-nia, Ru-an-đa, Kê-ni-a. Trung Quốc theo Mỹ, Anh, Pháp đã bổ nhiệm đại diện tham gia Ban Thư ký EAC.
4. Kinh tế
Bu-run-đi là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Công nghiệp kém phát triển chủ yếu là chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp chiếm khoảng 35% GDP và sử dụng hơn 90% dân số. Bu-run-đi xuất khẩu chính là cà phê và chè, chiếm 90% thu nhập ngoại tệ. Mặc dù GDP Burundi tăng trung bình khoảng 4% hàng năm từ 2006 đến nay, nhưng hiện tại, đang tiềm ẩn những yếu kém (tỷ lệ đói nghèo cao, hệ thống pháp luật yếu, mạng lưới giao thông kém, các tiện ích quá tải, và năng lực hành chính thấp…) mang đến nhiều nguy cơ cho kế hoạch cải cách kinh tế của Chính phủ Bu-run-đi. Bu-run-đi đang phụ thuộc nhiều vào viện trợ từ các nhà tài trợ song phương và đa phương.
Nhằm thực hiện Công ước Chống Tham nhũng của LHQ và của AU, Bu-run-đi đã thông qua kế hoạch mang tầm chiến lược quốc gia về việc làm trong sạch Chính phủ với trọng tâm là sửa đổi hệ thống pháp lý nhằm tăng cường hiệu quả công tác chống tham nhũng và gian lận kinh tế.
Bu-run-đi hiện là thành viên các tổ chức kinh tế IMF, WTO, COMESA. Bu-run-đi tham gia Liên minh thuế quan Tây Phi (2005), Thị trường chung Đông-Nam Phi (2010) và Đồng tiền chung (dự kiến 2012)
GDP (thực tế): 1,7 tỷ USD (2011)
GDP bình quân: 400 USD (2011)
(tính theo sức mua)
Tốc độ tăng trưởng GDP: 4,2% (2011)
5. Quan hệ Việt Nam – Bu-run-đi
Hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 16/4/1975. Bu-run-đi khâm phục và ca ngợi cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ của ta, coi thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của Bu-run-đi, của Châu Phi và của các dân tộc tiến bộ đấu tranh tự giải phóng.
Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 1 triệu USD (2011).
Trao đổi đoàn: đoàn ta thăm bạn: Thứ trưởng Nguyễn Xuân, đặc phái viên Chính phủ ta thăm Bu-run-đi (11/1976); đoàn bạn thăm ta: Thủ tướng Bu-run-đi P. Ne-đi-mi-rat dự hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội (11/1997).
Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Bu-run-đi
Địa chỉ: Via AL4, Lotes No.4-5, Talatona, Luanda Sul, Luanda
CP 1774
Điện thoại: (244) 222 010697
Fax: (244) 222 010696
Email :dsqvnangola@netangola.com
lanhsuangola@yahoo.com.vn
Đại sứ quán Bu-run-đi tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 25 Guang Hua Lu
Beijing 100600-P.R.China
Điện thoại: (86) 10 65321801/65322328
Fax: (86) 10 65322381
Email: ambbubei@yahoo.fr
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |