Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ Ê-THI-Ô-PI-A VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM



 
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ Ê-THI-Ô-PI-A
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

 
 
            I. Khái quát chung:
- Tên nước:    Cộng hoà dân chủ Liên bang Ê-thi-ô-pi-a (Federal Democratic Republic Of Ethiopia)
- Vị trí địa lý:     nằm ở khu vực Đông Phi, Đông giáp Xô-ma-li (Somalia) và Di-bu-ti (Djibouti), Tây giáp Xu-đăng (Sudan) , Nam giáp Kên-ni-a (Kenya), Bắc giáp Biển Đỏ.
- Diện tích:     1.127.127 km2
- Dân số:     93 triệu người (2012)
- Ngôn ngữ:     Tiếng Amharic (32,7%). Ngoài ra tiếng Oromo, Tigray được sử dụng chính thức tại một số vùng miền và tiếng Anh được giảng dạy chính thức tại các trường học.
- Tôn giáo:     Thiên chúa giáo (50%), Hồi giáo (35%), Cổ truyền (15%).
- Thủ đô:     A-đi A-bê-ba (Addis Ababa )
- Khí hậu:     khí hậu nhiệt đới gió mùa.
- Đơn vị tiền tệ :     Birr
- Ngày Quốc khánh :     28/5/1991
- Tổng thống    Giơ-ma Uê-đơ-giơ-dít (GIRMA Woldegiorgis) (từ 2001)
- Thủ tướng    Mê-lét Dê-na-uy (MELES Zenawi) (từ 1995)
- Bộ trưởng Ngoại giao           Hailemariam Desalegn (từ 2010)
    
             II. Lịch sử
            - Ethiopia là một trong những vương quốc lâu đời nhất ở châu Phi. Cuối thế kỷ 19 (1896), quốc vương Menelic đã thống nhất lãnh thổ trong một nhà nước phong kiến tập quyền với tên gọi Ethiopia. Đây cũng là lúc các đế quốc phương Tây bắt đầu xâm nhập vùng đất này.
            - Dưới sự chỉ huy của Menelic và thủ lĩnh Makonnen, trong gần bốn thập kỷ tiếp theo, Ethiopia được hưởng hoà bình và mở rộng bờ cõi về phía Tây và Nam. Năm 1913, Menelic qua đời, các thế lực trong nước trỗi dậy tranh giành quyền bính. Thủ lĩnh Tafari lúc này là nhiếp chính thâu tóm quyền lực, và năm 1930, đã xưng vương dưới danh hiệu Hailé Selassie. Tháng 5/1935, phát xít Ý xâm lược Ethiopia. Nhân dân Ethiopia đã tiến hành kháng chiến anh dũng chống ngoại xâm. Năm 1941, lực lượng đồng minh Anh, Pháp với sự phối hợp của các chiến sĩ du kích Ethiopia đã đánh bại phát xít Ý, giải phóng Ethiopia nhưng Vùng Eritrea vẫn bị Hội quốc liên đặt dưới sự uỷ trị của Anh. H.Selassie từ nước ngoài trở về, tiếp tục duy trì nền quân chủ ở Ethiopia.
            - Đầu năm 1974, nhân dân Ethiopia do Mengistu H. Mariam cầm đầu đã nổi dậy làm cách mạng lật đổ chế độ H.Selassie. Ngày 12/9/1974, Chính phủ mới ra đời. Năm 1984, Đảng Lao động Ethiopia được thành lập. Năm 1987, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Ethiopia ra đời và Chính quyền Mengistu tuyên bố đi theo hướng XHCN. Đầu 1989, Ethiopia bắt đầu tiếp xúc với Mỹ, đối thoại với EPLF (Mặt trận Nhân dân Giải phóng Eritrea) và EPRDF (Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ethiopia) nhưng vẫn giữ chủ trương nhà nước Ethiopia thống nhất và chỉ đồng ý cho Eritrea tự trị.
            - Năm 1991, EPRDF lên nắm quyền, thành lập Chính phủ lâm thời Ethiopia do Meles Zenawi làm chủ tịch, Tháng 2/1995, EPRDF giành thắng lợi trong bầu cử Quốc hội và từ 22/8/1995 chính thức lấy tên nước là Cộng hoà Dân chủ Liên bang Ethiopia.
            III. Chính trị :
            - Sau khi lên nắm quyền, Mặt trận Cách mạng Dân chủ nhân dân Ethiopia (EPRDF) chủ trương hoà giải dân tộc nhằm tạo sự ổn định, xây dựng lại đất nước và đã để cho Eritrea tuyên bố độc lập (1993). Chính phủ Ethiopia đã thông qua chính sách kinh tế chuyển tiếp (TEP) với nội dung chính là: hạn chế vai trò của nhà nước, đề cao vai trò của tư bản tư nhân, khuyến khích viện trợ của bên ngoài. Chính sách này bước đầu đã gây được sự chú ý của các công ty nước ngoài, các nước EC đã quyết định tăng viện trợ cho Ethiopia.
            - Ethiopia thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị. Ethiopia tranh thủ tối đa viện trợ của các nước phục hồi và phát triển kinh tế.
      - Hiện Ethiopia đang có tranh chấp về biên giới với Eritrea. Chiến tranh biên giới giữa hai nước kết thúc bằng một hiệp định hoà bình tháng 12/2000. Mặc dù uỷ ban quốc tế về phân giới cắm mốc đã xác định được các điểm giới, Ethiopia vẫn phản đối kết quả này, cho rằng có nhiều điểm thuộc về lãnh thổ Ethiopia.
            - Với vị trí trung tâm ở vùng Sừng châu Phi, cửa ngõ của khu vực Đông phần châu Phi, thủ đô Addis Ababa là nơi đặt cơ quan đại diện của nhiều nước và tổ chức quốc tế UN, UNDP, WB, AU…
            IV. Kinh tế :

            - Ethiopia là một nước có khả năng phát triển cả về công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, do thường bị chịu thiên tai, hạn hán, mất mùa và nội chiến, cho đến nay Ethiopia chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu về kỹ thuật, luôn bị nạn đói đe doạ và có một nền công nghiệp nhỏ bé.
            - Nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân (80% lao động, 90% tổng thu xuất nhập khẩu, 50% tổng sản phẩm nội địa). Cho đến nay, chỉ có hơn 10% trong tổng số 790.000 km2 đất nông nghiệp được khai thác. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là: lúa, ngô, cao lương, kê, đỗ, lúa mì, hạt dầu, thịt gia súc và các sản phẩm gia súc. Những cây trồng chính để xuất khẩu là : cà phê, bông, dứa sợi, thuốc lá, hoa quả, hạt tiêu, mía, gỗ... Ethiopia có số lượng đàn gia súc lớn nhất châu Phi và đứng thứ 10 trên thế giới, cung cấp thịt sữa, da cho ngành công nghiệp chế biến.
            - GDP:  30,5 tỷ USD (2011)
            - GDP theo đầu người: 345 USD (2011)
            - Tỷ lệ tăng trưởng của GDP: 7,5% (2011)
         (Theo CIA 2011)
V. Quan hệ Việt Nam với Ethiopia
            - Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23 tháng 3 năm 1976. Ta đã lập Đại sứ quán thường trú tại Addis Ababa  năm 1978 và rút năm 1992 do khó khăn về tài chính.
            - Việt Nam có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Ethiopia. Dưới thời Mengistu, Ethiopia ủng hộ và phối hợp tốt với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt về vấn đề CPC.
- Trao đổi đoàn: Bạn: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ethiopia (2004); Tổng Vụ trưởng Vụ Thanh tra và Kiểm toán (2006), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ethiopia (2009), Cố vấn cấp cao Thủ tướng tham dự Hội thảo VN-CP lần 2 (2010). Ta: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (1978), Phó Chủ tịch HĐBT Nguyến Văn Chính (1987), Phó Thủ tướng Chính phủ Võ Nguyên Giáp (1980), Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh (2012).
            - Quan hệ kinh tế giữa hai nước còn rất hạn chế. Năm 2011, kim ngạch thương mại song phương đạt 11,5 triệu USD trong đó ta xuất sang Ethiopia chủ yếu những mặt hàng giày dép, dệt may, gạo, hải sản, sản phẩm chất dẻo, cà phê, hạt tiêu; ta nhập từ Ethiopia chủ yếu là gỗ. Kim ngạch thương mại quý I/2012 tăng mạnh đạt 15 triệu USD trong đó chủ yếu ta xuất sản phẩm dệt may đạt trên 13 triệu USD.
- Cơ quan đại diện ngoại giao kiêm nhiệm mỗi nước:
 Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania kiêm nhiệm Ethiopia
+ Địa chỉ: Plot 11, Bongoyo Road, Oysterbay, Dar es Salaam;
P.O Box: 9724, Dares Salaam – Tanzania
+ Điện thoại: + 255-22-2664535
Đại sứ quán Ethiopia tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.
+ Địa chỉ: No. 3, Xiu Shui Nan Jie, Jian Guo Men Wai
+ Điện thoại: (+86)10 6532 5258


  

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer