Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ MA-LI VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA MA-LI
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hoà Ma-li (Republic of Mali)                              
Thủ đô: Ba-ma-cô (Bamako)                                
Quốc khánh: 22/9/1960                               
Vị trí địa lý: nằm ở khu vực Tây Phi, giáp với An-giê-ri (Algeria), Mô-ri-ta-ni (Mauritania), Ghi-nê (Guinea), Buốc-ki-na Pha-xô (Burkina Faso), Ga-na (Ghana), Xê-nê-gan (Senegal) và Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire).                              
Diện tích: 1.241.231 km2                              
Khí hậu: khí hậu sa mạc ở miền Bắc, khí hậu bán sa mạc ở miền Trung, khí hậu nhiệt đới thảo nguyên ở miền Nam.                               
Dân số: 20,85 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới).                                
Ngôn ngữ: tiếng Pháp                               
Đơn vị tiền tệ: Franc-CFA (1 USD = 550 CFA)                               
GDP: 19,14 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                               
GDP/đầu người: 782,1 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                               
Tôn giáo: Hồi giáo: 90% Tín ngưỡng cổ truyền: 9%, Thiên chúa giáo: 1%.                              
Cơ cấu hành chính: Kể từ năm 2016, Mali đã được chia thành 10 khu vực và Quận Bamako, 56 huyện và 703 xã.
Lãnh đạo chủ chốt: Chính quyền hiện nay là chính quyền chuyển tiếp sau đảo chính quân sự từ tháng 08/2021.
II. Khái quát lịch sử
Năm 1898, thực dân Pháp chiếm Ma-li làm thuộc địa. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh đòi độc lập của nhân dân Ma-li nổi lên mạnh mẽ. Năm 1957, thực dân Pháp buộc phải trao quyền tự trị cho nhân dân Ma-li.
Ngày 24/11/1958, Liên bang Ma-li (lúc đó bao gồm cả Xê-nê-gan, Buốc-ki-na Pha-xô, Bê-nanh và Xu-đăng thuộc Pháp) tuyên bố gia nhập khối cộng đồng Pháp. Một năm sau Buốc-ki-na Pha-xô và Bê-nanh ra khỏi liên bang. Ngày 20/6/1960, Liên bang Ma-li tuyên bố độc lập trong khối cộng đồng Pháp. Ngày 20/8/1960, Xê-nê-gan tách khỏi liên bang. Một tháng sau 22/9/1960, Xu-đăng cũng tách ra và tuyên bố độc lập, lấy tên là Ma-li và ông Modibo Keïta trở thành Tổng thống đầu tiên, theo đường lối xã hội chủ nghĩa và chế độ độc đảng. Từ năm 1991, Ma-li chuyển sang chế độ sang đa đảng.  
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Thể chế nhà nước: Ma-li theo đường lối Dân chủ Lập hiến đa đảng và tam quyền phân lập. Tổng thống có nhiệm kỳ 5 năm, được bầu qua bỏ phiếu phổ thông và chỉ được tái đắc cử 1 lần (giữ chức không quá 2 nhiệm kỳ). Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và là Tổng chỉ huy quân đội. Thủ tướng, do Tổng thống chỉ định, có quyền chỉ định Hội đồng Bộ trưởng.
- Cơ cấu nghị viện: Theo chế độ đơn viện. Quốc hội Ma-li gồm 160 ghế, họp thường kỳ 2 lần mỗi năm, nhiệm kỳ 5 năm.
- Các đảng phái chính trị: Mali có hơn 10 đảng phái lớn nhỏ, trong đó một số đảng chính gồm:
+ Tập hợp vì Ma-li (RPM - Rassemblement pour le Mali): thành lập bởi cựu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita  năm 2001. Hiện nay, ông Bocary Treta là Chủ tịch đảng.
+ Đại hội Quốc gia vì Sáng kiến Dân chủ (National Congress for Democratic Initiative): thành lập năm 1990, Chủ tịch đảng hiện nay là Mountaga Tall.
+ Liên minh dân chủ Ma-li (Adéma-PASJ): thành lập năm 1990, Chủ tịch đảng hiện nay là Tiemoko Sangare.
+ Liên minh tập hợp vì sự thay đổi (Convergence for Alternation and Change) gồm Liên minh Su đăng - Liên minh Dân chủ châu Phi (Sudanese Union-African Democratic Rally) và Đảng Tái sinh Dân tộc (Party for National Revival).
+ Liên minh Đoàn kết Dân chủ và Độc lập Châu Phi ( Solidarité Africaine pour la Démocratie et l'Indépendance - African Solidarity for Democracy and Independence) là một đảng cộng sản ở Mali  được thành lập bởi Cheick Oumar Sissoko và Oumar Mariko vào năm 1996.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Tháng 6/2020, tại Ma-li bùng phát biểu tình chống chính quyền, yêu cầu Tổng thống Keita từ chức. Đêm ngày 18/8/2020, một nhóm binh sĩ đã tiến hành binh biến, buộc Tổng thống Mali I. B. Keita tuyên bố từ chức, giải tán Chính phủ và Quốc hội. Tháng 9/2020, Chính quyền dân sự chuyển tiếp được thành lập nhờ vai trò trung gian khu vực và quốc tế , để đổi lấy việc không bị trừng phạt và nối lại tư cách thành viên của Mali  cùng cam kết tuân thủ Hiến chương chuyển tiếp và tổ chức tổng tuyển cử sau tối đa 18 tháng chuyển tiếp. Đại tá Assimi Goïta giữ chức Phó Tổng thống chuyển tiếp. Tuy nhiên, do bất đồng, ngày 24/5/2021, Tổng thống Bah N’daw và Thủ tướng Moctar Ouane của Chính quyền dân sự chuyển tiếp đã bị quân đội bắt giữ, Đại tá Assimi Goïta lên nắm quyền Tổng thống chính quyền chuyển tiếp. Ngày 03/7/2022, trên cơ sở đánh giá nỗ lực khôi phục chính quyền dân dự tại Ma-li, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 61 của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã chấp thuận cam kết chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự từ nay đến tháng 3/2024 và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Ma-li. 
 2. Kinh tế - Xã hội
 - Ma-li là một trong 25 nước nghèo nhất thế giới, 65% đất đai là sa mạc hoặc bán sa mạc, không có biển và nguồn thu ngân sách phần lớn đến từ xuất khẩu vàng và nông sản (bông). Mọi hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào vùng đất ven sông Ni-giê. Nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi, 80% dân số sống bằng nghề nông . Ngành công nghiệp chủ yếu là chế biến nông sản. Ma-li hiện đang tập trung phát triển công nghiệp luyện kim từ quặng sắt để đa dạng hóa nguồn thu ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu vàng, tuy nhiên sản phẩm xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào sự dao động của giá thế giới.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: vàng, bông, sản phẩm lượng thực.
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: lương thực, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc nông nghiệp, dầu khí
+ Các đối tác thương mại chính: Nam Phi, trung Quốc, Senegal, Bờ Biển Ngà, Pháp, Thụy Sĩ và Ấn Độ...
- Ma-li xếp hạng 184/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp những năm gần đây dao động 7,7%.
3. An ninh - Quốc phòng
Khủng bố: Từ khi bắt đầu triển khai tại Ma-li, Phái bộ MINUSMA nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công khủng bố Hồi giáo cực đoạn. Các vụ tấn công hiện tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc và Trung Ma-li, trong đó khu vực biên giới chung Mali – Niger - Burkina Faso được coi là khu vực nguy hiểm nhất Tây Phi do nạn khủng bố Hồi giáo cực đoan.
V. Chính sách đối ngoại
Ma-li là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, WTO, IMF… Do đảo chính, hiện Mali bị đình chỉ tư cách thành viên tại Liên minh châu Phi, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS). Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).

B. QUAN HỆ VIỆT NAM - MALI
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ma-li lập quan hệ ngoại giao ngày 31/10/1960. 
- Cơ quan đại diện: Việt Nam mở Đại sứ quán tại Ma-li năm 1962 nhưng đóng năm 1972 do khó khăn tài chính. Hiện nay Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri kiêm nhiệm Ma-li. Đại sứ quán Ma-li tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ma-li: Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (1962), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (1978), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (1994);
+ Đoàn Ma-li thăm Việt Nam: Tổng thống Modibo Keita (1964), Thủ tướng Ibrahima Boubacar Keita (1994), Chủ tịch Quốc hội Ali Nouhoum Dialo (1995).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 dự kiến đạt 87,7 triệu USD, trong đó ta xuất chủ yếu hạt tiêu, hải sản; nhập chủ yếu là bông. 
2. Nông nghiệp
Giai đoạn 2005-2009, Việt Nam cử 12 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp đang làm việc tại Ma-li theo hiệp định bốn bên Việt Nam - Pháp - FAO - Ma-li về chương trình phát triển bền vững vùng Yélimane (Ma-li), được Tổng thống bạn lúc đó là ông Amadou Toumani Toure đánh giá cao. Hai nước đã xem xét khả năng triển khai giai đoạn hai của dự án này nhưng do tình hình chính trị bất ổn tại Ma-li từ tháng 3/2012 nên tạm dừng.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế, gần đây Ma-li ủng hộ ta là UVKTT/HĐBA (2020-2021).

IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp nghị hợp tác văn hóa giữa nước Cộng hòa Ma-li và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (22/3/1961, có thời hạn 5 năm); Hiệp định hợp tác kinh tế, Thương mại, Văn hóa và Khoa học Kỹ thuật (1994); Thỏa thuận khung về việc ủng hộ thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển bền vững tại khu vực Yélimané giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Pháp và Chính phủ nước Cộng hòa Ma-li (2007).
V. Thông tin Cơ quan đại diện
ĐSQVN tại An-giê-ri kiêm nhiệm Ma-li
Địa chỉ: No 30 Chénoua, Hydra, Alger, Algerie
ĐT: +213 21 692 752; + 213 21 696 08 843;
Fax: +213 21 693 778
Email: sqvnalgerie@yahoo.com.vn; vnemb.dz@mofa.gov.vn

ĐSQ Ma-li tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Địachỉ : No. 8, Dong Si Jie, San Li Tun, Beijing, China, 
ĐT : (0086-10) 65321704/5530
Fax : (0086-10) 65320875/65321618
Email : ambamalichine@yahoo.com
Tháng 8/2022


 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer