TÀI LIỆU CƠ BẢN CỘNG HÒA NAMIBIA
TÀI LIỆU CƠ BẢN CỘNG HÒA NAMIBIA
---------
1. Khái quát:
• Tên nước: Cộng hòa Nam-mi-bi-a (Namibia)
• Thủ đô: Windhoek
• Vị trí địa lý: Namibia nằm ở phía Tây Nam châu Phi, Bắc giáp Ăng-gô-la, Nam giáp Nam Phi, Đông giáp Bốt-xoa-na, Tây giáp Đại Tây Dương.
• Diện tích: 825,418 km2
• Dân số: khoảng 2,1 triệu người (2010)
• Các bộ tộc: Da đen 87,5%, da trắng 6%, da mầu 6,5% (trong đó bộ tộc Ovambo 50%, Kavangos 9%, Heredo 7%, Damara 7%...)
• Tôn giáo: Thiên chúa giáo 80-90%, đạo cổ truyền bộ lạc 10-20%
• Ngôn ngữ: Tiếng Anh 7% (ngôn ngữ chính), tiếng Afrikaans và một số thổ ngữ khác.
• Quốc khánh: 21/3/1990
• Tổng thống: Hi-phi-kơ-pu-ni-ê Pô-ham-ba (Hifikepunye POHAMBA) (từ 2005)
• Thủ tướng: Na-hat Ăng-gu-la (Nahas ANGULA) (từ 2005)
• Bộ trưởng Ngoại giao: U-tô-ni Nu-giô-ma (Utoni NUJOMA)
• Đơn vị tiền tệ: Đô-la Namibia (NAD) 1USD = 7,57 NAD (2010)
2. Lịch sử:
Khoảng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, người Bồ Đào Nha rồi đến người Anh, người Đức lần lượt xâm nhập lãnh thổ Tây Nam Phi (Namibia ngày nay). Năm 1883, Đức chiếm đóng và cai trị toàn bộ vùng này. Sau thế chiến I, nước Đức bại trận, Hội Quốc liên trao cho Nam Phi quyền quản thác Tây Nam Phi. Lợi dụng tình hình đó, năm 1920 Nam Phi biến lãnh thổ này thành thuộc địa của mình.
Từ thập kỷ 60, 70 Liên hợp quốc liên tiếp ra nhiều Nghị quyết lên án Nam Phi, đòi Nam Phi rút hết quân đội và trao trả độc lập cho Tây Nam Phi, nhưng Nam Phi vẫn tiếp tục chiếm đóng trái phép lãnh thổ này.
Từ cuối thập kỷ 50, nhiều tổ chức yêu nước ở Tây Nam Phi ra đời với mục đích đấu tranh giải phóng dân tộc. Tháng 4/1960, ông Sam Nujoma thành lập Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO); tổ chức này phát triển nhanh chóng, được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ và được OUA, LHQ và Phong trào KLK công nhận.
Sau khi Angola, Mozambique (1975) và Zimbabwe (1980) giành độc lập, cuộc đấu tranh của nhân dân Tây Nam Phi do SWAPO lãnh đạo bước sang giai đoạn mới. Với việc thực hiện Hiệp định hoà bình về Tây Nam Phi (ký tháng12/1988), Chính quyền Nam Phi buộc phải thực hiện NQ 435/78 của LHQ. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trên lãnh thổ Tây Nam Phi (sau gọi là Namibia) được tổ chức và SWAPO giành thắng lợi áp đảo. Ngày 21/3/1990, Namibia tuyên bố độc lập, nước Cộng hoà Namibia ra đời; ông Sam Nujoma, Chủ tịch SWAPO được bầu làm Tổng thống.
3. Chính trị:
3.1. Đối nội
Thể chế Nhà nước: Cộng hoà Tổng thống. Thực hiện dân chủ, đa đảng.
Từ 1990 đến nay, Đảng cầm quyền SWAPO luôn thắng cử. Chính phủ thực hiện chính sách hoà giải dân tộc, chống nghèo đói, bất công, chú trọng phát triển kinh tế nên đã duy trì được sự ổn định chính trị – xã hội. Namibia đang nghiên cứu phương thức cải cách ruộng đất sao cho phù hợp. Đối với các ngành khác, Namibia chưa tiến hành quốc hữu hoá để tránh xáo trộn trong xã hội và tận dụng khả năng quản lý của các nhà tư bản.
Tháng 11/2009, Namibia tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và Tổng thống lần thứ 5. Ông Hifikepunye Pohamba đã tái đắc cử Tổng thống với trên 75% phiếu bầu. Đảng SWAPO cầm quyền giành thắng lợi với 54/72 ghế tại Quốc hội.
Namibia được chia thành 14 đơn vị hành chính. Quốc hội gồm 72 nghị sĩ được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm (bắt đầu từ 12/1994) và một Hội đồng Nhà nước gồm 26 nghị sĩ được bầu gián tiếp nhiệm kỳ 6 năm (bắt đầu từ 7/1993).
* Các đảng phái chính trị:
- Đảng SWAPO (Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi) - Đảng cầm quyền hiện nay với chủ tịch là ông HIFIKEPUNYE POHAMBA
- Đảng COD (Đại hội Dân chủ);
- Đảng DTA (Liên minh Dân chủ Turnhall);
- Đảng UDF (Mặt trận Dân chủ Thống nhất);
- Đảng MAG (Nhóm Hành động).
3.2. Đối ngoại
Từ khi giành độc lập (3/1990) đến nay, Namibia thực hiện đường lối đối ngoại không liên kết, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, tiếp tục duy trì quan hệ mọi mặt với Nam Phi. Coi trọng quan hệ với các nước châu Phi, đặc biệt các nước miền Nam châu Phi (SADC), chú trọng quan hệ với Mỹ, phương Tây, tranh thủ Trung Quốc, Nhật Bản. Namibia thi hành chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn nhằm tranh thủ viện trợ, vốn, kỹ thuật.
Namibia đóng góp tích cực vào việc thành lập Liên minh châu Phi (AU) vào quá trình tìm giải pháp cho các cuộc xung đột tại châu Phi. Namibia là thành viên của LHQ, Phong trào KLK, AU, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Khối Liên hiệp Anh và thành viên của các Tổ chức quốc tế IMF, WB v.v.
Trong số các nước phương Tây, Đức là nhà tài trợ vốn hàng đầu và có một vị trí riêng trong chính sách đối ngoại của Namibia. Ngoài ra, từ năm 2000, Namibia là một trong 35 nước được hưởng ưu đãi của Đạo luật cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA) của Mỹ. Quan hệ kinh tế giữa Namibia và Trung Quốc khá phát triển, kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng.
4. Kinh tế
Namibia có nguồn tài nguyên thiên nhiên quí hiếm như kim cương (đứng thứ 5 thế giới), uranium, đồng, kẽm. Ngành khai khoáng đóng góp chính cho kinh tế Namibia (chiếm 8% GD, 50% nguồn thu ngoại tệ), tiếp theo là ngành đánh cá, chăn nuôi gia súc, du lịch. Các ngành kinh tế chủ yếu và đất đai vẫn do người da trắng thiểu số nắm giữ. Trong khi đó 60 – 65% người da đen vẫn sống trong nghèo khổ. Chính sách cải cách ruộng đất theo hướng nhà nước mua lại đất đai của người da trắng hiện vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Namibia (khoảng 44% đất đai do khoảng hơn 4000 chủ đồn điền da trắng nắm giữ).
Kinh tế Namibia từ năm 2003 – 2008 tăng trưởng tốt nhờ tăng sản lượng đánh bắt cá và sản lượng khoáng sản (kẽm, đồng và uranium). Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây giảm do: (i) sản lượng cá cũng như nhu cầu về kim cương giảm sút, (ii) chi phí khai khoáng tăng; (iii) chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
- GDP: 11,4 tỷ USD (2010)
- GDP đầu người: 5.400 (2010)
- Tăng trưởng GDP: 4,1% (2010)
- Nhập khẩu: 5,1 tỷ USD (2010)
- Xuất khẩu: 4,2 tỷ USD (2010)
- Nợ nước ngoài: 2,37 tỷ USD (12/2010)
5. Quan hệ với Việt Nam
Ngày lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam : 21/3/1990
- Trao đổi Đoàn:
+ Các đoàn Namibia thăm ta: Chủ tịch SWAPO Sam Nujoma (01/1975), Tổng thống Sam Nujoma (7/2002), Bộ trưởng Ngoại giao Namibia T.B. Gurirab (7/1997), Bộ trưởng Thủy sản (2003), Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp, Nguồn nước và Phát triển nông thôn Namibia dự Hội thảo VN - châu Phi (5/2003), Bộ trưởng Nông nghiệp, Nguồn nước và Phát triển nông thôn, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, Quốc phòng - An ninh, Quốc hội Namibia (8/2004), Bộ trưởng Cựu chiến binh (7/2008), Bộ trưởng Thuỷ sản (7/2010)
+ Các đoàn ta thăm Namibia: Chủ tịch nước Trần Đức Lương (10/2002), Bộ trưởng Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc (9/2006).
- Các Hiệp định đã ký: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật, Hiệp định Thương mại và Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, các thoả thuận hợp tác giữa các Bộ Thương mại, Nông nghiệp và Phòng Thương mại - Công nghiệp hai nước; Hiệp định hợp tác ba bên Việt Nam – Namibia – FAO.
Theo các thoả thuận đã ký, ta đã cử một số chuyên gia sang giúp bạn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản.
- Về trao đổi thương mại, năm 2009, ta xuất sang Namibia khoảng 693 nghìn USD và nhập khoảng 3,2 triệu USD (năm 2008 lần lượt là 749,3 nghìn USD và 2,1 triệu USD). Mặt hàng xuất khẩu của ta là hàng dệt may, cà phê, sản phẩm gỗ…, hàng nhập khẩu chủ yếu là kim loại thường, sắt thép các loại, dầu mỡ động thực vật...
Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Namibia:
Địa chỉ: 87 Brooks Street, Brooklyn, Pretoria
Mã bưu chính: 13692 Hatfield 0028, South Africa
Ðiện thoại: (27-12) 362 8119 / 362 8118
Fax: (27-12) 362 8115
Email: embassy@vietnam.co.za
Đại sứ quán Namibia tại Bắc kinh kiêm nhiệm Việt Nam:
Địa chỉ: 2-9-2, Tayuan Diplomatic Office Building Beijing, 100600
Tel: +86-10-65322211 / 65324810 / 65324811
Fax: +86-10-65324549
Email: namemb@eastnet.com.cn
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |