Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GHI-NÊ XÍCH ĐẠO VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GHI-NÊ XÍCH ĐẠO
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hoà Ghi-nê Xích đạo (Republic of Equatorial Guinea)                              
Thủ đô: Ma-la-bô (Malabo)                              
Quốc khánh: 12/10/1968                             
Vị trí địa lý: Nằm ở phía Tây châu Phi, phía Bắc đường xích đạo, Bắc giáp Ca-mơ-run, Đông Nam giáp Ga-bông và đảo lớn nhất Fernando Po ở giữa Vịnh Ghi-nê.                              
Diện tích: 28.051 km2                              
Khí hậu: Nhiệt đới, nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình tháng 1: 240C, tháng 7: 270C. Lượng mưa trung bình: 2.000 mm.                              
Dân số: 1,45 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới) 
Dân tộc: Người Bioko, Rio Muni và người châu Âu                            
Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha (67,6%), tiếng Pháp                              
Đơn vị tiền tệ: Franc CFA Trung Phi (1 USD = 630 XAF)                              
GDP: 12,26 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                              
GDP/đầu người: 6.575 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                              
Tôn giáo: Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo dòng La mã                              
Cơ cấu hành chính: 8 tỉnh                              
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Tê-ô-đô-rô O-bi-ang Nờ-ghê-ma Em-ba-sô-gô (Teodoro Obiang Nguema Mbasogo) (từ tháng 8/1979);
+ Phó Tổng thống: Tê-ô-đô-rô Nờ-ghê-ma Ô-bi-ăng Mang-ghê (Teodoro Nguema Obiang Mangue) (từ tháng 6/2016);
+ Thủ tướng: Phơ-ran-xít-cô Pát-xơ-quan Ô-ba-ma A-su-ê (Francisco Pascual Obama Asue) (từ tháng 6/2016);
+ Chủ tịch Thượng viện: Tê-rê-gia E-phua En-xang (Teresa Efua Nsang) (từ tháng 5/2013);
+ Chủ tịch Hạ viện: Gô-đen-xi-ô Mô-ha-ba Mê-xu (Gaudencio Mohaba Mesu) (từ tháng 01/2018);
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác quốc tế và các vấn đề Pháp ngữ:                 Xi-mê-on Ô-ni-ô-nô Ê-xô-nô An-guê (Simeon Oyono Esono Angue) (từ năm 2018).                              
II. Khái quát lịch sử
Trước đây, đảo Phéc-nan-đô Pô (Fernando Pó) (hiện là đảo Bi-ô-cô thuộc Ghi-nê Xích đạo) là thuộc địa của Bồ Đào Nha, năm 1778 Bồ Đào Nha đổi đảo này cho Tây Ban Nha để lấy 1 số lãnh thổ ở Nam Mỹ. Đến thế kỷ 19, Tây Ban Nha chiếm thêm một vùng ở lục địa gọi là Ri-ô Mu-ni (Rio Muni).
Sau Chiến tranh thế giới 2, nhiều tổ chức chính trị có xu hướng độc lập ra đời ở Ghi-nê Xích đạo, đáng chú ý là "Phong trào tư tưởng nhân dân Ghi-nê Xích đạo" (IPGE) do ông Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô (Masie Nguéma Biyogo) lãnh đạo. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân Ghi-nê Xích đạo, được sự đồng tình, ủng hộ của tổ chức Thống nhất Châu Phi, Tây Ban Nha buộc  phải chấp nhận trao trả độc lập cho Ghi-nê Xích đạo. Sau cuộc trưng cầu dân ý (1/8/1968), ông  Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và tuyên bố độc lập vào ngày 12/10/1968.
Trước khi độc lập, tại Ghi-nê Xích đạo có nhiều đảng phái nhưng trong những năm 1970 và 1980 chỉ có 1 đảng duy nhất hợp pháp là Đảng Lao động Thống nhất toàn quốc thành lập tháng 4/1970 do Tổng thống Ma-xi-ê Nờ-ghê-ma Bi-yô-gô làm Chủ tịch. Năm 1979, ông Tê-ô-đô-rô O-bi-ang En-ghê-ma Em-ba-sô-gô tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô và lên giữ chức Tổng thống kể từ đó tới nay. Năm 1991, Hiến pháp Ghi-nê Xích đạo chấp thuận nền dân chủ đa đảng.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Ghi-nê Xích đạo theo thể chế cộng hòa tổng thống. Tổng thống đứng đầu Nhà nước, Thủ tướng đứng đầu Chính phủ. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 7 năm. Thủ tướng và các Phó Thủ Tướng do Tổng thống bổ nhiệm.
- Cơ cấu nghị viện: Ghi-nê Xích đạo theo cơ cấu lưỡng viện gồm: Hạ viện có 100 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm. Thượng viện có 70 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm. 
- Các đảng phải chính trị: Hiện có khoảng 46 đảng phái lớn nhỏ đang hoạt động, nhưng chỉ có 2 đảng có ghế tại Quốc hội:
+ Đảng Dân chủ Ghi-nê Xích đạo (PDGE): Đảng cầm quyền được Tổng thống Tê-ô-đô-rô O-bi-ang En-ghê-ma Em-ba-sô-gô thành lập năm 1987.
+ Đảng Hội tụ vì Dân chủ Xã hội (CPDS): thành lập năm 1990, là đảng lớn thứ 2 tại Ghi-nê Xích đạo và là đảng đối lập chính, hiện được lãnh đạo bởi ông Xan-ti-a-gô Ô-ba-ma En-đông (Santiago Obama Ndong).
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Trước khi độc lập, tại Ghi-nê Xích đạo có nhiều đảng phái nhưng trong những năm 1970 và 1980 chỉ có 1 đảng duy nhất hợp pháp là Đảng Lao động Thống nhất toàn quốc (Partido Unico Nacional de Trabaladores) thành lập tháng 4/1970 do Tổng thống Ma-xi-ê Nờ-ghê-ma Bi-yô-gô làm Chủ tịch. Năm 1979, ông Tê-ô-đô-rô O-bi-ang En-ghê-ma Em-ba-sô-gô tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô và lên giữ chức Tổng thống kể từ đó tới nay. Năm 1991, Hiến pháp Ghi-nê Xích đạo chấp thuận nền dân chủ đa đảng. 
2. Kinh tế - Xã hội
- Ghi-nê Xích đạo là nước nông nghiệp, đất đai mầu mỡ, sản phẩm chủ yếu là ca-cao, cà phê, gỗ. Khoáng sản có dầu lửa, cao su, vàng, măng-gan, u-ra-ni-um. Hiện nay, Ghi-nê Xích đạo đang phát triển trồng lúa, thăm dò khai thác dầu lửa ở Vịnh Corisco (Tây Ban Nha và Mỹ nắm toàn bộ ngành khai thác dầu lửa của nước này) và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng. Hiện Ghi-nê Xích đạo là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 của châu Phi Nam Sahara, nguồn thu từ dầu mỏ đang được tái đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: sản phẩm dầu mỏ, gỗ.
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: thiết bị lọc dầu, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải.
+ Các đối tác thương mại, đầu tư chính: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Ý, Bra-xin.
- Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 của Cộng hòa Ghi-nê Xích đạo là 0.592, xếp thứ 145/189 và thuộc nhóm quốc gia có chỉ số HDI trung bình. Ghi-nê Xích đạo là một trong những quốc gia có tỷ lệ người biết chữ cao nhất trong khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra với 95% dân số trên 15 tuổi biết chữ (97,29% đối với nam giới và 92,42% đối với nữ giới). Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp ghi nhận mức 14,81%.
V. Chính sách đối ngoại
- Ghi-nê Xích đạo theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không liên kết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi. Trong thời  kỳ chiến tranh lạnh, Ghi-nê Xích đạo quan hệ gắn bó với các nước xã hội chủ nghĩa và đã từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với I-xra-en (1973) và với Mỹ (1976). Hiện nay Ghi-nê Xích đạo mở rộng quan hệ với tất cả các nước trong đó ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng ở khu vực Tây Phi, coi trọng quan hệ với Tây Ban Nha và Pháp.
- Ghi-nê Xích đạo là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, IMF, G-77, FAO, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Liên minh châu Phi (AU)...
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - GHI-NÊ XÍCH ĐẠO
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ghi-nê Xích đạo lập quan hệ ngoại giao ngày 01/9/1972.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Ghi-nê Xích đạo. Đại sứ quán Bạn tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.  
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ghi-nê Xích đạo: Phó chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (1978).
+ Đoàn Ghi-nê Xích đạo thăm Việt Nam: Phó Tổng thống Mi-ghen Ê-yê-ghê En-tu-tu-mu (Miguel Eyegue Ntutumu (8/1974), Tổng thống Ma-xi-ê En-ghê-ma Bi-yô-gô (Masie Nguema Biyogo) thăm chính thức (9/1977), Thủ tướng An-gien Đô-gan (Angel Dougan) tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ VII tại Hà Nội (11/1997).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 ước đạt 5,5 triệu USD trong đó Việt Nam xuất chủ yếu các mặt hàng bia, gạo, dệt may và nhập chủ yếu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Kim ngạch hai chiều năm 2020 đạt 8,5 triệu USD, năm 2019 đạt gần 16 triệu USD.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Việt Nam - Ghi-nê Xích đạo thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Gần đây, Ghi-nê Xích đạo đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021...
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hoá (1977).
V. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Ghi-nê Xích đạo
Địa chỉ: 74 Houari Boumediene, Miramar, Luanda, Angola
ÐT: +244 924 492 169/929 212 583
Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn

ĐSQ Ghi-nê Xích đạo tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.
No. 2 Dong Si Jie, San Li Tun, Beijing
ĐT: +86 10 6532 3679
Fax: + 8610 6532 3805
Email: emguies@yahoo.com
Tháng 8/2022

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer