TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA SÁT VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA SÁT
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hòa Sát (Republic of Chad)
Thủ đô: Gia-mê-na (N’Djamena)
Quốc khánh: 11/8/1960
Vị trí địa lý: nằm trong lục địa, thuộc miền Trung châu Phi, không giáp biển; phía Đông giáp Xu-đăng, phía Bắc giáp Li-bi, phía Tây giáp Ni-giê, phía Nam giáp Cộng hòa Trung Phi và phía Tây Nam giáp Ca-mơ-run và Ni-giê-ri-a.
Diện tích: 1,284 triệu km2
Khí hậu: Nhiệt đới nóng, sa mạc Xa-ha-ra ở phía Bắc, xa-van đồng cỏ ở phía Nam
Dân số: 16,91 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: Người Hồi giáo, Sara, Ngambaye, Mbaye, Goulaye, Moundang, Moussei, Massa...
Ngôn ngữ: Tiếng Pháp và tiếng A-rập
Đơn vị tiền tệ: Franc CFA Trung Phi (1 USD = 630 XAF)
GDP: 11,77 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 605 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Đạo Hồi 53,1%, Thiên Chúa giáo 20,1%, Tin Lành 14,2%, Bái vật giáo 7,3%, thuyết vô thần 3,1%, khác 0,3%.
Cơ cấu hành chính: 23 vùng/khu vực hành chính
Lãnh đạo chủ chốt: Chính quyền hiện nay tại Cộng hòa Sát là chính quyền chuyển tiếp quân sự.
+ Tổng thống: Ma-ha-mát I-rít Đê-bi Ít-nô (Mahamat Idriss Deby Itno);
+ Thủ tướng: Pa-hi-mi Pa-đác-kê An-bớt (Pahimi Padacke Albert);
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập châu Phi và Người Sát ở nước ngoài: Xê-rít Ma-ha-mát Giên (Cherif Mahamat Zene).
II. Khái quát lịch sử
Cộng hòa Sát là nước có lịch sử lâu đời. Từ hơn 2000 năm trước Công nguyên, vùng hồ Sát là nơi sinh sống của nhiều cư dân làm nông nghiệp, săn bắn thuộc các vương quốc Xao, Ca-nem, Goa-đai.
Năm 1891, thực dân Pháp xâm lược Ca-nem và giành thắng lợi năm 1893, thiết lập chế độ bảo hộ. Từ năm 1900-1940, Sát nằm dưới chế độ thực dân Pháp, trong nhóm các nước thuộc địa rộng lớn gọi là “châu Phi Xích đạo thuộc Pháp”.
Cộng hòa Sát trở thành nước tự trị thuộc Cộng đồng Pháp và được Pháp đồng ý trao trả độc lập vào 12/7/1960. Ngày 11/8/1960, Cộng hòa Sát tuyên bố độc lập, Phran-xoi Tôm-ban-bay (François Tombalbaye) trở thành Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Sát.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Sát theo thể chế cộng hòa tổng thống. Tổng thống đứng đầu nhà nước, có quyền bổ nhiệm Thủ tướng và nội các. Tổng thống được bầu trực tiếp theo phổ thông đầu phiếu, có nhiệm kỳ 5 năm; giới hạn nhiệm kỳ được bãi bỏ vào năm 2005, cho phép tổng thống duy trì quyền lực sau khi hết hạn 2 nhiệm kỳ.
- Cơ cấu Nghị viện: Sát theo cơ cấu đơn viện gồm Quốc hội với 188 ghế, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm.
- Đảng phái chính trị: Hiện có khoảng 22 đảng phái đang hoạt động, trong đó nổi bật là:
+ Đảng Phong trào Yêu nước Cứu quốc (MPS): thành lập tháng 3/1990, là Đảng cầm quyền, hiện được lãnh đạo bởi ông Ha-rôn Ka-ba-đi (Haroun Kabadi).
+ Đảng Tập hợp vì Dân chủ và Tiến bộ (RPD): thành lập tháng 12/1991, hiện được lãnh đạo bởi ông Lô Ma-ha-mát Chô-a (Lol Mahamat Choua).
+ Đảng Tập hợp quốc gia vì Phát triển và Tiến bộ (VIVA): thành lập năm 1992, hiện được lãnh đạo bởi ông Đen-goa Ca-xi-rê Cô-ma-coi-ê (Delwa Kassiré Koumakoye).
+ Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ và Đổi mới (UNDR): thành lập tháng 4/1992, hiện được lãnh đạo bởi ông Xa-lê Ke-da-bô (Saleh Kebzabo).
+ Đảng Liên minh vì Đổi mới và Dân chủ (URD): thành lập tháng 3/1992, hiện được lãnh đạo bởi ông Xan-đê Nờ-ga-rim-bê (Sande Ngaryimbé).
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Kể từ giành được độc lập năm 1960, Cộng hòa Sát thường xuyên trong tình trạng bất ổn chính trị - an ninh do xung đột giữa các đảng phái và nguy cơ xung đột giữa quân đội với các nhóm phiến quân nổi dậy.
Ông I-rít Đê-bi Ít-nô (Idriss Déby Itno) liên tiếp nắm quyền Tổng thống từ 2001 đến 2021. Ngày 20/4/2021, ngay sau khi có kết quả tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6, ông I-rít Đê-bi Ít-nô tử nạn do bị thương khi ra mặt trận chỉ huy quân đội chống lại các cuộc tấn công khủng bố của nhóm phiến quân tự xưng “Mặt trận vì sự thay đổi và hòa hợp tại Sát” (FACT) tại phía Bắc. Con trai ông này là Ma-ha-mát Đê-bi Ít-nô, 37 tuổi, tướng 4 sao trong quân đội, được Hội đồng quân sự chuyển tiếp đề cử là Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp, lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng trước khi tiến hành bầu cử tổng thống mới. Hội đồng Quân sự đã giải tán Chính phủ, Quốc hội và thành lập Chính phủ chuyển tiếp cũng như Quốc hội chuyển tiếp.
2. Kinh tế - Xã hội
- Kinh tế: Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Cộng hòa Sát hiện là một trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới. Cộng hòa Sát là nước nông nghiệp lạc hậu, 80% dân số làm nghề nông, nhưng chỉ chiếm khoảng 21% GDP. Nông sản chính là lúa, ngô, lạc, bông... Các nguồn tài nguyên thiên nhiên chính: dầu lửa, uranium, vàng, cao lanh, cát, muối... Cộng hòa Sát bắt đầu xuất khẩu dầu từ 2004.
+ Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 46.34%, công nghiệp 15.79%, dịch vụ 43.82%.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Dầu mỏ, nông sản, bông, cao su…
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Trang thiết bị, máy móc thiết bị vận tải, hàng công nghiệp, thực phẩm, dệt may...
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp…
- Xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 của Sát là 0.398, xếp thứ 187/189 và thuộc nhóm quốc gia có chỉ số HDI thấp. 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Chỉ 22,31% tổng dân số trên 15 tuổi biết đọc và viết. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế tại Sát bị hạn chế.
3. An ninh-quốc phòng
Sát thuộc Xa-hen - khu vực bất ổn nhất châu Phi, chịu áp lực lớn từ khủng bố, đặc biệt là từ các nhóm thánh chiến liên quan đến Al-Qaeda, IS và Bô-cô Ha-ram phía Tây (vùng hồ Sát ở ngã 3 biên giới với Ni-giê-ri-a và Ni-giê).
Sát đóng vai trò quan trọng tại khu vực, đặc biệt trong việc thành lập và duy trì lực lượng chống khủng bố: lực lượng đa quốc gia chống Bô-cô Ha-ram (cùng Ni-giê, Ni-giê-ri-a và Ca-mơ-run), Nhóm G5 Xa-hen (cùng Ni-giê, Mô-ri-ta-ni-a, Ma-li và Buốc-ki-na Pha-xô, lực lượng đa quốc gia chống khủng bố tại khu vực biên giới chung từ cuối 2017).
V. Chính sách đối ngoại
- Cộng hòa Sát có quan hệ mật thiết với các nước phương Tây (nhất là Pháp và Mỹ) và Trung Quốc. Quan hệ giữa Sát với các nước láng giềng nhìn chung tốt, ngoại trừ quan hệ với Li-bi và Xu-đăng biến động theo thời gian.
- Cộng hòa Sát là thành viên Liên hợp quốc, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế, Tiền tệ Trung Phi (CEMAC)...
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - CỘNG HÒA SÁT
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Cộng hòa Sát lập quan hệ ngoại giao ngày 5/10/1981.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm Sát. Đại sứ quán Cộng hòa Sát tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Cộng hòa Sát thăm Việt Nam: Bộ trường Ngoại giao và Hợp tác Ma-ha-mát Xa-lê An-na-đíp (Mahamat Saleh Annadif) nhân dịp Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội (1997); Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Đang-giê Lao-bê-lê Đa-mây (Dangdé Laobélé Damaye) (2013).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 ước đạt 12,9 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất phần lớn với máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nhập khẩu chủ yếu bông các loại, chất dẻo nguyên liệu. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 6,24 triệu USD, năm 2019 đạt 1,82 triệu USD.
2. Nông nghiệp
Giai đoạn 2011-2012, Việt Nam đã cử 10 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp sang hỗ trợ Cộng hòa Sát trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quy hoạch thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, nuôi ong mật… theo Hiệp định hợp tác ba bên trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam-FAO-Sát.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Việt Nam - Sát thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Gần đây, Sát ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định/Thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định khung hợp tác nhân dịp Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội (1997); Hiệp định hợp tác ba bên trong lĩnh vực nông nghiệp với FAO và Cộng hòa Sát (2010).
V. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm Sát
Địa chỉ: No 1, Kyari Mohammed Crescent, Asokoro, Abuja, Nigeria
ĐT: +234 8 137086724
Fax: +234 9 8703679
Email: vnemb.ng@mofa.gov.vn; hoặc dsqvnnigeria@yahoo.com
Đại sứ quán Sát tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: Tayuan Diplomatic Building No.1, Xin Dong Lu
Đt: +86 10 8532 3822
Fax: +86 10 8532 2783
Email: ambatchad.beijing@yahoo.fr
Tháng 8/2022
Back Top page Print Email |