TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ TRUNG PHI VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HOÀ TRUNG PHI
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hoà Trung Phi (Central African Republic)                               
Thủ đô: Băng-ghi (Bangui)                               
Quốc khánh: 13/8/1960                               
Vị trí địa lý: Nước Cộng hoà Trung Phi nằm ở miền Trung châu Phi, Đông giáp Xu-đăng (Sudan), Tây giáp Ca-mơ-run (Cameroon), Nam giáp CHDC Công-gô (Congo) và CH Công-gô (Congo), Bắc giáp Sát (Chad).                               
Diện tích: 622.984 km2                     
Khí hậu: Nhiệt đới, nóng và ẩm.
Dân số: 4,9 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                               
Ngôn ngữ: Tiếng Pháp, tiếng Sango.                               
Đơn vị tiền tệ: đồng Franc CFA (1 USD = 555,68 CFA)                               
GDP (thực tế): 2,52 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                               
GDP/đầu người: 411 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                               
Tôn giáo: Tín ngưỡng cổ truyền 35%, Thiên Chúa giáo (Cơ đốc) 25%, Tin lành 25%, Hồi giáo 15%.                              
Cơ cấu hành chính: được chia thành 14 tỉnh, cùng 2 tỉnh kinh tế và một thành phố tự trị.                               
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Phô-xơ-tanh Tu-a-đê-ra(Faustin Touadera) (từ tháng 3/2016, tái đắc cử tháng 2/2021);
+ Thủ tướng: Phê-lích Mô-lu-a (Felix Moloua) (từ tháng 7/2/2022);
+ Chủ tịch Quốc hội: Xanh-pơ-li-xơ Xa-răng-gi (Simplice Sarandji) (từ tháng 5/2021)
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập châu Phi và các vấn đề Pháp ngữ: Xin-vi Bai-pô Tê-môn (Sylvie Baipo-Temon) (từ tháng 12/2018).                           
II. Khái quát lịch sử
Thực dân châu Âu tìm đến lãnh thổ CH Trung Phi vào cuối thế kỷ thứ 19 trong công cuộc khám phá và thuộc địa hóa châu Phi. Người Pháp xâm nhập vào châu Phi từ phía CH Congo của Pierre Savorgnant de Brazza. Bỉ, Đức và Anh cũng tăng cường hiện diện tại khu vực.
Năm 1887, Pháp tuyên bố chiếm đóng khu vực kéo dài đến sông Oubangui tại lãnh thổ của Trung Phi trong hiệp ước của Nhà nước Tự do Congo. Đến năm 1894, Congo thuộc Pháp, Congo thuộc Bỉ và Cameroon thuộc Đức đã được xác lập qua các hiệp định ngoại giao, sau đó Pháp tuyên bố vùng đất Ubangi-Shari của Trung Phi thành thuộc địa của mình.
Tháng 9/1940, tướng Leclerc của Pháp thiết lập vùng quản lý của Lực lượng Pháp tự do tại Bangui. Năm 1946, nhà chính trị yêu nước da đen Barthelemy Boganda được bầu vào Quốc hội Pháp, là người Trung Phi đầu tiên đại diện cho nước này tại chính phủ Pháp. Ông này nêu cao ngọn cờ chống phân biệt chủng tộc, trở về Trung Phi để thành lập Phong trào Tiến bộ xã hội vì châu Phi da đen (MESAN) vào năm 1950.
Năm 1957, Boganda tuyên bố lập nước CH Trung Phi và trở thành Thủ tướng đầu tiên của nước này. Tháng 3/1959, Boganda chết trong một tai nạn máy bay, em trai ông David Dacko kế nhiệm vai trò lãnh đạo MESAN và trở thành Tổng thống đầu tiên của CH Trung Phi sau khi được Pháp trao trả độc lập ngày 13/8/1960.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Thể chế nhà nước: Cộng hòa bán Tổng thống, theo đó Tổng thống đứng đầu Nhà nước còn Thủ tướng đứng đầu Chính phủ. Quyền lập pháp thuộc Quốc hội và một phần thuộc Chính phủ.
- Cơ cấu nghị viện: Cơ cấu đơn viện với Quốc hội gồm 140 nghị sỹ, nhiệm kỳ 5 năm, tái cử 1 lần.
- Các đảng phái chính trị: Trung Phi có hơn 11 đảng phái, trong đó có các đảng phái chính như sau:
+ Đảng Phong trào trái tim đoàn kết – MCU: là đảng cầm quyền do Tổng thống Faustin Touadera thành lập năm 2018.
+ Phong trào giải phóng nhân dân Trung Phi – MLPC: được thành lập năm 1978, nay do ông Mác-tin Zi-gu-ê-lê (Martin Ziguele) làm chủ tịch đảng,
+ Đảng quốc gia đoàn kết Kwa Na Kwa – KNK: đảng của cựu tổng thống Phơ-răng-xoa Bo-di-dê (Francois Bozize) thành lập từ năm 2009. Sau cuộc đảo chính tháng 3/2003, Bozizé cam kết sẽ không tranh cử trong các cuộc bầu cử trong tương lai. Tháng 8/2004, một liên minh của các đảng chính trị nhỏ, doanh nghiệp và các nhà hoạt động chính trị đã sát nhập các đảng nhỏ thành đảng "Kwa Na Kwa" như một liên minh chính trị để vận động cho ông Bozizé ứng cử tổng thống.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Kể từ khi giành được độc lập, tình hình chính trị - an ninh tại CH Trung Phi cơ bản chưa ổn định, chủ yếu do tranh chấp quyền lực giữa các đảng phái. LHQ đã triển khai Lực lượng gìn giữ Hòa bình (MINUSCA) tại CH Trung Phi từ 2014.
  2. Kinh tế - Xã hội:
 - Kinh tế Trung Phi chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp và khai khoáng. Nông nghiệp chiếm hơn 1/2 GDP, gỗ chiếm 16% thu nhập xuất khẩu và công nghiệp kim cương chiếm 40%. Sản phẩm nông nghiệp có: bông, cafe, sắn, lạc, lúa, ngô, kê... Về khoáng sản ngoài kim cương còn có sắt, mangan, nikel... nhưng sản lượng thấp.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: kim cương, gỗ, bông, dầu thô, cà phê.
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: lương thực, sản phẩm dệt may, xăng dầu, máy móc, thiết bị điện tử, dược phẩm, hóa chất.
+ Các đối tác thương mại chính: Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Cameroon, Burundi, Nam Phi, Nhật Bản...
 - Trung Phi đứng thứ 188/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp là 6,6%. Tỷ lệ nhân viên y tế là 1 trên 10.000 dân. Tỷ lệ biết chữ là 37% ở người lớn trên 15 tuổi.
  3. An ninh - quốc phòng
 Nội chiến tại Cộng hòa Trung Phi giữa chính phủ, quân nổi dậy từ liên minh Séléka và dân quân chống Balaka kéo dài từ tháng 12/2012 tới nay. Các lực lượng quốc tế hỗ trợ quân đội chính phủ và gìn giữ hòa bình gồm lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc MINUSCA, quân đội Rwanda, Nga, lực lượng liên minh châu ÂU EUTM, Tập đoàn Wagner Nga.
V. Chính sách đối ngoại
 CH Trung Phi thực hiện đường lối chính trị mở cửa. CH Trung Phi là thành viên LHQ, Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF)… 
B. QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG PHI
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và CH Trung Phi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 10/11/2008.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kiêm nhiệm CH Trung Phi. Đại sứ quán CH Trung Phi tại Pháp kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm CH Trung Phi: Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (6/2010).
+ Đoàn CH Trung Phi thăm Việt Nam: Tổng thống Ange Felix Patataassé dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội (11/1997), Bộ trưởng Ngoại giao Kombo Yaya (11/2008), Tổng thống François Bozizé (5/2009), Cố vấn Đối ngoại của Tổng thống Joseph Kiticki tham dự Hội thảo Việt Nam – châu Phi lần 2 (8/2010).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại hai nước: năm 2021 dự kiến đạt 43,6 triệu USD. Ta nhập khẩu chủ yếu gỗ và các sản phẩm gỗ.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
 1. Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương
Hai nước phối hợp tốt trên các diễn đàn đa phương. Gần đây, CH Trung Phi ủng hộ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
2. Hợp tác an ninh - quốc phòng
Hiện Việt Nam đang có 7 sỹ quan tham mưu và liên lạc tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại CH Trung Phi (Minusca).
V. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định khung về hợp tác giữa hai nước, Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp (5/2009); Biên bản làm việc với các Bộ Quốc phòng, Lao động, Thương binh và Xã hội (8/2010).
VI. Thông tin Cơ quan đại diện
ĐSQ Việt Nam tại Pháp kiêm nhiệm Trung Phi
Địachỉ: 61, rue de Moromesnil, 75008, Paris
Đt: +33 1 4414 6400     Fax: +33 1 4524 3948
Email: vnparis.fr@gmail.com

ĐSQ Trung Phi tại Pháp kiêm nhiệm Việt Nam.
Địachỉ: 30, rue de Perchamps, 75016 Paris
Đt: +33 1 55747310    Fax: +33 1 55744025
Email: ambassadercafrance@yahoo.fr

Tháng 8/2022


Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn