TÀI LIỆU CƠ BẢN CỘNG HÒA DĂM-BI-A VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


BỘ NGOẠI GIAO


      ------


 


TÀI LIỆU CƠ BẢN


CỘNG HÒA DĂM-BI-A



 


1. Khái quát


·        Tên nước: Cộng hòa Dăm-bi-a (The Republic of Zambia)


·        Thủ đô: Lu-sa-ca (Lusaka)


·        Vị trí địa lý: miền Nam Châu Phi, Bắc giáp CHDC Công-gô (Congo) và Tan-da-ni-a (Tanzania), Tây giáp Ăng-gô-la (Angola), Nam giáp Dim-ba-bu-ê (Zimbabwe) và Na-mi-bi-a (Namibia), Đông giáp Ma-la-uy (Malawi) và Mô-dăm-bích (Mozambique). Dăm-bi-a không có đường ra biển.


·        Diện tích 752.614 km2


·        Dân số 14,64 triệu người, 73 bộ tộc người Phi và người gốc châu Á, châu Âu (2012)


·        Tôn giáo Đạo cơ đốc chiếm 50 - 75%, đạo Hồi và Hindu 24-49%, tôn giáo khác 1%


·        Ngôn ngữ Tiếng Anh và 5 thứ tiếng dân tộc


·        Đơn vị tiền tệ: đồng Kwacha. 1 USD = 4,87 Dăm-bi-an Kwacha (ZMK)


·        Tổng thống : Edgar Lugut (từ 1/2015)


·        Bộ trưởng Ngoại giao: Giâu Ma-lan-di (từ 2018)


·        Quốc khánh: 24/10/1964


2. Lịch sử


Từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX, một quốc gia Lunda hùng mạnh của người Lunda và Luba được thành lập bao gồm lãnh thổ Angola, Congo, Dăm-bi-a và một phần Cộng hoà Dân chủ Congo ngày nay. Từ giữa thế kỷ XIX, người phương Tây bắt đầu xâm nhập, khai thác, buôn bán tại vùng đất này. Năm 1888, Cecil Rhodes, triệu phú người Anh, tới buôn bán và khai thác mỏ vùng lãnh thổ thuộc Dăm-bi-a, Zimbabwe, Malawi ngày nay. Từ đó, Anh xác lập vùng kiểm soát của mình bao gồm vùng Rhodesia Bắc (Dăm-bi-a) (từ 1924), Rhodesia Nam (Zimbabwe) (từ 1923) và Nyasaland (Malawi) (từ 1953). Năm 1937, mô hình tổ chức công đoàn đầu tiên được thành lập bởi những người lao động châu Phi, là tiền thân của Đại hội dân tộc Phi Bắc Rhodesia (NRANC). Năm 1953, liên bang Rhodesia và Nyasaland ra đời, trải qua nhiều biến động và khủng hoảng do phong trào đấu tranh giành độc lập của người Phi ngày càng cao. Năm 1962, Anh buộc phải tiến hành một cuộc bầu cử, lập ra hội đồng lập pháp, thông qua nghị quyết cho phép vùng Bắc Rhodesia ly khai, lập ra một chính phủ tự trị, có hiến pháp và quốc hội riêng. Sau khi Liên bang bị giải thể (1963), ngày 24/10/1964, nước Cộng hòa Dăm-bi-a chính thức ra đời. Đảng Độc lập Dân tộc thống nhất (UNIP) giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, ông K. Kaunda – chủ tịch Đảng (nguyên Tổng thư ký NRANC) làm Tổng thống. 



3. Chính trị


a) Đối nội


Dăm-bi-a theo chế độ đa Cộng hoà Tổng thống, Tổng thống cũng đồng thời là người đứng đầu Chính phủ. Trước 1972, Dăm-bi-a có 3 Đảng chính nhưng Đảng độc lập Dân tộc thống nhất (UNIP) luôn thắng thế và là Đảng cầm quyền từ khi đất nước độc lập (1964). Năm 1973, Hiến pháp Dăm-bi-a thay đổi tuyên bố thực hiện chế độ độc Đảng, các Đảng phái ngoài Đảng cầm quyền bị cấm hoạt động và ông Kaunda, chủ tịch Đảng cầm quyền UNIP, tiếp tục giữ chức Tổng Thống (từ 1978-1988). Năm 1990 đánh dấu sự nổi lên của một phong trào đấu tranh đòi Dân chủ đa Đảng có tên là MMD (Movement for Multiparty Democracy) gồm nhiều nhân vật quan trọng trong Đảng UNIP tách ra và những thủ lĩnh của lực lượng lao động. Năm 1991, trước những đòi hỏi mới xuất hiện và sức ép của các lực lượng đối lập, Dăm-bi-a trở lại nền dân chủ đa Đảng. Ngay sau đó, Đảng MMD giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên với 125/150 ghế trong Quốc hội, trở thành Đảng cầm quyền từ 1991 đến 2011. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011, Đảng Mặt trận Yêu nước giành đa số ghế tại Quốc hội  (60/150 ghế) và ông Michael Sata, Chủ tịch Đảng Mặt trận Yêu nước trở thành Tổng thống với 42% phiếu bầu sau 3 lần ứng cử Tổng thống. 28/10/2014, Tổng thống M. Sata đột ngột qua đời. Theo Hiến pháp Dăm-bi-a, Phó Tổng thống Guy Scott lên làm Tổng thống tạm quyền cho đến khi tổ chức bầu cử Tổng thống (dự kiến 20/1/2015).


b) Đối ngoại


Dăm-bi-a theo chính sách KLK, dân tộc chủ nghĩa, cân bằng quan hệ với các nước lớn (EU, Mỹ, Canada), tăng cường hợp tác với các nước châu Phi trong Cộng đồng phát triển miền Nam Châu Phi (SADC), chú trọng quan hệ với các nước Châu Á trong đó có Trung Quốc, Việt Nam; chủ trương hoà bình thương lượng để giải quyết mâu thuẫn, tích cực tham gia tìm giải pháp về vấn đề nợ nước ngoài, hợp tác kinh tế, xung đột khu vực v.v.. đặc biệt Dăm-bi-a đã làm trung gian để đi đến ký kết Nghị định thư Lusaka (11/1994) giữa Chính phủ Ăng-gô-la và UNITA. Dăm-bi-a ủng hộ thành lập lực lượng gìn giữ hoà bình ở Châu Phi cũng như xu thế hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Dăm-bi-a là thành viên của AU (trước đây là OUA), LHQ, KLK, Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Khối thịnh vượng chung, WTO, IMF, G15.



4. Kinh tế


Dăm-bi-a có tài nguyên thiên nhiên phong phú: đồng (trữ lượng 1 tỉ tấn, chiếm 90% thu nhập ngoại tệ xuất khẩu), kẽm, coban, vàng, uranium, chì v.v… Dăm-bi-a không có đường ra biển nên có khó khăn trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Công nghiệp khai khoáng, du lịch, chăn nuôi, trồng bông, rau quả tương đối phát triển.


Trước đây, Dăm-bi-a xây dựng nền kinh tế theo mô hình tập trung, kế hoạch hoá, chú trọng công nghiệp. Do vậy, nền nông nghiệp bị trì trệ, các ngành chăn nuôi, trồng trọt không phát triển, kinh tế lâm vào khủng hoảng. Từ năm 1990, WB và IMF đã thúc ép Dăm-bi-a cải cách kinh tế, thực hiện kinh tế thị trường, khuyến khích tư nhân hoá sản xuất, chú trọng phát triển nông nghiệp, tranh thủ vốn, đầu tư, kỹ thuật của các nước phương Tây, WB, IMF. Năm 2005, IMF và WB đã xoá 502 triệu USD trong tổng số gần 7,2 tỉ USD tiền nợ của Dăm-bi-a. Từ năm 2000, Dăm-bi-a được Mỹ đưa vào danh sách các nước được hưởng ưu đãi từ Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng Châu Phi (AGOA - nhiều mặt hàng của Dăm-bi-a, đặc biệt là hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ được hưởng mức thuế ưu đãi ở mức 0%).


Kinh tế Dăm-bi-a tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, đạt trung bình 6%/năm trong giai đoạn 2005-2013. Tuy nhiên tình trạng đói nghèo vẫn là vấn đề lớn đối với kinh tế Dăm-bi-a. Nhờ giá đồng thế giới tăng kỷ lục thời gian qua và việc bội thu vụ mùa ngô, Dăm-bi-a đã nhanh chóng hồi phục sau suy thoái kinh tế do giá nguyên liệu giảm giai đoạn 2014-2016.


Thông tin kinh tế năm 2016


·        GDP: 64,89 tỷ USD (PPP)


·        GDP bình quân : 3.900 USD (PPP)


·        Tăng trưởng 3%


·        Nhập khẩu chủ yếu là: dầu thô, sản phẩm hóa dầu, hàng hóa tiêu dùng, dược phẩm, phương tiện giao thông, máy móc thiết bị.


·        Xuất khẩu chủ yếu là: đồng, chì, rau quả, bông, thuốc lá, hoa tươi.


Bạn hàng lớn của Dăm-bi-a: Nam Phi, CHDC Công-gô, Trung Quốc, Cô-oét, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, UAE.


 


5. Quan hệ với Việt Nam


Hai nước lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ ngày 15/9/1972.


Trao đổi đoàn giữa hai nước: phía ta: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (3/1995); phía Bạn: đoàn chuyên gia kinh tế Dăm-bi-a (12/1975), Bộ trưởng Ngoại giao Dăm-bi-a Keli S.Walubita (4/1998), Bộ trưởng Ngoại giao Ha-ri Ca-la-ba (7/2014).


Kim ngạch thương mại 2017 đạt 142,4 triệu USD. Ta chủ yếu nhập siêu (139,4 triệu USD): đồng, bông, quặng, khoáng sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu.


6. Địa chỉ cơ quan đại diện ngoại giao tại mỗi nước:


Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Dăm-bi-a:


Địa chỉ:  Via AL4, Lotes No. 4-5, Talatona-Luanda Sul, Luanda.


Mã bưu chính:  C.P. 1774


Điện thoại:  (+244) 222.010697


Fax:            (+244) 222.010696


Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn ; sqvnangola@gmail.com


 


Đại sứ quán Dăm-bi-a tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam:


Địa chỉ: Suite C, 5th Floor, Menara MBF, Jalan Sultan Ismail, 50250 Kuala Lumpur


Điện thoại:  +(603) 21453512


Fax:            +(603) 21453619


Email: info@zhckl.com.my


 


                                                                             Tháng 12/2018


Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn