TLCB Cô-mo tháng 3/2020
BỘ NGOẠI GIAO
---oOo---
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA CÔ-MO
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Liên bang Cô-mo (The Union of the Comoros)
- Thủ đô: Mô-rô-ni (Moroni)
- Vị trí địa lý: Cô-mo nằm ở Đông Phi, gồm ba đảo núi lửa (Ngazidja, Moili và Ndzouani) ở Ấn Độ Dương về phía Tây Bắc Madagascar. Địa hình chủ yếu là các cao nguyên đất bazan thoải dần về phía các dải đồng bằng hẹp ven biển.
- Diện tích: 2.235 km2
- Dân số: 850.910 người (2019)
- Ngôn ngữ: tiếng Ả-rập và tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức; ngoài ra tiếng Shikomoro, một kiểu ngôn ngữ kết hợp giữa tiếng Swahili và Ả-rập cũng được sử dụng.
- Tôn giáo: đạo Hồi chiếm 98%, đạo Thiên Chúa 2%
- Thể chế nhà nước: Cộng hòa Liên bang
- Ngày Quốc khánh: 6/7/1975
- Tổng thống: A-da-li Át-xu-ma-ni (Azali Assoumani) (tái đắc cử tháng 4/2019)
- Ngoại trưởng: Ông Mô-ha-mét En A-min Sớp (Mohamed El-Amine Souef) (từ 2017)
- Đơn vị tiền tệ: đồng Franc Comoros (KMF)
II. LỊCH SỬ
Cô-mo nguyên là thuộc địa của Pháp. Năm 1841, Pháp chiếm đảo Mayotte, sau đó chiếm các đảo Anjouan, Moheli và Comore lớn. Năm 1886, Pháp đặt Cô-mo dưới chế độ bảo hộ và năm 1912 chính thức tuyên bố Cô-mo là thuộc địa. Lúc đầu, Pháp sáp nhập Cô-mo vào Reunion, sau đó vào Madagascar. Khi Madagascar độc lập (1960), Cô-mo được Pháp dành cho một chế độ tự trị về đối nội.
Trong những năm 60, nhân dân Cô-mo liên tục đứng lên đấu tranh đòi độc lập. Trước tình hình đó, ngày 22/12/1974 Pháp phải tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Cô-mo, nhưng dàn xếp bỏ phiếu riêng ở từng đảo nhằm tách đảo Mayotte, nơi họ có nhiều ảnh hưởng, để tiếp tục đặt dưới sự kiểm soát của mình. Kết quả, 3 đảo đòi được độc lập; riêng đảo Mayotte, do Pháp nắm được đa số dân theo đạo Thiên chúa nên 63% số dân đã bỏ phiếu tán thành giữ nguyên quan hệ với Pháp. Do cuộc đàm phán về vấn đề trao trả độc lập cho Cô-mo giữa Chính phủ Cô-mo và Chính phủ Pháp không đi đến kết quả nên ngày 6/7/1975 Quốc hội Cô-mo đơn phương tuyên bố Cô-mo độc lập do Ahmed Abdallah, thủ lĩnh Liên minh dân chủ Cô-mo, làm Tổng thống (đảo Mayotte vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Pháp).
Sau khi Cô-mo tuyên bố độc lập, ngày 6/7/1975 Pháp thừa nhận nền độc lập của Cô-mo nhưng vẫn tuyên bố tách đảo Mayotte ra và ngày 18/7/1975 đưa quân đến chiếm đóng đảo này.
Tổng thống Ahmed Abdallah, mặc dù là người thân Pháp, nhưng khi cầm quyền đã có thái độ bảo vệ chủ quyền dân tộc, chống lại âm mưu chia cắt, chiếm đóng đảo Mayotte của Pháp. Vì vậy, ngày 3/8/1975, Pháp tiến hành đảo chính lật đổ Abdallah và đưa ông Ali Sohili, Thủ lĩnh đảng Unma-Mranda lên cầm quyền. Tuy nhiên, ông Sohili cũng có tinh thần chống Pháp, đòi Pháp phải trả lại đảo Mayotte cho Cô-mo. Năm 1976, Pháp đã hai lần tổ chức trưng cầu dân ý ở Mayotte để thông qua quy chế Mayotte là một lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp nhằm hợp pháp hoá sự chiếm đóng của họ.
Theo kết quả bầu cử năm 1990, Said Mohammed Djohar đã được bầu làm Tổng thống mới.
Ngày 2/10/1995, đảo chính lật đổ Djohar. Tổng thống mới là Mohamed Taki.
Ngày 3/8/97, đảo Anjouan tuyên bố li khai và muốn sát nhập vào Pháp.
Năm 1999, Đại tá Azali lãnh đạo quân đội lên nắm quyền. Azali yêu cầu giải quyết vấn đề li khai bằng Hiệp ước Fomdoni năm 2000. Vào tháng 12 năm 2001, cử tri đã thông qua Hiến pháp mới, Cuộc bầu cử Tổng thống vào mùa xuân năm 2002 đã chính thức đưa Azali lên làm Tổng thống (2002 – 2006 sau đó được tái bầu từ tháng 5/2016).
III. CHÍNH TRỊ
1. Đối nội
Thể chế: Cộng hoà Tổng thống
Các đảng phái chính: Đại hội quốc gia vì sự phát triển (RND), Mặt trận dân tộc vì luật pháp (FNJ).
Tổng thống Cô-mo là nguyên thủ quốc gia và là người đứng đầu chính phủ, và một hệ thống chính trị đa đảng. Hiến pháp của Cô-mo đã được phê duyệt bởi cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 12 năm 2001.
Quyền hành pháp thuộc chính phủ. Quyền lập pháp liên bang được trao cho cả chính phủ và quốc hội. Lời nói đầu của Hiến pháp bảo đảm Hồi giáo có mặt trong chính trị cũng như cam kết về nhân quyền, và một số quyền được liệt kê cụ thể trong đó có dân chủ được áp dụng cho tất cả người dân Cô-mo. Các đảo (theo Tiêu đề II của Hiến pháp) có quyền tự trị lớn trong liên bang, bao gồm có hiến pháp riêng của họ (hoặc Luật cơ bản), có chủ tịch và Quốc hội riêng. Tổng thống và Hội đồng Liên bang được giao xoay vòng giữ người đứng đầu chính phủ các đảo.
Hệ thống pháp luật Cô-mo dựa trên luật Hồi giáo. Già làng, kadis hoặc tòa án dân sự giải quyết hầu hết các tranh chấp. Cơ quan tư pháp độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp. Tòa án tối cao hoạt động như một Hội đồng Hiến pháp trong việc giải quyết vấn đề hiến pháp và giám sát cuộc bầu cử tổng thống.
2. Đối ngoại
Trong tháng 11 năm 1975, Cô-mo trở thành thành viên 143 của Liên Hợp Quốc.
Cô-mo cũng là thành viên của Liên minh châu Phi, Liên đoàn Ả Rập, Quỹ Phát triển châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ủy ban Ấn Độ Dương, và Ngân hàng Phát triển châu Phi…., WTO (quan sát viên). Vào ngày 10 tháng 4 năm 2008, Cô-mo trở thành quốc gia thứ 179 chấp nhận Nghị định thư Kyoto.
3. Số liệu Kinh tế
Cô-mo là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Cô-mo không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, giao thông đi lại khó khăn, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc trợ nước ngoài, dân số tăng nhanh. Khai thác lâm sản và đánh bắt cá đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hàng năm phải nhập khẩu một lượng lớn lương thực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Sản phẩm công nghiệp: Đồ gỗ, vật liệu xây dựng, hàng dệt may. Sản phẩm nông nghiệp: Dừa, chuối, sắn.
- GDP: 1,203 tỷ USD (2019)
- GDP bình quân đầu người (PPP): 1,445 USD (2019)
- Tăng trưởng GDP: 2,8% (2018)
- Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 50%, công nghiệp 10%, dịch vụ 40%
- Kim ngạch xuất khẩu: 18,4 triệu USD (2017)
- Các mặt hàng xuất khẩu chính: vanilla, hương liệu nước hoa, cùi dừa…
- Kim ngạch nhập khẩu: 195 triệu USD (2017)
- Các mặt hàng nhập khẩu chính: gạo và lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị, xăng dầu, xi măng, thiết bị vận tải …
- Xuất khẩu tới: Pháp (24% kim ngạch xuất khẩu của Djibouti), Đức, Singapore, Ấn Độ và Hà Lan (2018).
- Nhập khẩu từ: Pháp, Trung Quốc, Pakistan, các tiểu vương quốc Ả-rập và Madagascar (2017).
Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực ban hành các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo, tư nhân hóa các xí nghiệp Nhà nước, cải thiện dịch vụ y tế, đa dạng hóa xuất khẩu, xúc tiến du lịch và giảm tỷ lệ tăng dân số. Cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một trong những ưu tiên của chính quyền nước này.
IV. QUAN HỆ VIỆT NAM VÀ CÔ – MO
Việt Nam và Cô-mô ký tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/9/2015 tại New York (giữa hai Đại sứ, Trưởng PĐ tại LHQ).
Khi Cô-mô độc lập (6/7/1975), Việt Nam có chủ trương công nhận và đề nghị lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nhưng do Cô-mô có đảo chính (03/8/1975), nên vấn đề tạm gác lại. Tổng lãnh sự danh dự Cô-mô tại Singapore vào thăm tháng 6/1986 thăm dò khả năng buôn bán.
Trao đổi thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cô-mo đạt 4 triệu USD. Ngày 8/8/2013, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Lê Dương Quang thay mặt Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Comoros Mahmoud M.Aboud tại Bắc Kinh, thay mặt Phó Tổng thống phụ trách Bộ Tài chính kinh tế, ngân sách đầu tư và ngoại thương Cô-mo, đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo. Theo đó, Việt Nam sẽ cung cấp cho Cô-mo 60.000 tấn gạo mỗi năm, từ tháng 8/2013 đến hết tháng 12/2015.
Việt Nam hầu như chưa nhập gì từ Cô-mô./.
Tháng 3/2020
Back Top page Print Email |