Thông tin cơ bản về Cộng hòa Gi-bu-ti và Quan hệ với Việt Nam

             

  1. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA GI-BU-TI

     

    I. Thông tin chung

      - Tên nước: Cộng hòa Gi-bu-ti (Republic of Djibouti)

      - Thủ đô: Gi-bu-ti (Djibouti)

      - Ngày Quốc khánh: 27/6/1977 (ngày giành độc lập từ Pháp)

      - Vị trí địa lý: ở Đông Phi, phía Bắc, Tây và Nam giáp Ê-ti-ô-pi-a, phía Đông giáp Xô-ma-li, Vịnh A-đen (Biển Đỏ).

      - Diện tích: 23.000 km2

      - Khí hậu: khí hậu nhiệt đới khô cằn kiểu bán sa mạc, khô và nóng, nhiệt độ trung bình 27-32 độ, lượng mưa trung bình năm chỉ khoảng 100–150 mm.

      - Dân số: 1.002.000 người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)

      - Dân tộc: người Somali chiếm 60%, người Afar chiếm 35%, các dân tộc khác 5% (bao gồm người Pháp, người Ả Rập, người Ethiopia, và người Ý).

      - Ngôn ngữ: tiếng Ả-rập và tiếng Pháp, ngoài ra còn có tiếng Afar và Somalia.

      - Đơn vị tiền tệ: Djiboutian franc (1 USD = 177,72 DJF)

      - GDP: 3,371 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)

    - GDP/đầu người: 5.925,8 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)

      - Tôn giáo: Đạo Đa số theo đạo Hồi (94%), Cơ đốc giáo (6%)

      - Cơ cấu hành chính: được chia thành 6 quận là Ali Sabih, Arta, Dikhil, Djibouti, Obock, và Tadjoura.

      - Lãnh đạo chủ chốt:

    + Tổng thống: Ít-mên Ô-ma Gu-ơ-lê (Ismail Omar Guelleh) (từ tháng 8/1999);

              + Thủ tướng: Áp-đô-ca-đơ Ka-min Mô-ha-mét (Abdoulkader Kamil Mohamed) (từ tháng 5/2016);

              +  Chủ tịch Quốc hội: A-li Hô-mít (Ali Houmed) (từ tháng 02/2018);

              - Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế: Ma-a-mút A-li Y-ô-xúp (Mahamoud Ali Youssouf) (từ tháng 5/2005).

      II.  Khái quát lịch sử:

    Khoảng thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên, người Ablé từ bán đảo Ả Rập di cư sang vùng lãnh thổ hiện nay của Djibouti. Con cháu họ là người Afar, một trong hai nhóm sắc tộc chính ở quốc gia này. Sau đó, người Somal Issa cũng đến định cư ở đây. Hồi giáo được truyền bá vào vùng này từ năm 825. Việc khai thông kênh đào Suez (1869) đã làm tăng tầm quan trọng của cảng Obock xưa mà người Pháp giành quyền sở hữu từ năm 1862.

    Năm 1862, Pháp chiếm vùng cảng Gi-bu-ti và năm 1896 và đặt tên cảng này là bờ biển somali thuộc Pháp. Từ cuối những năm 50, đã xuất hiện một số tổ chức chính trị đấu tranh bảo vệ lợi ích kinh tế, xã hội của Gi-bu-ti. Vào đầu những năm 70, phong trào đấu tranh đòi độc lập phát triển mạnh. Năm 1975, chính phủ Pháp phải tuyên tố tán thành yêu cầu đòi độc lập của nhân dân Gi-bu-ti. Năm 1976, một hiệp định sơ bộ được ký kết giữa Gi-bu-ti và Pháp về nền độc lập của Gi-bu-ti. Ngày 8/5/1977, 98% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý đã tán thành độc lập và ngày 27/6/1977, Gi-bu-ti tuyên bố độc lập, thành lập nước Cộng hòa, do ông Hasan Gouled Aptidon làm Tổng thống.

    III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị

    - Thể chế nhà nước: Cộng hòa bán Tổng thống, với quyền hành pháp nằm trong tay Chính phủ và quyền lập pháp được trao cho Chính phủ và Quốc hội. Đứng đầu nhà nước là Tổng thống. Đứng đầu chính phủ là Thủ tướng. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu theo đa số sau 2 vòng, nhiệm kì 5 năm và có thể tái cử nếu đủ điểu kiện theo Điều 23 của Hiến pháp mới (2010). Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm.

    - Cơ cấu nghị viện: Theo hệ thống đơn viện với Quốc hội gồm 65 thành viên, các thành viên được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kì 5 năm.

    - Các đảng phái chính:

    + Liên Minh Đa số Tổng thống (The Union for the Presidential Majority-UMP): là đảng liên minh chính trị cầm quyền, được thành lập năm 2003, Chủ tịch liên Minh là Tổng thống đương nhiệm Ismaïl Omar Guelleh. Liên Minh UMP được tạo thành bởi sự hợp nhất của 5 đảng: Đảng Biểu tình vì sự tiến bộ Nhân dân (RPP), Mặt trận Phục hồi Thống nhất và Dân chủ (FRUD), Đảng Dân chủ Quốc gia (PND), Đảng Nhân dân Dân chủ Xã hội (PSD) và Liên minh các đảng phái cải cách (UPR).

    + Các liên minh đối lập chính là Liên Minh cứu quốc (The Union for National Salvation-USN), thành lập tháng 01/2013 với sự hợp nhất của 7 đảng khác nhau, chủ tịch đảng là Maki Houbed-Gaba; Liên minh vì Thay đổi Dân chủ (UAD) và Liên minh vì Các Phong trào Dân chủ (UMD).

    IV. Tình hình

  1. Chính trị nội bộ

    Tổng thống Ismail Omar Guelleh lên nắm quyền từ năm 1999 và đang duy trì nhiệm kỳ thứ 5 của mình nhờ sự hậu thuẫn từ các lực lượng vũ trang và sự ủng hộ của quốc tế.

  2. Kinh tế - Xã hội

    - Nền kinh tế Gi-bu-ti dựa trên các hoạt động dịch vụ gắn với vị trí chiến lược của đất nước này, chủ yếu như một cảng trung chuyển cho khu vực và trạm tiếp nhiên liệu quốc tế. Gi-bu-ti có rất ít tài nguyên thiên nhiên và nền công nghiệp chưa phát triển triển chậm. Hầu hết thực phẩm được nhập khẩu do Gi-bu-ti chỉ có 4% đất đai có thể canh tác.

    Chính phủ Gi-bu-ti coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng với sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Năm 2017, Gi-bu-ti mở lại dự án lớn nhất trong lịch sử của mình là cảng Doraleh và tuyến đường sắt Gi-bu-ti-Addis Ababa nối liền nước này và Ethiopia. Điều này sẽ làm tăng khả năng tận dụng vị trí chiến lược của đất nước này.

+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Clorua, dầu cọ, gia súc, đậu khô...

+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: dầu mỏ, hỗn hợp khoáng sản, phân bón hóa học, dầu hạt, xe tải...

+ Các đối tác thương mại chính: Ê-ti-ô-pi-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả-rập Xê-út, Anh, Thỗ Nhĩ Kỳ, Ma-rốc.

- Gi-bu-ti xếp hạng 166/189 về Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 đạt khoảng 28,39%. Tỷ lệ người lớn biết chữ đạt khoảng 46,2% (2020).

             3. An ninh - quốc phòng

Gi-bu-ti có vị trí địa chiến lược quan trọng khi nằm ở eo biển Bab al Mandab cho phép kiểm soát lối đi tới kênh đào Suez và hiện nay là con đường vận tải biển đứng hàng thứ tư trên thế giới, với 30.000 lượt tàu thuyền qua lại mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều tàu trọng tải lớn đi ngoài khơi trên hành trình nối từ châu Á tới Đại Tây Dương. Dưới đáy đại dượng cũng hình thành rất nhiều đường dây cáp quang. Do vậy, Gi-bu-ti phải đối mặt với nạn cướp biển, đảm bảo cho tàu bè qua lại eo biển Bab Al-Mandab và an ninh hàng hải.

Ngoài ra, Gi-bu-ti cũng đang đối mặt với nạn thiếu hụt lương thực nghiêm trọng vì hạn hán, lượng mưa ít những năm gần đây.

          V. Chính sách đối ngoại

Gi-bu-ti tuyên bố thực hiện chính sách trung lập, có quan hệ hữu nghị với các nước châu Phi, Ả-rập; quan hệ chặt chẽ với các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ do các nước này đặt căn cứ quân sự tại Gi-bu-ti.

Chính sách của chính phủ hiện nay tập trung vào việc củng cố vị thế của Gi-bu-ti như một trung tâm giao dịch và hậu cần tại khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia dài hạn.

Gi-bu-ti là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, Liên Minh châu Phi (AU), Liên đoàn Ả-rập, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF)...

B. QUAN HỆ VIỆT NAM - GI-BU-TI

          I. Quan hệ chính trị:

   - Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Gi-bu-ti lập quan hệ ngoại giao ngày 30/4/1991.

   - Cơ quan đại diện: Việt Nam và Gi-bu-ti chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Gi-bu-ti. Đại sứ quán Gi-bu-ti tại Nhật bản kiêm nhiệm Việt Nam.

   - Trao đổi đoàn: Năm 1995, Tổng thống Aptidon thăm quá cảnh Việt Nam và hội đàm với Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Năm 2013, Đặc phái viên Tổng thống Gi-bu-ti thăm Việt Nam. Việt Nam chưa có đoàn thăm Gi-bu-ti.

          II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư

          Thương mại: kim ngạch trao đổi song phương năm 2020 đạt 26,5 triệu USD so với 24 triệu USD năm 2019, chủ yếu Việt Nam xuất siêu.

III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác

          Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên phối hợp ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc. Gần đây, Gi-bu-ti ủng hộ Việt Nam là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

          IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước

          Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật (1976); Hiệp định thương mại (1983); Bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 Bộ Ngoại giao (2007).

          V. Thông tin Cơ quan đại diện:

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Gi-bu-ti

Địa chỉ: No. 47, Ahmed Heshmat street, Zamalek District, Cairo, Ai Cập

ĐT: +20 0237623841/63

Fax: +20 0233368612

Email: vnembcairoeg@yahoo.com.vn / vnemb.eg@mofa.gov.vn

Đại sứ quán Gi-bu-ti tại Nhật Bản kiêm nhiệm Việt Nam

Địa chỉ: 5-18-10 Shiomeguro Meguro-Ku, Tokyo, Nhật Bản

ĐT: +81 35704 0682; +81 334403115

        Email: Djibouti@fine.ocn.ne.jp

Fax: +81334403118

 

Tháng 8/2022

 

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn