Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TLCB Togo 4.2019


BỘ NGOẠI GIAO

Vụ Trung Đông - Châu Phi

--------------

 

TÀi liỆu cơ bẢn vỀ CỘNG HÒA TOGO

vÀ quan hỆ vỚi ViỆt Nam

 

I. Thông tin cơ bản

1. Khái quát

-         Tên nước: Cộng hòa Tô-gô (Republic of Togo)

-         Thủ đô: Lomé

-         Vị trí địa lý: nằm ở Tây Phi, bên bờ vịnh Benin, giữa Benin và Ghana

-         Diện tích: 56.785 km2

-         Dân số: 8,1 triệu người (2018)

-         Dân tộc: người Phi 99% (gồm 37 nhóm dân tộc, đông nhất là người Ewe, Mina và Kabre) và dưới 1% là người Âu và Syrie-Liban

-         Tôn giáo: Đạo cổ truyền 51%, Thiên chúa giáo 29% và Hồi giáo 20%

-         Ngôn ngữ chính: tiếng Pháp

-         Ngày độc lập: 27/4/1960

-         Tổng thống: Faure Gnassingbé, từ 5/2005

-         Thủ tướng: Komi Selom Klassou, từ 06/2015

-         Bộ trưởng Ngoại giao: Robert Dussey, từ 2013

2. Lịch sử

Từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14, Togo là nơi di cư đến của bộ lạc Ewe đến từ lưu vực sông Niger. Vào thế kỷ 15 và 16, các đoàn thám hiểm và thương gia Bồ Đào Nha đến vùng đất này. Trong vòng 200 năm sau đó, vùng đất Togo nằm trong vùng “Bờ biển nô lệ”, một trung tâm săn tìm và buôn bán nô lệ của người Hà Lan và Đan Mạch.

Năm 1884, Đức ký với Vua Mpala tại Togoville một hiệp định bảo hộ, mở đường cho thực dân Đức đô hộ Togo, kéo dài đến cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau Chiến tranh Thế giới thứ I, Togo bị phân chia thành vùng duyên hải Lomé thuộc Pháp, vùng lãnh thổ phía Tây thuộc Anh.

Năm 1922, Hội quốc liên ủy quyền cho Anh cai trị vùng phía Tây, Pháp cai trị vùng phía Đông. Vùng Togo thuộc Anh tuyên bố sát nhập vào Ghana năm 1956. Vùng Togo thuộc Pháp trở thành quốc gia độc lập năm 1960 và Sylvanus Olympio trở thành vị Tổng thống đầu tiên. Năm 1963, Tổng thống Sylvanus Olympio bị ám sát. Thủ tướng Nicola Grunitzky lên cầm quyền và tiến hành thực hiện chính sách tự do.

Năm 1967 Eyadema Gnassingbe đảo chính lật đổ Nicola Grumnitzky và lên nắm quyền cho đến khi qua đời vào tháng 2/2005. Con trai ông là Faure Gnassingbé thắng cử tại cuộc bầu cử tháng 4/2005.

3. Chính trị

a) Đối nội:

Thể chế chính trị : Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm, là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.

- Tô-gô theo thể chế đa nguyên bằng bản Hiến pháp phê chuẩn ngày 27/9/1992. Tuy nhiên, từ năm 1967 đến nay, Liên minh đảng nhân dân Togo (RPT) của cố Tổng thống Eyadema Gnassingbé luôn nắm quyền. Tháng 2/2005, Tổng thống Eyadema Gnassingbé đột ngột qua đời, giới quân sự đưa con trai ông là Faure Gnassingbé lên thay thế. Dưới sức ép trong nước và của AU, ECOWAS, Faure Gnassingbé buộc phải nhượng bộ, cho tổ chức bầu cử hợp hiến tháng 4/2005. Kết quả: Faure Gnassingbé giành thắng lợi với 60,2% số phiếu. Các cuộc bạo động giữa chính phủ và phe đối lập trước và sau bầu cử khiến gần 500 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người bỏ chạy khỏi thủ đô, gây nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nhờ trung gian hoà giải của Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) trật tự tại Togo đã được lập lại.

- Tháng 8/2006, chính phủ và phe đối lập ký thoả thuận cho phép các đảng phái đối lập tham gia chính phủ chuyển tiếp. Tháng 9/2006, ông Yawovi Agboyibo, lãnh tụ đối lập được đề cử làm Thủ tướng.

- Tháng 10/2007, Togo tiến hành bầu cử quốc hội, Đảng cầm quyền Liên minh Nhân dân Togo đã giành được thắng lợi và ông Komlan Mally được chỉ định làm Thủ tướng. Cộng đồng quốc tế đánh giá cuộc bầu cử quốc hội Togo tự do và công bằng. Sau sự kiện này, Liên minh Châu Âu (EU) đã nối lại hợp tác kinh tế đầy đủ với Togo sau 14 năm trừng phạt. Để giành lại sự ủng hộ của quốc tế, chính quyền của Faure Gnassingbe cam kết mở rộng dân chủ trong nước, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. 

          b. Đối ngoại:

- Tổng thống Togo thi hành chính sách đối ngoại đa dạng hóa, hướng đến châu Á trong đó có Việt Nam.

- Togo thực thi chính sách không liên kết, tham gia tích cực trong các vấn đề khu vực Tây Phi và trong Liên minh Châu phi. Quan hệ giữa Togo và các nước láng giềng nhìn chung tốt.

- Togo có mối quan hệ lịch sử văn hóa mật thiết với Pháp, Đức.  Là thuộc địa cũ của Pháp nên xã hội Togo còn mang nhiều ảnh hưởng của nước thuộc địa. Togo có mối liên hệ chặt chẽ với Pháp về nhiều mặt: chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, văn hoá…Togo công nhận một Trung quốc, đối với Trung quốc Togo là đối tác thương mại ở khu vực Tây Phi.  Năm 1987, Togo nối lại quan hệ với Israel.

- Togo là thành viên LHQ, Phong trào KLK, Liên minh Châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp (Francophonie), FAO, IMF, WTO và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác.

          4. Kinh tế

- Kinh tế Togo chủ yếu dựa vào nông nghiệp trồng trọt (ngô, sắn, kê). Nông nghiệp chiếm 65% lao động cả nước. Ca cao, cà phê, bông, phốt phát là các mặt hàng xuất khẩu chính, đóng góp khoảng 40% giá trị xuất khẩu.

- Về công nghiệp, Togo đứng thứ tư thế giới về sản xuất phốt phát, mặc dầu vậy ngành này cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của giá phốt-phát trên thị trường thế giới và do cạnh tranh với nước ngoài gia tăng.

- Togo được coi là một Thụy sĩ của Tây Phi nơi đặt trụ sở của quỹ phát triển Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Ngân hàng phát triển Tây Phi (BOAD) và các ngân hàng khu vực khác. Hơn 10 năm nay, Togo tiến hành cải cách kinh tế, bao gồm tư nhân hoá, minh bạch tài chính công, giảm chi tiêu chính phủ, ổn định chính trị và thúc đẩy thương mại, nhằm tìm lại vị trí trung tâm thương mại ở khu vực Tây Phi trước đây.

- Trong một thập kỷ qua, với sự giúp đỡ của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Togo đã áp dụng những biện pháp cải cách kinh tế (tư nhân hóa, mở rộng hoạt động tài chính công…), giảm chi tiêu chính phủ.

- GDP (2018 – PPP): 12,9 tỷ USD ; bình quân: 1.650 USD ; tăng trưởng: 4,4%.

II. Quan hệ với Việt Nam

1. Quan hệ ngoại giao, kinh tế:

- Việt Nam và Togo thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ ngày 8/2/1975. 

- Tháng 7/2006, Ông Kwame Okoua, cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng đặc trách, bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao và hội nhập châu Phi cùng 3 chuyên gia Bộ Nông nghiệp, chăn nuôi và nghề cá sang Việt Nam để bàn về hợp tác nông nghiệp, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chính: thủy lợi, trồng lúa nước và công nghệ sản xuất cà phê. Togo mong muốn được học tập kinh nghiệm và kỹ thuật của Việt Nam trong 3 lĩnh vực nói trên, hợp tác theo mô hình 2+1 dưới sự tài trợ của FAO. Phía Togo cho biết hiện đang triển khai Chương trình đặc biệt về an ninh lương thực (PSSA), qua đó có thể lồng ghép vào chương trình 2+1 để hưởng sự tài trợ của FAO.

- Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 mới đạt 156,3 triệu USD.

2. Trao đổi đoàn:

- Phía Việt Nam: Đồng chí Đào Tùng, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, dẫn đầu đoàn sang thăm và làm việc tại Togo (1979).

- Phía Togo: Tổng thống Eyadema Gnassingbé thăm chính thức Việt Nam (11/1995), Tổng thống Eyadema  Gnassingbé vào Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Francophonie cùng đi có con trai Faure Gnassingbé (hiện là Tổng thống Togo) (11/1997), bà Irène Ashira Assih, Bộ trưởng xã hội, phát triển phụ nữ và bảo vệ trẻ em  thăm Việt Nam (11/2000), Ông Kwame Okoua, cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng đặc trách, bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao và hội nhập châu Phi  (7/2006). Tháng 8/2008, Tổng thống Faure Gnassingbé dự kiến thăm Việt Nam nhưng hoãn cận ngày do tình hình thiên tai trong nước.

3. Các Hiệp định đã ký: Hiệp định khung hợp tác kinh tế-thương mại-văn hoá và khoa học kỹ thuật (1995), Hiệp định khung hợp tác kinh tế-thương mại-văn hoá và khoa học kỹ thuật mới thay thế Hiệp định ký năm 1995 (2010).

Đại sứ quán Togo tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Đại sứ quán Việt nam ở Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm Togo.

 

Tháng 4/2019

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer