TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ GHANA
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
1. Khái quát:
- Tên nước: Cộng hòa Ghana (Republic of Ghana)
- Thủ đô: Accra
- Vị trí địa lý: ở Tây Phi, giáp Burkina Faso về phía Bắc, Togo về phía Đông, Ivory Cote về phía Tây và Vịnh Guinea về phía Nam.
- Diện tích: 240.000 km2.
- Dân số: 24 triệu (2009).
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (gần 68%), Hồi giáo (16%), Cổ truyền (16%).
- Ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh
- Khí hậu: Nhiệt đới
- Đơn vị tiền: Đồng Cedis
- Ngày quốc khánh: 6/3/1957
- Tổng thống: John Atta Mills (từ 2009)
- Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nhập khu vực: Muhammed Mumuni
2. Lịch sử:
- Ghana là một nước có lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ thứ 4, đã ra đời Vương quốc Sarakolle rộng lớn, chạy dài từ bờ biển Đại Tây Dương đến sông Niger. Thế kỷ 11, Vương quốc Ghana trở nên cực thịnh với nền nông nghiệp, thủ công, buôn bán phát triển.
- Năm 1471, thực dân Bồ Đào Nha xâm chiếm và đặt tên là "Bờ biển vàng". Năm 1740, Hà Lan thay thế Bồ Đào Nha. Năm 1874, Anh chiếm đóng Bờ biển vàng và đến năm 1919 Bờ biển vàng chính thức trở thành thuộc địa của Anh. Sau chiến tranh thế giới II, Đảng Đại hội thống nhất Bờ biển vàng (UGCC) ra đời lãnh đạo cuộc đấu tranh tẩy chay hàng Anh và đòi tự trị đã bị thực dân Anh đàn áp dã man.
- Tháng 2/1957, Anh buộc phải tuyên bố cho Bờ biển vàng độc lập trong khối Liên hiệp Anh. Ngày 6/3/1957, Bờ biển vàng tuyên bố độc lập và đổi tên là Ghana. Đây là nước đầu tiên ở Tây Phi (trừ Liberia) trong khối thuộc địa Anh ở châu Phi được độc lập. Ngày 1/7/1960, nước Cộng hoà Ghana được thành lập do Dr. Kwame Nkrumah làm Tổng thống. Tháng 1/2009, ông John Atta Mills được bầu làm Tổng thống của Ghana.
3. Chính trị:
3.1. Đối nội
- Ghana được đánh giá là một trong số ít nước ở châu Phi tổ chức bầu cử minh bạch và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có nền chính trị ổn định.
- Thể chế: Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm. Từ năm 1979, Ghana không có vị trí Thủ tướng.
- Đảng phái chính trị lớn: Đảng Nhân dân Truyền thống (CPP), Đảng Quốc hội Dân tộc Dân chủ (NDC), Đảng Người yêu nước mới (NPP).
3.2. Đối ngoại:
- Ghana thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, coi trọng quan hệ với Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản để tranh thủ vốn, kỹ thuật. Ghana nhận được sự trợ giúp của Mỹ trong khuôn khổ chương trình “đào tạo các chuyên gia quân sự nước ngoài” (IMET), chương trình “trợ giúp trong việc huấn luyện tiến hành các hoạt động chống khủng bố tại châu Phi” (ACOTA).
- Nhiều nhà ngoại giao và chính trị của Ghana đã từng giữ những vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế như: Cựu Tổng thống Jerry Rawlings giữ chức vụ Chủ tịch của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) (1994 – 1996), ông Kofi Annan giữ vị trí Tổng thư ký Liên hợp Quốc (1997-2006) và bà Akua Kuenyehia từng giữ vị trí thẩm phán Tòa án Hình sự Quốc tế (từ 2003) và hiện là Phó Chủ tịch thứ nhất của Tòa án này.
- Ghana hiện là thành viên tích cực của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như: WTO, Phong trào Không liên kết (NAM), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS).
4. Kinh tế:
- Ghana là một quốc gia phát triển tại khu vực Tây Phi. Kinh tế Ghana phát triển dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm: vàng, gỗ, kim cương, bô-xít, măng-gan, cao su, dầu mỏ, khí đốt. Ngành sản xuất vàng và ca-cao cùng với kiều hối là những ngành mang lại nguồn ngoại hối lớn cho đất nước. Từ giữa tháng 12/2010, ngành sản xuất dầu khí tại Ghana đã bắt đầu hoạt động và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (mỏ dầu ngoài khơi Jubilee có trữ lượng lên tới 3 tỷ thùng).
- Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp: 33,7%, công nghiệp: 24.7% và dịch vụ: 41.6%.
- Mặt hàng xuất khẩu chính: vàng, cacao, gỗ, bô-xít, nhôm, quặng măng-gan, kim cương.
- Mặt hàng nhập khẩu chính: xăng dầu, lương thực.
- GDP: 18,06 tỉ USD (2010).
- Tăng trưởng GDP: 4,7 % (2010).
- GDP bình quân: 752 USD/người (2010).
(Nguồn: CIA)
5. Quan hệ với Việt Nam:
a. Quan hệ chính trị, kinh tế:
- Việt Nam và Ghana lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1965. Ta mở Sứ quán ở Accra ngày 5/11/1965 và đóng cửa Sứ quán tháng 6/1966 sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống N'krumah. Ghana mở Sứ quán ở Hà nội ngày 11/11/1965 và đóng cửa Sứ quán tháng 6/1966 cũng sau sự kiện trên.
- Ta và Ghana có quan hệ tốt. Ghana ủng hộ ta vào ECOSOC (1996) và ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc khóa 2008 – 2009.
- Ghana mong muốn ta:
+ Giúp chuyển giao kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp (kỹ thuật, chuyên gia trồng lúa nước, cung cấp gạo ổn định cho bạn) ; y tế (kinh nghiệm phòng chống sốt-rét; xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, phát triển y học dân tộc).
+ Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và du lịch. Ghana đặt mục tiêu thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2011. Vì vậy bạn rất muốn ta chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng bá và phát triển du lịch.
- Chính phủ Ghana đang triển khai cử lãnh sự danh dự tại Việt Nam.
- Về trao đổi thương mại: Kim ngạch thương mại năm 2010 tăng mạnh so với năm 2009, đạt khoảng 121 triệu USD (tăng 25%), trong đó xuất khẩu: 96 triệu USD và nhập khẩu: 25 triệu USD. Gạo luôn là mặt hàng chính chiếm từ 60-70% kim ngạch thương mại của ta vào Ghana.
b. Trao đổi đoàn: (i) các đoàn bạn thăm VN:Tổng thống Kwame Nkrumah (1966); Bộ trưởng Nghề cá Ishmael Ashitey (9/2002); Bộ trưởng Giáo dục trong chương trình thăm quan học tập do Ngân hàng Thế giới tài trợ (2006); (ii) các đoàn ta thăm bạn: Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ (2008).
c. Hai bên đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác song phương trong lĩnh vực Nghề cá và Phát triển Lúa gạo (2002). Hai bên đang trao đổi dự thảo Hiệp định Thương mại.
d. Cơ quan đại diện: ĐSQ ta tại Libi kiêm nhiệm Ghana. ĐSQ Ghana tại Bắc Kinh kiêm nhiệm VN.