TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ KENYA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

1. Khái quát:

 

-          Tên nước: Cộng hòa Kê-ni-a (Kenya)

-          Thủ đô: Nai-rô-bi (Nairobi)

-          Vị trí địa lý: Kenya nằm ở Đông Phi, trên đường xích đạo, giáp Ê-thi-ô-pi-a (Ethiopia), Xu-đăng (Sudan), U-gan-đa (Uganda), Tan-da-ni-a (Tanzania), Xô-ma-li (Somali) và Ấn Độ dương. Miền Bắc chủ yếu là sa mạc, miền Nam và vùng bờ biển phía Đông đất đai mầu mỡ, tập trung phần lớn dân cư.

-           Diện tích: 582.646 km2

-          Dân số: 39 triệu người (2009)

-          Dân tộc: khoảng 95% số dân là người Phi, số còn lại là người châu Á, châu Âu và Arập.

-          Tôn giáo: Đạo Tin lành (38%), Giatô (25%), đạo Hồi (6%), còn lại theo tôn giáo cổ truyền

-          Ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Swahili

-          Đơn vị tiền tệ: đồng Shiling Kenya

-          Ngày độc lập: 12/12/1963

-          Tổng thống : Oai Ki-ba-ki (Mwai Kibaki) (từ 12/2007, nhiệm kỳ 5 năm)

-          Thủ tướng: Rai-la Ô-din-ga (Raila Odinga) (từ 12/2007, nhiệm kỳ 5 năm)

 

2. Lịch sử:

 

Từ đầu Công nguyên, các bộ lạc người Phi đã sinh sống ở vùng đất là Kenya ngày nay. Thế kỷ thứ 7, các nhà buôn A-rập và Ba tư đã đến Kenya. Đến thế kỷ thứ 10, người A-rập kiểm soát toàn bộ khu vực này. Tiếp đó, Kenya rơi vào tay thực dân Bồ Đào Nha và Anh. Đầu những năm 1920, Hội thanh niên Kiquin được thành lập, chống sự thống trị của thực dân Anh. Năm 1943, Liên minh dân tộc Phi Kenya (KAU) được thành lập. KAU mở rộng thành viên sang các bộ lạc lớn của Kenya (Luo, Kamba, Kalenin...). Vì vậy, Liên minh dân tộc Phi Kenya (KANU) được thành lập và thay thế KAU. Trước cuộc đấu tranh của nhân dân Kenya do KANU lãnh đạo, ngày 12/12/1963, Anh phải trao trả độc lập cho nước này.

 

3. Chính trị:

a) Đối nội: Trước đây, Kenya có một số Đảng phái chính trị cùng hoạt động. Từ 1990 đến 1992 Tổng thống D. Arab Moi áp dụng chế độ độc Đảng. Tháng 12/1992 Kenya thực hiện chế độ chính trị đa đảng, Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, nhiệm kỳ 5 năm, ứng cử tối đa 2 nhiệm kỳ. Tổng thống có quyền chỉ định Phó Tổng thống; Quyền hành pháp tập trung vào Quốc hội gồm 224 ghế, trong đó 210 ghế bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm, còn lại do Tổng thống bổ nhiệm, trên cơ sở giới thiệu của các Đảng và dựa theo tỷ lệ phiếu bầu của các thành viên trong Đảng. Ngày 27/12/2007, hơn 14 triệu cử tri Kenya đã đi bỏ phiếu bầu Tổng thống. Ông Mwai Kibaki đã giành thắng lợi (4.584.721 phiếu so với 4.352.993 phiếu của ứng cử viên đối lập Raila Odinga). Ông Mwai Kibaki đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, ông Raila Odinga được chỉ định làm Thủ tướng Kenya và một số thành viên của Phong trào Dân chủ màu Da cam (ODM) được bổ nhiệm vào Nội các Kenya.

 

b) Đối ngoại: Kenya là thành viên LHQ, Liên minh châu Phi, Cộng đồng Đông Phi (EAC). Gần đây, Kenya quan hệ tốt với Mỹ và là một đồng minh thân cận của Mỹ trong chiến dịch chống khủng bố ở khu vực châu Phi.

 

4. Kinh tế:

 

Kinh tế Kenya bắt đầu khởi sắc từ sau năm 2002, dưới sự lãnh đạo của đương kim Tổng thống Kibaki với những chiến dịch chống tham nhũng tương đối mạnh mẽ. IMF đã chấp nhận cấp cho Kenya một loạt khoản vay để thực hiện các chương tình cải cách kinh tế và quản lý đất nước, chương trình xoá đói, giảm nghèo...

 Nông nghiệp đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế Kenya với 85% dân số sống về nghề nông. Các nông sản chính có lúa mì, ngô, kê, khoai tây, chuối, cà phê, chè, bông, đường...

Công nghiệp Kenya khá phát triển ở châu Phi. Các ngành công nghiệp chủ chốt là công nghiệp thực phẩm, hoá dầu (Kenya nhập dầu thô để lọc), điện và vật liệu xây dựng.

Bạn hàng chính của Kenya gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả-rập (UAE), Nam Phi, Trung Quốc, Hà Lan, Tanzania, Uganda... Hiện nay Anh là nhà đầu tư lớn nhất vào Kenya với khoảng 1,5 tỷ USD.

Ngoài ra, Kenya cũng được hưởng các ưu đãi thương mại với EU (hiệp định EBA - Everything but arms), Mỹ (Đạo luật về Tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho châu Phi, AGOA).

 

GDP chính thức: 30,57 tỷ USD (2009)

GDP bình quân: 780 USD (2009)

Tăng trưởng GDP: 2% (2009)

 

5. Quan hệ Việt Nam - Kenya:

 

Ta và Kenya lập quan hệ ngoại giao ngày 21/12/1995.

Các đoàn Việt Nam thăm Kenya: Chủ tịch tỉnh Nghệ An Hồ Xuân Hùng (11/1995); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình (10/2003); và Thứ trưởng Đào Việt Trung (2004).

Quan hệ thương mại hai nước còn hạn chế. Kim ngạch song phương năm 2009 đạt 44,5 triệu USD (trong đó ta xuất 42,2 triệu USD, chủ yếu là gạo).

 

          Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania kiêm nhiệm Kenya.

                Địa chỉ: P.O.Box 9724, Dar Es Salaam.

Ðiện thoại: (255-2) 2277 3172

Fax: (255-2) 2277 3138. Email: vnembassy@raha.com

 

Đại sứ quán Kenya tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam.

Địa chỉ: 62S015 Thong Lor, Sukhumrit 55 Road Klongtan

P.O.Box 10110, Bangkok

Điện thoại:             +66-27125721

+66-23910906

+66-23910907

Fax:                         +66-27125720

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn