Tài liệu cơ bản về nước Cộng hòa Ả-rập Ai Cập và Quan hệ với Việt Nam
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA Ả-RẬP AI CẬP
I. Thông tin chung
- Tên nước: Cộng hòa Ả-rập Ai Cập (Arab Republic of Egypt)
- Thủ đô: Cai-rô (Cairo)
- Ngày Quốc khánh: 23/7/1952 (Ngày Khởi nghĩa)
- Ngày Độc lập: 28/02/1922 (từ Vương quốc Anh)
- Vị trí địa lý: nằm ở Bắc Phi, bắc giáp Địa Trung Hải, nam giáp Xu-đăng, tây giáp Li-bi, đông giáp Ít-xra-en và Biển Đỏ.
- Diện tích: đất liền 995.451 km2, tổng diện tích: 1.001450 km2
- Khí hậu: Nền khí hậu Địa Trung Hải, khí hậu sa mạc khô.
- Dân số: 104,26 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
- Dân tộc: Người Hamitic (người Ai Cập, người Ả-rập du cư và người Berber) (99%); người Hy Lạp, Nubia, Armenia và các nhóm Châu Âu khác (1%).
- Ngôn ngữ chính thức: tiếng Ả-rập, hầu hết người Ai Cập nói phương ngữ bản địa của tiếng Ả-rập.
- Đơn vị tiền tệ: Bảng pound EGP (1 USD = 18,80 EGP)
- GDP: 404.142 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
- GDP/đầu người: 13.316,2 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
- Tôn giáo: Hồi giáo là quốc đạo (Hồi giáo Sunni): 90%; Thiên chúa giáo (dòng Cốp) 10%.
- Cơ cấu hành chính: có 27 tỉnh, tỉnh trưởng (muhafez) là người do Tổng thống bổ nhiệm.
- Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Áp-đen Pha-ta An Xi-xi (Abdel Fattah Al-Sisi) (từ tháng 6/2014 và tái đắc cử tháng 3/2018);
+ Thủ tướng: Mốt-ta-pha Mát-bu-ly (Mostafa Madbouly) (từ tháng 6/2018);
+ Chủ tịch Thượng viện: Áp-đen Oa-háp Ra-dắc (Abdel Wahab Abdel Razek) (từ tháng 10/2020);
+ Chủ tịch Hạ viện: Ha-na-phi A-li En Ghê-ba-li (Hanafy Ali El-Gebali) (từ tháng 10/2020);
+ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Sa-mi Hát-xan Xúc-cờ-ri (Sameh Hassan Shoukry) (từ tháng 6/2014).
II. Khái quát lịch sử:
Năm 3200 trước Công nguyên, Ai Cập là một quốc gia phong kiến thống nhất. Đầu thế kỷ 7 sau Công nguyên, người Ả-rập bắt đầu đến sinh sống tại Ai Cập và truyền bá văn hóa đạo Hồi tại đây. Ai Cập đã trải qua các ách thống trị của các đế quốc Hy Lạp, La Mã, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Anh.
Ai Cập chịu sự bảo hộ của Anh từ năm 1914 đến năm 1922. Ngày 28/2/1922, Anh buộc phải công nhận Ai Cập là một vương quốc độc lập nhưng vẫn duy trì quân đội ở kênh Suez.
Ngày 23/7/1952, Thiếu tướng Mohammed Naguib - Tổng Tư lệnh Quân đội cùng với “Tổ chức sĩ quan tự do” đã tiến hành cuộc nổi dậy lật đổ Vua Farouq và đánh dấu sự kết thúc của chế độ thực dân Anh. Ngày 18/6/1953, nước Cộng hòa Ả-rập Ai Cập tuyên bố thành lập, Mohammed Naguib trở thành Tổng thống đầu tiên kiêm Thủ tướng. Năm 1954, Trung tá Gamal Abdel Nasser lật đổ M. Naguib, trở thành Thủ tướng và năm 1956 được bầu làm Tổng thống.
Từ 14/10/1981, Tổng thống Mohamed Hosni Mubarak đã làm Tổng thống nền Cộng hoà, sau khi cựu Tổng thống Mohammed Anwar El-Sadat qua đời. Tháng 2/2011, trước sức ép từ làn sóng biểu tình, Tổng thống H. Mu-ba-rắc buộc phải từ chức sau 30 năm cầm quyền và chuyển giao quyền lực cho Hội đồng Quân sự Tối cao. Tháng 2 và tháng 6/2012, Ai Cập lần lượt tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống với thắng lợi thuộc về các đảng Hồi giáo, ông M. Mô-xi thuộc đảng Công lý và Phát triển (Anh em Hồi giáo) được bầu làm Tổng thống.
Tháng 7/2013, Quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống M. Mô-xi, ủy quyền cho Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao A. Man-xua làm Tổng thống lâm thời, đề ra Lộ trình chính trị gồm 3 bước: tạm dừng thực thi Hiến pháp; thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban hòa giải dân tộc; bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Tháng 5/2014, Ai Cập tổ chức bầu cử Tổng thống với chiến thắng thuộc về ông Abdel Fattah Al-Sisi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là người đứng đầu Hội đồng Quân sự Tối cao. Tháng 12/2015, Ai Cập tổ chức thành công bầu cử Quốc hội, về cơ bản hoàn tất quá trình chuyền chuyển tiếp chính trị.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Thể chế nhà nước: Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và được bầu bằng cách bỏ phiếu kín trực tiếp bởi những công dân có quyền bầu cử.
Hiến pháp 2014 hiện hành của Ai Cập quy định: Tổng thống là nguyên thủ quốc gia cũng như là người đứng đầu hành pháp. Tổng thống cùng với Thủ tướng và nội các chịu trách nhiệm về chính sách chung của nhà nước và giám sát việc thực hiện chính sách đó.
- Cơ cấu Nghị viện: Thượng viện và Hạ viện.
Thượng viện (Shura Council - Senate): Bao gồm 300 Thượng nghị sĩ. Trong đó, 100 ghế do Tổng thống chỉ định, 100 ghế được bầu trực tiếp tại 27 khu vực bầu cử đơn lẻ đồng thời với các Thống đốc theo hình thức bỏ phiếu hai vòng, 100 ghế còn lại sẽ được bầu trực tiếp thông qua danh sách bầu cử. Trong Hiến pháp năm 2014, Hội đồng Shura đã bị bãi bỏ. Đến năm 2019, sau cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp, các sửa đối bổ sung đã quyết định đưa Quốc hội quay trở lại chế độ lưỡng viện. Hội đồng Shura được khôi phục và trở thành Thượng viện.
Hạ viện (House of Representative): bao gồm 450 ghế, được bỏ phiếu thông qua hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp. Theo quy định của luật, Tổng thống có quyền chỉ định không quá 5% thành viên của Hạ viện.
- Các đảng phái chính trị: Hiện có trên 100 đảng phái chính trị đăng kí hoạt động tại Ai Cập, trong đó tiêu biểu là:
+ Đảng Tương lai đất nước (Nation's Future Party - Mostaqbal Watn): thành lập năm 2014, ông Abdel-Wahab Abdel-Razeq là lãnh đạo đảng, chiếm 315/596 ghế (gần 75%) trong Thượng viện Ai Cập, ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah al-Sisi.
+ Đảng Nhân dân Cộng hòa (Republican People’s Party): thành lập năm 2012, ông Hazem Omar là lãnh đạo đảng.
+ Đảng New Wafd Party - Đảng Đại biểu Mới (Ḥizb al-Wafd al-Jadīd): thành lập năm 1978, ông Bahaa El-Din Abu Shoka là lãnh đạo đảng.
+ Đảng Bảo vệ Quê hương (Homeland Defenders Party): thành lập năm 2013 và Galal Haridy là lãnh đạo đảng.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Kể từ tháng 4/2017, Ai Cập đã liên tục phải ban bố và gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn quốc nhằm đối phó với tình trạng bất ổn an ninh và gần đây là những đe dọa đến từ đại dịch Covid-19. Ai Cập từng chịu tác động mạnh của “Mùa xuân Ả-rập” năm 2011, khiến Tổng thống Hosni Mubarak buộc phải từ chức sau 30 năm cầm quyền. Sau khi tổ chức thành công bầu cử Tổng thống (2014) và Quốc hội (2015), Ai Cập cơ bản hoàn thành quá trình chuyển tiếp chính trị. Tháng 3/2018, Ai Cập tổ chức thành công bầu cử Tổng thống với chiến thắng áp đảo trên 96% phiếu bầu của Tổng thống đương nhiệm Al-Sisi. Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Al-Sisi tiến hành cải tổ nội các và đẩy mạnh cải cách kinh tế.
2. Kinh tế - Xã hội
- Ai Cập là một trong số những nước đứng đầu châu Phi về quy mô kinh tế và thu hút FDI. Ai Cập là nước nhận FDI nhiều nhất vào châu Phi năm thứ năm liên tiếp vào năm 2020/2021, đạt 5,9 tỷ đô la, chiếm 53% vốn FDI vào Bắc Phi. Cho đến nay, Vương quốc Anh là nhà đầu tư lớn nhất ở Ai Cập, tiếp theo là Bỉ, Mỹ và UAE . FDI tập trung vào ngành dầu khí (khoảng 3/4 tổng vốn đầu tư), tiếp theo là bất động sản, sản xuất, dịch vụ tài chính và xây dựng.
Các ngành kinh tế chính gồm du lịch, dầu mỏ, dệt may, chế biến nông sản, hóa chất, xây dựng…
Thời gian qua, Tổng thống Áp-đen Pha-ta An Xi-xi đã áp dụng nhiều biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ như cắt giảm trợ cấp, áp thuế VAT, thả nổi tiền tệ, đổi mới chính sách đầu tư, thương mại, tăng cường kêu gọi đầu tư và liên doanh nước ngoài cho các dự án phát triển kinh tế… Các cải cách trên bước đầu đạt hiệu quả tích cực, cùng với những hỗ trợ tài chính của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF và WB đã giúp nền kinh tế Ai Cập dần đi vào ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,6% trong năm 2019, 3,6% trong năm 2020, 5,2% trong năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối ở mức cao (45,4 tỷ USD), lạm phát tiếp tục giảm mạnh xuống 13,8%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 9,6% (2020), mức thấp nhất kể từ 2014 (theo Ngân hàng Thế giới WB).
+ Các mặt hàng xuất khẩu chính: dầu thô, các sản phẩm từ dầu, cotton, hàng may mặc, sản phẩm cơ khí, hóa chất, nông nghiệp.
+ Các mặt hàng nhập khẩu chính: thiết bị máy, sản phẩm gỗ, nhiên liệu.
+ Các đối tác thương mại chính: UAE, Trung Quốc, Ả-rập Xê-út, Đức, Ý, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ.
- Ai Cập xếp hạng 116/189 về Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 đạt khoảng 7,4%. Tỷ lệ người lớn biết chữ đạt khoảng 71,2% (2017).
3. An ninh - quốc phòng
- Khủng bố: Ai Cập đã tăng cường đảm bảo an ninh, chống khủng bố. Các vụ khủng bố ở bán đảo Sinai đã giảm dần sau các chiến dịch truy quét do quân đội Ai Cập phát động kể từ năm 2018. Đã có hàng nghìn phần tử khủng bố bị tiêu diệt trong các chiến dịch này.
- Tranh chấp Đập Thủy điện Đại Phục hưng (GERD): GERD được xây dựng trên sông Nile Xanh, là đập thủy điện lớn nhất ở châu Phi, song công trình này đang là vấn đề tranh chấp giữa Ethiopia với Ai Cập và Sudan kể từ khi khởi công xây dựng hồi năm 2011. Ethiopia-quốc gia đông dân thứ 2 châu Phi coi GERD có vai trò cần thiết cho tiến trình điện khí hóa và phát triển của Ethiopia. Trong khi đó, Ai Cập và Sudan – hai quốc gia hạ nguồn lo ngại GERD có thể đe dọa quyền tiếp cận nguồn nước sông Nile nên đã yêu cầu ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý giữa 3 quốc gia liên quan đến hoạt động tích nước và vận hành đập thủy điện này.
V. Chính sách đối ngoại
Ai Cập là nước lớn ở khu vực Trung Đông-châu Phi, có uy tín và vị trí địa chiến lược quan trọng nối liền lục địa Á - Phi. Ai Cập là một trong những nước đóng góp lớn cho ngân sách hoạt động của Liên minh châu Phi (AU); là nơi đặt trụ sở Liên đoàn Ả-rập; có vai trò quan trọng trong Tiến trình hòa bình Trung Đông, khủng hoảng Li-bi, xung đột Đa-phua…
- Trên các diễn đàn đa phương, trong những năm 1950 - 1960, Ai Cập là một trong những lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc, một trong những nước sáng lập ra phong trào Không liên kết. Ai Cập từng nhiều lần đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gần đây là nhiệm kỳ 2016-2017.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - AI CẬP
I. Quan hệ chính trị:
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ai Cập thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 01/9/1963.
- Cơ quan đại diện: Việt Nam mở Đại sứ quán tại Ai Cập năm 1963. Trước đó, Việt Nam đã mở cơ quan đai diện thương mại tại Ai Cập năm 1958. Năm 1964, Ai Cập mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ai Cập: Bộ trưởng Thủy lợi (5/1993); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (7/1993); Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (5/1994); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (7/1999); Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự (5/2002); Bộ trưởng Thủy sản (2/2004); Thứ trưởng Quốc phòng (3/2004); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Cấp cao KLK tại Sharm El Sheik (7/2009); Bộ trưởng Xây dựng (11/2009); Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội (12/2010); Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (6/2011); Phó trưởng Ban Đối ngoại TW (6/2014), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (3/2015); Tổng Thanh tra CP (4/2015), Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam (5/2015), Phó Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh (8/2015), Giám đốc Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh (12/2015), Trưởng Ban Đối ngoại TW (12/2015), TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam (12/2016), Phó trưởng Ban thường trực Ban Đối ngoại TW (5/2017), UVTW, Chủ tịch Hội Nông dân (7/2017), Bí thư Tỉnh Hải Dương (8/2017), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng (11/2017), Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng (4/2018), Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng (5/2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (8/2018), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường (3/2019); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (12/2019).
+ Đoàn Ai Cập thăm Việt Nam: Bộ trưởng Giáo dục (7/1996); Thứ trưởng Ngoại giao (6/1996); Đoàn đại biểu Đảng dân tộc dân chủ Ai Cập (12/1997); Chủ tịch Cơ quan giám sát hành chính quốc gia (3/1999); Tham mưu trưởng quân khu miền Tây (7/2004); Thứ trưởng Ngoại giao (10/2004); Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất (12/2004), Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế (4/2007 kết hợp họp Ủy ban hỗn hợp); Thứ trưởng Ngoại giao (3/2008); Thứ trưởng Ngoại giao (6/2009); Thứ trưởng Nông nghiệp (12/2009); Bộ trưởng Đầu tư (1/2010); Thứ trưởng Ngoại giao (4/2011); Trợ lí Ngoại trưởng Ai Cập vào Việt Nam dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông – Bắc Phi và họp Tham vấn Chính trị (11/2013); Bộ trưởng Đầu tư & HTQT Ai Cập (8/2017); Tổng thống Ai Cập (6-7/9/2017).
- Các cơ chế hợp tác: Ủy ban Liên Chính phủ (thành lập năm 1994, đã tổ chức 5 kỳ họp, lần gần nhất vào tháng 8/2017), Tiểu ban Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ai Cập (thành lập năm 2017, đã họp hai kỳ vào tháng 4/2018 và tháng 8/2021), Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (thành lập năm 6/1996, đã họp 8 kỳ, kỳ gần nhất vào tháng 5/2015).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ (11/2013).
2. Thương mại
Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 537,2 triệu USD, tăng 4,3% so với năm 2020 (đạt 515 triệu USD), trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 477,3 triệu USD với các mặt hàng chính gồm máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử, hải sản, xơ, sợi dệt,… và nhập khoảng 59,8 triệu USD hóa chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa, sợi...
3. Đầu tư
Tính đến tháng 5/2022, Ai Cập có 17 dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 2,62 triệu USD, đứng thứ 88/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
1. Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương
Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Ai Cập ủng hộ ta ứng cử vào: Hội đồng Bảo an (2020-2021), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016 và 2023-2025), ECOSOC (2016-2018), UB Luật pháp quốc tế (2017-2021), Hội đồng Điều hành UPU (2017-2020), Ban điều hành của UNESCO (2015-2019); … ta ủng hộ Ai Cập vào: HĐBA (2016-2017), HĐNQ (2017-2019), ECOSOC (2016-2018), UBLPQT (2017-2021), Ban điều hành của UNESCO (2013-2017), Tổ chức Hàng hải quốc tế (2016-201), Ủy ban Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR), Ủy ban công ước về quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
2. Hợp tác giáo dục đào tạo
Hàng năm, Ai Cập cấp cho Việt Nam 12 học bổng đào tạo sinh viên tiếng Ả-rập.
3. Hợp tác giữa các địa phương
Thành phố Ninh Bình và Lugxor đã ký kết thoả thuận thành phố kết nghĩa tháng 8/2018.
IV. Cộng đồng Việt Nam tại Ai Cập
Cộng đồng người Việt tại Ai Cập chỉ khoảng vài chục gia đình, sống ở các thành phố khác nhau trên khắp cả nước. Phần lớn phụ nữ là các chị em người Việt lấy chồng Ai Cập và sinh sống làm việc tại Ai Cập.
V. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Các Hiệp định: Thương mại (5/1994), Hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật (9/1997), Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (9/1997), Hợp tác về Y tế, y học và dược phẩm (9/1997), Hàng không (4/1999), Hợp tác thanh tra (3/1999), Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (3/2006, Ai Cập chưa thông qua), Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, đặc biệt và công vụ (8/2010);
Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ ngoại giao (6/1996);
MoU hợp tác về: Phát triển Nguồn lợi thủy sản giữa Bộ Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Khai hoang (2/2004), Du lịch (3/2006), giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Cơ quan Hội chợ triển lãm quốc tế Ai Cập (3/2006), Thăm dò, khai thác dầu khí giữa PVN và Công ty dầu khí Ai Cập (11/2008), Hội chợ và triển lãm (11/2008), Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (11/2008), Thành lập Hội đồng kinh doanh hỗn hợp Việt Nam – Ai Cập (7/2009), Hợp tác xúc tiến đầu tư (1/2010), hợp tác giữa Thanh tra Chính phủ và Cơ quan Giám sát hành chính Ai Cập (4/2015). Tháng 9/2017: (1) thành lập Tiểu ban hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ai Cập; (2) hợp tác phát triển thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất đai Ai Cập; (3) hợp tác vận tải biển giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Ai Cập; (4) hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh quốc gia Ai Cập, (5) hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Cơ quan Quản lý Kênh đào Xuy-ê Ai Cập, (6) hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Đầu tư và Hợp tác quốc tế Ai Cập. Tháng 8/2018: (1) Hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại BCT và Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Ai Cập, (2) hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Ai Cập, (3) hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Nghiên cứu Ngoại giao Ai Cập, (4) hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất đai Ai Cập, (5) hợp tác thương mại gạo giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Cung ứng và Nội thương Ai Cập, (6) về Phòng vệ thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ai Cập, (7) hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Dầu khí và Khoáng sản Ai Cập.
Thỏa thuận Chương trình hợp tác văn hóa (9/2017), hợp tác du lịch (9/2017), hợp tác giữa Đài tiếng nói Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình quốc gia Ai Cập (11/2016).
VI. Thông tin Cơ quan đại diện:
Địa chỉ: Biệt thự số 47 phố Ahmed Heshmat, quận Zamalek, Cairo, Ai Cập
Điện thoại: +20-02-37623841/37623863
Fax: +20-02-33368612
Email: venmbcairoeg@yahoo.com.vn; vnemb.eg@mofa.gov.vn
Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam
Địa chỉ : số 63 Đường Tô Ngọc Vân, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: 02438294999, Fax: 02438294997
Email : egyembhanoi@yahoo.com
Tháng 8/2022
Back Top page Print Email |