TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA DĂM-BI-A VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ DĂM-BI-A
Tên nước: Cộng hòa Dăm-bi-a (Republic of Zambia)                              
Thủ đô: Lu-xa-ca (Lusaka)                               
Quốc khánh: 24/10/1964                              
Vị trí địa lý: miền Nam Châu Phi, Bắc giáp CHDC Công-gô và Tan-da-ni-a, Tây giáp Ăng-gô-la, Nam giáp Dim-ba-bu-ê và Na-mi-bi-a, Đông giáp Ma-la-uy và Mô-dăm-bích. Dăm-bi-a không có đường ra biển.                              
Diện tích: 752.618 km2                              
Khí hậu: nhiệt đới và cận nhiệt đới                               
Dân số: 19,4 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới) 
Ngôn ngữ: Tiếng Anh                             
Đơn vị tiền tệ: Kwacha (ZMW, 1 USD = 16,11 ZMW)                             
GDP: 18,11 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới) 
GDP/đầu người: 985 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới) 
Tôn giáo: Tin lành chiếm 75%, Công giáo 20%, tôn giáo khác 2,7%                               
Cơ cấu hành chính: 10 tỉnh, tỉnh trưởng được bổ nhiệm bởi Tổng thống.                             
Lãnh đạo chủ chốt:
- Tổng thống: Ha-kai-đê Hi-lơ-ma (Hakainde Hichilema) (từ tháng 8/2021);
- Chủ tịch Quốc hội: Ne-li Bư-ê-tê Ka-sum-ba Mu-ti (Nelly Butete Kashumba Mutti) (từ tháng 9/2021);
- Bộ trưởng Ngoại giao: Ka-sôn-gô Ka-bư-bô (Kasongo Kabubo) (từ thsang 9/2018).                            
II. Khái quát lịch sử
Từ xa xưa, hai giống người cổ nhất châu Phi là Boschiman và Hottentot đã đến sinh sống ở vùng đất này. Từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX, một quốc gia Lunda hùng mạnh của người Lunda và Luba được thành lập bao gồm lãnh thổ Ăng-gô-la, Cộng hòa Công-gô, Dăm-bi-a và một phần CHDC Công-gô ngày nay.
Từ giữa thế kỷ XIX, người phương Tây bắt đầu xâm nhập, khai thác, buôn bán tại vùng đất này. Năm 1888, Cecil Rhodes, triệu phú người Anh, tới buôn bán và khai thác mỏ. Từ đó, Anh xác lập vùng kiểm soát của mình bao gồm vùng Rhodesia Nam (Zimbabwe) (từ 1923), Rhodesia Bắc (Dăm-bi-a) (từ 1924) và Nyasaland (Ma-la-uy) (từ 1953). Năm 1937, mô hình tổ chức công đoàn đầu tiên được thành lập bởi những người lao động châu Phi có tên là Đại hội Dân tộc Phi (ANC), là tiền thân của Đại hội dân tộc Phi Bắc Rhodesia (NRANC), lãnh đạo nhân dân châu Phi tiến hành cuộc đấu tranh chống đế quốc Anh. Năm 1949, Tổng thống đầu tiên của Dăm-bi-a là Kenneth Kaunda khi đó là giáo viên cấp I tham gia ANC và trở thành Tổng thư ký ANC khu vực Bắc
Năm 1953, Liên bang Rhodesia và Nyasaland ra đời, trải qua nhiều biến động và khủng hoảng do phong trào đấu tranh giành độc lập của người Phi ngày càng cao. Năm 1958, do nhiều khác biệt trong quan điểm chính trị, Kenneth Kaunda tách khỏi Đảng NRANC để tự thành lập Đảng Đại hội Dân tộc phi Dăm-bi-a (ZANC). Tuy nhiên, Đảng này đã bị cấm hoạt động sau khi Kenneth Kaunda bị bắt năm 1959. Trong thời gian Kenneth Kaunda ngồi tù, những người trung thành với ông lập ra Đảng Độc lập Dân tộc Thống nhất (UNIP) và bầu Kenneth Kaunda làm Chủ tịch Đảng. Năm 1962, Anh buộc phải tiến hành một cuộc bầu cử, lập ra Hội đồng lập pháp, thông qua nghị quyết cho phép vùng Bắc Rhodesia ly khai, lập ra một chính phủ tự trị, có Hiến pháp và Quốc hội riêng. Sau khi Liên bang bị giải thể (1963), ngày 24/10/1964, nước Cộng hòa Dăm-bi-a chính thức ra đời. Đảng Độc lập Dân tộc Thống nhất (UNIP) giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, ông K. Kaunda - Chủ tịch Đảng làm Tổng thống.
Sau giai đoạn thực hiện chế độ một đảng lãnh dạo (1972-1990), năm 1991, Zambia quay chở lại chế độ đa đảng và áp dụng từ đó đến nay.
 III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
        - Dăm-bi-a theo chế độ Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu chính phủ và lãnh đạo đảng cầm quyền; được bầu trực tiếp, có nhiệm kỳ 5 năm và có thể tái cử 1 lần.
- Cơ cấu nghị viện: Theo hệ thống Quốc hội đơn viện. Quốc hội Dăm-bi-a có 166 thành viên, trong đó 156 thành viên được bầu trực tiếp; 08 thành viên do Tổng thống bổ nhiệm trực tiếp. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Phó Tổng thống cũng được dành ba (03) ghế tại Quốc hội.
- Các đảng phái chính: Dăm-bi-a có 16 đảng phái, các đảng phái chính gồm:
+ Đảng Thống nhất vì sự Phát triển của Dân tộc (UPND): Đảng cầm quyền, thành lập năm 1998. Lãnh đạo đảng là Tổng thống Hakainde Hichilema.
+ Mặt trận Yêu nước (PF): Đảng đối lập lớn nhất, thành lập năm 2001, hiện chiếm 60/167 ghế tại Quốc hội. Lãnh đạo đảng là cựu Tổng thống Edgar Lungu.
+ Đảng Độc lập Dân tộc Thống nhất (UNIP): Đảng có ảnh hưởng sâu rộng tới chính trị Dăm-bi-a giai đoạn 1964-1991, tuy nhiên UNIP mất dần ảnh hưởng sau khi chế độ đa đảng được thiết lập, hiện UNIP không nắm ghế nào trong Quốc hội.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
- Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011, Đảng Mặt trận Yêu nước (PF) giành đa số ghế tại Quốc hội (60/150 ghế) và ông Michael Sata, Chủ tịch Đảng PF trở thành Tổng thống với 42% phiếu bầu sau 3 lần ứng cử Tổng thống. Ngày 28/10/2014, Tổng thống M. Sata đột ngột qua đời. Tháng 01/2015, Dăm-bi-a tiến hành bầu cử đột xuất để tìm người đảm trách nốt nhiệm kỳ của Tổng thống Sata. Ông Edgar Lungu, nguyên Bộ trưởng Tư pháp và Quốc phòng, thành viên Đảng PF đã được lựa chọn và tiếp tục giành thắng lợi tại tổng tuyển cử tháng 8/2016, trở thành Tổng thống thứ 6 của Dăm-bi-a nhiệm kỳ 2016-2021. Tại tổng tuyển cử năm 2021, ứng viên Đảng UPND Hakainde Hichilema đã giành chiến thắng trước Tổng thống đương nhiệm Edgar Lungu.
2. Kinh tế - Xã hội
- Dăm-bi-a có tài nguyên thiên nhiên phong phú: đồng (trữ lượng 1 tỉ tấn, chiếm 90% thu nhập ngoại tệ xuất khẩu), kẽm, coban, vàng, uranium, chì v.v. Từ năm 2017, Dăm-bi-a đã trở thành nước sản xuất đồng lớn nhất châu Phi. Nông nghiệp là xương sống của nền kinh tế Dăm-bi-a (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản). Năm 2021, Dăm-bi-a đã phải tuyên bố mất khả năng trả nợ và phải đàm phán để tái cơ cấu các cho vay của các đối tác như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc.
+ Cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ 57% , Công nghiệp 35,3%, Nông nghiệp 7,5%.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Đồng, coban, điện, thuốc lá, hoa tươi, bông
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Sản phẩm hóa dầu, hàng hóa tiêu dùng, hàng dệt may, phân bón, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị.
+ Đối tác thương mại chính: Nam Phi, CHDC Công-gô, Trung Quốc, Cô-oét, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, UAE.
- Dăm-bi-a xếp thứ 146/189 nước về chỉ số phát triển con người, tỷ lệ thất nghiệp là 13%, tỷ lệ biết chữ đạt 87,7% năm 2019, tỷ lệ nhân viên y tế/10000 dân đạt 1.
V. Chính sách đối ngoại
- Dăm-bi-a theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, không liên kết, cân bằng quan hệ với các nước lớn (EU, Mỹ, Canada), tăng cường hợp tác với các nước châu Phi trong Cộng đồng Phát triển miền Nam Châu Phi (SADC), chú trọng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc.
-Dăm-bia là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, WTO, IMF, Khối Thịnh vượng chung, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC)… Dăm-bi-a coi trọng thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực, đặc biệt tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình ở châu Phi, nhất là Lực lượng giữ gìn hoà bình Liên hợp quốc tại Trung Phi (MINUSCA).
QUAN HỆ VIỆT NAM - DĂM-BI-A
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Zambia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/9/1972.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán thường trú tại thủ đô của nhau. Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Dăm-bi-a. Đại sứ quán Dăm-bi-a tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Dăm-bi-a: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (3/1995).
+ Đoàn Dăm-bi-a thăm Việt Nam: Bộ trưởng Ngoại giao W.M. Chakulya (5/1980); Bộ trưởng Ngoại giao Keli S.Walubita (4/1998), Bộ trưởng Ngoại giao Harry Kalaba (7/2014).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 30,96 triệu USD, năm 2019 đạt khoảng 49 triệu USD, năm 2018 đạt 96,6 triệu USD. Trong đó, Việt Nam nhập siêu, chủ yếu gồm các sản phẩm như đồng, bông, gỗ và các sản phẩm gỗ, quặng khoáng sản.
 III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trên các diễn đàn đa phương/quốc tế: Hai bên phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế. Dăm-bi-a ủng hộ ta làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thoả thuận đã ký kết giữa hai nước
Hai nước chưa ký văn kiện hợp tác.
V. Thông tin cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Dăm-bi-a
Địa chỉ:  Via AL4, Lotes No. 4-5, Talatona-Luanda Sul, Luanda.
Mã bưu chính:  C.P. 1774
ĐT: +244  222 010697
Fax: +244 222 010696
Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn ; sqvnangola@gmail.com
Cao ủy Cộng hòa Dăm-bi-a tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam
Phòng Suite C, Tầng 5, Tòa Menara MBF,
50250 Jalan Sultan Ismail, Kuala Lumpur, Malaysia

Tháng 8/2022



Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn