A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA CÔNG-GÔ
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hòa Công-gô (Republic of the Congo)
Thủ đô: Bra-da-vin (Brazzaville)
Quốc khánh: 15/08/1960
Vị trí địa lý: Nằm ở phía Tây châu Phi, trên bờ Đại Tây dương, phía Bắc giáp Ca-mơ-run và Trung Phi, phía Đông giáp Cộng hòa Dân chủ Công-gô, phía Tây giáp Ga-bông và phía Nam giáp Ăng-gô-la.
Diện tích: 342.000 km2
Khí hậu: Nhiệt đới, mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 6, mùa khô từ tháng 6 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình từ 20-27°C. Lượng mưa trung bình: 1.200-2.000 mm.
Dân số: 5,66 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: Người Kongo (48%), Sangha (20%), M’Bochi (12%), Teke (17%), người châu Âu.
Ngôn ngữ: Tiếng Pháp
Đơn vị tiền tệ: Franc CFA Trung Phi (1 USD = 630 XAF)
GDP: 12,52 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 1.543 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Thiên Chúa giáo
Cơ cấu hành chính: 12 tỉnh trong đó có 2 thành phố Brazzaville và Pointe Noire.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Đờ-ni Xa-xô Nờ-ghết-xô (Denis Sassou Nguesso) (2/1979-8/1992 và từ tháng 10/1997 đến nay);
+ Thủ tướng: A-na-tôn Cô-li-nê Ma-cô-xô (Anatole Collinet Makosso) (từ tháng 5/2021);
+ Chủ tịch Thượng viện: Pi-e Nờ-gô-lô (Pierre Ngolo) (từ tháng 9/2017);
+ Chủ tịch Hạ viện: I-di-đo Mờ-vu-ba (Isidore Mvouba) (từ tháng 8/2017);
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác Quốc tế và Người Công-gô ở nước ngoài: Giăng Cờ-lốt Ga-cô-xô (Jean-Claude Gakosso) (từ tháng 8/2015).
II. Khái quát lịch sử
Trên lãnh thổ Công-gô, vào thế kỷ XV đã tồn tại hai vương quốc Lô-an-gô (Loango) và An-zi-cu (Anziku) tự trị. Đến thế kỷ XVII, hai vương quốc này bị suy yếu và từ cuối thế kỷ XIX bị Pháp chiếm làm thuộc địa với tên gọi Công-gô Bra-da-vin (Congo Brazzaville).
Nước Cộng hòa Công-gô được tuyên bố thành lập ngày 28/11/1958 nhưng chưa được Pháp đồng ý. Sự kiện bạo động ngày 9/5/1959 đẩy phong trào yêu nước tại Cộng hòa Công-gô lên cao. Ngày 12/7/1960, Pháp đồng ý trao trả độc lập cho Cộng hòa Công-gô và ngày 15/8/1960, Cộng hòa Công-gô trở thành nước hoàn toàn độc lập.
Tháng 3/1977, Tổng thống Ma-ri-en Nờ-gô-a-bi (Marien Ngouabi) bị ám sát. Tháng 2/1979, Phó Tổng thống đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Đờ-ni Xa-xô Nờ-ghết-xô được cử làm Tổng thống. Cộng hòa Công-gô rơi vào nội chiến 1992-1997 do xung đột đảng phái; Tổng thống Đờ-ni Xa-xô Nờ-ghết-xô phải rời bỏ đất nước sang Pa-ri, sau đó trở lại vào năm 1996 và giành thắng lợi tại cuộc bầu cử 1997. Ông nắm chức Tổng thống từ đó đến nay.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Cộng hòa Công-gô theo thể chế cộng hòa bán tổng thống kể từ sau khi Hiến pháp 2015 đi vào hiệu lực. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước, có nhiệm kỳ 5 năm. Thủ tướng đứng đầu chính phủ, có nhiệm kỳ 5 năm.
- Cơ cấu Nghị viện: Cộng hòa Công-gô theo cơ cấu lưỡng viện gồm: Thượng viện được lập năm 1992, có 72 thành viên (12 tỉnh, mỗi tỉnh 6 đại diện), nhiệm kỳ 6 năm. Hạ viện gồm 151 nghị sỹ, có nhiệm kỳ 5 năm.
- Đảng phái chính trị: Hiện có khoảng 25 đảng phái đang hoạt động, trong đó nổi bật là:
+ Đảng Lao động (PCT): thành lập tháng 12/1969, là Đảng cầm quyền, hiện được lãnh đạo bởi Tổng thống Đờ-ni Xa-xô Nờ-ghết-xô.
+ Đảng Liên minh Châu Phi vì Dân chủ - Xã hội (UPADS): thành lập năm 1991, hiện được lãnh đạo bởi ông Pát-xcan Xa-ty Ma-bi-a-la (Pascal Tsaty Mabiala).
+ Đảng Phong trào Hành động và Đổi mới (MAR): thành lập năm 2006, hiện được lãnh đạo bởi ông Rô-nan Bô-i-ti Vi-au-đô (Roland Bouiti-Viaudo).
+ Đảng Vận động vì Dân chủ và Tiến bộ xã hội (RDPS): thành lập tháng 10/1990, hiện được lãnh đạo bởi ông Gin Pi-e Thi-tê-rê Chi-cây-a (Jean-Pierre Thýtère Tchicaya).
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Trong những năm qua, tình hình an ninh - chính trị Cộng hòa Công-gô ổn định. Đảng PCT cầm quyền liên tục thắng lợi qua các cuộc bầu cử tổng thống năm 1997, 2011, 2016 và 2021.
2. Kinh tế - Xã hội
- Cuối những năm 1970, Cộng hòa Công-gô tìm ra dầu lửa. Dầu lửa trở thành nguồn tài nguyên đem lại nguồn thu lớn nhất cho đất nước. Trữ lượng dầu mỏ được công bố năm 2012 gần 2 tỷ thùng barrel. Năm 2019, sản lượng khai thác của nước này đạt 350.000 thùng, là nước sản xuất dầu thô lớn thứ tư tại châu Phi Nam Xa-ha-ra.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào dầu lửa khiến nhiều lĩnh vực không được chú trọng, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc. Đến nay, Cộng hòa Công-gô vẫn phải nhập phần lớn lương thực.
Ngoài ra, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Cộng hòa Công-gô năm 2020 tăng trưởng -8% và năm 2021 tăng trưởng -3,5%. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu tăng cao đã giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế tại Cộng hòa Công-gô. Theo Ngân hàng thế giới, kinh tế Cộng hòa Công-gô dự báo tăng trưởng ở mức 3,5% năm 2022 và 3,8% bình quân trong giai đoạn 2023-2024.
+ Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 5,6%, công nghiệp 57,1%, dịch vụ 37,3%.
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Bra-xin…
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Dầu mỏ, xi măng, gỗ, đường, cà phê, kim cương…
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Trang thiết bị, vật liệu xây dựng, lương thực...
- Cộng hòa Công-gô xếp hạng 148/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Hệ thống giáo dục ở Cộng hòa Công-gô áp dụng theo mô hình hệ thống giáo dục của Pháp. Giáo dục công miễn phí và bắt buộc cho trẻ dưới 16 tuổi. Khoảng 80,3% dân số trên 15 tuổi biết chữ. Tuổi thọ trung bình ở Cộng hòa Công-gô là 64,8 tuổi.
V. Chính sách đối ngoại
Cộng hòa Công-gô triển khai đường lối đối ngoại mở cửa, tranh thủ vốn và kỹ thuật của Mỹ, phương Tây (chủ yếu là Pháp) và các tổ chức quốc tế (như WB và FMI). Hiện nay, Cộng hòa Công-gô chú trọng quan hệ với Trung Quốc.
Cộng hòa Công-gô là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, IMF, WTO, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế, Tiền tệ Trung Phi (CEMAC)...
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - CỘNG HÒA CÔNG-GÔ
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Cộng hòa Công-gô lập quan hệ ngoại giao ngày 16/7/1964.
- Cơ quan đại diện: Năm 1964, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Bra-da-vin và đóng cửa cuối năm 1972 do khó khăn tài chính; sau đó, mở lại vào tháng 01/1980. Năm 1992 Việt Nam đóng cửa Đại sứ quán. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Cộng hòa Công-gô và Đại sứ quán Cộng hòa Công-gô tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Cộng hòa Công-gô: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (1978), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1980), Phó Chủ tịch nước Huỳnh Tấn Phát (1983), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (2002);
+ Đoàn Cộng hòa Công-gô thăm Việt Nam: Tổng thống Ma-ri-en Nờ-gô-a-bi (1973), Tổng thống Đờ-ni Xa-xô Nờ-ghết-xô tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội năm 1997 và thăm chính thức Việt Nam 4/2000; Bộ trưởng Năng lượng và Thủy điện Bru-nô Gin I-tô-a (Bruno Jean Itoua) (5/2011); Bộ trưởng Kinh tế rừng, Phát triển bền vững và Môi trường (Hen-ri Giôm-bô) Henri Djombo (4/2012).
- Các cơ chế hợp tác: Uỷ ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật (thành lập và họp lần thứ nhất tháng 10/2003 tại Hà Nội).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 ước đạt 513 triệu USD. Việt Nam nhập từ Cộng hòa Công-gô chủ yếu là đồng, gỗ, các sản phẩm từ gỗ, xuất sang bạn chủ yếu sản phẩm sắt thép, dệt may. Kim ngạch năm 2020 đạt trên 331,94 triệu USD, năm 2019 đạt trên 434 triệu USD.
2. Nông nghiệp
Giai đoạn 2002-2005, Việt Nam đã cử 54 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp sang giúp Cộng hòa Công-gô trồng lúa nước thực hiện chương trình đặc biệt về an ninh lương thực theo Thoả thuận hợp tác ba bên Việt Nam-FAO-Cộng hòa Công-gô.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Gần đây, Cộng hòa Công-gô ủng hộ ta vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định khung hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (2000); Thoả thuận Hợp tác 3 bên Việt Nam-FAO-Cộng hòa Công-gô về an ninh lương thực (2001); Hiệp định Thương mại (2002); Nghị định thư hợp tác giữa 2 Bộ Ngoại giao (2002); Nghị định thư hợp tác về giáo dục (2002); Nghị định thư hợp tác về công nghiệp (2002); Thoả thuận hợp tác giữa 2 Phòng Công nghiệp của 2 nước (2002).
V. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Cộng hòa Công-gô
Địa chỉ: 74 Houari Boumediene, Miramar, Luanda, Angola
ÐT: +244 924 492 169/929 212 583
Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn
Đại sứ quán Cộng hòa Công-gô tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 7, Dong Si Jie, San Li Tun, Beijing 100600, China
Tel: (+86) (10) 6532 1658/1417
Fax: (+86) (10) 6532 2915
Email: ambacob_chine@yahoo.fr, ambacb@yahoo.fr
Tháng 8/2022