Tài liệu cơ bản về Cộng hòa Cốt-đi-voa (Bờ Biển Ngà) và quan hệ với Việt Nam

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA CỐT-ĐI-VOA
(BỜ BIỂN NGÀ) VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


1.      Khái quát

•    Tên nước: Cộng hòa Cốt-đi-voa (Republic of Cote d’Ivoire)
•    Thủ đô: Y-a-mút-xu-cơ-rô (Yamoussoukro)
•    Vị trí địa lý: thuộc Tây Phi, trên bờ Đại Tây Dương, Bắc giáp Ma-li và Buốc-ki-na Pha-xô, Đông giáp Gha-na, Tây giáp Ghi-nê Cô-na-cơ-ri và Li-bê-ri-a, Nam giáp Đại Tây Dương.
•    Diện tích: 322.460 km2
•    Dân số: 21,95 triệu người (2012)
•    Ngôn ngữ: Tiếng Pháp và 60 thổ ngữ
•    Tôn giáo: Hồi giáo 38%, Thiên chúa giáo 32%, Đạo cổ truyền 11%
•    Tổng thống: A-lát-san Oát-ta-ra (Alassane Ouattara) (từ 12/2010)
•    Thủ tướng: Đa-ni-en Đăng-cần (Daniel Kablan Duncan), từ 21/11/2012)
•    Bộ trưởng Ngoại giao: Sác Cô-phi Đi-bi (Charles Koffi DIBY) (từ 2012)
•    Quốc khánh: 07/8/1960
•    Đơn vị tiền tệ: Franc CFA (tỷ giá 1USD=510 Franc CFA năm 2012)

2. Lịch sử:
Từ thế kỷ 17, người Pháp bắt đầu thâm nhập vào Cốt-đi-voa để truyền đạo và buôn bán. Năm 1840, nhà cầm quyền Cốt-đi-voa chống lại chính sách buôn bán bất công và áp bức bóc lột của Pháp. Ngày 20/3/1893, Pháp từ bỏ quan hệ thông thương và thực hiện chế độ thực dân ở Cốt-đi-voa. Sau thế chiến 2 (1946), Đảng Dân chủ Cốt-đi-voa ra đời do Félix Houphouet Boigny đứng đầu đấu tranh đòi độc lập. Tháng 5/1957, Pháp để cho Cốt-đi-voa tự trị và ngày 4/12/1958 Cốt-đi-voa trở thành nước Cộng hoà nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Ngày 7/12/1960, Cốt-đi-voa tuyên bố độc lập, ông F.H Boigny được bầu làm Tổng thống và Chủ tịch Đảng Dân chủ (Đảng cầm quyền). Ông F.H Boigny giữ chức Tổng thống cho tới khi qua đời ngày 7/12/1993.

Năm 1994, ông Henri Konan Bédié, Chủ tịch Quốc hội được chỉ định làm Tổng thống thay Boigny. Ngày 22/10/1995, ông được bầu làm Tổng thống với 95% số phiếu.

Ngày 24/12/1999, cựu tư lệnh quân đội Cốt-đi-voa, tướng Robert Guei đã tiến hành đảo chính (lần đầu tiên từ khi độc lập) lật đổ Tổng thống Henri Konan Bédié, tự phong làm Tổng thống lãnh đạo đất nước.

Tháng 10/2000, ông Laurent Gbagbo đã được bầu làm Tổng thống và nắm quyền tới năm 2010.

Tháng 11/2010, tại cuộc bầu cử Tổng thống ông Alassane Ouattara đã giành chiến thắng trước ông Laurent Gbagbo và được cộng đồng quốc tế công nhận là Tổng thống hợp pháp của Cốt-đi-voa. Ngày 7/5/2011, ông Ouattara chính thức tuyên thệ nhậm chức.

3. Chính trị

a) Đối nội

Thể chế: Cộng hoà Tổng thống

Các đảng phái chính trị lớn: Liên minh Dân chủ Công dân, Đảng Dân chủ Cốt-đi-voa, Đảng Lao động Cốt-đi-voa, Liên minh Dân chủ và Hoà bình, Mặt trận nhân dân Cốt-đi-voa.

Từ khi độc lập cho đến năm 1990, Đảng Dân chủ luôn nắm quyền tại Cốt-đi-voa. Tháng 11/1990, cuộc bầu cử Quốc hội đa đảng đầu tiên được tổ chức (có 19 đảng đối lập tham gia) nhưng đảng Dân chủ của ông F.H Boigny vẫn giành đa số tuyệt đối và tiếp tục nắm quyền (148/175 ghế trong Quốc hội).

Tình hình chính trị – xã hội hiện nay:

Tình hình tại Cốt-đi-voa liên tục căng thẳng kể từ tháng 12/1999, khi xảy ra vụ đảo chính quân sự lật đổ chính phủ do tướng Robert GUEI cầm đầu. Những bất ổn do tranh giành quyền lực trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 và cuộc xung đột vũ trang năm 2002 giữa phe nổi loạn và lực lượng chính phủ đã dẫn tới sự di dân ồ ạt của gần 1,7 triệu người, phá huỷ cơ sở hạ tầng kinh tế và sự rối loạn hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong năm 2007, những thành tựu nổi bật cũng đã được ghi nhận trong việc tái lập các thể chế của nước Cộng hoà này. Đây là kết quả của việc thực hiện Thoả thuận chính trị Ouagadougou ký ngày 4/3/2007 giữa các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, HĐBA/LHQ vẫn tỏ lo ngại về sự chậm trễ trong thực hiện tiến trình hoà bình tại Cốt-đi-voa theo thoả thuân Ouagadougou.

Từ sau cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2010 tới tháng 4/2011, tình hình Cốt-đi-voa đặc biệt căng thẳng khi Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo kiên quyết không chịu từ bỏ quyền lực sau thất bại trong khi phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận ông Alassane Ouattara là Tổng thống hợp pháp của nước này. UN, EU, AU, ECOWAS và nhiều nước lớn như Pháp, Mỹ liên tục gây sức ép buộc Gbagbo từ chức. Nhiều cuộc giao tranh ác liệt đã xảy ra giữa lực lượng ủng hộ Ouattara và lực lượng trung thành với Gbagbo, khiến gần 1500 người chết và hơn 150.000 người đã phải rời bỏ đất nước sang các nước láng giềng lánh nạn. Chiến sự kết thúc sau khi ông Gbagbo bị bắt và đầu hàng ngày 11/4/2011. Ông Ouattara chính thức điều hành toàn bộ công việc của đất nước.

b) Đối ngoại

Cốt-đi-voa là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như LHQ, KLK, WTO, Francophonie và nhiều tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA)... Cốt-đi-voa thân phương Tây, nhất là Pháp.

4. Kinh tế

- Tài nguyên thiên nhiên: Cốt-đi-voa là một nước có tài nguyên phong phú, đặc biệt có nhiều kim cương, măng gan và sắt.

- Ngành công nghiệp, nông nghiệp của Cốt-đi-voa phát triển khá cân đối. Cốt-đi-voa là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về ca cao và từ vài năm nay nước này còn có thêm nguồn thu xuất khẩu từ dầu lửa ngoài khơi. Tuy nhiên, thu nhập của Cốt-đi-voa vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp (70% dân số sống bằng nghề nông). Bên cạnh đó nền công nghiệp của Cốt-đi-voa cũng khá phát triển như: công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng dệt, da, hoá chất, khai khoáng, sản phẩm gỗ, sửa chữa và đóng tàu.

Một số thống kê:

- GDP: 24,63 tỷ USD (2012)
- GDP bình quân (tính theo sức mua): 1.800 USD (2012)
- Tăng trưởng GDP: 9,8 % (2012)
- Xuất khẩu: 12,25 tỷ USD (2012), chủ yếu là cacao, cà phê, bông, dầu
- Nhập khẩu: 8,59 tỷ USD (2012, chủ yếu là thiết bị, máy móc, thực phẩm, dầu lửa
- Nợ nước ngoài: 8,145 tỷ USD (2012)

5. Quan hệ Việt Nam - Cốt-đi-voa

- Ta và Cốt-đi-voa lập quan hệ ngoại giao ngày 6/10/1975, nhưng từ đó đến nay quan hệ hai nước hạn chế. Tuy nhiên cũng có một số cán bộ khoa học kỹ thuật của ta đến Cốt-đi-voa dự hội nghị, hội thảo (theo đường Tổ chức quốc tế).

- Kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng mạnh trong vài năm gần đây: 320 triệu USD (2011), 351 triệu USD (2012) và 11 tháng năm 2013 đạt 480 triệu USD (xuất 212 triệu và nhập 268 triệu USD). Việt Nam xuất chủ yếu các mặt hàng gạo, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm dệt may, cao su và nhập các mặt hàng hạt điều, thép phế liệu, gỗ và sản phẩm gỗ...
    
6. Địa chỉ các cơ quan đại diện kiêm nhiệm mỗi nước

- Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Cốt-đi-voa
Địa chỉ: Số 27 Phố Mezzouda, Souissi – Rabat, Vương quốc Ma rốc
Điện thoạii: + (212) 537 65 92 56
Email : vnambassade@yahoo.com.vn   

- Đại sứ quán Cốt-đi-voa tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: số 9 San Li Tun,  Bei Xiao Jie
Tel: +86 10 65321223
Fax: +86 10 65322407
Email: culture@ambaci.org

Tháng 7/2013

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn