Tài liệu cơ bản về Cộng hòa Liên bang Ni-giê-ri-a và quan hệ với Việt Nam
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA LIÊN BANG NI-GIÊ-RI-A (NIGERIA)
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
1. Khái quát:
- Tên nước: Cộng hòa Liên bang Ni-giê-ri-a (Federal Republic of Nigeria)
- Thủ đô: Abuja
- Vị trí địa lý: ở Tây Phi, Tây giáp Bơ-nanh, Đông giáp Sát và Ca-mơ-run, Bắc giáp Ni-giê, Nam giáp vịnh Guinea.
- Diện tích: 923,768 km2
- Dân số: 155 triệu người (2010).
- Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Anh
- Đơn vị tiền tệ: Nairas (NGN)
- Tôn giáo: 50% dân số theo đạo Hồi, 40% theo đạo Thiên chúa và 10% theo đạo cổ truyền
- Quốc khánh: 1/10/1960
- Tổng thống: Gút-lắc Giôn-na-than (Goodluck Jonathan), từ tháng 5/2010
- Bộ trưởng Ngoại giao: Hen-ry Ô-đê-in A-du-mô-gô-bi-a (Henry Odein Ajumogobia), từ tháng 4/2010
2. Lịch sử:
- Năm 1849, đế quốc Anh xâm chiếm Nigeria, và đến năm 1914 đặt toàn bộ lãnh thổ Nigeria dưới sự cai trị chung của toàn quyền Anh. Từ năm 1920, nhất là sau chiến tranh thế giới II, phong trào đấu tranh đòi độc lập của nhân dân Nigeria nổi lên mạnh mẽ. Trước tình hình đó, Anh buộc phải để cho Nigeria được tự trị.
- Ngày 1/10/1960 Nigeria được Anh trao trả độc lập. Ông Abukaba Towoga Balawa làm Thủ tướng đầu tiên. Ngày 1/10/1963, Nigeria tuyên bố lấy tên là nước Cộng hoà Liên bang Nigeria, nằm trong Khối liên hiệp Anh.
3. Chính trị:
3.1. Đối nội
- Nigeria theo chế độ đa đảng, có Quốc hội lưỡng viện. Tổng thống đồng thời là người đứng đầu chính phủ, Tổng tư lệnh quân đội vũ trang. Cả nước chia làm 36 bang và 1 đặc khu thủ đô.
- Đảng phái chính trị: Đảng Dân chủ nhân dân (PDP) (Đảng cầm quyền), Đảng Toàn dân (All Peoples Party), Đảng Liên minh vì Dân chủ (Alliance for Democracy) và một số đảng khác.
- Sau khi ông Abacha chết (6/1998) , tướng Abdul Salam Abubakar, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhậm chức Tổng thống và thành lập nội các mới gồm cả thành phần dân sự và quân sự. Tháng 12/1998, Nigeria tiến hành bầu cử chính quyền địa phương và tháng 2/1999 bầu cử quốc hội, Đảng Dân chủ nhân dân (PDP) của ông Olusegun Obasanjo (tướng về hưu) giành thắng lợi lớn (181/360 đại biểu quốc hội và 56/109 Thượng nghị sĩ). Cũng trong năm 1999, Hiến pháp mới được thông qua. Ngày 27/2/1999 Nigeria đã tổ chức tổng tuyển cử bầu Tổng thống theo chế độ dân chủ đa đảng. Ông Olugegun Obasanjo trúng cử và tái đắc cử Tổng thống (4/2003) với 61,9% số phiếu bầu. Tháng 5/2007, ông Umaru Yar’ Adua trúng cử Tổng thống với 70% số phiếu bầu.
- Từ tháng 11/2009, Tổng thống Yar’Adua tạm nghỉ vì lí do sức khỏe, Phó thủ tướng Jonathan tạm thời nắm quyền, sau đó được bổ nhiệm làm Quyền Tổng thống. Tháng 5/2010. Ông Yar’Adua từ trần sau một thời gian dài chữa bệnh. Theo Hiến pháp Nigeria, Quyền Tổng thống Goodluck Jonathan được kế nhiệm cương vị Tổng thống cho đến cuộc bầu cử tới (4/2011).
3.2. Đối ngoại:
- Nigeria theo đường lối đối ngoại rộng mở, tham gia tích cực vào các sáng kiến và nỗ lực giải quyết xung đột, gìn giữ hoà bình, hợp tác phát triển kinh tế ở khu vực Tây Phi và châu Phi, có vai trò quan trọng trong các tổ chức khu vực và châu lục; các nước lớn như Mỹ, Nhật, EU và Trung Quốc đều rất quan tâm đến tăng cường quan hệ với Nigeria.
- Là thành viên sáng lập ECOWAS, NEPAD, OPEC, thành viên LHQ, Phong trào Không liên kết, Tổ chức các nước Hồi giáo, IMF, AU…Hiện Nigeria là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2010 – 2011.
- Tháng 8/2008, sau gần 30 năm tranh chấp, Nigeria đã trao bán đảo Bakassi cho Cameroon theo Hiệp định hoà bình ký kết giữa hai nước tại New York năm 2006 dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc.
4. Kinh tế:
- Nigeria là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi Nam Sahara (34 tỷ thùng và 2000 tỷ m3 khí đốt tự nhiên). Hàng năm Nigeria cung cấp cho Mỹ 12% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này. Nigeria có tiềm năng để phát triển nông nghiệp tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn kém phát triển vì sự quản lý yếu kém, các chính sách không mang tính khuyến khích của chính phủ cũng như thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản.
- Tài nguyên thiên nhiên: khí gaz, dầu lửa, thiếc, quặng sắt, than, chì.
- GDP: 206,7 tỉ USD (2010).
- GDP đầu người: 1333 USD (2010)
- Tăng trưởng GDP: 6,8% (2010).
(nguồn: CIA)
5. Quan hệ với Việt Nam:
a. Quan hệ chính trị, kinh tế:
- Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 25/5/1976. Ta mở Đại sứ quán ở Nigeria vào tháng 4/2008. Nigeria mở ĐSQ ở Hà Nội tháng 7/2007.
- Quan hệ hai nước phát triển nhất là kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Olusegun Obasanjo (4/2005). Nigeria mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, may mặc, dầu khí… và muốn ta cung cấp gạo thường xuyên cho bạn.. Phía Nigeria cũng cho biết Bạn mong muốn cử giáo viên tình nguyện sang dạy tiếng Anh tại Việt Nam.
- Quan hệ kinh tế thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đạt hơn 155 triệu USD (tăng 55% so với năm 2009). Ta xuất khẩu sang Nigeria chủ yếu là sản phẩm dệt may, máy vi tính và linh kiện điện tử và nhập khẩu chủa yếu là hạt điều, bông. Năm 2010 ta xuất sang Nigeria 2.600 tấn gạo.
b. Trao đổi đoàn:
- Bạn: Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo (4/2005), Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nigeria (11/2005), Bộ trưởng Công thương Nigeria và đoàn doanh nghiệp (4/2009), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nigeria Jeleye Olatunde và 17 doanh nghiệp tham dự Expo 2010 (4/2010).
- Ta: Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng (12/2006), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát – Đặc phái viên Chủ tịch nước (10/2010).
c. Các hiệp định đã ký: Hiệp định thương mại (6/2001), Hiệp định hợp tác Kinh tế, Thương mại, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ (11/2005). Tháng 3/2011, Bạn gửi dự thảo Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư cho phía ta để đàm phán ký kết.
d. Cơ quan đại diện: Hai nước hiện đã có đại sứ quán thường trú tại thủ đô của nhau.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |