Đơn vị tiền tệ:
Franc CFA
2. Lịch sử
Từ thế kỷ 17, người Pháp bắt đầu thâm nhập vào Bờ Biển Ngà để truyền đạo và buôn bán.
Năm 1840, nhà cầm quyền Bờ Biển Ngà chống lại chính sách buôn bán bất công và
áp bức bóc lột của Pháp. Ngày 20/3/1893, Pháp từ bỏ quan hệ thông thương và
thực hiện chế độ thực dân ở Bờ Biển Ngà. Sau thế chiến II (1946), Đảng Dân chủ Bờ
Biển Ngà ra đời do Félix Houphouet Boigny đứng đầu đấu tranh đòi độc lập. Tháng
5/1957, Pháp để cho Bờ Biển Ngà tự trị và ngày 4/12/1958 Bờ Biển Ngà trở thành
nước Cộng hoà nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Ngày 7/12/1960, Bờ Biển Ngà tuyên
bố độc lập, ông F.H Boigny được bầu làm Tổng thống và Chủ tịch Đảng Dân chủ
(Đảng cầm quyền). Ông F.H Boigny giữ chức Tổng thống cho tới khi qua đời ngày
7/12/1993.
Năm 1994, ông Henri Konan Bédié, Chủ tịch Quốc hội được
chỉ định làm Tổng thống thay Boigny. Ngày 22/10/1995, ông được bầu làm Tổng
thống với 95% số phiếu.
Ngày 24/12/1999, cựu tư lệnh quân đội Bờ Biển Ngà, tướng
Robert Guei đã tiến hành đảo chính (lần đầu tiên từ khi độc lập) lật đổ Tổng
thống Henri Konan Bédié, tự phong làm Tổng thống lãnh đạo đất nước.
Tháng 10/2000, ông Laurent Gbagbo đã được bầu làm Tổng
thống và nắm quyền tới năm 2010.
Tháng 11/2010, tại cuộc bầu cử Tổng thống ông Alassane
Ouattara đã giành chiến thắng trước ông Laurent Gbagbo. Từ sau cuộc bầu cử Tổng
thống tháng 11/2010 tới tháng 4/2011, tình hình Bờ Biển Ngà đặc biệt căng thẳng
khi Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo kiên quyết không chịu từ bỏ quyền lực sau thất
bại trong khi phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận ông Alassane Ouattara là
Tổng thống hợp pháp của nước này. LHQ, EU, AU, ECOWAS và nhiều nước lớn như
Pháp, Mỹ liên tục gây sức ép buộc Gbagbo từ chức. Nhiều cuộc giao tranh ác liệt
đã xảy ra giữa lực lượng ủng hộ Ouattara và lực lượng trung thành với Gbagbo,
khiến gần 1500 người chết và hơn 150.000 người đã phải rời bỏ đất nước sang các
nước láng giềng lánh nạn. Chiến sự kết thúc sau khi ông Gbagbo bị bắt và đầu
hàng ngày 11/4/2011. Ông Ouattara chính thức điều hành toàn bộ công việc của
đất nước. Ngày 7/5/2011, ông Ouattara chính thức tuyên thệ nhậm chức. Ông
Ouattara tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 10/2015.
3. Chính trị
a) Đối nội
- Thể chế: Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống được dân bầu trực
tiếp, nhiệm kỳ 5 năm (không giới hạn số nhiệm kỳ). Thủ tướng được Tổng thống
chỉ định. Quốc hội gồm 255 ghế, đại biểu được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm).
- Các đảng phái chính trị lớn: Liên minh Dân chủ Công dân,
Đảng Dân chủ Bờ Biển Ngà, Đảng Lao động Bờ Biển Ngà, Liên minh Dân chủ và Hoà bình, Mặt trận nhân dân Bờ Biển Ngà.
- Ngày
30/10/2016, Chính phủ Bờ Biển Ngà đã tổ chức trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến
pháp, trong đó đề xuất thành lập Thượng viện, bỏ yêu cầu về quốc tịch gốc Bờ
Biển Ngà đối với các ứng cử viên tranh cử Tổng thống và bổ nhiệm vị trí 1 Phó
Tổng thống. 42,42% cử tri Bờ Biển Ngà đã tham gia trưng cầu dân ý và Hiến pháp
mới đã được thông qua với tỉ lệ 93,42%. Với bản Hiến pháp này, Bờ Biển Ngà
tuyên bố chính thức bước vào nền cộng hòa thứ 3.
Tháng 1/2017,
Thủ tướng D. K. Duncan từ chức và sau đó được bổ nhiệm là Phó Tổng thống, Tổng
thư ký Văn phòng Tổng thống Amadou Gon Coulibaly được bổ nhiệm là Thủ tướng Bờ
Biển Ngà. Chủ tịch Quốc hội Guillaume Soro tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội khóa
mới với nhiệm kỳ đặc biệt kéo dài 4 năm.
b) Đối ngoại
Bờ Biển Ngà là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như
LHQ, KLK, WTO, Francophonie và nhiều tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi
(AU), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Liên minh kinh tế và
tiền tệ Tây Phi (UEMOA)... Bờ Biển Ngà thân phương Tây, nhất là Pháp.
4. Kinh tế
- Tài nguyên thiên nhiên: Bờ Biển Ngà là một nước có tài nguyên phong
phú, đặc
biệt có nhiều kim cương, măng gan và sắt.
- Bờ Biển Ngà
phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và các ngành phụ trợ. Bờ Biển Ngà
là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về ca cao, cà phê, dầu cọ và từ vài năm nay
nước này còn có thêm nguồn thu xuất khẩu từ dầu lửa ngoài khơi. tuy nhiên, thu nhập của Bờ Biển Ngà vẫn
dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp (70% dân số sống bằng nghề nông) và chính
vì vậy, nền kinh tế Bờ Biển Ngà phụ thuộc lớn vào sự dao động của giá cả nguyên
liệu thế giới và thời tiết. Nền công nghiệp của Bờ Biển Ngà cũng khá phát triển
như: sản xuất lương thực, đồ uống, sản phẩm gỗ, lọc dầu, khai
khoáng, lắp ráp ô tô, dệt may, phân bón, vật liệu xây dựng...
- Kinh tế Bờ Biển Ngà những năm gần đây tăng trưởng khá,
đạt tốc độ trung bình 8% trong giai đoạn 2013-2016.
Một số thông tin kinh tế cơ bản (2017):
- GDP (ngang giá
sức mua): 96,2 tỉ USD
- GDP đầu người (tính
theo sức mua): 3.900 USD
- Tăng trưởng GDP: 7,6% (so với 7,7% năm 2016)
5. Quan hệ Việt Nam - Bờ Biển Ngà
a. Quan hệ chính trị
- Ta và Bờ Biển Ngà lập quan hệ ngoại giao ngày
6/10/1975, nhưng từ đó đến nay quan hệ hai nước hạn chế. Hai nước phối hợp tốt
trên các diễn đàn quốc tế, bạn ủng hộ ta ứng cử Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ
(2020-2021, đổi lại ta ủng hộ bạn ứng cử Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ
2018-2019).
- Trao đổi đoàn: Phía ta: Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê
Dương Quang và đoàn doanh nghiệp Việt Nam (2008), Đoàn nghiên cứu chính sách và
xúc tiến thương mại gồm đại diện của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Long
An và 10 doanh nghiệp (2010), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (5/2014), Thứ
trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam (4/2017); Bạn: Đoàn công tác của Hiệp hội Bông và Điều
Bờ Biển Ngà (3/2014, 2/2016).
Tháng
11/2016, bên lề HNTĐ Pháp ngữ lần thứ 16 tại Ma-đa-gát-xca, tại cuộc tiếp xúc
giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Bờ Biển Ngà D. K. Duncan, Bờ
Biển Ngà đánh giá cao năng lực và kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp
Việt Nam đang làm ăn tại Bờ Biển Ngà, mong muốn hai nước thúc đẩy hợp tác
thương mại điều và cacao.
- Các văn bản ký kết: Bản ghi nhớ hợp tác giữa
hai Bộ Ngoại giao (5/2014); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu
ngoại giao và công vụ (18/4/2017); Thông cáo chung nhân chuyến thăm BBN của Thứ
trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam (19/4/2017).
- Hiện có khoảng 300 người Việt Nam đang sinh
sống và làm việc tại Bờ Biển Ngà.
b. Quan hệ kinh tế
- Thương mại: Bờ
Biển Ngà là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch
năm 2017 đạt 1,018 tỷ USD, trong đó ta xuất 126,6 triệu USD và nhập 892,1 triệu
USD (chủ yếu là điều và bông).
- Đầu tư: Việt
Nam hiện có 01 dự án đầu tư sang Bờ Biển Ngà với tổng vốn đầu tư 895.000 USD là
dự án Công ty cổ phần Long Sơn, cấp phép 2016, hoạt động trong lĩnh vực chế
biến, phân phối, xuất nhập khẩu hạt điều thô.
- Nông nghiệp: Hiện bạn mong muốn hợp tác chuyển
giao công nghệ chế biến điều thô và đề nghị Việt Nam đầu tư xây dựng các nhà
máy chế biến điều tại Bờ Biển Ngà. Đồng thời, Hiệp hội Bông và Điều Bờ Biển Ngà
đang xúc tiến thành lập một văn phòng đại diện đặt tại Tp. HCM.
6. Thông tin CQĐD
- Đại sứ quán Việt Nam tại
Ma-rốc kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà
Địa chỉ: Số 27 Phố Mezzouda, Souissi – Rabat, Vương quốc
Ma rốc
Điện thoại: +
(212) 537 65 92 56