Thông tin cơ bản về nước Cộng hòa Ghi-nê Bít-xao và Quan hệ với Việt Nam
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GHI-NÊ BÍT-XAO
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hòa Ghi-nê Bít-xao (Republic of Guinea-Bissau)
Thủ đô: Bít-xao (Bissau)
Quốc khánh: 24/9/1973
Vị trí địa lý: Nằm ở phía Tây châu Phi, trên bờ Đại Tây Dương, có biên giới chung với Xê-nê-gan và Ghi-nê Xích đạo.
Diện tích: 36.125 km2
Khí hậu: Nhiệt đới xích đạo
Dân số: 2,01 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: Người châu Phi (99%), người châu Âu và Mulatto (1%)
Ngôn ngữ: Tiếng Bồ Đào Nha
Đơn vị tiền tệ: Franc CFA Tây Phi (1 USD = 626 XOF)
GDP: 1,63 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 627 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Hồi giáo (50%), Tín ngưỡng cổ truyền (45%), Thiên Chúa giáo (5%).
Cơ cấu hành chính: 9 vùng/khu vực hành chính.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: U-ma-ru Xi-xô-cu Em-ba-lô (Umaro Sissoco Embaló) (từ tháng 02/2020);
+ Thủ tướng: Nu-nô Gô-mét Na-bi-ao (Nuno Gomes Nabiam) (từ tháng 02/2020);
+ Chủ tịch Quốc hội: Xi-pri-a-nô Ca-xa-ma (Cipriano Cassamá) (từ tháng 4/2014);
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác Quốc tế và Cộng đồng: Xu-di Các-la Bác-bô-xa (Suzi Carla Barbosa) (từ tháng 7/2019).
II. Khái quát lịch sử
Năm 1446, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đã đến vùng đất phía Tây Phi của Ghi-nê Bít-xao ngày nay. Từ năm 1588 đến khi giành được độc lập năm 1973, Ghi-nê Bít-xao là thuộc địa của Bồ Đào Nha và bị ảnh hưởng rất lớn bởi chính quốc từ ngôn ngữ, văn hóa, luật pháp...
Năm 1956, Đảng châu Phi vì độc lập của Ghi-nê Bít-xao và Cáp-ve (PAIGC) được thành lập, theo tư tưởng Mác, tiến hành đấu tranh chống thực dân Bồ Đào Nha. Ngày 24/9/1973, Ghi-nê Bít-xao tuyên bố giành độc lập nhưng chưa nhận được sự công nhận của chính quốc. Sau nhiều vòng đàm phán, Bồ Đào Nha đã ký với Ghi-nê Bít-xao hiệp ước hòa bình ngày 26/8/1974, tại An-giê. Bồ Đào Nha công nhận độc lập của Ghi-nê Bít-xao ngày 10/9 cùng năm.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Ghi-nê Bít-xao theo thể chế cộng hòa bán tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước, có nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống có quyền bổ nhiệm Thủ tướng, là người đứng đầu chính phủ.
- Cơ cấu nghị viện: Ghi-nê Bít-xao theo cơ cấu đơn viện gồm Quốc hội với 100 ghế, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm.
- Các đảng phái chính trị: Hiện có hơn 20 đảng phái đang hoạt động, trong đó nổi bật là:
+ Đảng châu Phi vì Độc lập của Ghi-nê Bít-xao và Cáp-ve (PAIGC): thành lập tháng 9/1956, là Đảng cầm quyền và hiện được lãnh đạo bởi ông Đô-minh-gútx Xi-moi Pê-rêi-ra (Domingos Simões Pereira) (từ năm 2014).
+ Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (Madem G15): thành lập năm 2018, hiện được lãnh đạo bởi ông Brai-ma Ca-ma-ra (Braima Camará).
+ Đảng vì Đổi mới xã hội (PRS): thành lập tháng 01/1992, được sáng lập và lãnh đạo bởi ông Cum-ba La-lá (Kumba Lalá).
+ Đảng Dân chủ Guinea-Bissau (APU-PDGB): thành lập tháng 11/2014, được sáng lập và lãnh đạo bởi Thủ tướng Nu-nô Gô-mét Na-bi-ao.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Về tổng thể, tình hình chính trị nội bộ của Ghi-nê Bít-xao thường xuyên không ổn định do tranh chấp đảng phái và đảo chính. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống U-ma-ru Xi-xô-cu Em-ba-lô lên cầm quyền tháng 2/2020, tình hình nội trị có nhiều chuyển biến tích cực. Ngày 31/12/2020, Phái bộ Liên hợp quốc tại Ghi-nê Bít-xao (BINUGBIS) đã kết thúc nhiệm kỳ kéo dài từ năm 2000.
2. Kinh tế - Xã hội
- Ghi-nê Bít-xao là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là bô-xít, phốt phát, sắt, gỗ, hải sản. Ghi-nê Bít-xao đã phát hiện ra dầu lửa ở thềm lục địa nhưng chưa khai thác. Kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào trồng trọt và đánh cá. Hạt điều là mặt hàng xuất khẩu và là nguồn thu ngoại tệ chính, giúp cải thiện kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực nông thôn.
Nội chiến liên miên và cạnh tranh đảng phái đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng đất nước và nền kinh tế từ 1998, khiến Ghi-nê Bít-xao phải thường xuyên vay nợ các tổ chức quốc tế. Từ năm 2015, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác lớn, Chính phủ Ghi-nê Bít-xao đã đề ra kế hoạch hành động Tê-ra Ran-ca (Terra Ranka) cho giai đoạn 2015-2020 với tầm nhìn về một Ghi-nê Bít-xao tích cực, ổn định chính trị thông qua việc quản trị, phát triển toàn diện và bảo tồn đa dạng sinh học.
+ Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 55,7%, công nghiệp 13,2%, dịch vụ 31%.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: hạt điều, đậu đỗ, dầu cọ, các sản phẩm nông nghiệp…
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: xăng dầu, lương thực, vật liệu xây dựng, máy móc…
+ Các đối tác thương mại chính: Ấn Độ, Trung Quốc, Xê-nê-gan, Việt Nam, Bồ Đào Nha…
- Xã hội: Ghi-nê Bít-xao xếp hạng 175/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Giáo dục bắt buộc đối với trẻ từ 7 đến 14 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mù chữ ở người trưởng thành vẫn ở mức cao, nhất là ở phụ nữ. Chỉ 45,58% tổng dân số trên 15 tuổi biết chữ (62,16% đối với nam giới và 30,77% đối với nữ giới). Các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe tập trung chủ yếu ở thủ đô Bít-xao và các thủ phủ của các vùng. Người dân sống ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế.
V. Chính sách đối ngoại
- Ghi-nê Bít-xao thực hiện chính sách đối ngoại không liên kết, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhiều nước như: Pháp, Tây Ban Nha, Ăng-gô-la...
- Ghi-nê Bít-xao là thành viên Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), WTO, FAO, G-77, Interpol, UNCTAD, UNESCO, WHO, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS)…
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - GHI-NÊ BÍT-XAO
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ghi-nê Bít-xao lập quan hệ ngoại giao ngày 30/9/1973.
- Cơ quan đại diện: Hiện hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Ghi-nê Bít-xao. Đại sứ quán Bạn tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Từ tháng 01/2018, Ghi-nê Bít-xao bổ nhiệm ông Lê Thiết Thảo là Lãnh sự danh dự tại Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ghi-nê Bít-xao: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (9/1978); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (4/1994).
+ Đoàn Ghi-nê Bít-xao thăm Việt Nam: Ông A-mi-ca Ca-brao (Amilcar Cabral), Uỷ viên Ban chấp hành Đảng PAIGC, Bộ trưởng Phối hợp và Kế hoạch (9/1979); Quốc Vụ khanh Bộ Thương mại, Công nghiệp và nâng cao giá trị các sản phẩm địa phương I-brai-ma Gia-lô (Ibraima Djaló) (01/2014), Đặc phái viên Tổng thống, Đại sứ Ma-lam Xam-bu (Malam Sambu) (01/2018).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương ước đạt 114.4 triệu USD, trong đó Việt Nam chủ yếu xuất các mặt hàng gạo và nhập chủ yếu hạt điều. Kim ngạch song phương năm 2020 đạt 56,1 triệu USD, năm 2019 đạt 114,19 triệu USD.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Việt Nam - Ghi-nê Bít-xao thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Gần đây, Ghi-nê Bít-xao ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định hợp tác văn hoá, kinh tế, khoa học kỹ thuật và thương mại (1994); Biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và công nghiệp (2014).
V. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Ghi-nê Bít-xao
Địa chỉ: 74 Houari Boumediene, Miramar, Luanda, Angola
ÐT: +244 924 492 169/929 212 583
Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn
ĐSQ Ghi-nê Bít-xao tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 2-2-101, Ta Yuan Diplomatic Compound, Chaoyang District, Beijing
Postal Code: 100600
ÐT: (+86)10 6532 7393
Fax: (+86)10 6532 7106
Lãnh sự danh dự Ghi-nê Bít-xao tại Việt Nam, ông Lê Thiết Thảo Địa chỉ: 31 Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội
ÐT: +84.90 403 9595
Tháng 8/2022
Back Top page Print Email |