Tài liệu cơ bản tháng 8 năm 2020
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC CÔ-OÉT
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
KHÁI QUÁT CHUNG
1. Tên quốc gia: Nhà nước Cô-oét (State of Kuwait)
2. Thủ đô: Cô-oét (Kuwait City)
3. Quốc kỳ:
4. Quốc khánh: Ngày 25 tháng 02 năm 1961
5. Diện tích: 17.818 km2.
6. Dân số: 4,3 triệu người, trong đó 1,3 triệu người Cô-oét và khoảng 3 triệu người nước ngoài (2019).
7. Vị trí địa lý: Nằm ở khu vực Tây Á. Phía Bắc và Tây giáp I-rắc, phía Nam và Tây Nam giáp Ả-rập Xê-út, phía Đông nhìn ra Vịnh Péc-xích.
8. Đơn vị tiền tệ: Dinar (KD); 1 USD = 0,30 KD (8/2020).
9. Thu nhập đầu người: 29.267 USD (2019).
10. Dân tộc: 80% là người Ả-rập (40% gốc Cô-oét và 35% các nước Ả-rập khác). Số còn lại là người Châu Á (9%); người I-ran (4%) và các dân tộc khác.
11. Tôn giáo: Đạo Hồi là quốc đạo.
12. Ngôn ngữ: Tiếng Ả-rập.
TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Chính trị
- Thể chế Nhà nước: Quân chủ lập hiến.
- Quốc vương: Xa-ba An-A-mát An-Xa-ba (Sabah Al-Ahmad Al-Sabah) (từ 2006)
- Thủ tướng: Xa-ba An-Kha-lít An-Xa-ba (Sabah Al-Khalid Al-Sabah) (từ 11/2019)
- Chủ tịch Quốc hội: Ma-dúc An-Ga-nim (Marzouq Al-Ghanim) (từ 2013)
- Bộ trưởng Ngoại giao: Tiến sỹ A-mát Na-xơ An-Mô-hăm-mét An Xa-ba (Dr. Ahmad Nasser Al-Mohammad Al-Sabah) (từ 12/2019).
- Đối ngoại: Cô-oét là thành viên Liên hợp quốc, phong trào Không liên kết, Liên đoàn Ả-rập, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa…
2. Kinh tế - xã hội
- Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 0,4%, công nghiệp 58,7%, dịch vụ 40,9%
- GDP: 140,5 tỷ USD (2019)
- Tăng trưởng kinh tế: 0,7% (2019)
QUAN HỆ VIỆT NAM – CÔ-OÉT
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: Ngày 10 tháng 01 năm 1976.
2. Khuôn khổ chính trị: Quan hệ ngoại giao
3. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ:
- Tháng 6/1993, Việt Nam mở Văn phòng đại diện thương mại tại Cô-oét.
- Tháng 10/2003, Việt Nam chính thức mở Đại sứ quán tại Cô-oét.
- Tháng 8/2007, Cô-oét mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
- Tháng 9/2007, Cô-oét mở Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Các đoàn Việt Nam thăm Cô-oét: Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1995); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (6/2005); Bộ trưởng Lao động-TBXH Nguyễn Thị Hằng (9/2005); Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái (3/2006); Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (7/2007); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (3/2009); Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (3/2009); Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh (10/2011)…
- Các đoàn Cô-oét thăm Việt Nam: Thủ tướng Nasser Al Mohammed Al Sabah (5/2007); Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia kiêm Chủ tịch Uỷ ban Olympic châu Á Ahmad Al Fahad Al Sabah (4/2009); Bộ trưởng Dầu khí và Thông tin (9/2009), Bộ trưởng Công Thương (12/2009); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Dầu mỏ (10/2013); Chủ tịch Quốc hội (4/2015); Thủ tướng Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabah (5/2016); Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ali Suleiman Al-Saeed (3/2018); Bộ trưởng Dầu mỏ kiêm Điện và nước Khaled Ali Al Fadhel (4/2019 và 9/2019)…
4. Quan hệ trên các lĩnh vực cụ thể:
- Về chính trị: Hai bên đã tổ chức 3 phiên Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng. Phiên họp gần đây nhất được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2018.
- Về kinh tế:
+ Hai bên đã tổ chức phiên họp kỹ thuật của kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ hai vào tháng 7/2019 tại Cô-oét.
+ Kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2019 đạt gần 3,6 tỷ USD trong đó Việt Nam nhập siêu hơn 3,5 tỷ USD. Trong 06 tháng đầu năm 2020 kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 1,58 tỷ USD, trong đó sản phẩm Việt Nam nhập chủ yếu là dầu mỏ. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm dệt may, hàng hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng rau quả, hạt tiêu, giày dép các loại, sản phẩm gốm sứ...
+ Chính phủ Cô-oét đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (02/2016).
- Về đầu tư: Tổng công ty Dầu khí Cô-oét (KPC) đang cùng phía Nhật Bản tham gia dự án Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD (phía Cô-oét tham gia 35,1%) và cam kết cung cấp dầu thô lâu dài cho Nhà máy. Dự án đã khởi công vào tháng 10/2013 và tổ chức Khai trương Lễ vận hành thương mại vào tháng 12/2018.
- Các lĩnh vực khác: Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Vừa qua, Cô-oét đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
(Hà Nội, tháng 08/2020)
Back Top page Print Email |