BỘ NGOẠI GIAO
Vụ Trung Đông - Châu Phi
---o0o---
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA SÁT VÀ
QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
-----
1. Khái quát :
- Tên nước: Cộng hoà Sát (Republic of Chad)
- Vị trí: nằm trong lục địa, thuộc miền Trung châu Phi. Chad có biên giới giáp với vùng Darfur của Sudan về phía Đông, Lybia về phía Bắc, Niger về phía Tây, Cộng hòa Trung Phi về phía Nam và Cameroon và Nigeria về phía Tây Nam.
- Diện tích: 1,284 triệu km2, là quốc gia không giáp biển lớn nhất châu Phi.
- Dân số: 15,8 triệu người (7/2018)
- Tôn giáo: Đạo Hồi 53,1%, Thiên Chúa giáo 20,1%, Tin Lành 14,2%, Bái vật giáo 7,3%, thuyết vô thần 3,1%, khác 0,3%.
- Ngôn ngữ chính : Tiếng Pháp và tiếng A-rập.
- Thủ đô: N'Djamena
- Tổng thống: Idriss Déby Itno (từ 1990)
- Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập châu Phi và Hợp tác Quốc tế: Mahamat Zene Cherif (từ 2017)
- Quốc khánh: 11/8/1960
- Quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 05/10/1981
Lịch sử :
- Chad được Pháp trao trả độc lập năm 1960. Francois Tombalbaye được bầu làm Tổng thống kiêm Thủ tướng đầu tiên. Ngay sau khi giành được độc lập, Chad rơi vào cuộc nội chiến triền miên giữa bộ tộc Toubou ở miền Bắc theo đạo Hồi và những bộ tộc theo đạo Bái vật giáo và Thiên chúa giáo ở miền Nam. Ngày 13/4/1975, Felix Malloum tiến hành đảo chính quân sự lật đổ Tombalbaye, lên nắm quyền.
- Ngày 21/8/1978 Félix Malloum buộc phải nhường quyền cho một chính phủ đoàn kết dân tộc do Hissène Habré đứng ra thành lập chính phủ, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến.
- Ngày 1/12/1990 Idriss Deby Itno lãnh tụ Phong trào cứu quốc làm đảo chính lật đổ H.Habré lên làm Tổng thống kiêm chỉ huy các lực lượng vũ trang. Chad bước vào giai đoạn chuyển tiếp chế độ do Hội đồng Dân tộc Tối cao (CST) lãnh đạo.
- Chính quyền mới vẫn phải đối phó với bất ổn chính trị và đang cố gắng dàn xếp mâu thuẫn nội bộ, kéo dài thời kỳ chuyển tiếp thêm l năm nữa (hết năm 1996) và Idriss Déby Itno trúng cử nhiệm kỳ thứ nhất theo chế độ bầu cử đa đảng năm 1996 và tiếp theo năm 2001.
- Ngày 12/1/1997, Chad đã tiến hành bầu cử quốc hội với 125 đại biểu. Tổng thống Idriss Deby đã chỉ định ông Nasour Ouaidou Guelendouksia làm thủ tướng, chấm dứt thời kỳ chuyển tiếp.
- Tháng 4/2006, ba tuần lễ trước ngày bầu cử, lực lượng của Mặt trận Thống nhất vì sự thay đổi dân chủ (FUC) đã mở cuộc tấn công từ phía đông, giáp biên giới Sudan, chiếm nhiều thị trấn và sau đó tấn công vào thủ đô N’Djamena, song đã bị quân chính phủ đẩy lùi. Chad tố cáo Sudan ủng hộ lực lượng nổi dậy Chad và cắt quan hệ ngoại giao với Sudan. Ngày 10/8/2006, hai nước thiết lập lại quan hệ ngoại giao sau 4 tháng cắt đứt quan hệ.
- Ngày 3/5/2006 Cộng hoà Chad đã tiến hành bầu cử Tổng thống mới. Đương kim Tổng thống Idriss Déby Itno đã giành thắng lợi với số phiếu áp đảo 77,5% phiếu bầu và tiếp tục lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 3.
- Trong các năm 2006 và 2008, các lực lượng nổi dậy đã cố gắng giành lấy quyền kiểm soát thủ đô tuy nhiên đều thất bại.
- Ông Idriss Desby Itno tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2011.
2. Chính trị:
a) Đối nội:
Hiện nay, Chad thực hiện chế độ đa đảng. Đảng cầm quyền là đảng Phong trào yêu nước cứu quốc (MPS) do Idriss Deby dứng đầu. Đảng đối lập chính là Mặt trận dân tộc giải phóng Chad.
b) Đối ngoại :
- Chad là thành viên LHQ, AU, Francophonie, Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC)...
- Chad có quan hệ mật thiết với các nước phương Tây (nhất là Pháp và Mỹ) và Trung Quốc.
- Quan hệ giữa Chad với các nước láng giềng nhìn chung là tốt, ngoại trừ quan hệ với Libya và Sudan biến động nhiều theo thời gian.
3. Kinh tế:
- Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Chad hiện là một trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới. Chad là nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, 80% dân số làm nghề nông, nhưng chỉ chiếm khoảng 21% GDP. Nông sản chính là lúa, ngô, lạc, bông... Các nguồn tài nguyên thiên nhiên chính: dầu lửa, uranium, vàng, cao lanh, cát, muối. Chad luôn bị hạn hán nghiêm trọng, an ninh lương thực bị đe dọa. Nước này cũng bắt đầu xuất khẩu dầu từ 2004.
Một số thông tin kinh tế cơ bản (2018) :
- GDP (PPP): 28,6 tỉ USD
- GDP đầu người (tính theo sức mua): 2.340 USD
- Tăng trưởng GDP: -3,1%
4. Quan hệ Việt Nam-Chad:
- Quan hệ chính trị: Việt Nam và Chad lập quan hệ ngoại giao ngày 5/10/1981. Hai nước có quan hệ chính trị tốt đẹp, bạn ủng hộ ta ứng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.
+ Các văn bản đã ký kết: Hiệp định khung hợp tác nhân dịp Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội (15/11/1997), Hiệp định hợp tác ba bên trong lĩnh vực nông nghiệp với FAO và CH Tchad (26/3/2010).
- Quan hệ kinh tế: Quan hệ thương mại giữa hai quốc gia còn khiêm tốn. Năm 2017, kim ngạch song phương chỉ đạt 3,1 triệu USD.
5. Thông tin CQĐD: ĐSQ Việt Nam tại Nigeria phụ trách Chad; ĐSQ Chad tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Tháng 4/2019