TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC LÊ-XÔ-THÔ VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. Thông tin chung
Tên nước: Vương quốc Lê-xô-thô (Kingdom of Lesotho).
Thủ đô: Ma-xê-ru (Maseru)
Quốc khánh: 4/10/1966
Vị trí địa lý: nằm ở phía miền Nam châu Phi, trọn trong lãnh thổ Nam Phi.
Diện tích: 30.355 km2
Khí hậu: lục địa, mùa hè nóng ẩm, mùa đông khô lạnh
Dân số: khoảng 2,17 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Ngôn ngữ: tiếng Sotho, tiếng Anh
Đơn vị tiền tệ: Đồng Maloti (LSL) (1 USD = 15,84 LSL)
GDP: 1,875 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 875 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: đạo Thiên Chúa (80%), đạo khác (20%).
Cơ cấu hành chính: 10 hạt
Lãnh đạo chủ chốt:
- Quốc vương: Lét-xi Đệ tam (Letsi III) (từ tháng 2/1996);
- Thủ tướng: Mô-ê-kết-xi Ma-giô-rô (Moeketsi Majoro) (từ tháng 5/2020);
- Chủ tịch Quốc hội: Xê-phi-ri Mô-tan-da-nê (Sephiri Motanyane) (từ tháng 6/2017);
- Chủ tịch Thượng viện: Ma-mô-na-hên Mô-ki-ti-mi (Mamonaheng Mokitimi) (từ tháng 7/2017);
- Bộ trưởng Ngoại giao và Quan hệ quốc tế: Mát-xê-pô Ra-ma-cô-ê (Matsepo Ramakoae) (từ tháng 5/2020).
II. Khái quát lịch sử
Các bộ lạc người Bantu từng sinh sống lâu đời ở khu vực này từ thế kỷ XV nhưng từ đầu thế kỷ XIX, bộ tộc Zulu bành trướng, xua đuổi người Bantu lên phía Bắc. Năm 1843, người Boer (gốc Hà Lan) xâm nhập vào lãnh thổ này. Để giành quyền làm chủ, người Zulu đã liên minh với các nhóm sắc tộc khác với tên gọi chung là người Basothos, lập quốc gia lấy tên là Basutoland, tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm.
Năm 1865, mượn cớ bảo vệ người Basothos khỏi bị người Boer tiêu diệt, thực dân Anh xâm chiếm lãnh thổ và tuyên bố vùng đất này thuộc bảo hộ của Anh, đặt dưới quyền cai trị của Cao ủy Anh tại Nam Phi. Từ 1878-1881, nhân dân Basutoland đã tiến hành nhiều cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của chính quyền Anh nhưng đều bị đàn áp đẫm máu. Đầu thế kỷ 20, thực dân Anh cùng chính quyền Nam Phi nhiều lần mưu tính sáp nhập Basutoland vào lãnh thổ Nam Phi nhưng không thành do nhân dân Basutoland phản đối quyết liệt.
Năm 1938, sau nhiều năm kiên trì đấutranh, người dân Basutoland giành được một số quyền hành chính và đến 1944 bắt đầu có cuộc bầu cử đầu tiên. Năm 1959, Hiến pháp đầu tiên được thông qua. Tuy nhiên, Hiến pháp này dành nhiều đặc quyền về quốc phòng, ngoại giao, tài chính cho thực dân Anh. Do đó, người Basuto tiếp tục đấu tranh đàm phán để xây dựng một bản Hiến pháp mới độc lập với yêu cầu đổi tên Basutoland thành nước “Lê-xô-thô”. Sau nhiều lần trì hoãn, chính phủ Anh buộc phải chấp nhận các yêu cầu của người Basuto. Một cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 29/4/1965. Basutoland tuyên bố độc lập ngày 4/10/1966, lấy tên là Lê-xô-thô, theo thể chế quân chủ lập hiến có Vua và Thủ tướng, chấm dứt ách thống trị 98 năm của thực dân Anh.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Lê-xô-thô theo chế độ quân chủ cha truyền con nối. Theo Hiến pháp có hiệu lực sau cuộc bầu cử tháng 3-1993, Quốc vương là người đứng đầu Nhà nước, tượng trưng cho sự thống nhất của quốc gia nhưng quyền lực hạn chế. Thủ tướng đứng đầu Chính phủ và có thực quyền. Người lãnh đạo của đảng đa số trong Hạ viện mặc nhiên trở thành Thủ tướng.
- Cơ cấu nghị viện: hệ thống lưỡng viện. Thượng viện có 33 ghế, trong đó 22 ghế dành cho các thủ lĩnh bộ lạc và 11 thành ghế do Quốc vương chỉ định theo đề nghị của Thủ tướng, Quốc hội gồm 120 ghế, được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm.
- Các đảng phái chính: Có hơn 20 đảng phái đã đăng ký hoạt động tại Lê-xô-thô, trong đó đảng phái chính gồm:
+ Đảng Công ước toàn Basotho (ABC): thành lập năm 2006, do ông Tom Thabane tách ra từ Đảng Đại hội Dân chủ Lê-xô-thô (LCD) thành lập. Đảng theo đường lối dân chủ tự do và chủ nghĩa dân tộc; là Đảng cầm quyền nhờ giành đa số ghế trong các cuộc bầu cử từ năm 2012 đến nay.
+ Đảng Đại hội Dân chủ Lê-xô-thô (LCD): thành lập năm 1997 do Thủ tướng Ntsu Mokhehle tách ra từ Đảng Đại hội Basutoland (BCP) thành lập, theo đường lối trung tả dân chủ xã hội và trở thành Đảng cầm quyền giành đa số ghế trong quốc hội trong giai đoạn 1998-2012.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Lê-xô-thô từng trải qua giai đoạn dài bất ổn do đảo chính quân sự và tranh chấp quyền lực giữa các phe phái. Kể từ khi chính phủ mới được bổ nhiệm tháng 5/2020 đến nay, Lê-xô-thô bước vào giai đoạn ổn định mới và nỗ lực thúc đẩy cải cách chính trị và kinh tế.
2. Kinh tế - Xã hội
- Kinh tế Lê-xô-thô có quan hệ chặt chẽ với Nam Phi. Nguồn thu chính của Lê-xô-thô là xuất khẩu điện, nước (sang Nam Phi), dệt may, da thuộc, len lông cừu, trồng trọt (chủ yếu là ngô), chăn nuôi (dê, cừu). Các ngành kinh tế chính: Nông nghiệp, may mặc, khai khoáng, dịch vụ.
+ Cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ 54,9%, Công nghiệp 39,2%, Nông nghiệp 5,8%.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: May mặc, giày dép, len, thực phẩm, gia súc, điện, nước, kim cương.
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Thực phẩm, vật liệu xây dựng, xe cộ, máy móc, dược phẩm, sản phẩm hóa dầu.
+ Các đối tác thương mại chính: Nam Phi, Mỹ, Eswatini, Đức, Canada.
- Lesotho đứng thứ 165/189 về chỉ số phát triển con người (HDI), tỷ lệ thất nghiệp 24,6% năm 2021, tỷ lệ biết chữ đạt 77%, tỷ lệ nhân viên y tế/10000 dân là 0,5.
V. Chính sách đối ngoại
- Lê-xô-thô theo đường lối đối ngoại hòa bình, đa phương hóa, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
- Lê-xô-thô: là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Khối Thịnh vượng chung, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC)….
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - LÊ-XÔ-THÔ
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Lê-xô-thô ngày 06/1/1998.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Lê-xô-thô. Đại sứ quán Lê-xô-thô tại Ấn Độ kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn: chưa có trao đổi đoàn chính thức. Tháng 12/2019, Quốc vương Lết-xi đệ tam (III) đã thăm cá nhân Việt Nam.
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
- Thương mại: Kim ngạch thương mại hai chiều hai năm 2020 khởi sắc đạt khoảng 5,66 triệu USD (năm 2018 chỉ đạt gần 39 nghìn USD), trong đó Việt Nam xuất siêu gần như tuyệt đối các mặt hàng chủ yếu là vải, nguyên phụ liệu dệt may, da và giày, máy tính và linh kiện điện tử.
III. Hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Hợp tác trên các diễn đàn đa phương/quốc tế: Lê-xô-thô ủng hộ Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thoả thuận hợp tác đã ký kết giữa hai nước
Hai nước chưa ký kết văn bản hợp tác.
V. Thông tin cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Lê-xô-thô
Địa chỉ: 87 Brooks Street, Brooklyn, Pretoria
Mã bưu chính: 13692 Hatfield 0028, South Africa
ÐT: +27 12 362 8119 / 8
Fax: +27 12 362 8115
Email: embassy@vietnam.co.za
Cao ủy Vương quốc Lê-xô-thô tại Ấn Độ kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: E-7/2, Vasant Vihar, 110057 New Delhi
ĐT: +91 11 4660713/14/15
Fax: + 91 11 26141636
Email: lesothonewdelhi@gmail.com
Tháng 8/2022
Back Top page Print Email |