Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ CÔNG-GÔ VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ
NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ CÔNG-GÔ
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hoà Dân chủ Công-gô (Democratic Republic of the Congo)
Thủ đô: Kin-sa-xa (Kinshasa)
Quốc khánh: 30/6/1960 (Ngày tuyên bố độc lập từ Bỉ)
Vị trí địa lý: nằm ở miền Trung châu Phi. Phía đông giáp Ru-an-đa,
U-gan-đa, Bu-run-đi, phía tây giáp CH Công-gô, Ăng-gô-la, phía nam giáp
Dăm-bi-a, bắc giáp Trung Phi, Xu-đăng.
Diện tích: 2.345.409 km2 (lớn thứ 2 châu Phi sau An-giê-ri)
Khí hậu: nóng ẩm ở lưu vực sông, khô và mát hơn ở phía Nam.
Dân số: 92,4 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: gồm khoảng 250 dân tộc chia thành 3 nhóm chính là người Ban-tu, Xu-đăng và Ni-lô-tích (thuộc thung lũng sông Nile)
Ngôn ngữ: tiếng Pháp, ngoài ra có tiếng Kikongo, Lingala, Swahili và Tshiluba.
Đơn vị tiền tệ: Franc Congo (CDF) (1 USD = 1.996 CDF)
GDP: 53,96 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 584,1 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Thiên chúa giáo (95%), còn lại là Hồi giáo, Do Thái giáo hoặc tôn giáo bản xứ.
Cơ cấu hành chính: 26 tỉnh, thành phố.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Phê-lích Si-xê-kê-đi (Félix Tshisekedi) (từ tháng 1/2019);
+ Thủ tướng: Giăng Mi-sen Xa-ma Lu-công (Jean-Michel Sama Lukonde) (từ tháng 01/2021);
+ Chủ tịch Quốc hội: Cơ-rítx-tốp M’-bô-xô N’-cô-đi-a P’-oăng-ga (Christophe Mboso N'Kodia Pwanga) (từ tháng 02/2021);
+ Chủ tịch Thượng viện: Mô-đét Ba-ha-ti Lúc-uê-bô (Modeste Bahati Lukwebo) (từ tháng 3/2021);
+ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Cơ-rítx-tốp Lu-tun-đu-la A-pa-la (Christophe Lutundula Apala) (từ tháng 4/2021).
II. Khái quát lịch sử
Vùng đất thuộc CHDC Công-gô ngày nay được Bồ Đào Nha tìm đến vào thế kỷ 15 và trở thành thuộc địa của Bỉ trong giai đoạn 1885-1960. Thành phố Kinshasa có tên cũ là Leopoldville, được đặt theo tên của Vua Leopold II của Bỉ cùng năm 1885.
Ngày 30/6/1960, Công-gô thuộc Bỉ tuyên bố độc lập, lấy tên là Cộng hòa Công-gô, nhưng trùng tên với nước láng giềng nên thường được gọi là Congo-Leopoldville (nước còn lại là Congo Brazzaville).
Tháng 5/1960, đảng Phong trào Dân tộc Công-gô (MNC) của Patrice Lumumba giành thắng lợi bầu cử lập pháp. Lumumba được bầu làm Thủ tướng đầu tiên của Congo-Leopoldville. Ngày 24/6/1960, Quốc hội bầu Joseph Kasa-Vubu thuộc Liên minh các dân tộc Abako làm Tổng thống.
Ngày 27/10/1971, Congo-Leopoldville được đổi tên thành Cộng hòa Zaire và đến ngày 21/5/1997, đổi tên thành CHDC Công-gô dưới thời Tổng thống Laurent-Désiré Kabila.
Ngày 16/1/2001, ông Laurent Désiré Kabila bị sát hại và con trai là Joseph Kabila lên làm Tổng thống.Tình hình CHDC Công-gô tiếp tục không ổn định. Với sự trung gian hoà giải của Liên minh châu Âu và LHQ, ngày 17/12/2002, các bên tham chiến ở CHDC Công-gô đạt được Hiệp định hoà bình, tổ chức bầu cử và ngày 07/4/2003 chính quyền quá độ được thành lập, ông Joseph Kabila làm Tổng thống.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- CHDC Công-gô theo thể chế Cộng hoà bán tổng thống. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, có quyền chỉ định Thủ tướng, quyền hành pháp được chia sẻ giữa Tổng thống và Thủ tướng. Tổng thống được bầu qua hệ thống đầu phiếu đa số tương đối trong một vòng duy nhất, nhiệm kỳ 5 năm, có thể tái đắc cử một lần duy nhất. Trong trường hợp không giành được đa số phiếu trong Quốc hội, Tổng thống cần lập một chính phủ liên hợp.
- Cơ cấu nghị viện: gồm Quốc hội (500 ghế, trong đó 438 ghế được bầu qua đầu phiếu đại diện tỷ lệ, 62 phiếu bầu qua hệ thống đầu phiếu đa số tương đối trong một vòng duy nhất) và Thượng viện (109 ghế bầu gián tiếp qua hội đồng địa phương).
- Các đảng phái chính trị: CHDC Công-gô có khoảng 600 đảng phái nhưng chỉ một phần trong số đó có hoạt động. Một số đảng phái chính trị chính gồm:
+ Liên minh vì Dân chủ và Tiến bộ xã hội (UDPS): thành lập năm 1982, đảng cầm quyền của Tổng thống Felix Tshisekedi.
+ Đảng Nhân dân vì Tái thiết và Dân chủ (PPRD) của cựu Tổng thống Joseph Kabila: thành lập năm 1992, Thư ký Thường trực Emmanuel Ramazani Shadary.
+ Mặt trận chung vì Congo (liên minh với đảng PPRD): thành lập năm 2018, Chủ tịch Đảng là cựu Tổng thống Joseph Kabila.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
- Tổng thống Felix Tshisekedi giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Tổng thống tháng 12/2018 với 38,6% phiếu thuận, tuyên thệ nhậm chức ngày 24/01/2019.Tháng 5/2019, ông Tshisekdi đạt thoả thuận với liên minh đối lập, bổ nhiệm ông Sylvestre Ilunga là Thủ tướng và thành lập chính phủ mới vào tháng 7/2019. Tuy nhiên, ông Ilunga buộc phải từ chức vào đầu năm 2021 và ông Jean-Michel Sama Lukonde được bổ nhiệm là Thủ tướng mới từ tháng 2/2021. Tháng 4/2021, Tổng thống Felix Tshisekedi tuyên bố chấm dứt liên minh với cựu Tổng thống Kabila khi Chính phủ mới của Thủ tướng Lukonde được thành lập.
2. Kinh tế - xã hội
- CHDC Công-gô giàu khoáng sản chiến lược như kim cương, đồng, cobalt, uranium, vàng, bạc, sắt, thiếc, kẽm, dầu lửa...và có tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Khai khoáng là ngành kinh tế chủ lực (95% lượng xuất khẩu là nguyên nhiên liệu thô). 70% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất cà phê, đường, dầu cọ, chè, chuối, gỗ...
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: vàng, kim cương, đồng, cobalt, coltan, thiếc, dầu thô, gỗ…
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: máy móc, phương tiện giao thông, xăng dầu, lương thực…
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Dăm-bi-a, Bỉ, Anh, Nam Phi, Dim-ba-bu-ê…
- CHDC Công-gô xếp hạng 175/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp 23% (2021). Tỷ lệ biết chữ đạt khoảng 80% dân số (2018). Tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân đạt dưới 1.
3. An ninh - quốc phòng
Từ 2004, xung đột vũ trang bùng phát và kéo dài tới nay tại khu vực Kivu, phía Đông CHDC Công-gô khi quân đội CHDC Công-gô trấn áp các lực lượng nổi dậy, hiện nay lớn nhất là Liên minh các lực lượng dân chủ (ADF)  khiến hơn 1,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hơn 11.000 người thiệt mạng. Liên hợp quốc triển khai Phái bộ gìn giữ hòa bình tại CHDC Công-gô từ năm 1999 với quân số khoảng 17.783 quân (tính đến tháng 11/2021), trở thành Phái bộ gìn giữ hòa bình lớn nhất hiện vẫn đang hoạt động của Liên hợp quốc.  
V. Chính sách đối ngoại
- Dưới thời Tổng thống Felix Tshisekedi, CHDC Công-gô thực thi đường lối đối ngoại chủ động, tích cực, tăng cường sự hiện diện và tiếng nói tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
- CHDC Công-gô là thành viên Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, WTO, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Thị trường chung Đông Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Kinh tế các nước Trung Phi (CEEAC - ECCAS), Cộng đồng Kinh tế các quốc gia vùng Hồ Lớn (CEPGL)...

B. QUAN HỆ VIỆT NAM -CHDC CÔNG-GÔ
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và CHDC Công-gô thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 13/4/1961.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm CHDC Công-gô. Đại sứ quán CHDC Công-gô tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm CHDC Công-gô: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đào Việt Trung (5/2004).
+ Đoàn CHDC Công-gô thăm Việt Nam: Bộ trưởng Năng lượng CHDC
Công-gô Crispin Atama Tabe thăm và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (8/2012).
+ Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp xúc song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao CHDC Congo nhân dịp dự Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc (9/2021).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch song phương năm 2020 đạt 201,6 triệu USD trong đó Việt Nam nhập siêu khoảng 183 triệu USD chủ yếu là đồng và gỗ, xuất khẩu 18,3 triệu USD chủ yếu là gạo, sản phẩm dệt may. Kim ngạch năm 2021 ước đạt 300 triệu USD.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương. Gần đây, CHDC Công-gô ủng hộ Việt Nam là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thoả thuận đã ký kết giữa hai nước:
Hai nước chưa ký văn bản hợp tác song phương.
VI. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm CHDC Công-gô
Địa chỉ: 74, Avenida Houari Boumediene, Miramar, Luanda, Angola
ĐT: (+244) 924.492.169; 929.212.583
E-mail: vnemb.angola@mofa.gov.vn

Đại sứ quán CHDC Congo tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 6, Dong Wu Jie, San Li Tun, Beijing 100600 China
ĐT: (+86) (10) 6532 3224; (+86) (10) 6532 1621
Fax:(+86) (10) 65321360
Email: ambardcbeijing@yahoo.com
Tháng 8/2022


 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer