Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhân kỷ niệm 55 năm ngành ngoại giao
Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tại buổi mít tinh kỷ niệm 55 năm ngành Ngoại giao tại Hà Nội, ngày 28.8.2000
Ngày này cách đây 55 năm đã ra đời nền ngoại giao hiện đại Việt Nam, trong Mùa Thu cách mạng, mùa thu khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bắt đầu kỷ nguyên tự do độc lập của đất nước Việt Nam. Từ đó đến nay, ngành Ngoại giao đã trưởng thành và lớn mạnh cùng với những bước đi của dân tộc trong cuộc trường chinh đến với tự do, độc lập, thống nhất Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Từ nhiều tháng nay, ngành Ngoại giao đã có những hình thức hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm thành lập ngành hoà vào phong trào thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng và kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc trong năm 2000. Bộ Ngoại giao đã tiến hành tổng kết 55 năm ngoại giao Việt Nam, tổ chức Đại hội thi đua toàn ngành, Hội thảo khoa học “Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”, tham gia triển lãm quốc gia “Việt Nam – 2000”, dựng Nhà bia tại địa điểm đầu tiên đặt trụ sở Bộ Ngoại giao tại tỉnh Tuyên Quang. Và hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây để cùng nhau điểm lại những bước đường đã qua của ngành ngoại giao, ôn lại truyền thống ngoại giao, tự hào về thành quả đã đạt được và cùng nhau nhìn về tương lai. Trong niềm vui về ngày kỷ niệm, trong niềm tự hào về thành tích của ngành hơn nửa thế kỷ qua, những người làm công tác ngoại giao thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hoá của nhân loại, nhà ngoại giao tài ba và người thầy của nền ngoại giao hiện đại Việt Nam. Cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao nguyện suốt đời sống, phấn đấu lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Nhân dịp này, chúng ta kính dâng lên Bác, lên Đảng lòng biết ơn chân thành của chúng ta về sự chăm lo, chỉ bảo và lãnh đạo dành cho ngành ngoại giao từ buổi đầu. Đấy đã và vẫn sẽ là những tiền đề cần thiết để ngành ngoại giao hoàn thành tốt được mọi nhiệm vụ cách mạng của mình. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới tất cả các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức, đoàn thể và các cá nhân về sự hỗ trợ và hợp tác chân tình đã dành cho ngành ngoại giao. Không có sự hỗ trợ và hợp tác ấy, ngành ngoại giao 55 năm qua không thể có được bước lớn mạnh và trưởng thành như ngày nay. Trong ngày truyền thống của ngành, chúng ta tưởng nhớ các vị lãnh đạo và các nhà ngoại giao đã quá cố với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc. Chúng ta dành những tình cảm chân thành, thân thương đến tất cả những đồng chí, đồng nghiệp đã từng chia xẻ niềm vui, đồng cam cộng khổ trong mọi bước đường trưởng thành của ngành nay đã nghỉ hưu, đang công tác ở nước ngoài, ở các ngành khác hoặc không còn nữa. Các thế hệ cán bộ, nhân viên ngoại giao hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ những đóng góp của các đồng chí cho ngành, ý thức đầy đủ rằng thành tựu hôm nay của ngành cũng là kết quả những cống hiến của các đồng chí và mong mỏi rằng dù ở đâu, dù ở cương vị công tác nào, các đồng chí vẫn duy trì mối liên hệ và tình cảm gắn bó với ngành ngoại giao.
Nhìn lại 55 năm qua, ngành ngoại giao phấn khởi và tự hào về những thành tích đã đạt được. Ra đời trong bão táp cách mạng, ngoại giao Việt Nam đã lớn mạnh trở thành một binh chủng, một mặt trận đấu tranh chiến lược. Thời đại Hồ Chí Minh đã đem lại cho nền ngoại giao hiện đại Việt Nam sức sống và sức chiến đấu để có thể phát huy được vai trò của mình từ ngay sau khi ra đời là góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong bối cảnh đầy thù trong giặc ngoài, duy trì hoà hoãn để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ khi hoà bình không thể nào cứu vãn được nữa. Ngoại giao Việt Nam đã trở thành một mặt trận cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, đã có được nhiều hình thức và hoạt động ngoại giao sáng tạo, đã góp phần tạo dựng phong trào nhân dân thế giới sâu rộng ủng hộ Việt Nam, đã góp phần cùng dân tộc làm nên những chiến thắng vẻ vang của đất nước. Ngoại giao Việt Nam đã là một lực lượng chủ lực trong công cuộc mở rộng quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế cho đất nước và huy động nhiều nguồn lực cần thiết cho thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Ngoại giao đã góp phần to lớn để đất nước ta ngày nay có được vị thế và ảnh hưởng quốc tế thuận lợi chưa từng có trong lịch sử. Bước sang thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới, ngành ngoại giao phải phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Ngoại giao Việt Nam có điểm xuất phát thuận lợi hơn bao giờ hết, nhưng tình hình thế giới trong thế kỷ tới, ít nhất một vài thập kỷ đầu, vẫn sẽ tiếp tục diễn biến nhanh chóng và khó lường trước, đan xen khó khăn và thuận lợi, cơ hội và thách thức, hợp tác và đấu tranh trong khi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngoại giao cao hơn và phức tạp hơn rất nhiều. Bởi thế, ngành ngoại giao phải phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, những bài học kinh nghiệm thành công của hơn nửa thế kỷ qua để cả trong bối cảnh tình hình mới, dù phức tạp đến đâu, dù khó khăn nhường nào, cũng vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự lãnh đạo và quản lý thống nhất của Đảng, sự hỗ trợ và phối hợp của tất cả các ngành, ban và địa phương, nhất là các ngành an ninh, quốc phòng và kinh tế, sẽ là sự đảm bảo để ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ tới vừa phát huy được cao độ bản chất và bản sắc của nền ngoại giao cách mạng và hiện đại Việt Nam, vừa kiên trì được những nguyên tắc cơ bản trong đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng, hội nhập quốc tế mà vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, tự lập tự cường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ nhưng vẫn thuỷ chung với bạn bè, vẫn đóng góp tích cực vào sự đoàn kết quốc tế trong phong trào Không Liên kết, trong phong trào cộng sản, công nhân và lao động quốc tế. Ngoại giao Việt Nam trước hết là văn hoá Việt Nam, thể hiện trong tính nhân văn cao cả của các mục tiêu đối ngoại, trong phong cách ngoại giao Việt Nam, hội tụ lại thành một bản sắc của ngoại giao Việt Nam, thăng hoa trong tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Ngoại giao Việt Nam tựa vào chính nghĩa của sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Kỷ nguyên độc lập tự do của dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh đã đưa lại cho ngoại giao Việt Nam tầm vóc ấy. Con đường đất nước ta, dân tộc ta đi vào tương lai đã rõ ràng, đó là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế mà các Đại hội Đảng đã chỉ ra. Ngoại giao Việt Nam có nhiệm vụ nặng nề là vừa phải tạo dựng và duy trì môi trường quốc tế hoà bình và ổn định, vừa phải có đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thành công Cương lĩnh xây dựng đất nước. Bên cạnh việc nâng cao năng lực và hiệu quả phục vụ kinh tế, vấn đề lớn đối với ngoại giao Việt Nam thời gian tới là vận hành hài hoà các mối quan hệ đối ngoại phù hợp với những ưu tiên và với những diễn biến mau lẹ của tình hình khu vực và thế giới. Chính sách đối ngoại của chúng ta sẽ phải là quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước lớn và các tổ chức khu vực và quốc tế, đồng thời không ngừng phát triển quan hệ nhiều mặt với các nước có quan hệ truyền thống, tăng cường vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, trong phong trào Không Liên kết, trong các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn nhân loại. Toàn bộ tiến trình chủ động hội nhập quốc tế cũng phải xuất phát từ đó và hỗ trợ đắc lực cho những ưu tiên đối ngoại ấy. Trong 15 năm đổi mới, chúng ta đã triển khai thực hiện thành công chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ theo tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”. Thời kỳ mới sẽ là thời kỳ Việt Nam đồng thời là đối tác tin cậy với tất cả các nước, thời kỳ Việt Nam chủ động tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá và an ninh của thế giới, thời kỳ ngoại giao Việt Nam góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu phát triển chung của nhân loại.
Hôm nay, nhìn lại những bước lớn mạnh và trưởng thành của ngành trong 55 qua, những người làm công tác ngoại giao chúng ta tự hào và phấn khởi, tin tưởng vào đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, nhưng chúng ta đồng thời cũng ý thức được về trách nhiệm và yêu cầu đối với ngành. Khiêm nhường, cầu thị, không ngừng tự nâng cao và hoàn thiện mình về nhận thức và chuyên môn, trung thành với lợi ích dân tộc, với Đảng, với Nhân dân, thể hiện bản chất và bản lĩnh của người cộng sản, nhưng với tính tinh tế, nhạy bén, linh hoạt và thuyết phục của văn hoá Việt Nam trong mọi hoạt động ngoại giao sẽ là những phẩm chất hàng đầu của người cán bộ ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh. Hôm nay, nhìn lại quá trình lớn mạnh và trưởng thành của ngành, với ý thức đầy đủ về thành tựu 55 năm qua và nhiệm vụ thời gian tới, cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao vững tin đưa ngành ngoại giao bước vào thiên niên kỷ mới và thế kỷ mới và xin hứa là ngành ngoại giao trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào cũng đều ra sức phấn đấu để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng với sự tin cậy và mong mỏi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Back Top page Print Email |