TLCB CH Ghi-nê Xích đạo và quan hệ với Việt Nam

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GHI-NÊ XÍCH ĐẠO

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

--------

 

  1. Khái quát:

    - Tên nước: Cộng hoà Ghi-nê Xích đạo (Republic of Equatorial Guinea)

    - Thủ đô: Ma-la-bô (Malabo)

    - Vị trí địa lý: Cộng hoà Ghi-nê Xích đạo là một nước nhỏ ở Tây Phi, nằm ở phía Bắc đường xích đạo, Bắc giáp Ca-mơ-run, Đông Nam giáp Ga-bông và đảo lớn nhất Phéc-nan-đô Pô (Fernando Po) ở giữa Vịnh Ghi-nê.

    - Khí hậu: Nhiệt đới, nóng, ẩm

    - Diện tích: 28.051 km2

    - Dân số: 1.356.000 người (7/2019)[1]

    - Tôn giáo: Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo dòng La mã

    - Ngôn ngữ chính: tiếng Tây Ban Nha (67,6%), tiếng Pháp

    - Tiền tệ: đồng Franc CFA

    - Ngày độc lập: 12/10/1968

    - Tổng thống: Tê-ô-đô-rô O-bi-ang En-ghê-ma Em-ba-sô-gô (Teodoro Obiang Nguema Mbasogo - từ 1979)

    - Thủ tướng: Phơ-ran-xít-cô Pát-xơ-quan Ô-ba-ma A-su-ê (Francisco Pascual Obama Asue - từ 6/2016)

    - Bộ trưởng Ngoại giao, HTQT và các vấn đề Pháp ngữ: Xi-mê-on Ô-ni-ô-nô Ê-xô-nô An-guê (Simeon Oyono Esono Angue – từ 2018).

  2. Lịch sử:

    - Trước đây, đảo Fernando Po là thuộc địa của Bồ Đào Nha, năm 1778 Bồ Đào Nha đổi đảo này cho Tây Ban Nha để lấy 1 số lãnh thổ ở Nam Mỹ. Đến thế kỷ 19, Tây Ban Nha chiếm thêm một vùng ở lục địa gọi là Ri-ô Mu-ni (Rio Muni). Sau chiến tranh thế giới 2, nhiều tổ chức chính trị có xu hướng độc lập ra đời ở Ghi-nê Xích đạo, đáng chú ý là "Phong trào tư tưởng nhân dân Ghi-nê Xích đạo" (IPGE) do ông Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô (Masie Nguéma Biyogo) lãnh đạo. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân Ghi-nê Xích đạo được sự đồng tình, ủng hộ của tổ chức Thống nhất Châu Phi, Tây Ban Nha buộc  phải chấp nhận trao trả độc lập cho Ghi-nê Xích đạo. Sau cuộc trưng cầu dân ý (1/8/1968), ông  Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và tuyên bố độc lập vào ngày 12/10/1968.

  3. Chính trị:

  1. Đối nội:

    - Trước khi độc lập, tại Ghi-nê xích đạo có nhiều đảng phái nhưng trong những năm 70' và 80' chỉ có 1 đảng duy nhất hợp pháp là Đảng Lao động Thống nhất toàn quốc (Partido Unico Nacional de Trabaladores) thành lập tháng 4/1970 do Tổng thống Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô làm Chủ tịch. Năm 1979, ông Tê-ô-đô-rô O-bi-ang En-ghê-ma Em-ba-sô-gô tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô  và lên giữ chức Tổng thống kể từ đó tới nay. Năm 1991, Hiến pháp Ghi-nê Xích đạo chấp thuận nền dân chủ đa đảng. Tuy nhiên các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội sau đó đều bị cáo buộc là có gian lận. Tổng thống kiểm soát hoàn toàn hệ thống chính trị và hạn chế hoạt động của các đảng phái đối lập.

    - Thể chế nhà nước: Chế độ Tổng thống nhưng do giới quân sự nắm quyền.

    - Đảng cầm quyền: Đảng dân chủ Ghi-nê Xích đạo (PDGE)

    - Đảng đối lập: Liên đoàn Lực lượng đối lập Ghi-nê Xích đạo.

  2. Đối ngoại:

              - Ghi-nê Xích đạo theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không liên kết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Phi. Trong thời  kỳ chiến tranh lạnh, Ghi-nê Xích đạo quan hệ gắn bó với các nước xã hội chủ nghĩa và đã từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel (1973) và với Mỹ (1976). Hiện nay Ghi-nê Xích đạo mở rộng quan hệ với tất cả các nước trong đó ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng ở khu vực Tây Phi, coi trọng quan hệ với Tây Ban Nha và Pháp. Ghi-nê Xích đạo là thành viên của 26 tổ chức quốc tế lớn trong đó có IMF, G-77, FAO, khối Pháp ngữ…

  1. Kinh tế:      

    - Ghi-nê Xích đạo là nước nông nghiệp, đất đai mầu mỡ, sản phẩm chủ yếu là ca-cao, cà phê, gỗ, khoáng sản có dầu lửa, cao su, vàng, măng-gan, u-ra-ni-um. Hiện nay, Ghi-nê Xích đạo đang phát triển trồng lúa, thăm dò khai thác dầu lửa ở Vịnh Corisco (Tây Ban Nha và Mỹ nắm toàn bộ ngành khai thác dầu lửa của nước này) và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng. Hiện Ghi-nê Xích đạo là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 của châu Phi Nam Sahara, nguồn thu từ dầu mỏ đang được tái đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

    Một số thông tin kinh tế cơ bản (2019- IMF - PPP)[2] :

    - GDP: 28,97 tỉ USD

    - GDP đầu người: 21.300 USD.

    - Tăng trưởng GDP thực tế: -4,3%. Theo số liệu từ World Bank, kinh tế của Ghi-nê Xích đạo liên tục tăng trưởng âm trong 3 năm gần nhất, lần lượt là -4,7% (2017), -6,1% (2018)[3].

  2.  Quan hệ Việt Nam-Ghi-nê Xích đạo:

    - Quan hệ chính trị: Việt Nam và Ghi-nê Xích đạo lập quan hệ ngoại giao ngày 1/9/1972. Nhân dân Ghi-nê Xích đạo có cảm tình và ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Việt Nam đã đào tạo 15 cán bộ quân sự cho bạn (1977). Ghi-nê xích đạo cũng đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. 

    + Trao đổi đoàn: Ta: Phó chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ thăm chính thức (1978); Bạn: Phó Tổng thống Mi-ghen Ê-yê-ghê En-tu-tu-mu (Miguel Eyegue Ntutumu - 8/1974), Tổng thống Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô (Masie Nguema Biyogo) thăm chính thức (9/1977), Thủ tướng tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ VII tại Hà Nội (11/1997).

    + Các văn bản ký kết: Hiệp định  hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hoá (1977).

    - Quan hệ kinh tế: Ghi-nê Xích đạo mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương và hợp tác Nam-Nam, đóng góp cho việc thực hiện Tầm nhìn 2020 của Chính phủ bạn nhằm mục đích biến Ghi-nê xích đạo thành một nước mới nổi.

    Hiện nay quan hệ kinh tế của hai nước còn ở mức khiêm tốn. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 35,4 triệu USD.  

  3. Thông tin CQĐD: ĐSQ VN tại Angola kiêm nhiệm Ghi-nê Xích đạo; ĐSQ Ghi-nê Xích đạo tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam

     

    Tháng 3/2020

                                                                                                   

     

     



[1] Overall Total Population: World Population Prospects - the 2019 Revision /population.un.org

[2] 3 A World Bank Group Flagship Report, Global Economic Prospects, January 2020, trang 147, Sub-Saharan Africa forecast.

 

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn