Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TLCB Niger 4.2019


    BỘ NGOẠI GIAO

Vụ Trung Đông - Châu Phi

           ---o0o---

 

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA NIGER

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

--------

 

1.  Khái quát:

- Tên nước: Cộng hòa Ni-giê (Republic of Niger)

- Thủ đô: Ni-a-mây (Niamey)

- Vị trí địa lý: là quốc gia nằm trong đất liền ở Tây Phi, giáp Algeria, Burkina Faso, Chad, Libya, Mali và Nigeria.

- Diện tích: 1.267.000 km2

- Dân số: 19,8 triệu người (7/2018).

- Dân tộc: Người Haussa ở miền Đông Nam chiếm khoảng 55% dân số, người Djerma chiếm 22%, còn lại là người Touareg 8% và người Fulami 8%

- Tôn giáo: 80% theo đạo Hồi, phần còn lại theo đạo cổ truyền và Thiên chúa.

- Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Pháp

- Tiền tệ: đồng Franc CFA

- Quốc khánh (ngày cộng hòa): 18/12/1958

- Ngày độc lập: 3/8/1960 (từ đế quốc Pháp)

- Tổng thống: Mahamadou Issoufou (từ 4/2011)

- Thủ tướng: Brigi RAFINI (từ 4/2011)

- Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác, Hội nhập châu Phi và người Niger ở nước ngoàiKalla Ankourao (từ 4/2018)

2.       Lịch sử:

-      Cho đến đầu thế kỷ 19, lịch sử Niger còn chưa rõ ràng. Các vùng đất nay là Niger gồm thảo nguyên và sa mạc là nơi thường xuyên xảy ra xung đột giữa các bộ lạc du mục và người bản địa gốc Phi. Năm 1805 người Âu bắt đầu đến Niger. Anh và Pháp tranh giành ảnh hưởng tại Niger dẫn đến việc ký kết một Hiệp định năm 1890 theo đó Anh đồng ý để Pháp chiếm Niger và sát nhập vào khối Tây Phi thuộc Pháp. Ngày 18/12/1958, Niger tuyên bố thành lập nước Cộng hòa.

-      Ngày 3/8/1960 Pháp trao trả độc lập cho Niger và ông Diori Hamani được bầu làm Tổng thống đầu tiên. Từ 1960 đến 1971, Niger theo chế độ dân sự một đảng nhưng đến năm 1991, trước sức ép của nhân dân, Tướng Ali Saibou tổ chức bầu cử đa đảng để thành lập chính phủ dân chủ năm 1993.

3.  Chính trị:

a)  Đối nội:

-       Ngày 15/4/1974, trung tướng Seyni Kountché làm đảo chính thắng lợi, lên làm Tổng thống.

-       Tháng 11/1987, Tổng thống S. Kountché chết, Hội đồng quân sự chỉ định ông Ali Saibou lên thay.

-       Tháng 12/1992, Niger thông qua Hiến pháp mới, cho phép các đảng phái chính trị hoạt động. Tháng 3/1993, cuộc bầu cử Tổng thống đa đảng đầu tiên được tổ chức. Ông Mahemane Ousmane trúng cử.

-       Ngày 27/1/1996, Tổng tham mưu trưởng quân đội, Đại tá I. B. Mainassara làm đảo chính lật đổ Tổng thống Mahemane Ousmane. Tháng 7/1996 Niger tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và ông I. B. Mainassara thắng cử. Tuy nhiên, nhiều nước châu Phi lên án cuộc đảo chính cũng như không công nhận kết quả cuộc bầu cử tháng 7/1996.

-       Niger theo đường lối chính trị đa đảng, các đảng phái chính trị gồm: Đảng tập hợp vì dân chủ và tiến bộ - RDP (đảng của Tổng thống Mainassara), đảng Tiến bộ Niger, Liên minh dân chủ châu Phi, Liên minh các lực lượng nhân dân vì dân chủ và tiến bộ … Tháng 11/1996, Niger tổ chức bầu cử quốc hội nhưng các đảng đối lập tẩy chay kết quả bầu cử và đòi giải tán quốc hội.

-       Ngày 9/4/1999, một lực lượng quân đội do thiếu tá Daouda Mallam Wanke, chỉ huy lực lượng bảo vệ Phủ Tổng thống cầm đầu đã giết chết Tổng thống Mainassara, thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc do ông làm chủ tịch để điều hành đất nước. Nhiều nước châu Phi lên án vụ ám sát này. Tháng 12/1999, Niger tổ chức bầu cử và ông Tandja Mamadou trúng cử Tổng thống và tái cử năm 2004.

-       Ngày 18/02/2010, Tướng Salou Djibo tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Tandja Mamadou. Kể từ thời điểm đó, Niger được quản lý bởi Hội đồng Quân sự lâm thời. Chính phủ mới của Niger cam kết sẽ chuyển giao sang chính quyền dân sự và sẽ sớm tiến hành tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào đầu năm 2011. Ngày 2/11/2010, Ủy ban bầu cử độc lập quốc gia Niger công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý hiến pháp ngày 31/10, theo đó có tới 90,18% số cử tri ủng hộ sửa đổi hiến pháp nhằm mở đường cho sự trở lại của chính quyền dân sự.

-       Cuộc bầu cử Tổng thống thành công (3/2011) với việc ông Mahamadou thuộc Đảng Dân chủ Xã hội thắng cử đã kết thúc giai đoạn chính quyền quân sự  kể từ sau cuộc đảo chính tháng 2/2010, mở đường cho một chính quyền dân sự điều hành đất nước. Cuộc bầu cử được nhân dân Niger và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

b)      Đối ngoại:

Niger theo đuổi một chính sách ngoại giao khiêm nhường  có quan hệ mật thiết, hữu nghị với cả phương Đông và phương Tây, đặc biệt là Pháp và Mỹ. Viện trợ của Pháp chiếm 2/3 tổng số viện trợ nước ngoài cho Niger. Với các nước láng giềng, Niger có quan hệ tốt với Liby, Algerie và Nigeria. Niger là thành viên LHQ, Phong trào Không liên kết, AU, EAC và nhiều tổ chức khu vực, quốc tế khác.

4.  Kinh tế:

- Niger  một trong những nước nghèo nhất thế giới với nền nông nghiệp lạc hậu. 90% dân số sống bằng nghề nông với nông sản chính là lúa mì, lạc, bông, thuốc lá, mía… Năm 2000, Niger được IMF xóa 86 triệu USD nợ. Gần nửa ngân sách của Niger là do tài trợ từ bên ngoài.

- Tài nguyên thiên nhiên giàu có gồm: vàng, sắt, thiếc, chì, mangan, uranium...Tuy nhiên ngành khai khoáng của Niger kém phát triển và nằm trong tay tư bản nước ngoài (Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc…)

- Nền kinh tế trong vài năm gần đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn khủng bố và bắt cóc con tin gần các khu mỏ uranium và các mối đe doạ an ninh từ tình trạng bất ổn tại các nước láng giềng là Mali, Nigeria và Libya. Niger có trữ lượng dầu mỏ lớn, ngành lọc và xuất khẩu dầu đã được đầu tư phát triển từ 2012, đem lại hy vọng vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, sản lượng dầu mỏ trong vài năm gần đây sụt giảm do khó khăn về vận chuyển. An ninh lương thực và khô hạn vẫn là những thách thức hàng đầu của nền kinh tế Niger.

Một số thông tin kinh tế cơ bản (2018):

- GDP (PPP): 21,8 tỷ USD 

-  GDP theo đầu người: 1.160 USD

-  Tỷ lệ tăng trưởng GDP: 5,2%

5.  Quan hệ Việt Nam-Niger:

- Quan hệ chính trị: Việt Nam và Niger thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/3/1975. Tổng thống S. Kountché ca ngợi cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta và ủng hộ ta tại Liên hiệp quốc và các Hội nghị cấp cao KLK. Quan hệ chính trị giữa hai nước tốt đẹp. Niger ủng hộ ta ứng cử thành viên HĐNQ/LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

+ Trao đổi đoàn: Tháng 7/2003, Phó Chủ tịch UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân dẫn đầu đoàn đại biểu quốc hội Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Phi tại Niger và thăm Niger.

- Quan hệ thương mại: kim ngạch thương mại năm 2018 đạt 9,6 triệu USD.

6.  Thông tin CQĐD: ĐSQ VN tại Algeria kiêm nhiệm Niger; Niger chưa cử sứ quán kiêm nhiệm Việt Nam.

 

                                                                  

          Tháng 4/2019

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer