A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA NI-GIÊ
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hòa Ni-giê (Republic of Niger)
Thủ đô: Ni-a-mây (Niamey)
Quốc khánh: 18/12/1958; Ngày Độc lập: 3/8/1960 (từ Pháp)
Vị trí địa lý: nằm trong đất liền, ở phía Tây châu Phi, giáp An-giê-ri, Buốc-ki-na Pha-sô, Sát, Li-bi, Ma-li và Ni-giê-ri-a.
Diện tích: 1.267.000 km2
Khí hậu: Sa mạc nhiệt đới, cận xích đạo. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5.
Dân số: 25,13 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: Người Hausa (56%), Djerma (22%), Fula (8,5%), Tuareg (8%), Beri (4,3%), người Ả-rập, Toubou và Gourmantche (1,2%)
Ngôn ngữ: Tiếng Pháp
Đơn vị tiền tệ: Franc CFA Tây Phi (1 USD = 626 XOF)
GDP: 14,95 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 510 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: 99% theo đạo Hồi, phần còn lại theo đạo cổ truyền và Thiên chúa.
Cơ cấu hành chính: 7 vùng/khu vực hành chính và thủ đô Ni-a-mây.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Mô-ha-mét Ba-dum (Mohamed Bazoum) (từ tháng 4/2021);
+ Thủ tướng: U-hu-mu-đu Ma-ha-ma-đu (Ouhoumoudou Mahamadou) (từ tháng 4/2021);
+ Chủ tịch Quốc hội: Xây-ni U-ma-ru (Seyni Oumarou) (từ tháng 3/2021);
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác, Hội nhập châu Phi và người Niger ở nước ngoài: Hát-xu-mi Ma-xa-u-đu (Hassoumi Massaoudou) (từ tháng 4/2021).
II. Khái quát lịch sử
Cho đến đầu thế kỷ 19, lịch sử Ni-giê còn chưa rõ ràng. Các vùng đất nay là Ni-giê gồm thảo nguyên và sa mạc là nơi thường xuyên xảy ra xung đột giữa các bộ lạc du mục và người bản địa gốc Phi. Năm 1805 người Âu bắt đầu đến Ni-giê. Anh và Pháp tranh giành ảnh hưởng tại Ni-giê dẫn đến việc ký kết một Hiệp định năm 1890 theo đó Anh đồng ý để Pháp chiếm Ni-giê và sát nhập vào khối Tây Phi thuộc Pháp. Ngày 18/12/1958, Ni-giê tuyên bố thành lập nước Cộng hòa.
Ngày 3/8/1960 Pháp trao trả độc lập cho Ni-giê và ông Diori Hamani được bầu làm Tổng thống đầu tiên.
Từ 1960 đến 1971, Ni-giê theo chế độ độc đảng. Đến tháng 12/1992, trước sức ép của dân chúng, Chính phủ Ni-giê thông qua Hiến pháp mới, cho phép chế độ đa đảng. Tháng 3/1993, cuộc bầu cử Tổng thống đa đảng đầu tiên được tổ chức. Ông Ma-ha-ma-nê Ô-xma-nê (Mahamane Ousmane) trúng cử.
Ni-giê từng trải qua một loạt các cuộc đảo chính trong các năm 1974, 1996, 1999, 2010.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Ni-giê theo thể chế cộng hòa tổng thống. Tổng thống, có nhiệm kỳ 5 năm, là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.
- Cơ cấu nghị viện: Theo hệ thống đơn viện, gồm Quốc hội với 171 ghế (166 ghế dành cho đại biểu trong nước và 5 ghế dành cho đại biểu của người Ni-giê ở nước ngoài), được bầu cho nhiệm kỳ 5 năm.
- Các đảng phái chính trị: Hiện có hơn 30 đảng phái đang hoạt động, trong đó nổi bật là:
+ Đảng Ni-giê vì Dân chủ và CNXH (PNDS-Tarayya): thành lập tháng 12/1990, là Đảng cầm quyền và được lãnh đạo bởi Tổng thống Mô-ha-mét Ba-dum (từ tháng 3/2021).
+ Đảng Phong trào quốc gia vì xã hội phát triển (MNSD-Nassara): thành lập năm 1989, hiện được lãnh đạo bởi Chủ tịch Quốc hội Xây-ni U-ma-ru (từ tháng 11/2008).
+ Đảng Phong trào yêu nước vì nền Cộng hòa (MPR-Jamhuriya): thành lập tháng 10/2015, hiện được lãnh đạo bởi ông An-ba-đê A-bô-ba (Albadé Abouba).
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Sau giai đoạn dài bất ổn, chủ yếu do đảo chính quân sự, kể từ 2011, Ni-giê cơ bản duy trì ổn định chính trị. Thắng lợi của Tổng thống Mô-ha-mét Ba-dum năm 2021 được coi là dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân chủ tại Ni-giê khi lần đầu tiên quyền lực được chuyển giao hòa bình giữa hai Tổng thống dân cử.
2. Kinh tế - Xã hội
- Ni-giê không giáp biển và thường xuyên chịu khô hạn kéo dài, khoáng sản phong phú (u-ra-ni-um, dầu mỏ, vàng) nhưng quyền khai thác lại thuộc về tư bản nước ngoài (chủ yếu là Pháp). Ni-giê có trữ lượng dầu mỏ lớn, ngành lọc và xuất khẩu dầu đã được đầu tư phát triển từ 2012. Ngành xây dựng và dịch vụ viễn thông phát triển năng động.
+ Cơ cấu ngành kinh tế: nông nghiệp 41,6%, công nghiệp 19,5%, dịch vụ 38,7%.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: u-ra-ni-um, gia súc, nông sản…
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: thực phẩm, máy móc, phương tiện vận tải, linh kiện, nhiên liệu, ngũ cốc…
+ Các đối tác thương mại chính: Pháp, Ma-li, Trung Quốc, Ấn Độ, Ga-na, Bỉ…
- Hiện Ni-giê là một trong những nước nghèo nhất với 41,4% dân số sống dưới mức nghèo khổ (2019) và có Chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất thế giới, chỉ đạt 0.394 năm 2020, xếp thứ 189/189. Giáo dục công miễn phí nhưng nhiều khu vực không có trường học. Hầu hết người trưởng thành không thể đọc hoặc viết. Khoảng 30,56% tổng dân số trên 15 tuổi biết chữ.
3. An ninh-quốc phòng
Ni-giê có biên giới giáp với 7 nước thuộc Xa-hen - khu vực bất ổn nhất châu Phi, chịu áp lực lớn từ khủng bố, đặc biệt là từ các nhóm thánh chiến liên quan đến Al-Qaeda và IS tại vùng phía Tây (ngã 3 biên giới với Buốc-ki-na Pha-xô, Ma-li) và Bô-cô Ha-ram phía Đông (vùng hồ Sát ở ngã 3 biên giới với Ni-giê-ri-a và Sát).
Ni-giê tham gia lực lượng đa quốc gia chống Bô-cô Ha-ram (cùng Sát, Ni-giê-ri-a và Ca-mơ-run), Nhóm G5 Xa-hen (cùng Sát, Mô-ri-ta-ni-a, Ma-li và Buốc-ki-na Pha-xô, lực lượng đa quốc gia chống khủng bố tại khu vực biên giới chung từ cuối 2017).
V. Chính sách đối ngoại
Ni-giê có quan hệ hữu nghị với cả phương Đông và phương Tây, đặc biệt là Pháp và Mỹ. Với các nước láng giềng, Ni-giê có quan hệ tốt trong hợp tác trao đổi thương mại và đảm bảo an ninh.
Ni-giê là thành viên Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) (thành lập năm 1970 tại Ni-a-mây), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), G5 Sahel…
Ni-giê đóng góp tích cực cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (hiện có gần 1.000 quân tại các Phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Công-gô, Ha-i-ti và Ma-li). Ni-giê là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - NI-GIÊ
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ni-giê thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/3/1975.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri kiêm nhiệm Ni-giê. Đại sứ quán Ni-giê tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ni-giê: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội dự Đại hội đồng lần thứ 29 Liên minh Nghị viện Pháp ngữ APF (7/2003).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 ước đạt 2,54 triệu USD, Việt Nam xuất chủ yếu là gạo, hàng may mặc, nhập điều, bông, vừng… Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt trên 2,1 triệu USD, năm 2019 đạt 1,96 triệu USD.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Ni-giê ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, đặc biệt khi cả hai nước cùng đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri kiêm nhiệm Ni-giê
Địachỉ: No 30 Chénoua, Hydra, Alger, Algerie
ĐT: +213 21 692 752;
+ 213 21 696 08 843;
Fax: +213 21 693 778
Email:sqvnalgerie@yahoo.com.vn; vnemb.dz@mofa.gov.vn
Đại sứ quán Ni-giê tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: No 1-21, San Li Tun Apartment, Beijing 100600
ĐT: +86 10 6532 4279
Fax: +86 10 6532 7041
Email: nigerbj@public.bta.net.cn
Tháng 8/2022