TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA MA-LI VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

        BỘ NGOẠI GIAO

Vụ Trung Đông - Châu Phi

                      -----

 

TÀI LIỆU CƠ BẢN NƯỚC CỘNG HÒA MA-LI

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

 

 

 

1.  Khái quát

-  Tên nước : Cộng hoà Ma-li (Republic of Mali)

-  Thủ đô: Ba-ma-cô (Bamako)

-  Vị trí địa lý : nằm ở khu vực Tây Phi, giáp với An-giê-ri (Algeria), Mô-ri-ta-ni (Mauritania), Ghi-nê (Guinea), Buốc-ki-na Pha-xô (Burkina Faso), Ga-na (Ghana), Xê-nê-gan (Senegal) và Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire).

-  Diện tích: 1.240.000 km2.

-  Dân số: 17,8 triệu người (7/2017).

-  Tôn giáo: Hồi giáo: 90% Tín ngưỡng cổ truyền: 9%, Thiên chúa giáo: 1%.

-  Ngôn ngữ: tiếng Pháp

-  Quốc khánh: 22/9/1960.

-  Tổng thống: Tổng thống I-b-ra-him Bu-ba-ca Cây-ta (Ibrahim Boubacar Keita, từ tháng 9/2013).

-  Thủ tướng: Thủ tướng Xô-mây-lu Bô-bây-ê Mai-ga (Soumeylou Boubeye Maïga, từ tháng 12/2017).

-  Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập châu Phi và Hợp tác Quốc tế : Áp-đu-lay Đi-ốp (Abdoulaye Diop, từ tháng 4/2014).

2.  Lịch sử

- Năm 1898, thực dân Pháp chiếm Ma-li làm thuộc địa. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh đòi độc lập của nhân dân Ma-li nổi lên mạnh mẽ. Năm 1957, thực dân Pháp buộc phải trao quyền tự trị cho nhân dân Ma-li.

- Ngày 24/11/1958, Liên bang Ma-li (lúc đó bao gồm cả Xê-nê-gan, Buốc-ki-na Pha-xô, Bê-nanh và Xu-đăng thuộc Pháp) tuyên bố gia nhập khối cộng đồng Pháp. Một năm sau Buốc-ki-na Pha-xô và Bê-nanh ra khỏi liên bang. Ngày 20/6/1960, Liên bang Ma-li tuyên bố độc lập trong khối cộng đồng Pháp. Ngày 20/8/1960, Xê-nê-gan tách khỏi liên bang. Một tháng sau 22/9/1960, Xu-đăng cũng tách ra và tuyên bố độc lập, lấy tên là Ma-li và ông Modibo Keita trở thành Tổng thống đầu tiên, theo đường lối XHCN và chế độ độc đảng.

- Ngày 19/11/1968, Moussa Traoré đảo chính lật đổ Keita và lên làm Tổng thống. Ngày 26/3/1991 chính quyền Moussa Traoré bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự do Trung tá Ahmed Tidiane Touré đứng đầu, đất nước bước vào thời kỳ chuyển tiếp chế độ sang đa đảng. Tháng 4/1992, ông Alpha Oumar Konaré, ứng cử viên của Liên minh dân chủ Ma-li được bầu làm Tổng thống với 69% số phiếu bầu. Ngày 5/5/1997, ông Konaré tái đắc cử Tổng thống lần hai. Tháng 5/2002, ông Amadou Toumani Touré, người đã lên nắm quyền năm 1991 bằng đảo chính, được bầu làm Tổng thống.

- Phong trào đòi ly khai của phiến quân Touareg : tình hình Ma-li trở nên căng thẳng phức tạp vào đầu tháng 1/2012. Nhóm phiến quân vũ trang Touareg thuộc Phong trào giải phóng quốc gia Azawad (MNLA) đã tấn công quân đội của chính phủ Ma-li nhằm đòi quyền tự trị. Ngày 21/3/2012, một nhóm sỹ quan, binh lính Mali đã đảo chính quân sự. Tháng 5/2012, trước sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhóm đảo chính đã chấp thuận quyết định của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) về việc Tổng thống lâm thời Dioncounda Traore sẽ lãnh đạo Mali trong thời kỳ chuyển tiếp, kéo dài 12 tháng cho đến khi tổ chức tổng tuyển cử. Qua hai vòng bầu cử tháng 7 và 8/2013, ông I-bơ-ra-him Bu-ba-ca Cây-ta, cựu Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội đã thắng cử và ngày 4/9/2013 đã nhậm chức Tổng thống Ma-li.

3. Chính trị

a. Đối nội

- Thể chế: Cộng hoà Tổng thống.

- Các đảng phái chính:

+ Tập hợp vì Ma-li (RPM - Rassemblement pour le Mali, Đảng cầm quyền của Tổng thống I.B. Keita);

+ Liên minh vì Dân chủ Ma-li – Đảng châu Phi vì sự đoàn kết và công lý (ADEMA-PASJ – Alliance pour la Démocratie du Mali-Parti africain pour la solidarité et la justice)

+ Hội nghị Dân tộc Dân chủ (CNID – Congrès National d’initiative démocratique)

+ Phong trào Yêu nước vì Đổi mới (MPR - Mouvement patriotique pour le renouveau)

+ Đảng Độc lập, Dân chủ và Đoàn kết (PIDS - Parti de l'indépendance, de la démocratie et de la solidarité)

- Ma-li theo đường lối Dân chủ Lập hiến đa đảng và tam quyền phân lập. Tổng thống có nhiệm kỳ 5 năm, được bầu qua bỏ phiếu phổ thông và chỉ được tái đắc cử 1 lần (giữ chức không quá 2 nhiệm kỳ). Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và là Tổng chỉ huy quân đội. Thủ tướng, do Tổng thống chỉ định, có quyền chỉ định Hội đồng Bộ trưởng. Quốc hội Ma-li gồm 160 ghế, họp thường kỳ 2 lần mỗi năm. Hai toà án cao nhất của Ma-li là Toà án Tối cao (có quyền xét xử và quản lý hành chính) và Toà án Hiến pháp (có quyền xem xét các khía cạnh thực hiện tư pháp và hoạt động như trọng tài giám sát bầu cử).

- Sau khi Tổng thống I. B. Keita chính thức nhậm chức, Chính phủ Ma-li vẫn chưa thể kiểm soát tốt tình hình an ninh-chính trị do hoạt động mạnh mẽ của các phong trào chống đối và ly khai. Các phong trào này lợi dụng tình hình bất ổn, tiến hành nhiều hoạt động chống phá chính quyền Ma-li khiến Pháp phải can thiệp quân sự (tháng 1/2013) và LHQ phải cử phái bộ gìn giữ hoà bình MINUSMA đến Ma-li từ tháng 7/2013. Sau một thời gian dài đàm phán (từ tháng 7/2014), tháng 6/2015, với sự trung gian hòa giải của An-giê-ri, Chính phủ Ma-li và Tập hợp các phong trào Azawad (CMA) – Liên minh 5 nhóm vũ trang Touareg và Ả-rập (gồm Phong trào dân tộc giải phóng Azawad – MNLA, Hội đồng cấp cao vì sự thống nhất Azawad – HCUA, một nhánh của Phong trào Ả-rập Azawad – MAA, Liên minh nhân dân vì Azawad – CPA và một nhánh của Tập hợp các Phong trào và Mặt trận kháng chiến yêu nước – CM-FPR2) đã ký thỏa thuận hòa bình Alger. Thời gian đầu sau khi ký thỏa thuận, các phe phái vẫn khó kiềm chế giao tranh. Từ tháng 10/2015, tình hình an ninh có cải thiện, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất ổn do các nhóm vũ trang không ký thỏa thuận Alger vẫn tiến hành các vụ tấn công ở miền Bắc, Nam và ngay tại thủ đô Bamako.

- Khủng bố: Từ khi bắt đầu triển khai tại Ma-li, Phái bộ MINUSMA nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công khủng bố của các nhóm vũ trang Ả-rập và Touareg. Tính đến 31/3/2017, đã có 72 binh lính và nhân viên dân sự thiệt mạng do các sự cố và các vụ tấn công có chủ đích, tập trung chủ yếu ở Kidal và Gao (phía đông bắc Ma-li). Phái bộ MINUSMA được gia hạn nhiệm vụ đến 30/6/2017.

Ngoài ra, gần đây nhất ngày 20/11/2015, tại khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamako đã xảy ra vụ khủng bố, bắt cóc 170 con tin thuộc 14 quốc tịch khác nhau, khiến 22 người thiệt mạng. Nhóm khủng bố Al-Mourabitoune đã nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công, hợp tác với tổ chức al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM).  

b. Đối ngoại

- Ma-li là thành viên của Phong trào KLK, Liên minh châu Phi (AU), khối Pháp ngữ, Cộng đồng kinh tế Tây Phi ECOWAS và nhiều tổ chức khác.  

- Trước đây, Ma-li thực hiện đường lối trung lập tích cực, chống đế quốc, chống thực dân, thân Liên Xô và các nước XHCN. Ma-li được Liên Xô giúp đỡ rất nhiều về quân sự và kinh tế. Từ cuối những năm 1980, Ma-li chuyển sang quan hệ mật thiết với phương Tây nhất là Pháp, Mỹ, Bỉ, Canada. Hiện nay, Pháp, Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ma-li. IMF cho Ma-li vay vốn, nhằm giúp đỡ chính quyền Ma-li khuyến khích quá trình dân chủ hóa và giữ cho tình hình ổn định.

- Ma-li duy trì quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, tích cực ủng hộ các phong trào dân chủ và tiến bộ ở khu vực.  

4.  Kinh tế

- Ma-li là một trong 25 nước nghèo nhất thế giới, 65% đất đai là sa mạc hoặc bán sa mạc, không có biển và nguồn thu ngân sách phần lớn đến từ xuất khẩu vàng và nông sản (bông). Mọi hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào vùng đất ven sông Niger. Nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi, 80% dân số sống bằng nghề nông. Nông sản chính là lúa, ngô, kê, lạc, bông (bông và lạc là đặc sản của Ma-li, sản lượng đứng thứ hai ở châu Phi). Về chăn nuôi, Ma-li là một trong những nước đứng đầu ở Tây Phi về số lượng và sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu.

- Ngành công nghiệp chủ yếu là chế biến nông sản. Ma-li hiện đang tập trung phát triển công nghiệp luyện kim từ quặng sắt để đa dạng hóa nguồn thu ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu vàng, tuy nhiên sản phẩm xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào sự dao động của giá thế giới.

- Năm 1995, Ma-li thực hiện cải cách kinh tế theo hướng duy trì ổn định và tự do hoá nền kinh tế có vai trò của tư nhân, phát triển kinh tế theo định hướng thị trường. Các biện pháp cải cách nông nghiệp nhằm vào việc đa dạng hoá và thúc đẩy sản xuất đồng thời giảm giá đầu vào. Từ năm 2013, kinh tế Ma-li khởi sắc dù vẫn chịu tác động của bất ổn an ninh, dân số phát triển nhanh, nạn tham nhũng, cơ sở hạ tầng kém phát triển.

Một số thông tin kinh tế cơ bản (2017) :

+ GDP (PPP) : 40,98 tỷ USD

+ GDP bình quân đầu người : 2.200 USD 

+ Tăng trưởng GDP thực tế: 5,3%

5. Quan hệ Việt Nam-Ma-li

a. Quan hệ chính trị:,

- Việt Nam và Ma-li lập Quan hệ Ngoại giao ngày 30/10/1960. Ma-li công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngày 28/6/1969. Ta đặt Đại sứ quán tại Ma-li năm 1962. Tháng 10/1972 ta rút do khó khăn về tài chính. Hiện nay Đại sứ quán ta tại An-giê-ri kiêm nhiệm Ma-li. Hai nước phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế, Ma-li ủng hộ ta ứng cử Hội đồng chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC, 2016-2018).

- Trao đổi đoàn: Ta: Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (1962), Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1978), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (1994); Bạn: Tổng thống Modibo Keita (1964), Thủ tướng Ibrahima Boubacar Keita (1994), Chủ tịch Quốc hội Ali Nouhoum Dialo (1995).

- Các văn bản ký kết: Hiệp định hợp tác kinh tế, Thương mại, Văn hóa và Khoa học Kỹ thuật (1994). Hai bên đã thành lập UBHH về hợp tác song phương tháng 8/1994 nhưng đến nay vì nhiều lý do chưa tiến hành họp. Phía Việt Nam do Bộ NN&PTNT làm Chủ tịch phân ban.

b. Quan hệ kinh tế:

- Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 75 triệu USD,  trong đó ta xuất 30 triệu USD (chủ yếu là dệt may) và nhập 45 triệu USD (chủ yếu là bông).

- Nông nghiệp: Trong những năm 60 ta cử một số chuyên gia giáo dục, y tế, nông nghiệp, ngân hàng và thủ công nghiệp sang làm việc ở Ma-li. Từ 2005-2009, ta có 12 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp đang làm việc tại Ma-li theo hiệp định bốn bên Việt Nam – Pháp – FAO – Ma-li về chương trình phát triển bền vững vùng Yélimane (Ma-li), được Tổng thống bạn đánh giá cao. Hai nước dự kiến xem xét khả năng triển khai giai đoạn hai của dự án này nhưng do tình hình chính trị bất ổn tại Ma-li từ tháng 3/2012 nên tạm dừng.

6. Thông tin Cơ quan đại diện

ĐSQVN tại An-giê-ri kiêm nhiệm Ma-li

Địa chỉ: No 30 Chénoua, Hydra, Alger, Algerie

ĐT: +213 21 692 752; + 213 21 696 08 843;

Fax: +213 21 693 778

Email: sqvnalgerie@yahoo.com.vn; vnemb.dz@mofa.gov.vn

 

ĐSQ Ma-li tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam

Địa chỉ : No. 8, Dong Si Jie, San Li Tun, Beijing, China, 

ĐT : (0086-10) 65321704/5530

Fax : (0086-10) 65320875/65321618

Email : ambamalichine@yahoo.com

 

Tháng 12/2018

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn