TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ TÔ-GÔ VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA TÔ-GÔ
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hòa Tô-gô (Republic of Togo)
Thủ đô: Lô-mê (Lomé)
Quốc khánh: 27/4/1960
Vị trí địa lý: Nằm ở Tây Phi, bên bờ vịnh Bê-nanh, giữa Bê-nanh và Ga-na.
Diện tích: 56.785 km2
Khí hậu: Nhiệt đới, mùa đông khô và mùa hè mưa.
Dân số: 8,4 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Ngôn ngữ: tiếng Pháp
Đơn vị tiền tệ: Franc-CFA
GDP: 8,41 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 644 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Đạo cổ truyền 51%, Thiên chúa giáo 29% và Hồi giáo 20%.
Cơ cấu hành chính: gồm 5 khu vực, 30 quận.
Lãnh đạo chủ chốt:
- Tổng thống: Phô-rơ Ét-xô-dim-na Nha-xinh-bê (Faure Essozimna Gnassingbé (từ tháng 5/2005);
- Thủ tướng: Bà Vích-toa Xi-đê-mê-hô Tô-mê-ga Đoóc-bê (Victoire Sidémého Tomega Dogbé) (từ tháng 9/2020);
- Chủ tịch Quốc hội: Bà Ya-oa Gích-bo-đi Xê-găng (Yawa Djigbodi Tségan) (từ tháng 1/2019);
- Bộ trưởng Ngoại giao: Rô-be Đuýt-xây (Robert Dussey) (từ tháng 6/2013).
II. Khái quát lịch sử
Năm 1884, Đức ký với Vua Mpala tại Togoville một hiệp định bảo hộ, mở đường cho thực dân Đức đô hộ Tô-gô, kéo dài đến cuối Chiến tranh thế giới thứ I. Sau Chiến tranh Thế giới thứ I, Tô-gô bị phân chia thành vùng duyên hải Lomé thuộc Pháp, vùng lãnh thổ phía Tây thuộc Anh.
Năm 1922, Hội quốc liên ủy quyền cho Anh cai trị vùng phía Tây, Pháp cai trị vùng phía Đông. Vùng Tô-gô thuộc Anh tuyên bố sát nhập vào Ga-na năm 1956. Vùng Tô-gô thuộc Pháp trở thành quốc gia độc lập năm 1960 và Sylvanus Olympio trở thành vị Tổng thống đầu tiên. Năm 1963, Tổng thống Olympio bị ám sát. Thủ tướng Nicola Grunitzky lên cầm quyền.
Năm 1967, Eyadéma Gnassingbé đảo chính lật đổ Nicola Grumnitzky và lên nắm quyền cho đến khi qua đời vào tháng 02/2005. Giới quân sự đưa con trai ông là Faure Gnassingbé lên thay thế. Dưới sức ép trong nước và của Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), ông Faure Gnassingbé đã cho tổ chức bầu cử hợp hiến tháng 4/2005. Kết quả, ông Faure Gnassingbé giành thắng lợi với 60,2% số phiếu. ECOWAS đã đóng vai trò trung gian hòa giải giúp chấm dứt bạo động giữa chính phủ và phe đối lập trước và sau bầu cử, thiết lập lại trật tự tại Tô-gô.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Thể chế nhà nước: Tô-gô theo chế độ Cộng hòa tổng thống. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm, là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ. Từ tháng 5/2019, giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống được áp dụng là 2 nhiệm kỳ 5 năm và không tính các nhiệm kỳ trước 2019, do đó tổng thống đương nhiệm được tranh cử và nếu thắng cử thì được nắm quyền tới năm 2030.
- Cơ cấu nghị viện: Quốc hội theo hệ thống đơn viện, gồm 91 ghế, đại biểu nhiệm kỳ 5 năm.
- Các đảng chính trị chính: Togo gồm 16 đảng phái chính trị, trong đó có các đảng chính sau:
+ Liên minh vì nền Cộng hòa (Union pour la République - UNIR): Đảng cầm quyền – tiền thân là Đảng Liên minh đảng nhân dân Tô-gô (RPT) của cố Tổng thống Eyadema Gnassingbé thành lập vào năm 2012
+ Liên minh các lực lượng vì sự thay đổi (Union des Forces du Changement – UFC): được thành lập năm 2011, Chủ tịch đảng là ông Leon Kengo.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Tổng thống Faure Gnassingbé tái đắc cử tại các cuộc bầu cử năm 2010, 2015 và 2020. Năm 2017, phe đối lập đã kêu gọi sửa đổi Hiến pháp, quay trở lại quy định giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ Tổng thống và tổ chức bầu cử Tổng thống 2 vòng. Đến tháng 5/2019, Hiến pháp do ông Faure Gnassingbé đề xuất sửa đổi đã được thông qua, theo đó Tổng thống được bầu thông qua bỏ phiếu kín hai vòng với nhiệm kỳ 5 năm, có thể kéo dài thêm tối đa 1 nhiệm kỳ. Tình hình an ninh – chính trị tại Tô-gô duy trì ổn định.
2. Kinh tế - Xã hội
Kinh tế Tô-gô chủ yếu dựa vào nông nghiệp trồng trọt (ngô, sắn, kê) và khai khoáng. Nông nghiệp chiếm 65% lao động cả nước. Về công nghiệp, Tô-gô đứng thứ tư thế giới về sản xuất phốt phát. Năm 2014, Tô-gô chính thức đưa vào sử dụng cảng công-ten-nơ ở Bolloré và cầu cảng của LCT (liên doanh giữa MSC và công ty China Merchant Holding International), giúp Lomé trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa lớn tại Tây Phi. Togo từ lâu giữ vai trò là trung tâm ngân hàng của khu vực, nhưng mất vị thế do bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế vào đầu những năm 1990. Lĩnh vực tài chính ở Togo, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng ở trong tình trạng bấp bênh. Trái ngược với lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực tài chính vi mô ở Togo tương đối mạnh và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân Tô-gô.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Ca cao, cà phê, bông, phốt phát là các mặt hàng xuất khẩu chính, đóng góp khoảng 40% giá trị xuất khẩu.
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: máy móc, thiết bị, thực phẩn, sản phẩm dầu mỏ.
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Bỉ, Ni-giê-ri-a, Hàn Quốc, Hà Lan, Ca-mơ-run.
- Tô-gô đứng thứ 167/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp là 4%. Tỷ lệ nhân viên y tế là 1 trên 10.000 dân. Tỷ lệ biết chữ là 66,5% ở người lớn trên 15 tuổi.
V. Chính sách đối ngoại
- Tô-gô thực thi chính sách đối ngoại không liên kết, tích cực thể hiện vai trò trong các vấn đề khu vực Tây Phi và trong Liên minh châu Phi, quan hệ tốt với các nước láng giềng, đặc biệt là Ga-na và Bờ Biển Ngà.
Tô-gô là thành viên Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), FAO, IMF, WTO…. Tô-gô cũng tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình, chủ yếu tại Phái bộ MINUSMA tại Ma-li.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM – TÔ-GÔ
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Tô-gô thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/2/1975.
¬- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm Tô-gô. Đại sứ quán Tô-gô tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Tô-gô: Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đào Tùng (1979).
+ Đoàn Tô-gô thăm Việt Nam: Tổng thống Eyadema Gnassingbé thăm chính thức Việt Nam (11/1995), Tổng thống Eyadema Gnassingbé vào Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Francophonie cùng đi có con trai Faure Gnassingbé (hiện là Tổng thống Togo) (11/1997), bà Irène Ashira Assih, Bộ trưởng Bộ Xã hội, Phát triển phụ nữ và Bảo vệ trẻ em (11/2000), Ông Kwame Okoua, Cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng đặc trách, bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nhập châu Phi (7/2006).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 dự kiến đạt 272,7 triệu USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu hạt điều và bông, xuất khẩu chủ yếu xe máy nguyên chiếc, phụ tùng xe máy, gạo…
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trên các diễn đàn đa phương: hai nước hợp tác tốt trên các diễn đàn đa phương. Gần đây, Tô-gô ủng hộ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định khung hợp tác kinh tế-thương mại-văn hoá và khoa học kỹ thuật (1995), Hiệp định khung hợp tác kinh tế-thương mại-văn hoá và khoa học kỹ thuật mới thay thế Hiệp định ký năm 1995 (2010).
V. Thông tin cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm Tô-gô
Địa chỉ: No. 9, Avenue River Niger, Maitama District, Abuja
ĐT: +234 9 8703678
Fax: +234 9 8703679
Email: vnemb.ng@mofa.gov.vn; hoặc dsqvnnigeria@yahoo.com
Đại sứ quán Tô-tô tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: No. 11, Dong Zhi Men Wai Da Jie, Chaoyang, Beijing, 100600
ĐT: +86 10 65322202/
+86 10 65322444
Fax: +86 10 65325884
Tháng 8/2022
Back Top page Print Email |