Tài liệu cơ bản nước Cộng hòa thống nhất Tan-da-ni-a (Tanzania) và quan hệ với Việt Nam
TAN-DA-NI-A (TANZANIA)
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
- Tên chính thức: Nước Cộng hoà Thống nhất Tan-da-ni-a (The United Republic of Tanzania); Tan-da-ni-a là liên bang hợp nhất của hai khu vực: Tan-ga-ni-ka (vùng lãnh thổ trên đất liền với 95% dân số là người Phi Bantu) và Dan-di-ba (quần đảo nằm trên Ấn độ dương với đa số là người Ả-rập).
- Vị trí địa lý: ở phía Đông châu Phi, giáp với Kê-ni-a, U-gan-đa, Ru-an-đa, Bu-run-đi, CHDC Công-gô, Dăm-bi-a, Ma-la-uy và Mô-dăm-bích và Ấn Độ Dương; Diện tích: hơn 900.000 km2 (trong đó có khoảng 880.000 km2 đất liền); Khí hậu: thay đổi theo vùng, vùng biển khí hậu nhiệt đới, vùng cao khí hậu nóng.
- Dân số: 43 triệu người; Ngôn ngữ: Kiswahili hay Swahili, Kiunguju, Ả-rập, tiếng Anh và một số thổ ngữ khác; Tôn giáo: Đạo Thiên chúa (30%), Hindu (1%), Đạo Hồi (33%) và các tín ngưỡng cổ truyền.
- Tiền tệ: Đồng Shilling Tan-da-ni-a; Thủ đô: Đa-ét Xa-lam (Dar Es Salaam); Quốc khánh: 26/4/1964.
- Tổng thống: Ki-kuét Gia-kay-a Mri-sô (Kikwete Jakaya Mrisho) từ 12/2005; Thủ tướng: Mi-gien-gô Kay-an-gia Pin-đa (Mizengo Peter Pinda) từ 8/2008; Ngoại trưởng: Béc-na K. Mem-bê (Bernard K. Membe)
2. Lịch sử
- Tan-ga-ni-ka: từ những năm 700 trước Công nguyên, thương nhân Ả-rập bắt đầu xâm chiếm vùng lãnh thổ này. Từ năm 1500 đến năm 1700 Bồ Đào Nha giành quyền kiểm soát ven biển của Tan-ga-ni-ka. Đến năm 1886, Tan-ga-ni-ka (cùng Bu-run-đi và Ru-an-đa) trở thành thuộc địa của Đức ở Đông Phi. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Tan-ga-ni-ka bị Anh tiếp tục cai trị nhưng trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, ngày 9/12/1961, thực dân Anh phải trao trả độc lập cho Tan-ga-ni-ka.
- Dan-di-ba bị người Arập chiếm từ thế kỷ thứ 12 trở về trước. Đến thế kỷ thứ 15, Bồ Đào Nha chiếm Dan-di-ba và biến nơi này thành một trạm thương mại. Thế kỷ 19, người Arập (Oman) hất cẳng thực dân Bồ Đào Nha và đặt ách thống trị ở đây. Năm 1861, Dan-di-ba rơi vào tay Đức và Ý suốt nửa thế kỷ. Đến năm 1890, Vương quốc Dan-di-ba bị đặt dưới sự bảo trợ của đế quốc Anh. Tháng 12/1963, Anh buộc phải trao trả độc lập cho Dan-di-ba. Tháng 01/1964, Dan-di-ba tiến hành cách mạng lật đổ tư bản địa chủ và lập nên nước Cộng hoà nhân dân Dan-di-ba (do người gốc Phi có xu hướng mác-xít lãnh đạo).
Ngày 26/4/1964, Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Cộng hòa Tan-ga-ni-ka (trên đất liền) và Cộng hòa Dan-di-ba (quần đảo ngoài khơi). Dan-di-ba trở thành khu vực bán tự trị thuộc Tan-da-ni-a, có chính phủ và quốc hội riêng.
2. Chính trị
a) Đối nội:
Theo Hiến pháp Tan-da-ni-a năm 1965, quyền hành pháp thuộc Tổng thống (bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm). Quyền lập pháp tập trung vào Quốc hội - nhiệm kỳ 5 năm và gồm 216 đại biểu.
Trước năm 1992, Tan-da-ni-a theo chế độ một đảng. Đảng cầm quyền là Đảng Cách mạng Tan-da-ni-a Chama Cha Mapinduzi (CCM-the Revolutionary Party of Tan-da-ni-a). Từ tháng 6/1992 Tan-da-ni-a chuyển sang chế độ chính trị đa đảng.
Tháng 12/2005, ông Ki-kuét Gia-kay-a Mri-sô, Chủ tịch Đảng Cách mạng Tan-da-ni-a, trúng cử Tổng thống với hơn 80% phiếu bầu. Tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010, ông Ki-kuét Gia-kay-a Mri-sô đã tái cử.
b) Đối ngoại:
Tan-da-ni-a có vai trò quan trọng tại các diễn đàn khu vực và thế giới (Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2005-2006, một trong 8 nước chọn triển khai thí điểm dự án nâng cao hiệu quả hoạt động của LHQ), đóng góp tích cực tại Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế khu vực Đông Phi (EAC), chủ nhà Diễn đàn Kinh tế (WEF) châu Phi (5/2010).
Kinh tế:
Tan-da-ni-a nổi lên là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 của Châu Phi (sau Nam Phi và Ga-na). Bên cạnh đó, Tan-da-ni-a còn có ô-xít u-ra-ni-um với trữ lượng 53,9 triệu pound. Năm 2012, Tan-da-ni-a đã phát hiện mỏ khí đốt có trữ lượng lớn ở ngoài khơi Dan-di-ba.
Tan-da-ni-a có 29,4 triệu ha đất canh tác nhưng hiện mới chỉ sử dụng có 4%. Vì vậy, năm 2009, Chính phủ Tan-da-ni-a đã ký hợp đồng cho Arập Xê-út thuê 500.000ha. Tan-da-ni-a kiên trì thực hiện chiến lược ‘Nông nghiệp là hàng đầu” để đảm bảo an ninh lương thực, tranh thủ sự quan tâm trợ giúp của bên ngoài cho lĩnh vực này.
Tan-da-ni-a được hưởng ưu đãi của hiệp định EBA (Everything But Arms) với EU và Đạo luật tăng trưởng kinh tế và cơ hội (AGOA) của Mỹ theo đó hơn 4.000 mặt hàng của Tan-da-ni-a xuất khẩu sang Mỹ được miễn thuế. Các nước đầu tư nhiều nhất vào Tan-da-ni-a là Anh, Mỹ, Nam Phi, Trung Quốc.
Thực hiện “Tầm nhìn 2025”, nhằm cải thiện mức sống của người dân, Tan-da-ni-a dự kiến triển khai một số dự án lớn như cầu nối từ Tan-da-ni-a đến Mô-dăm-bích, mở rộng quy mô cảng cửa ngõ Đa-ét Xa-lam, mạng lưới điện nối từ Dăm-bi-a tới Kê-ni-a… và mong muốn trở thành trung tâm viễn thông ở khu vực Đông Phi.
Một số thống kê về kinh tế (Theo CIA.gov):
- GDP: 28,25 tỷ USD (2012)
- GDP bình quân (tính theo sức mua): 1.600 USD (2012)
- Tăng trưởng GDP: 6,9 % (2012)
- Xuất khẩu: 5,99 tỷ USD (2012), chủ yếu là thủy sản, vàng, cà phê, bông
- Nhập khẩu: 10,33 tỷ USD (2012), chủ yếu là thực phẩm, nhiên liệu, máy móc kỹ thuật
- Lạm phát: 16,1 % (2012)
- Thâm hụt ngân sách: 4 % (2012)
- Nợ nước ngoài: 11,58 tỷ USD (2012)
- Cơ cấu ngành: nông nghiệp 27,7%; công nghiệp 25,1%; dịch vụ 47,2% (2012)
II Quan hệ Việt Nam - Tan-da-ni-a
1. Quan hệ chính trị - ngoại giao
- Việt Nam và Tan-da-ni-a thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/2/1965. Ta mở Đại sứ quán tại Đa-ét Xa-lam năm 1966 và đóng cửa năm 1984 do khó khăn kinh tế. Tháng 11/2003, ta mở lại Đại sứ quán tại Đa-ét Xa-lam. Đại sứ quán Tan-da-ni-a tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.
Lãnh đạo Tan-da-ni-a coi Việt Nam là tấm gương đấu tranh chống xâm lược đối với các dân tộc bị áp bức, đặc biệt là các nước châu Phi. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tan-da-ni-a ủng hộ ta cả vật chất lẫn tinh thần (đài thọ cho Sứ quán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Tan-da-ni-a, giúp 4 vạn hộp thịt và 1,3 triệu USD). Tan-da-ni-a tích cực ủng hộ ta vào WTO và trở thành thành viên không thường trực HĐBA/LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009).
- Năm 2005, Việt Nam tài trợ 100.000 USD để xây “Trung tâm làng trẻ em Kibaha” nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tan-da-ni-a. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Tan-da-ni-a Pinda (3/2010), Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đã trao tặng 02 bộ máy kéo nông nghiệp cho Tan-da-ni-a.
- Trao đổi đoàn:
a/ Phía Việt Nam:
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình (1970), Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ (1973), Bộ trưởng Võ Đông Giang (1982), Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình (9/2001), Thứ trưởng Thương mại Lê Danh Vĩnh (3/2002), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu (2006), Thứ trưởng Công Thương Lê Dương Quang (2010), Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội Phạm Minh Tuyên (2011).
b/ Phía Tan-da-ni-a:
Nguyên Tổng thống J. Nyeree vào Việt Nam dự Hội nghị về hợp tác Nam – Nam với tư cách là Chủ tịch Phương Nam (1994), Ngoại trưởng Tan-da-ni-a Jakaya Kikwete (5/2001), Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại (11/2004), Tổng thống Benjamin W.Mkapa (12/2004), Thủ tướng Edward Lowassa (9/2006), Bộ trưởng Nông nghiệp Tan-da-ni-a (9/2007), Phó Chủ tịch Quốc hội Anne S.Makinda (11/2009), Thủ tướng Pinda (3/2010), Thư ký thường trực Bộ Nông nghiệp, An ninh Lương thực và Hợp tác dẫn đầu sang tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam châu Phi lần 2 (8/2010) kết hợp làm việc với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương; Tổng thống khu bán tự trị Dan-di-ba thuộc Tan-da-ni-a Ali Mohamed Shein (11/2012).
- Các HĐ đã ký: HĐ Thương mại (10/2001), HĐ hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ và Thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa Chính phủ Tan-da-ni-a và Chính phủ Việt Nam (12/2004); Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Tan-da-ni-a (9/2006); HĐ miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ (8/2010); Bản ghi nhớ thiết lập cơ chế tham vấn ngoại giao giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Tan-da-ni-a (8/2010).
Hiện nay hai bên đang đàm phán Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (đã đàm phán vòng 1 tại Tan-da-ni-a) và Hiệp định vận tải biển (vòng 1 đã tổ chức tại VN tháng 10/2012, hai bên đã ký tắt HĐ).
Trong chuyến thăm VN tháng 11/2012, Tổng thống khu bán tự trị Dan-di-ba khẳng định Tan-da-ni-a sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) (nhiệm kỳ 2016-2018), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) và cam kết công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Phía Bạn nhiều lần đề nghị họp UBHH lần 1 tại Việt Nam nhưng do cả hai nước chưa có kinh phí nên chưa tiến hành.
2. Quan hệ kinh tế:
- Tan-da-ni-a là thị trường đứng thứ 2 sau Phi-líp-pin nhập gạo 25% tấm của ta. Kim ngạch thương mại song phương: năm 2010 đạt 105 triệu USD/năm, năm 2011 đạt 60 triệu USD; năm 2012 đạt trên 83 triệu USD, trong đó ta xuất 37 triệu USD, chủ yếu là gạo.
- Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel của ta hiện đang đàm phán với Công ty Epocha & Golden Ocean của Tan-da-ni-a trong liên doanh đầu tư hạ tầng và triển khai mạng viễn thông trên toàn lãnh thổ Tan-da-ni-a.
- Về hợp tác nông nghiệp, Bạn sẵn sàng dành diện tích lớn đất canh tác nông nghiệp cho ta khai thác và đề nghị ta cử chuyên gia/kỹ thuật viên và nông dân sang giúp Bạn. Tan-da-ni-a mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất máy nông nghiệp nhỏ để cung cấp cho Tan-da-ni-a và thị trường 5 nước Đông Phi.
3. Một số vấn đề tồn tại:
Giải quyết hậu quả vụ tranh chấp thương mại Thanh Hòa-Mohammed và Tàu Cần Giờ (từ 2004); Xử lý gần 10 tấn ngà voi buôn lậu (được cho là xuất xứ từ Tan-da-ni-a) bị bắt giữ tại cảng của Việt Nam từ 2009 tới nay.
Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania
Địa chỉ: Plot 11, Bongoyo Road, Oysterbay, Dar es Salaam;
P.O Box: 9724, Dares Salaam - Tanzania
Điện thoại: + 255 22 2664535
Fax: + 255 22 2664537
Email: vnemb.taz2009@yahoo.com.vn hoặc vnemb.tz@mofa.gov.vn
Đại sứ quán Tanzania tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: số 8 Ling Ma He Nan Lu, Chaoyang, Beijing 100600
Điện thoại: +86 10 65324351
Email: tanrep@tanzaniaembassy.org.cn
Back Top page Print Email |