Tài liệu cơ bản Ai Cập tháng 3/2020
BỘ NGOẠI GIAO
---oOo---
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA Ả-RẬP AI CẬP
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
-------
I. Khái quát:
- Vị trí địa lý: nằm ở Bắc Phi, bắc giáp Địa Trung Hải, nam giáp Xu-đăng, tây giáp Li-bi, đông giáp Ít-xra-en và Biển Đỏ
- Thủ đô: Cai-rô
- Diện tích đất liền: 995.451 km2, tổng diện tích: 1.001450 km2
- Dân số: 99,4 triệu người (2018)
- Tôn giáo: Hồi giáo là quốc đạo (Hồi giáo Sunni): 90%; Thiên chúa giáo (dòng Cốp) 10%.
- Ngôn ngữ chính: tiếng Ả-rập
- Quốc khánh: 23/7/1952 (Ngày Khởi nghĩa)
- Ngày độc lập: 28/2/1922 (từ Anh)
- Tổng thống: Áp-đen Pha-ta An Xi-xi (Abdel Fattah Al-Sisi) (5/2014)
- Thủ tướng: Mốt-ta-pha Mát-bu-ly (Mostafa Madbouly) (7/6/2018)
- Chủ tịch Quốc hội: A-li Áp-đen A-an (Ali Abdel Aal) (10/01/2016)
- Ngoại trưởng: Sa-mi Hát-xan Xúc-cờ-ri (Sameh Hassan Shoukry) (17/6/2014)
II. Chính trị:
Tháng 2/2011, trước sức ép từ làn sóng biểu tình, Tổng thống H. Mu-ba-rắc buộc phải từ chức sau 30 năm cầm quyền và chuyển giao quyền lực cho Hội đồng Quân sự Tối cao. Tháng 2 và tháng 6/2012, Ai Cập lần lượt tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống với thắng lợi thuộc về các đảng Hồi giáo, ông M. Mô-xi thuộc đảng Công lý và Phát triển (Anh em Hồi giáo) được bầu làm Tổng thống.
Tháng 7/2013, Quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống M. Mô-xi, ủy quyền cho Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao A. Man-xua làm Tổng thống lâm thời, đề ra Lộ trình chính trị gồm 3 bước: tạm dừng thực thi Hiến pháp; thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban hòa giải dân tộc; bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Tháng 5/2014, Ai Cập tổ chức bầu cử Tổng thống với chiến thắng thuộc về ông Áp-đen Pha-ta An Xi-xi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là người đứng đầu Hội đồng Quân sự Tối cao.
Từ năm 2014 đến nay, mặc dù còn một số vụ nổ bom và bạo loạn, tuy nhiên quá trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập vẫn được đánh giá là đang đi đúng hướng. Tháng 12/2015, Ai Cập tổ chức thành công bầu cử Quốc hội, về cơ bản hoàn tất quá trình chuyền chuyển tiếp chính trị. Tháng 3/2018, Ai Cập tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống. Tổng thống Áp-đen Pha-ta An Xi-xi đã tái đắc cử với trên 96% phiếu bầu. Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống An Xi-xi tiến hành cải tổ nội các mới của Chính phủ Ai Cập do Thủ tướng Mốt-ta-pha Mát-bu-ly đứng đầu với cơ cấu giữ nguyên gồm 32 bộ của Chính phủ khóa trước. Sau việc thành lập Nội các, chính quyền An Xi-xi tiến hành cải tổ bộ máy chính quyền địa phương với việc thay thế 22 thống đốc tại 27 tỉnh của Ai Cập (9/2018). Nhiều thống đốc mới được bổ nhiệm lần này là các tướng lĩnh quân đội cho thấy vai trò của quân đội trong đời sống chính trị - kinh tế của nước này vẫn tiếp tục được duy trì và củng cố.
III. Đối ngoại:
Ai Cập được coi là nước lớn ở khu vực, có uy tín và vị trí địa chiến lược quan trọng nối liền lục địa Á – Phi. Ai Cập là một trong những nước đóng góp lớn cho ngân sách hoạt động của Liên minh châu Phi AU, là nơi đặt trụ sở Liên đoàn Ả-rập và hiện đại diện nhóm châu Phi/Ả-rập cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2016 – 2017
Kể từ khi nhậm chức tháng 5/2014, Tổng thống Ai Cập Áp-đen Pha-ta An Xi-xi tiếp tục thúc đẩy chính sách “hướng Đông”, quan tâm mở rộng quan hệ với các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Xinh-ga-po, Việt Nam… Tháng 9/2016, Ai Cập chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN (TAC).
Hiện Ai Cập nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ các quốc gia vùng Vịnh, với số vốn cam kết từ năm 2015 đến nay đạt khoảng 25 tỷ USD. Chỉ tính riêng tại Hội nghị Phát triển kinh tế Ai Cập (tháng 3/2015), các nước vùng Vịnh đã cam kết hỗ trợ tài chính 12.5 tỷ USD cho Ai Cập.
IV. Kinh tế:
Ai Cập vươn lên là đứng thứ nhất về quy mô kinh tế, dân số và là một trong những nước thu hút FDI hàng đầu châu Phi. Các ngành kinh tế chính của Ai Cập là du lịch, dầu mỏ, dệt may, chế biến nông sản, hóa chất, xây dựng,…
Thời gian qua, tình hình chính trị bất ổn tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế Ai Cập, đặc biệt với các lĩnh vực đem lại nguồn thu chính cho Ai Cập như xuất khẩu dầu mỏ, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối… buộc chính quyền của Tổng thống Áp-đen Pha-ta An Xi-xi phải áp dụng nhiều biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ như cắt giảm trợ cấp, áp thuế VAT, thả nổi tiền tệ, đổi mới chính sách đầu tư, thương mại, tăng cường kêu gọi đầu tư và liên doanh nước ngoài cho các dự án phát triển kinh tế… Các cải cách trên bước đầu đạt hiệu quả tích cực, cùng với những hỗ trợ tài chính của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF[1] đã giúp nền kinh tế Ai Cập dần đi vào ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,6% trong năm 2019. Thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối ở mức cao (45,4 tỷ USD), lạm phát tiếp tục giảm mạnh xuống 13,8%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 7,8 %, mức thấp nhất kể từ 2014.
Ai Cập tiếp tục sửa đổi, ban hành các quy định mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục, kêu gọi vốn đầu tư và liên doanh nước ngoài cho các dự án phát triển kinh tế của Ai Cập. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro phải đối mặt như nợ nước ngoài trên 108 tỷ USD, nợ công trên 287 tỷ USD. Dự trữ ngân sách khoảng 46 tỷ USD (chủ yếu từ nguồn đi vay và viện trợ).
Tổng GDP 2019 (PPP): 1.391 tỷ USD (đứng thứ 19 Thế giới)
GDP bình quân đầu người (PPP): 14.023 USD
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: dầu thô, các sản phẩm từ dầu, cotton, hàng may mặc, sản phẩm cơ khí, hóa chất, nông nghiệp.
Các nước xuất khẩu chính: UAE (12,5%), Ả-rập Xê-út (7,7%), Italia (6,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (6,3%).
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: thiết bị máy, sản phẩm gỗ, nhiên liệu.
Các nước nhập khẩu chủ yếu: Trung Quốc (12,9%), Đức (8,7%), Mỹ (5,3%), Italia (4,5%).
V. Quan hệ Việt Nam – Ai Cập:
1. Quan hệ chính trị:
- Việt Nam và Ai Cập có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Ai Cập là một trong những nước Ả-rập đầu tiên có quan hệ với ta. Từ năm 1958, ta đã có cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập. Ngày 1/9/1963, ta và Ai Cập chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, ta mở Đại sứ quán tại Cairo. Năm 1964, Ai Cập mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Ai Cập vào các năm 1911 và 1946. Tháng 5/2017, ĐSQ Việt Nam tại Ai Cập thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đài truyền hình quốc gia Ai Cập.
- Ai Cập đánh giá cao lập trường của ta đối với các vấn đề của thế giới Ả-rập, đặc biệt là Tiến trình Hòa bình Trung Đông và coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt với Việt Nam. Chính quyền Ai Cập tích cực hỗ trợ ta trong 2 đợt sơ tán lao động tại Li-bi (2011 và 2014).
- Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Ai Cập ủng hộ ta ứng cử vào: Hội đồng Bảo an (2020 – 2021), Hội đồng Nhân quyền (2014 – 2016), ECOSOC (2016 – 2018), UB Luật pháp quốc tế (2017 – 2021), Hội đồng Điều hành UPU (2017 – 2020); … ta ủng hộ Ai Cập vào: HĐBA (2016 - 2017), HĐNQ (2017 – 2019), ECOSOC (2016-2018), Ủy ban Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR), Ủy ban công ước về quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
- Tháng 5/2015, hai nước họp Tham vấn chính trị lần 8 cấp Thứ trưởng Ngoại giao tại Cai-rô.
- Tháng 9/2016, Ai Cập chính thức tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) với ASEAN.
2. Quan hệ kinh tế:
- Ai Cập là một trong các đối tác thương mại lớn của ta tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt ước đạt 470 triệu USD chủ yếu ta xuất khẩu với các mặt hàng chính gồm máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử, hải sản, xơ, sợi dệt, kim loại thường…và hàng tiêu dùng và nhập khẩu hóa chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa, sợi...
- Ủy ban Liên Chính phủ hai nước đã họp được 5 lần (lần thứ 5 họp tại Hà Nội từ 21 – 23/8/2017 ngay trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập từ 6-7/9/2017). Kỳ họp thứ nhất Tiểu ban Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Ai Cập diễn ra từ 22-23/4/2018.
- Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ (11/2013). Ai Cập hiện có 3 dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 2,05 triệu USD. Việt Nam chưa có dự án nào đầu tư tại Ai Cập.
3. Hợp tác trên các lĩnh vực khác:
- Hàng năm, Ai Cập cấp cho ta 12 học bổng đào tạo sinh viên tiếng Ả-rập.
- Nhân chuyến thăm của Tổng thống An Xi-xi, Ai Cập cam kết hỗ trợ về kỹ thuật và đào tạo từ 10 – 20 cán bộ về tiêu chuẩn Ha-la cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo.
- Hai nước thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác qua kênh đảng, kênh địa phương và trong các lĩnh vực thanh tra, văn hóa,… Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Ai Cập đã được thành lập gồm 8 thành viên do một Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng làm Chủ tịch.
4. Trao đổi đoàn:
Các đoàn ta thăm Ai Cập: Bộ trưởng Thủy lợi (5/1993); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (7/1993); Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (5/1994); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (7/1999); Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự (5/2002); Bộ trưởng Thủy sản (2/2004); Thứ trưởng Quốc phòng (3/2004); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Cấp cao KLK tại Sharm El Sheik (7/2009); Bộ trưởng Xây dựng (11/2009); Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội (12/2010); Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (6/2011); Phó trưởng Ban Đối ngoại TW (6/2014), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (3/2015); Tổng Thanh tra CP (4/2015), Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam (5/2015), Phó Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh (8/2015), Giám đốc Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh (12/2015), Trưởng Ban Đối ngoại TW (12/2015), TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam (12/2016), Phó trưởng Ban thường trực Ban Đối ngoại TW (5/2017), UVTW, Chủ tịch Hội Nông dân (7/2017), Bí thư Tỉnh Hải Dương (8/2017), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng (11/2017), Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng (4/2018), Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng (5/2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (8/2018), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường (3/2019).
Các đoàn Ai Cập thăm ta: Bộ trưởng Giáo dục (7/1996); Thứ trưởng Ngoại giao (6/1996); Đoàn đại biểu Đảng dân tộc dân chủ Ai Cập (12/1997); Chủ tịch Cơ quan giám sát hành chính quốc gia (3/1999); Tham mưu trưởng quân khu miền Tây (7/2004); Thứ trưởng Ngoại giao (10/2004); Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất (12/2004), Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế (4/2007 kết hợp họp Ủy ban hỗn hợp); Thứ trưởng Ngoại giao (3/2008); Thứ trưởng Ngoại giao (6/2009); Thứ trưởng Nông nghiệp (12/2009); Bộ trưởng Đầu tư (1/2010); Thứ trưởng Ngoại giao (4/2011); Trợ lí Ngoại trưởng Ai Cập vào Việt Nam dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông – Bắc Phi và họp Tham vấn Chính trị (11/2013); Bộ trưởng Đầu tư & HTQT Ai Cập (8/2017); Tổng thống Ai Cập (6-7/9/2017).
5. Các Hiệp định/thoả thuận đã ký:
Các Hiệp định: Thương mại (5/1994), Hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật (9/1997), Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (9/1997), Hàng không (4/1999), Hợp tác thanh tra (3/1999), Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (3/2006, Ai Cập chưa thông qua), Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, đặc biệt và công vụ (8/2010); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ ngoại giao (6/1996); các MoU hợp tác về: Du lịch (3/2006), giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Cơ quan Hội chợ triển lãm quốc tế Ai Cập (3/2006), Thăm dò, khai thác dầu khí giữa PVN và Công ty dầu khí Ai Cập (11/2008), Hội chợ và triển lãm (11/2008), Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (11/2008) Thành lập Hội đồng kinh doanh hỗn hợp Việt Nam – Ai Cập (7/2009), Hợp tác xúc tiến đầu tư (1/2010), về thành lập Tiểu ban hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ai Cập, về hợp tác nghề cá giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất đai Ai Cập, về hợp tác vận tải biển giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Ai Cập, về hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh quốc gia Ai Cập, về hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Cơ quan Quản lý Kênh đào Xuy-ê Ai Cập, về hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Đầu tư và Hợp tác quốc tế Ai Cập (9/2017), Thỏa thuận hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Lu-xo (8/2018), Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất đai Ai Cập (8/2018), Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Ai Cập (8/2018), Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Nghiên cứu Ngoại giao Ai Cập (8/2018); Bản ghi nhớ về Phòng vệ thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ai Cập (8/2018), Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Cung ứng và Nội thương Ai Cập (8/2018), Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Dầu khí và Khoáng sản Ai Cập (8/2018), Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ai Cập (8/2018); Chương trình hợp tác văn hóa (9/2017), hợp tác du lịch (9/2017)./.
Tháng 3/2020
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |