Tài liệu cơ bản về Cộng hòa Tuy-ni-di (La République Tunisienne)
I) Khái quát: - Tên nước: Cộng hoà Tuy-ni-di (La République Tunisienne) - Thủ đô: Tuy-nít (Tunis) - Vị trí địa lý: Tuy-ni-di ở Bắc Phi, giáp Địa Trung hải, An-giê-ri, Li-bi và sa mạc Sahara. - Khí hậu: ôn đới ở phía Bắc, sa mạc ở phía Nam. - Diện tích: 163.610 Km2 - Dân số: 10,629 triệu (4/2011) - Dân tộc: người A-rập 98%, châu Âu 1%, Do thái và dân tộc khác 1% - Tôn giáo: Đạo Hồi chiếm 98%, Thiên chúa 1%, Do thái và đạo khác 1% - Ngôn ngữ chính thức: A-rập, Pháp - Đơn vị tiền tệ: Dinar Tuy-ni-di ( 1USD = 1,4367 dinar, tỷ giá năm 2010) - Quốc khánh: 20/3/1956 - Tổng thống tạm quyền: Phu-át Mê-ba-da (Fouad Mebazaâ) (từ 1/2011) - Thủ tướng: Bê-gi Ca-ít Ê-sép-si (Beji Caid Essebsi) (từ 2/2011) - Chủ tịch Quốc hội: Phu-át Mê-ba-da (Fouad Mebazaâ) (từ 1997, được tái bầu 2004). - Bộ trưởng Ngoại giao: Mun-đi Kê-phi (Mouldi Kefi) (từ 2/2011)
II) Lịch sử - Tuy-ni-di vốn là đất nước của người Berber. Vào thế kỷ thứ IV trước công nguyên, tại đây xuất hiện đế chế Carthage hùng mạnh. Năm 146 trước công nguyên, Carthage bị đế chế La-mã đánh bại và đến thế kỷ II sau công nguyên, mới được phục hồi. Vào thế kỷ VII, cùng với sự phát triển của đạo Hồi, người A-rập đã tràn vào Bắc Phi - thôn tính Carthage (năm 698) và lập nên nước Tuy-ni-di. - Cuối thế kỷ 15, vùng Địa Trung Hải trở thành đối tượng tranh giành ảnh hưởng của các đế chế hùng mạnh ở khu vực và Tuy-ni-di lần lượt rơi vào tay Tây-Ban-Nha (1535), O-tô-man (1574). Đến năm 1606 sự độc lập về thực tế của Tuy-ni-di mới được công nhận (mặc dù nó vẫn là một bộ phận của đế chế O-tô-man). - Tháng 4/1881, Pháp chiếm Tuy-ni-di và theo hiệp ước Mersa (1883), Tuy-ni-di bị đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Năm 1934, Habib Bourguiba đã lập đảng Neo- Destour (nay gọi là Đảng xã hội Destour), lãnh đạo nhân dân Tuy-ni-di đấu tranh đòi độc lập. - Ngày 20/3/1956, sau thất bại ở Việt Nam, An-giê-ri, trước cuộc đấu tranh của nhân dân Tuy-ni-di, Pháp phải rút quân, trao trả độc lập cho Tuy-ni-di và ngày 25/3/1956 nhân dân Tuy-ni-di đã tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên với thắng lợi tuyệt đối của Đảng Neo-Destour. Ngày 25/7/1957, Quốc hội Tuy-ni-di quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ và tuyên bố Tuy-ni-di là 1 nước cộng hòa do Habib Bourguiba làm Tổng thống (tới năm 1987). - Tháng 11/1987, Zine El Abidine Ben Ali lên nắm quyền cho đến 14/1/2011 chạy trốn khỏi Tuy-ni-di do làn sóng nổi dậy của dân chúng. Chủ tịch Quốc hội Fouad Mebazaâ lên làm Quyền Tổng thống cho đến khi tổ chức bầu cử (dự kiến vào tháng 7/2011).
III) Chính trị - Tuy-ni-di theo thể chế cộng hoà, trong đó Tổng thống nắm thực quyền hành pháp (có quyền bổ nhiệm Thủ tướng và các Bộ trưởng nội các), được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. - Cơ quan lập pháp gồm 2 viện: Hội đồng Cố vấn (Thượng viện) và Hội đồng nghị sỹ (Hạ viện). Thượng viện có 126 ghế, nhiệm kỳ 6 năm, trong đó 41 thành viên do Tổng thống chỉ định, 85 do các uỷ viên hội đồng thành phố, hạ nghị sỹ, thị trưởng, các tổ chức nghề nghiệp và công đoàn bầu ra. Hạ viện có 214 ghế, nhiệm kỳ 5 năm, do dân bầu qua phổ thông đầu phiếu. - Đảng phái chính trị: các đảng phái chính là: Đảng cầm quyền là Tập hợp dân chủ lập hiến (RCD) đã bị giải tán ngày 9/3/2011, Phong trào xã hội dân chủ (MDS), Đảng Nhân dân thống nhất (PUP), Liên minh công đoàn dân chủ (UDU), Đảng Xã hội tự do (PSL).
IV) Đối ngoại - Tuy-ni-di là thành viên Liên hợp quốc (ONU) và nhiều Tổ chức quốc tế, khu vực như Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Phong trào Không liên kết (MNA), Liên minh Châu Phi (AU), Liên đoàn Arập (LEA), Tổ chức các nước A-rập xuất khẩu dầu mỏ (OAPEC), Liên minh Maghreb (UMA), Tổ chức Pháp ngữ Francophonie (OIF)..vv.
V) Kinh tế - Tài nguyên: có dầu lửa (trữ lượng 1,7 tỷ thùng), khí gas (trữ lượng 77,8 tỷ m3), phốt phát ( sản xuất 1 triệu tấn/năm), sắt, chì, kẽm nhưng không nhiều. - Mặt hàng xuất khẩu chính là: hàng dệt may, cơ khí, phốt phát và hóa chất, sản phẩm nông nghiệp, dầu mỏ. Mặt hàng nhập khẩu chính là: hàng dệt may, máy và thiết bị, dầu mỏ, hóa chất, lương thực-thực phẩm. - Một số bạn hàng chính: Pháp, Ý, Đức, Tây ban nha, Li bi, Mỹ. - Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 10,6%, Công nghiệp 34,6%, Dịch vụ 54,8% trong GDP (năm 2010). - Năm 2010: GDP đạt 43,86 tỷ USD, Tăng trưởng bình quân GDP 3,4%; GDP đầu người là 3500 USD.
VI) Quan hệ với Việt Nam: a. Quan hệ chính trị, kinh tế 1. Chính trị: - Ngày lập quan hệ ngoại giao: 15/12/1972. Đại sứ quán Tuy-ni-di tại Trung quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Li-bi kiêm nhiệm Tuy-ni-di. - Việt Nam và Tuy-ni-di có quan hệ hữu nghị hợp tác tốt. Hai nước ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. 2. Kinh tế: - Quan hệ kinh tế-thương mại: kim ngạch trao đổi năm 2006 khoảng 13 triệu USD, 2007 khoảng 8 triệu, 2008 đạt trên 40 triệu USD, 2009 đạt trên 15 triệu USD và 2010 khoảng 16 triệu USD. - Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang triển khai hợp đồng về khai thác một lô mỏ dầu ngoài khơi phía Đông Tuy-ni-di.
b. Trao đổi đoàn: - Đoàn Việt Nam thăm Tuy-ni-di: Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (8/1978), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (7/1993), Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (5/1994), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hà Phan (5/1995), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (12/2005), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lương Phan Cừ (6/2008), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (4/2010). - Đoàn Tuy-ni-di thăm Việt Nam: Bộ trưởng Ngoại giao M. Masmoudi (8/1972), Quốc vụ khanh đối ngoại S.Fayala (11/1997), Bộ trưởng Ngoại giao (5/1999), Quốc vụ khanh đối ngoại (1/2002), Bộ trưởng Ngoại giao Abdelwaheb Abdallah (6/2007), Phó Tổng thư ký phụ trách đối ngoại Đảng Tập hợp dân chủ hợp hiến (RCD) cầm quyền Hager Chérif (4/2009).
c. Các Hiệp định và Thoả thuận đã ký: - Hiệp định thương mại (1994), Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (1999), Hiệp định khung hợp tác nông nghiệp (2002), Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch, Nghị định thư về tham khảo ý kiến giữa 2 Bộ Ngoại giao (2007), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế (2010).
d. Thông tin về Đại sứ quán phụ trách của 2 nước: 1/ Đại sứ quán Việt Nam tại Li-bi kiêm nhiệm Tuy-ni-di: Al Hadba Al Khadara – Tripoli, Libya P.O.Box: 587 Tel: 00 21821 490 1456 Fax: 00 21821 490 1499 E-mail: dsqvnlib@yahoo.com
2/ Đại sứ quán Tuy-ni-di tại Bắc kinh kiêm nhiệm Việt Nam: Beijing 1 San Li Tun Dong Jie Tel: 0086-10-65322435/36; 65325688; 65327688 Fax: 0086-10-65325818 E-mail: at_beijing@netchina.com.cn
|