Tài liệu cơ bản tháng 3 năm 2020

Bộ Ngoại giao

        ------

 

TÀI LIỆU CƠ BẢN

CỘNG HÒA DIM-BA-BU-Ê

 

 

1.     Khái quát:

·        Tên nước: Cộng hòa Dim-ba-bu-ê (The Republic of Dim-ba-bu-ê)

·        Thủ đô Harare

·        Vị trí địa lý: Dim-ba-bu-ê (Dim-ba-bu-ê) ở miền Nam châu Phi, phía Bắc giáp Dăm-bi-a (Zambia), phía Đông giáp Mô-dăm-bích (Mozambique), Tây giáp Bốt-xoa-na (Botswana) và Nam giáp Nam Phi.

·        Khí hậu: cận nhiệt đới, ôn hoà, ít mưa

·        Diện tích 390.580 km2

·        Dân số 14,8 triệu người (2019)

·        Ngôn ngữ Tiếng Anh (chính thức)

·        Tôn giáo Thiên chúa (25%), đạo Cổ truyền (24%), pha trộn 2 tín ngưỡng này (50%)

·        Đơn vị tiền tệ Đô-la Dim-ba-bu-ê (Dim-ba-bu-êan dollar). Từ 12/4/2009, đồng đô la Dim-ba-bu-ê đã chính thức không còn lưu hành do kinh tế Dim-ba-bu-ê bị siêu lạm phát (231,000,000%). Ngân hàng Dự trữ Dim-ba-bu-ê đã cho phép mọi giao dịch được thực hiện bằng một số ngoại tệ như USD (Mỹ), Pound (Anh), Rand (Nam Phi), Pula (Bốt-xoa-na)

·        Tổng thống: Ê-mê-xơn Nan-ga-goa (Emmerson Mnangagwa) tháng 2/2017

·        Ngoại trưởng Xi-bu-xi-zô Môi-ô (Sibusiso Moyo) từ 2017

·        Quốckhánh 18/04/1980

     2. Lịch sử:

          Dim-ba-bu-ê có nghĩa là "toà nhà bằng đá", có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời ở châu Phi. Thế kỷ IV người Venda và các bộ tộc từ cao nguyên và Hồ Lớn đã đến sinh sống bằng nghề chăn nuôi. Thế kỷ VIII, Vương quốc Monomotapa được thành lập trên cơ sở bộ tộc Shona, với nền văn hoá nổi tiếng gồm di tích Đại Dim-ba-bu-ê, đền Ellipse, pháo đài Acroplo, Thác Victoria, đập Kariba. Năm 1895, thực dân Anh đến chiếm đóng và đổi tên vùng lãnh thổ Dim-ba-bu-ê ngày nay thành Rhodesie Nam.

          Năm 1957, ANC được thành lập do J. Nkoma lãnh đạo nhằm đấu tranh giành độc lập. Năm 1961, ANC bị cấm hoạt động và đổi thành ZAPU (Liên minh nhân dân Phi Dim-ba-bu-ê). Năm 1963, ZANU (Liên minh dân tộc Phi Dim-ba-bu-ê) ly khai từ ZAPU do R.Mugabe đứng đầu ra đời, chủ trương đấu tranh vũ trang giành độc lập. Năm 1979, Anh, Mỹ, Dim-ba-bu-ê ký Hiệp định ngừng bắn (21/12/1979) tại London. Tổng tuyển cử đầu tiên tổ chức vào tháng 2/1980. Mặt trận yêu nước giành thắng lợi lớn, chiếm 77/100 ghế ở Quốc hội. Ngày 18/4/1980, Dim-ba-bu-ê tuyên bố độc lập, thành lập nước Cộng hoà Dim-ba-bu-ê do Robert Mugabe, Chủ tịch đảng ZANU làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Canaan Banana làm Tổng thống.

3. Chính trị:

a. Đối nội:

Thể chế: Cộng hoà Tổng thống, đa Đảng. Đảng cầm quyền hiện nay là ZANU-PF (Liên minh dân tộc Phi Dim-ba-bu-ê - Mặt trận yêu nước) do R.Mugabe làm Chủ tịch. Sau khi giành độc lập, Dim-ba-bu-ê tập trung củng cố độc lập dân tộc, khôi phục kinh tế. Năm 1987, hai Đảng ZANU, ZAPU đã hợp nhất thành ZANU-PF, sửa đổi hiến pháp và bầu ông Robert Mugabe làm Tổng thống hành pháp. Năm 1996 và 2002, Tổng thống Dim-ba-bu-ê R.Mugabe hai lần tái cử Tổng thống hai nhiệm kỳ 6 năm liên tiếp.

Chương trình cải cách ruộng đất - tịch thu đất đai của người da trắng, phân phối lại cho dân da đen - đã gây ra làn sóng di tản của người da trắng, khiến phương Tây phẫn nỗ dẫn đến tình hình nội bộ Dim-ba-bu-ê không ổn định. Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp dụng lệnh cấm vận với nhiều quan chức và doanh nghiệp nhà nước Dim-ba-bu-ê. Các phe phái đối lập lợi dụng tình hình kích động bạo loạn, bãi công, phản đối chính quyền, đòi Tổng Thống Mugabe từ chức. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, các cuộc bạo động do tranh chấp giữa Đảng ZANU-PF của Tổng thống Mugabe và Đảng đối lập lớn nhất MDC của Thủ tướng Tsvangirai đã khiến Dim-ba-bi-ê rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng. Dưới sức ép của tổ chức liên minh châu Phi (AU), hai Đảng đã chấp nhận một giải pháp ký Thoả thuận chia sẻ quyền lực - thành lập Đảng liên minh ZANU-PF và MDC trong vòng 4 năm. Năm 2013, Hiến pháp mới được thông qua, theo đó bãi bỏ chức vụ Thủ tướng, mở đường cho cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội mới. Kết quả Tổng thống đương nhiệm Mugabe và Đảng ZANU-PF tiếp tục giành thắng lợi, chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Tháng 11/2017, sau một cuộc binh biến mang tính chất đảo chính, dưới sức ép của dân chúng, đảng ZANU-PF và quốc hội, ông Mugabe đã tuyên bố từ chức, chấm dứt 37 năm cầm quyền. Đảng ZANU-PF đã cử Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa vừa bị ông Mugabe sa thải lên làm Tổng thống để điều hành đất nước. Trong cuộc tổng  tuyển cử tháng 7/2018, ông Emmerson Mnangagwa chính thức được bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ 6 năm từ  2018-2026.

b. Đối ngoại:

Dim-ba-bu-ê thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, KLK, coi trọng quan hệ với các nước khu vực, đặc biệt là các nước miền Nam châu Phi, cân bằng quan hệ với các nước lớn. Trong khuôn khổ SADC, cùng với Angola, Namibia, Dim-ba-bu-ê tích cực giải quyết tình hình bất ổn tại CHDC Congo bắt nguồn từ xung đột giữa Chính phủ CHDC Congo và nhóm phiến quân M23 và căng thẳng giữa Chính phủ nước này với quốc gia láng giềng Rwanda do Chính phủ CHDC Congo cáo buộc Rwanda hậu thuẫn cho phiến quân M23.

Dim-ba-bu-ê là thành viên của 44 Tổ chức quốc tế lớn (LHQ, AU, KLK, SADC, COMESA, ACP, WTO, G77, G15, AfDB, IMF.. ), góp vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hoá. Năm 1986, với cương vị là Chủ tịch Phong trào KLK, Dim-ba-bu-ê cố gắng góp phần tăng cường đoàn kết và duy trì mục tiêu của phong trào.

4. Kinh tế

Dim-ba-bu-ê là nước có tiềm năng kinh tế và tài nguyên thiên nhiên: Nông nghiệp là trụ cột chính của nền kinh tế Dim-ba-bu-ê, với môi trường khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp trồng nhiều giống cây trồng khác nhau; khai khoáng (Dim-ba-bu-ê có hơn 60 khoáng sản giao dịch trên thế giới như vàng, đồng, sắt, than đá, kim cương, bạch kim, lithium, crôm và nhiều khoáng sản khác); sản xuất chế biến (thực phẩm, đóng gói bao bì, kỹ thuật, đồ uống, xây dựng, nguyên liệu và dụng cụ nông nghiệp, dược phẩm, đồ nội thất, đồ điện, dệt may); du lịch.

Sau độc lập, chính quyền mới chủ trương phát triển kinh tế độc lập,  thực hiện nhiều cải cách về ruộng đất, lao động, định cư, thu nhập, xây dựng cơ sở y tế, giáo dục. Nhà nước nắm những lĩnh vực kinh tế quan trọng (ngân hàng, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên, xuất nhập khẩu); tự do hoá nền kinh tế, khuyến khích khu vực tư nhân, thu hút vốn đầu tư, kỹ thuật viện trợ, và khuyến khích liên doanh với nước ngoài; xúc tiến hợp tác khu vực, xây dựng ống dẫn dầu qua cảng Bếch-ca (Becca), Ma-pu-tô (Maputo) của Mô-dăm-bích (Mozambique), phục hồi đường sắt vận chuyển qua các nước, từng bước tăng quan hệ kinh tế hợp tác với châu Phi; thúc đẩy hợp tác Nam-Nam.

Từ năm 2000, kinh tế Dim-ba-bu-ê rơi vào suy thoái. Tháng 4/2006 Chính phủ đưa ra “Chương trình phục hồi kinh tế” nhưng thất bại. Năm 2008, khủng hoảng kinh tế lên đến đỉnh điểm: tỷ lệ lạm phát trên 200.000% , tỷ lệ thất nghiệp 80%, đẩy Dim-ba-bu-ê thành một trong những nước nghèo nhất châu Phi. Từ năm 2009, Dim-ba-bu-ê cho phép dùng các đồng ngoại tệ (Rand Nam Phi, Pula Bốt-xoa-na và Đô la Mỹ) trong giao dịch để hạn chế lạm phát và ổn định giá tiêu dùng. Kinh tế Dim-ba-bu-ê năm 2010 và 2011 tăng trưởng khả quan (lần lượt ở mức 9% và 6%), nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao (95%), tỷ lệ sống dưới mức nghèo đói chiếm tới 68% dân số. Dim-ba-bu-ê cũng là quốc gia châu Phi chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt về nông nghiệp, bởi hạn hán gây ra do hiện tượng En Ni-nô (El Nino) vào năm 2016 và lũ lụt do siêu bão I-đai (Idai) năm 2019. Tính đến 2019, tỷ lệ dân số sống ở mức cực kỳ nghèo khó vẫn chiếm khoảng 34% dân số (khoảng 5,7 triệu người).  

            Các sản phẩm xuất khẩu chính: Platinum, vàng, sắt, bông, thuốc lá, hàng may mặc;

          Các sản phẩm nhập khẩu chính: Máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất, nhiên liệu, thực phẩm

 

·        GDP (tính theo sức mua): 40,27 tỉ USD (2019)

·        GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua): 2.700 USD (2019)

·        Tăng trưởng: -7,1% (2019)

(Nguồn số liệu: IMF (imf.org))

5. Quan hệ với Việt Nam:

a. Quan hệ chính trị:

- Ta và Dim-ba-bu-ê lập quan hệ ngoại giao ngày 24/7/1981 và mở Đại sứ quán ta tại Harare tháng 3/1986. Đến tháng 4/1990 ta rút Sứ quán vì khó khăn kinh tế. Thời kỳ ta đưa quân ủng hộ CPC chống chế độ diệt chủng Khmer đỏ, Dim-ba-bu-ê không ủng hộ ta.

- Trao đổi đoàn: về phía bạn: Chủ tịch Phong trào giải phóng dân tộc ZANU-ZAPU Mugabe và N’Komo (1978); Uỷ viên Bộ Chính trị ZANU-PF, Bộ trưởng Thông tin Dim-ba-bu-ê Nathan Shamuyarira (1987); Tổng thống R.Mugabe (2001); về phía ta: Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát dự lễ tuyên bố độc lập Dim-ba-bu-ê (4/1980); Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ Đặng Vũ Chư (1993); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Dim-ba-bu-ê (1995).

- Các Hiệp định đã ký: Hiệp định Thương mại, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá và khoa học – kỹ thuật (2001); Thoả thuận thành lập nhóm công tác của hai Bộ Ngoại giao (2001).

b. Quan hệ kinh tế: Kim ngạch thương mại song phương trước đây ở mức thấp (xấp xỉ 2 triệu USD/năm). Từ 2010-2012, trao đổi thương mại khởi sắc với mức trao đổi khoảng 12 triệu USD, năm 2013 đạt trên 17 triệu USD; năm 2017 đạt hơn 27 triệu USD; năm 2018 đạt xấp xỉ 40 triệu USD (ta nhập chủ yếu là bông, nguyên phụ liệu thuốc lá; xuất chủ yếu linh kiện ô tô, nhôm, sản phẩm gỗ, clanke).

6. Thông tin cơ quan đại diện ngoại giao kiêm nhiệm mỗi nước

Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi:

Địa chỉ: 87 Brooks Street, Brooklyn, Pretoria

Mã bưu chính: 13692 Hatfield 0028, South Africa

Ðiện thoại: (27-12) 362 8119 / 362 8118

Fax: (27-12) 362 8115

Email: embassy@vietnam.co.za

 

Thương Vụ Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Dim-ba-bu-ê

Địa chỉ: 198 Silver Oak Ave., Waterkloof, Pretoria

Mã bưu chính: 0181, South Africa

ĐT: +27 12 346 8083

Fax: +27 12 346 8507

Email: za@moit.gov.vn

 

Đại sứ quán Dim-ba-bu-ê tại Kuala Lumpur kiêm nhiệm Việt Nam

Địa chỉ: 124, Jalan Sembilan, Taman Ampang Utama, 68000 Ampang, Selangor

ĐT: +60 3 42516779 / 6782

Fax: +60 3 4252 7252

          Email:zimkualalumpur@zimfa.gov.zw hoặc zhck@streamxy.com

 

Tháng 3/2020

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn