Tài liệu cơ bản nước Cộng hòa Ca-mơ-run và quan hệ với Việt Nam

TÀI LIỆU CƠ BẢN NƯỚC CỘNG HÒA CA-MƠ-RUN

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

1. Đại cương :

- Tên nước: Cộng hòa Ca-mơ-run (Cameroon)

- Thủ đô : Y-a-un-đe (Yaoundé)

- Vị trí địa lý: thuộc Trung Phi. Đông-Đông Bắc giáp Sát, CH Trung Phi, Tây Bắc giáp Ni-giê-ri-a, Tây Nam và Nam giáp Ghi-nê xích đạo, Ga-bông và CHDC Công-gô.

- Diện tích: 475.440 km2 (2009)

                - Dân số :18.879.399 người (2009)

                - Ngôn ngữ chính thức: tiếng Pháp, tiếng Anh

                - Đơn vị tiền tệ: CFA Franc.

                - Tôn giáo: Thiên chúa giáo 40%, Hồi giáo 20%, Đạo cổ truyền 40%

                - Quốc khánh : 20/5/1972

- Tổng thống : Paul BIYA (1/82)

                - Thủ tướng: Philemon Yang

                - Bộ trưởng Quan hệ đối ngoại: Eyebe Ayissi Henri

2. Sơ lược lịch sử :

                 Ca-mơ-run là nước đầu tiên trong vùng châu Phi xích đạo được các sử gia biết đến với tên gọi Ka-nem, phát triển xung quanh hồ Sát vào thế kỷ IX. Đến thế kỷ XI, Ca-mơ-run trở thành một Nhà nước Hồi giáo.

 Cuối thế kỷ XIV, dân du mục Pơn đã đến cư trú tại vùng hồ Sát. Họ tổ chức thành những tiểu quốc gia Hồi giáo. Vào cuối thế kỷ XVI, dưới triều đại của Mbu-em-bu, các vương quốc này phát triển rất mạnh. Từ cuối thế kỷ XV, Ca-mơ-run thực tế đã bị Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Đức dòm ngó. Người Bồ Đào Nha có mặt tại Ca-mơ-run đầu tiên. Đầu thế kỷ XIX, các tiểu quốc Hồi giáo ngày càng mở rộng và củng cố quyền lực của họ. Năm 1884, Đức bảo hộ Ca-mơ-run và đến năm 1914 thì chiếm toàn bộ nước này. Đại chiến Thế giới lần thứ I chấm dứt với thất bại của Đức và Ca-mơ-run được đặt dưới sự uỷ trị của Hội quốc liên (1919). Ca-mơ-run chia làm hai phần : phần phía Đông đặt dưới sự giám hộ của Pháp, phần phía Tây đặt dưới sự giám hộ của Anh. Sau Đại chiến Thế giới thứ II, Ca-mơ-run được đặt dưới quyền uỷ trị của Liên hợp quốc, thực tế một phần Ca-mơ-run thuộc Anh.

Năm 1060, Ca-mơ-run thuộc Pháp giành độc lập và trở thành Cộng hòa Ca-mơ-run. Phần phía Nam, Ca-mơ-run thuộc Anh sáp nhập vào Cộng hòa Ca-mơ-run vào năm 1961.

 3. Chính trị :

 3.1. Đối nội :

Năm 1972, Hiến pháp mới được thông qua, quy định chế độ 1 Đảng. Tháng 12/1990, quốc hội Ca-mơ-run thông qua việc chuyển tiếp sang một thể chế đa đảng.

Tháng 10/1992 cuộc bầu cử Tổng thống đa đảng đầu tiên được tổ chức, Tổng thống Paul Biya thắng cử.

                Đảng cầm quyền hiện nay là Liên minh dân chủ nhân dân Ca-mơ-run (RDPC). 2 Đảng đối lập chính là  Đảng Mặt trận dân chủ xã hội (SDF) và Liên minh dân tộc vì dân  chủ  và tiến bộ  (UNDP).

Trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 25/5/97, đảng cầm quyền RDPC giành được 109/180 ghế, SDF 43 ghế, UNDP 13 ghế. Ông Cavaye Yegue Djibril người của RDPC tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Tháng 11/2004, Ông Paul Biya tiếp tục được bầu làm tổng thống với 70,92% phiếu bầu.

Năm 1999, Hội đồng quốc gia miền Nam Ca-mơ-run (SCNC) tuyên bố miền Nam Ca-mơ-run là quốc gia độc lập, gọi là Cộng hòa Ambazonia (là tên gọi của Miền Nam Ca-mơ-run, được sử dụng lần đầu năm 1984, do Hội đồng kháng chiến Ambanonia – một tổ chức kháng chiến đòi độc lập cho khu vực này sử dụng). Tuy nhiên LHQ không công nhận điều này.

Năm 2005, CH Ambazonia trở thành thành viên của Tổ chức quốc gia và dân tộc không có đại diện trong LHQ (Unrepresented Nations and Peoples Organization - UNPO). Ngày 31/8/2006, Đảng Nhân dân Miền Nam Ca-mơ-run (SCAPO) chính thức công bố sự độc lập của CH Ambazonia.

 3.2. Đối ngoại :

Ca-mơ-run là thành viên LHQ, Phong trào KLK, Liên minh châu Phi, Tổ chức Đại hội Hồi giáo, Cộng đồng Pháp ngữ, Khối thịnh vượng chung...

                Ca-mơ-run có quan hệ mật thiết với Pháp và phương Tây; có quan hệ kinh tế, thương mại với Trung quốc. Tháng 5/97 Thủ tướng Lý Bằng thăm Ca-mơ-run ký Hiệp định bảo hộ đầu tư, giúp (cho không) 1,5 tỷ FCFA để thực hiện các dự án về khai  thác Bau-xit  lắp máy kéo. Việc Nigeria chấp thuận trao trả bán đảo Bakassi cho Ca-mơ-run (8/2008) đã giúp chấm dứt tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm giữa hai quốc gia này.

4. Kinh tế :

Ca-mơ-run có nền kinh tế khá phát triển. Tài nguyên thiên nhiên có bô-xít, sắt, vàng, dầu lửa sản xuất 87.000 thùng/ngày (năm 2008) (trữ lượng 200 triệu thùng)

                Nông nghiệp là ngành chính, chiếm 43,9% GDP, nông sản có ca cao (Ca-mơ-run là nước sản xuất ca-cao lớn trên thế giới) ngô, sắn, cà phê, bông. Công nghiệp khá phát triển, chiếm 15,8% GDP,  có công nghiệp thực phẩm, dệt, hoá chát, luyện kim nhôm và khai khoáng, dịch vụ chiếm 40,3% DGP.

+ GDP : 22,8 tỷ USD (2009)

                + Bình quân đầu người : 1.187 USD (2009)

                + Tăng trưởng GDP thực tế: -1 % (2009)

                (nguồn : CIA)             

5. Quan hệ với Việt Nam :

a. Quan hệ chính trị, kinh tế :

                - Quan hệ chính trị : Ta và Ca-mơ-run thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/8/1972. Từ đó đến nay quan hệ giữa hai nước vẫn còn rất hạn chế.

                - Quan hệ kinh tế: năm 2009 kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 84,1 triệu USD. Ta xuất gạo, sản phẩm chất dẻo, dệt may… đạt khoảng 32,4 triệu USD; nhập sắt thép các loại, bông, gỗ và sản phẩm gỗ… trị giá khoảng 51,7 triệu USD.

b. Cơ quan đại diện:

- Ca-mơ-run: Đại sứ thường trú ở Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.

+ Địa chỉ: No.7, Dong Wu Jie, San Li Tun, Chaoyang District, Postal Code: 100600

+ Điện thoại: (+86)10 6532 1828, 6532 2344, 6532 1263

                                                                                               

- Việt Nam: Đại sứ ở Algerie kiêm nhiệm Ca-mơ-run.

+ Địa chỉ: 30, Rue Chénoua, Hydra,Alger

+ Điện thoại: 00-213-21-608843/609141 

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn