Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN
Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa
sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN
Nhân kết thúc các cuộc họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và ASEAN+3, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng đã trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân. Sau đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn:
Câu hỏi: Đề nghị Thứ trưởng cho biết những nội dung dự kiến được đưa ra tại AMM 34, ARF8, PMC và Hội nghị hợp tác sông Hằng - Mê Công vào tháng 7 tới?
Trả lời:
Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 34 (AMM), Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 8 (ARF) và các hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) và Hội nghị hợp tác sông Mê Công và sông Hằng sẽ diễn ra ở Hà Nội vào tháng 7-2001. Đây là các cuộc họp theo định kỳ hằng năm nhằm trao đổi đánh giá tình hình chính trị, kinh tế, an ninh trong khu vực và trên thế giới, kiểm điểm việc thực hiện các thỏa thuận đã thông qua tại các cuộc họp năm ngoái, đồng thời đề ra những công việc cần tiến hành trong thời gian tới. Là Chủ tịch ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) và nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất chủ đề của Hội nghị là "ổn định, đoàn kết, tăng cường liên kết kinh tế và mở rộng hợp tác". Chủ đề này được xây dựng trên cơ sở tình hình cụ thể và những đòi hỏi bức xúc của khu vực và đã được các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhất trí tán thành tại cuộc họp riêng biệt của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tháng 4 vừa qua ở Y-an-gon, Myanmar. Trên tinh thần đó, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi và xem xét những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa hòa bình ổn định và tăng trưởng trong khu vực, thúc đẩy việc triển khai các sáng kiến và chương trình hợp tác kinh tế trong khuôn khổ giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối thoại và các tổ chức khu vực và quốc tế khác. Tiếp theo Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác sông Mê Công - sông Hằng lần thứ nhất tại Viêng Chăn tháng 11-2000, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 2 sẽ diễn ra ở Hà Nội nhằm cụ thể hóa các nội dung và lộ trình hợp tác giữa các nước trong lưu vực sông Mê Công (Việt Nam, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia, Myanmar) và ấn Độ, thông qua Chương trình hành động Hà Nội và các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực về du lịch, phát triển nhân lực, v.v. Đây là hướng hợp tác quan trọng nhằm khai thác những tiềm năng to lớn, góp phần tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, cũng như thu hẹp khoảng cách giữa các nước trong khu vực.
Câu hỏi: Xin Thứ trưởng cho biết những đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN trong năm vừa qua với cương vị là Chủ tịch ASC và ARF?
Trả lời:
Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) và Chủ tịch Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) từ tháng 7-2000 đến hết tháng 7-2001. Việt Nam tiếp nhận chức vụ này trong thời điểm tình hình khu vực có những phát triển phức tạp. ASEAN nói chung cũng như từng nước thành viên đang đứng trước nhiều thách thức phải vượt qua và nhiều cơ hội cần tranh thủ để phát triển. Trong nhiệm kỳ gần một năm qua, tuy là thành viên mới và lần đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch ASC và ARF, Việt Nam đã tích cực chủ động triển khai các hoạt động theo các chức năng nhiệm vụ của mình và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN, thúc đẩy sự hợp tác về mọi mặt giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước và các bên đối thoại, nhất là hợp tác Đông á. Đặc biệt, trong tình hình ASEAN đang gặp một số khó khăn do tác động của toàn cầu hóa, kinh tế các nước đang phục hồi nhưng còn chưa vững chắc, một số nước có khó khăn nội bộ có thể tác động tình hình ổn định chung của khu vực, Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì và bảo vệ hòa bình ổn định trong khu vực thông qua vai trò chủ đạo của ASEAN trong Diễn đàn ARF, kiên trì củng cố sự đoàn kết ASEAN trên cơ sở giữ vững những nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội. Mặt khác, Việt Nam luôn đề cao nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác nhiều mặt trong ASEAN, nhất là hợp tác kinh tế và hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, đồng thời tranh thủ mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, các tổ chức và các khu vực khác. Có thể nói, những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong thời gian qua đã được các nước đánh giá cao, góp phần thiết thực nâng cao vai trò của Hiệp hội cũng như vị thế quốc tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Câu hỏi: Đề nghị Thứ trưởng cho biết kết quả thực hiện các dự án, sáng kiến của ASEAN trong đó có các sáng kiến của Việt Nam trong năm qua? Trả lời: Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) được Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 thông qua tháng 12-1998 đã xác định rõ phương hướng và các biện pháp cụ thể cho hợp tác và phát triển của ASEAN trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới. Đến nay đã có nhiều dự án và kế hoạch được triển khai một cách tích cực. Việt Nam đang cùng các nước ASEAN khác tiến hành kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện HPA trong ba năm qua, xác định những vấn đề tồn tại và đề xuất biện pháp, chủ trương giải quyết trong thời gian tới. Hội nghị cấp cao ASEAN tại Brunei vào cuối năm nay sẽ thảo luận và thông qua báo cáo quan trọng này. Nhằm tiếp tục đóng góp cho hợp tác của ASEAN và đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASC và ARF, Việt Nam đã chủ động đề xuất và đưa ra nhiều sáng kiến, ý tưởng thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận của ASEAN tập trung trong lĩnh vực phát triển (như phát triển Tiểu vùng Mê Công, Hành lang Đông-Tây), giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách của ASEAN (như ma túy trong thanh niên), tăng cường hợp tác du lịch, văn hóa (sáng kiến Hợp tác Du lịch Đông á, Tuần Văn hóa ASEAN). Đặc biệt, nhận thức rõ thách thức về khoảng cách phát triển đối với ASEAN, theo đề nghị của Việt Nam, Hội nghị AMM 34 lần này sẽ ra "Tuyên bố Hà Nội về nỗ lực chung của ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển vì sự tăng trưởng năng động và bền vững". Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy xu thế hòa bình ổn định ở khu vực, tham gia tích cực vào những nỗ lực chung của ASEAN biến Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) thành bộ quy tắc ứng xử không chỉ trong quan hệ giữa các nước Đông - Nam á mà cả với các nước ngoài khu vực, tham gia quá trình soạn thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng tối cao để giải quyết hòa bình các tranh chấp theo quy định của Hiệp ước, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc (COC), thúc đẩy Hiệp ước Khu vực Đông - Nam á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Back Top page Print Email |