Tài liệu cơ bản về nước Cộng hòa Mô-ri-xơ và Quan hệ với Việt Nam
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA MÔ-RI-XƠ
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hoà Mô-ri-xơ (Republic of Mauritius)
Thủ đô: Pót Lu-i (Port Louis)
Quốc khánh: 12/3/1968
Vị trí địa lý: Là đảo quốc nằm ở Nam Ấn Độ Dương, cách Madagascar 885 km về phía Đông Bắc.
Diện tích: 2.040 km2
Khí hậu: Cận nhiệt đới
Dân số: 1,26 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Ngôn ngữ: Tiếng Creole, Bhojpuri, Tiếng Pháp, Anh.
Đơn vị tiền tệ: Đồng Rupee Mô-ri-xơ.
GDP: 11,16 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 9.421 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Hindu (48%), Thiên chúa giáo (24%), Hồi giáo (17%), các tôn giáo khác (11%).
Cơ cấu hành chính: Mô-ri-xơ có một khu vực hành chính là quần đảo Mô-ri-xơ, đảo dược chia làm 9 quận.
Lãnh đạo chủ chốt:
Tổng thống: Pri-vi-rát-xinh Ru-pun (Prithvirajsing Roopun) (từ tháng 12/2019);
Thủ tướng: Pra-vin Ku-ma Giút-no (Pravind Kumar Jugnauth) (từ tháng 01/2017);
Chủ tịch Quốc hội: Xô-rốt-đép Phô-cơ (Sooroojdev Phokeer) (từ tháng 11/2019);
Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập khu vực và Thương mại quốc tế: A-lan Ga-nu (Alan Ganoo) (từ tháng 02/2021).
II. Khái quát lịch sử
Vào thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha tìm ra đảo. Năm 1589, người Hà Lan chiếm đảo, đặt tên là Mô-ri-xơ (theo tên người cầm quyền). Năm 1715, Pháp chiếm đảo, đổi tên là “Đảo của nước Pháp” (Ile de France) và đưa nhiều nô lệ từ lục địa châu Phi đến lao động trong các đồn điền trồng mía. Năm 1810, Anh chiếm lại đảo từ Pháp sau cuộc hải chiến và lấy lại tên đảo là Mô-ri-xơ. Đầu thế kỷ XIX, sau khi chế độ nô lệ được bãi bỏ, thực dân Anh đưa những người lao động từ Ấn Độ và Trung Quốc đến thay thế cho người dân da đen để trồng mía và làm các đồ thủ công.
Những mâu thuẫn về chủng tộc và tôn giáo dẫn đến hình thành các tổ chức chính trị trên đảo trong những năm 1885-1933 và làm nổ ra nhiều cuộc nổi loạn, xung đột đẫm máu giữa các tổ chức chính trị và các chủng tộc trong những năm 1961-1965.
Sau các cuộc đấu tranh không đi đến được thống nhất một tương lai chung cho Mô-ri-xơ, một hội nghị được tổ chức ở Luân-đôn, Anh định ra những giai đoạn đưa Mô-ri-xơ đến độc lập. Ngày 12/3/1968, Mô-ri-xơ giành độc lập từ Anh.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Thể chế nhà nước: Mô-ri-xơ là một nước cộng hòa lập hiến. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước, do Quốc hội bầu theo đa số phiếu cho tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ. Quyền hành pháp được chia sẻ giữa Chính phủ và Quốc hội.
- Cơ cấu nghị viện: Theo hệ thống đơn viện. Quốc hội gồm 70 thành viên, trong đó 62 thành viên được bầu cho nhiệm kỳ 5 năm, 8 thành viên còn lại do Tòa án tối cao chỉ định.
- Các đảng phái chính: Hiện có nhiều đảng phái chính trị hoạt động tại Mô-ri-xơ, trong đó tiêu biểu là:
+ Phong trào dân quân xã hội chủ nghĩa (MSM): Đảng của Thủ tướng Pravind Jugnauth, thành lập năm 1983, là một trong 3 Đảng chính trị lớn nhất; theo đường lối chính trị trung tả, có thiên hướng kết hợp lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và dân chủ.
+ Đảng Lao động (PTR): thành lập năm 1936, là chính đảng lớn lâu đời nhất tại Mô-ri-xơ, theo đường lối chính trị dân chủ-xã hội trung tả. PTR là Đảng cầm quyền trong các giai đoạn 1948-1982, 1995-2000 và 2005-2014.
+ Đảng Dân quân Mô-ri-xơ (MMM): thành lập vào cuối 1960, là đảng xã hội chủ nghĩa cánh tả, ủng hộ một xã hội công bằng, không có sự phân biệt đối xử về giai cấp xã hội, chủng tộc, tôn giáo...
+ Đảng Dân chủ xã hội Mô-ri-xơ (PMSD): thành lập năm 1956, Đảng cánh hữu theo đường lối bảo thủ.
+ Phong trào Giải phóng (ML): thành lập năm 2014 bởi ông Ivan Collendavelloo, thành viên ly khai từ Đảng Phong trào Dân quân Mô-ri-xơ (MMM).
+ Phong trào yêu nước Alan Ganoo (MAG): thành lập năm 2015 bởi ông Alan Ganoo, thành viên tách ra từ Đảng Phong trào Dân quân Mô-ri-xơ (MMM).
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1968, Mô-ri-xơ duy trì dân chủ và ổn định chính trị.
Ông Pravind Jugnauth được bổ nhiệm làm Thủ tướng tháng 01/2017 sau khi Thủ tướng tiền nhiệm (và cũng là cha của mình) từ chức và được tái bổ nhiệm sau khi Liên minh Mô-ri-xơ (gồm đại diện của MSM, ML, MMM…) giành thắng lợi tại bầu cử lập pháp tháng 11/2019.
Theo đề xuất của Thủ tướng, ngày 02/12/2019, Quốc hội đã bầu ông Prithvirajsing Roopun làm Tổng thống và ông Marie Cyril Eddy Boissézon làm Phó Tổng thống.
2. Kinh tế - Xã hội
- Mô-ri-xơ có nền kinh tế công nghiệp hóa và phát triển đa dạng các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tài chính, du lịch và thương mại. Nông sản chính có đường mía, chè, chuối, cà phê. Trong ngành dịch vụ, Mô-ri-xơ được coi là một trung tâm tài chính, thiên đường thuế của khu vực Nam Sahara. Du lịch cũng là một trong những thế mạnh của Mô-ri-xơ. Mô-ri-xơ liên tục được xếp hạng là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh thân thiện nhất châu Phi và đã thông qua một Dự luật về Tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường sức cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng về lâu về dài. Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ Mô-ri-xơ đã đề ra một loạt các chính sách tập trung vào 05 lĩnh vực: (i) phấn đấu trở thành cửa ngõ thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực châu Phi; (ii) tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo; (iii) phát triển các thành phố thông minh; (iv) phát triển kinh tế biển; (v) nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm: phương tiện công cộng, bến cảng, sân bay...
Các sản phẩm xuất khẩu chính: Dệt may, đường, hoa tươi, mật mía, cá
Các sản phẩm nhập khẩu chính: Thực phẩm, tài sản cố định phục vụ sản xuất, sản phẩm hóa dầu, hóa chất.
Các đối tác thương mại chính: Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, EU, Nam Phi...
- Mô-ri-xơ xếp hạng 66/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp những năm gần đây dao động 7,4%. Tỷ lệ nhân viên y tế là 25/10.000 dân.
V. Chính sách đối ngoại
Mô-ri-xơ theo đường lối đối ngoại hòa bình, không liên kết, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; tập trung phát triển nền ngoại giao phục vụ kinh tế và phấn đấu trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế lớn.
Mô-ri-xơ là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), WTO, IMF, Khối Thịnh vượng chung, Hiệp hội các nước Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng phát triển miền nam Châu Phi (SADC), Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA). Mô-ri-xơ đóng vai trò tích cực trong việc phát huy tiếng nói của các quốc gia đang phát triển ở các đảo nhỏ; từng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc các khóa 1977-1978 và 2000-2001.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM – MÔ-RI-XƠ
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Mô-ri-xơ lập quan hệ ngoại giao ngày 04/5/1994.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Mô-dăm-bích kiêm nhiệm Mô-ri-xơ. Đại sứ quán Mô-ri-xơ tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam.
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2021 đạt khoảng 122,8 triệu USD. Việt Nam nhập gồm các mặt hàng chính là đá quý, kim loại quý, sắt thép phế liệu, nguyên liệu và thức ăn gia súc… Việt Nam xuất chủ yếu sang Mô-ri-xơ các mặt hàng linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính, hải sản...
2. Đầu tư
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 06/2021, Mô-ri-xơ là nhà đầu tư châu Phi lớn thứ hai tại Việt Nam với 59 dự án có tổng trị giá 418,7 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực gia công hàng dệt may, đồ gỗ gia dụng, nuôi trồng chế biến thủy sản...
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế.
IV. Cộng đồng Việt Nam tại Mô-ri-xơ
Số lượng người Việt đang sinh sống làm việc tại Mô-ri-xơ khoảng 20 gia đình, đa phần là những người mới sang Mô-ri-xơ theo chồng lập nghiệp. Bên cạnh đó, còn có khoảng trên 2000 thủy thủ/thuyền viên người Việt đánh cá ngoài khơi Mô-ri-xơ cho các chủ tàu của Đài Loan. Một số thuyền viên từng có xung đột đánh nhau với thuyền viên các nước khác trong thời gian cập cảng lên bờ tại Mô-ri-xơ.
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
- Hiệp định/Thỏa thuận đã ký: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật (11/1997 – chưa có hiệu lực) ; Hiệp định tránh đánh thuế song trùng (ký tắt 01/1995).
Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique kiêm nhiệm Mô-ri-xơ
Địa chỉ: Av. Francisco Orlando Magumbwe, No 1026/1048
Caixa Postal 4501, Maputo, Mozambique.
ĐT: +258 21 49 7912/ +258 21 49 1989
Fax: +258 21 49 1992
Email: dsqvnmoz@yahoo.com
Đại sứ quán Mô-ri-xơ tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: West Block, Wisma Selangor Dredging, Jalan Ampang 50450, Kuala Lumpur, Malaysia.
ĐT: +20 603 2163 6301/ +20 603 2162 6306
Fax: +20 603 2163 6294
Email: klhc@govmu.org/
maurhckl@streamyx.com
Tháng 8/2022
Back Top page Print Email |