BỘ NGOẠI GIAO
---o0o---
TÀI
LIỆU CƠ BẢN
VỀ
NƯỚC CỘNG HÒA XU-ĐĂNG VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I.
Khái quát:
- Tên nước:
Cộng hòa Xu-đăng (Republic of the Sudan)
- Thủ đô: Khác-tum (Khartoum)
- Vị trí: đông bắc châu Phi, Bắc giáp Ai cập,
Li-bi; Đông giáp biển Đỏ,
Ê-ti-ô-pi-a; Tây giáp Sát, Trung Phi; Nam giáp Cộng hoà Nam Xu-đăng.
- Khí hậu: Xu-đăng có khí hậu sa mạc.
- Diện tích: 1.861.484 km2
- Dân số: 43,5 triệu người (2020)
- Dân tộc: Ả-rập (70%) và khoảng hơn 400 bộ tộc
khác
- Tôn giáo: Đạo Hồi là Quốc đạo (dòng Sun-ni)
- Ngôn ngữ: tiếng Ả-rập
- Đơn vị tiền tệ: Bảng Xu-đăng; 1USD = 55 Bảng (2020)
- Quốc khánh: 1/1/1956 (ngày giành độc lập từ Anh
và Ai Cập)
- Thủ tướng của chính phủ chuyển tiếp: Áp-đa-la
Ham-đốc (Abdalla Hamdok)
- Bộ trưởng Ngoại giao: Át-xơ-ma Mô-ha-mét
Áp-đa-la (Asma Mohamed Abdalla) (từ 9/2019)
II. Lịch sử:
Từ năm 1.800 đến 1.000 trước Công nguyên, Xu-đăng
bị các triều đại Ai Cập cổ đại thống trị. Năm 750, Vương quốc Cớt được tạo lập
ở miền Bắc Xu-đăng. Thế kỷ VI sau Công nguyên, đạo cơ đốc thâm nhập Xu-đăng;
thế kỷ XV người Ả-rập vào Xu-đăng, đồng thời đạo Hồi cũng được truyền bá vào
đây.
Năm 1898, Xu-đăng bị Anh chiếm và trở
thành thuộc địa của Anh, chịu sự cai quản gián tiếp của Anh thông qua Ai Cập.
Ngày 12/2/1953, Anh và Ai Cập đã ký Hiệp định công nhận quyền tự quyết của Xu-đăng.
Ngày 1/1/1956, Xu-đăng tuyên bố độc lập, thành lập nước Cộng hoà Xu-đăng. Tháng
9/1983, Chính phủ Xu-đăng áp đặt luật Hồi giáo trên cả nước. Để chống lại chính
sách này, nhân dân miền Nam không theo đạo Hồi (chiếm 25% dân số) thành lập
lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Xu-đăng (SPLA) và đấu tranh vì độc lập
của miền Nam Xu-đăng. Ngày 30/6/1989, quân đội Xu-đăng tiến hành đảo chính lật
đổ chính phủ, tuyên bố thành lập Hội đồng chỉ huy Cách mạng cứu nước do tướng An
Ba-sia đứng đầu. Thực hiện Hiệp định Hoà bình đạt được năm 2005 tại Kê-ni-a,
tháng 1/2011, nhân dân miền Nam đã tiến hành trưng cầu dân ý về quy chế của
miền Nam và Nam Xu-đăng chính thức tách khỏi Xu-đăng để trở thành quốc gia độc
lập ngày 11/7/2011.
III. Chính trị:
Ngày
28/4/2015, với 94% số phiếu bầu, ông An Ba-sia tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống mới, kéo dài thời
gian cầm quyền thêm 5 năm (từ 1989). Đảng Quốc đại của ông An Ba-sia hiện nắm
323 ghế trên tổng số 426 ghế tại Quốc hội.
Từ tháng 2/2003, các nhóm vũ trang tại
các bang Đa-phua, Nin Xanh và Nam Cóc-đô-phan nổi dậy chống Chính phủ. Cuôc
chiến giữa Chính phủ Xu-đăng và các nhóm vũ trang kéo dài khiến hàng trăm nghìn
người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa. Tháng 10/2015, Chính phủ
Xu-đăng lần đầu tiên tổ chức đối thoại chính trị với các lực lượng ly khai dưới
sự bảo trợ của Liên minh châu Phi (AU) và bước đầu tạo được cơ sở cho hòa giải
và hòa hợp dân tộc. Tháng 8/2016, 3 trong số các nhóm vũ trang đã đồng ý ký
thỏa thuận hòa bình do AU làm trung gian.
Các cuộc biểu tình tại Sudan bắt đầu từ
tháng 12/2018 tại thủ đô Khartoum và một số thành phố như Darfur, Atbara,
Gedaref và Kassala khi Chính phủ tăng gấp 3 lần giá bánh mì và một số loại
nguyên liệu. Tháng 2/2019, Tổng thống al-Bashir tuyên bố tình trạng khẩn cấp 1
năm và kêu gọi Quốc hội hoãn sửa đổi Hiến pháp. Động thái này được cho là nhằm
giúp ông kéo dài thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ngày 11/4, Tổng thống Omar al-Bashir bị quân đội bắt giữ và tuyên bố thực hiện
Chính phủ chuyển tiếp với người đứng đầu là Thượng tướng Abdel Fattah
Abdelrahman Burhan.
Ngày 17/8/2019, Hội đồng quân sự chuyển
tiếp và Liên minh vì Tự do và Thay đổi (FFC) đối lập đã kí kết “Tuyên bố Hiến
pháp” tại Thủ đô Khác-tum, mở đường cho giai đoạn chuyển tiếp và chuyển giao
quyền lực cho chính quyền dân sự.
Ngày 8/9/2019, chính phủ mới của Sudan do Thủ tướng Abdalla Hamdok lãnh
đạo đã tuyên thệ nhậm chức. Nội các mới gồm 18 Bộ trưởng, trong đó có 4 nữ. Bà
Asma Mohamed Abdalla được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao.
Trước đó, ngày 21/8/2019, ông Abdalla Hamdok tuyên thệ nhậm chức Thủ
tướng Chính quyền chuyển tiếp Sudan sau khi Trung tướng Abdel Fattah Al-Burhan
tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Tối cao Sudan - cơ quan có nhiệm vụ điều
hành đất nước trong quá trình chuyển tiếp kéo dài 39 tháng sang chính quyền dân
sự. Hội đồng Tối cao là cơ
quan quyền lực cao nhất tại Sudan nhưng sẽ trao phần lớn quyền hành pháp cho
nội các của Thủ tướng Hamdok.
IV. Đối ngoại:
Xu-đăng thực
hiện chính sách đối ngoại độc lập, không liên kết, có quan hệ tốt với các nước Ả-rập,
châu Phi và Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều dự án đầu tư lớn vào cơ sở
hạ tầng và dầu mỏ tại nước này. Xu-đăng là thành viên của LHQ, Liên minh
châu Phi (AU), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quan
sát viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)...
Mỹ phê phán
tình hình nhân quyền và cáo buộc Xu-đăng hỗ trợ chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, từ
năm 1997, xếp Xu-đăng vào "danh sách các nhà nước khủng bố" và áp
đặt luật cấm vận kinh tế hoàn toàn với Xu-đăng. Năm 2009, Tòa án
hình sự Quốc tế (do Mỹ, Pháp, Anh, Đức ủng hộ) ra lệnh bắt Tổng
thống Xu-đăng Al-Bashir lần 1 với tội danh "tội ác chống lại loài
người" và "tội ác chiến tranh"; năm 2010, ra lệnh bắt lần 2 với
tội danh "diệt chủng". Tháng 1/2017, trước khi rời nhiệm sở, Tổng
thống Mỹ Ô-ba-ma đã ký sắc lệnh nới lỏng lệnh cấm vận thương mại đối với
Xu-đăng trong vòng 6 tháng (sẽ xem xét dỡ bỏ một số cấm vận vào ngày 12/7/2017).
Ngày 12/10/2017, Mỹ đã chính thức dỡ bỏ cấm vận kinh tế với Xu-đăng. Tuy nhiên,
nước này vẫn nằm trong danh sách các nước tài trợ cho khủng bố.
V.
Kinh tế:
Xu-đăng là nước
nông nghiệp với diện tích đất canh tác 20 triệu ha; lao động nông nghiệp chiếm
80% lực lượng lao động; sản phẩm chính là cao lương, kê, lúa mỳ, bông, lạc,
ngô, hướng dương... Công nghiệp kém phát triển, chủ yếu tập trung vào các ngành
dệt, xi-măng và chế biến thực phẩm.
Trước đây Xu-đăng có nhiều tiềm năng về dầu lửa với trữ lượng đứng thứ 3
tại châu Phi, tuy nhiên chủ yếu nằm ở khu vực nay thuộc Nam Xu-đăng (chiếm 75% dự
trữ và 80% nguồn thu). Tăng trưởng kinh tế Xu-đăng đạt 3,7% trong năm 2017 và
dự báo sẽ dần phục hồi trong các năm tới nhờ việc Mỹ tạm nới lỏng lệnh cấm vận
kinh tế. Xu-đăng chủ trương đẩy mạnh chính sách hướng Đông, tranh thủ sự giúp
đỡ của các nước bạn bè, trong đó có Việt Nam, phát triển các lĩnh vực nông
nghiệp, khai khoáng, công nghiệp… nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.
Cơ cấu kinh tế:
nông nghiệp 39,6%, công nghiệp 2,6%, dịch vụ 57,8%;
Các chỉ tiêu kinh tế năm 2019:
- GDP
(PPP): 176 tỷ USD; GDP (nominal): 30,8 tỷ USD
- GDP (PPP)
bình quân đầu người: 4.072 USD;
- Tăng trưởng
GDP: -2,6% (2019).
VI. Quan hệ với Việt Nam:
a. Quan hệ chính trị, kinh tế:
- Việt nam và Xu-đăng
thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/8/1969; Bạn tích cực ủng hộ cuộc kháng
chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Khi Bác Hồ mất, Chủ tịch Hội đồng cách mạng Xu-đăng
cử đặc phái viên sang dự lễ tang. Năm 2009, Xu-đăng mở Đại sứ quán thường trú
tại Việt Nam. Tháng 8/2011, Xu-đăng cử Lãnh sự danh dự tại Tp Hồ Chí Minh.
Tháng 2/2014, ta cử Lãnh sự danh dự tại Xu-đăng, hiện tại là ông Bakri Yousif
Omer (điện thoại: +24912390836). Tháng 8/2018, do khó khăn về kinh tế, Sudan đã
đóng cửa Đại sứ quán tại Hà Nội.
- Hai
nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc
tế: Xu-đăng ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, Hội đồng Kinh tế và Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018. Hai bên đang trao
đổi thời gian tổ chức Tham vấn chính trị lần V tại Khắc-tum. UBHH Việt Nam – Xu-đăng đã họp lần thứ 2
từ 10 – 12/10/2016 tại Hà Nội (Bộ NN&PTNT là Chủ tịch phân ban).
- Hợp tác kinh tế giữa hai nước còn khiêm tốn. Kim ngạch thương mại năm
2019 đạt 33,5 triệu USD, ta xuất siêu chủ yếu với các mặt hàng dệt may, máy móc, thiết bị, gạo,
sữa, hạt tiêu, … Xu-đăng đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
(2/2014).
- Các lĩnh vực hợp tác: Về nông nghiệp,
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông
nghiệp Bắc Trung Bộ đã hợp tác với Xu-đăng thành lập trung tâm nghiên cứu giống
lúa tại bang Bắc Xu-đăng và trồng thử nghiệm lúa tại bang Nin Trắng cho năng
suất 9-10 tấn/ha. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn 1 của dự án
(2009-2012), do phía Xu-đăng gặp khó khăn về tài chính nên dự án không được
tiếp tục. Về dầu khí, Petro Vietnam đã tiến hành khảo sát một số lô dầu
ở Xu-đăng, nay tạm dừng. Về Viễn thông, Viettel đánh giá Xu-đăng là thị
trường có tiềm năng, nhưng chưa tham gia đầu tư do lo ngại tình hình an ninh,
chính trị bất ổn.
b. Trao đổi đoàn:
- Đoàn ra: Đặc phái viên của Chính phủ
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà miền Nam Việt Nam (8 và 12/1969); Trợ lý
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình (2001); Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng
(7/2006); Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại
giao Đoàn Xuân Hưng (6/2011); Thứ trưởng Công thương Lê Dương Quang (7/2013);
Thứ trưởng Nông nghiệp Vũ Văn Tám dự Kỳ họp thứ nhất UBHH (4/2014), Trợ lý BT
Ngoại giao Phạm Sanh Châu (12/2016), đoàn Ban đối ngoại TW dự Hội thảo về Phát
triển bền vững (12/2017).
- Đoàn vào: Tổng thống An Ba-sia (9/1995);
Thứ trưởng Ngoại giao (5/2003); Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp (dự hội thảo Việt Nam
– châu Phi tháng 5/2003); Bộ trưởng Ngoại giao (5/2005); Trợ lý Tổng thống, Phó Chủ
tịch Đảng Quốc đại (3/2007); Đặc phái viên Tổng thống, Bộ trưởng Kinh tế, Tài
chính (8/2008 và 3/2009); Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (10/2009); Bộ trưởng
Truyền thông và Công nghệ Thông tin (5/2012); Quốc vụ khanh Nông nghiệp và Thủy
Lợi (dự Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác tại Trung Đông –
Bắc Phi, 11/2013); Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao (họp Tham vấn Chính trị, 2/2014),
Chủ tịch Quốc hội (dự IPU tại Hà Nội, 3/2015); Quốc vụ khanh Nông Lâm nghiệp (dự
Kỳ họp UBHH lần 2, 10/2016); Trợ lý Tổng thống, Phó Chủ tịch Đảng Quốc đại
(11/2018).
c. Các hiệp định/thỏa thuận đã ký:
Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương
mại, văn hóa và KHKT (1995); Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao
(2003); Dự án phát triển sản xuất lúa và một số cây trồng khác tại Xu-đăng
(9/2009, vốn gần 10 triệu USD); Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và Bộ Chăn nuôi và Thủy sản Xu-đăng (10/2009); Thoả thuận hợp
tác dầu khí giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam với Tổng công ty dầu khí Xu-đăng
(2009); Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với
Liên đoàn Giới chủ Xu-đăng (10/2009); Thoả thuận hợp tác thông tin giữa Thông
tấn xã Việt Nam với Thông tấn xã Xu-đăng (11/2010); Nghị định thư thành lập Ủy
ban Hỗn hợp; Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực lao động và xã hội
(11/2013); Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (4/2014);
Hiệp định Vận tải biển (9/2014), Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (3/2015); Bản
ghi nhớ về hợp tác Công nghiệp (10/2016)./.
(Tháng 8/2020)