Thế giới năm qua và nhiệm vụ đối ngoại của chúng ta trong năm 2001
Bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên
trên Tạp chí Cộng Sản-Số 2 (1-2001)
Thế giới năm 2000 mang những đặc thù của cả thời kỳ hậu "chiến tranh lạnh" trong thập niên 90, đồng thời có những nét riêng của năm chuyển giao thế kỷ và thiên niên kỷ. Xu thế hòa bình và hợp tác vẫn tiếp tục trong tình trạng hòa bình và ổn định tương đối với những cuộc xung đột, chiến tranh và sự mất ổn định còn tiếp diễn và nảy sinh ở một số khu vực và quốc gia. Kinh tế thế giới phát triển nhờ sự tăng trưởng ở Bắc Mỹ, EU và Đông á cũng như sự phục hồi ở nhiều nền kinh tế vốn lâm vào suy thoái và trì trệ trong mấy năm qua, sự kiện này báo hiệu đà tăng trưởng có thể sẽ được tiếp tục nhưng ở mức độ thấp hơn trong những năm đầu của thế kỷ mới. Tuy nhiên năm 2000 cũng để lại dấu ấn của nó vào nền kinh tế thế giới. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế mới và thương mại điện tử, là những chuyển dịch cơ cấu kinh tế do công nghệ thông tin đưa lại, là tác động của tự do hóa mậu dịch và toàn cầu hóa, của việc khắc phục những hậu quả của khủng hoảng tài chính và tiền tệ ở một số quốc gia, của những tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO. Giá dầu lửa tăng và sự thăng trầm của đồng euro trong cuộc cạnh tranh tỷ giá với đồng đô la Mỹ cũng đã phần nào tác động tiêu cực đến mức độ tăng trưởng chung của kinh tế thế giới. Thế giới năm 2000 cũng mang những nét riêng. Đó là sự xuất hiện những nhân tố mới. Quá trình hòa bình và giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn trong quan hệ với nhau, sự phục hồi gần như đồng thời của Âấn Độ và Nga trên trường quốc tế, bế tắc trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông cũng như bùng nổ xung đột và bạo lực ở một số nơi trên các châu lục đã khiến cho bức tranh về tình hình thế giới năm qua đầy bất ngờ và kịch tính. Nhưng nhìn toàn diện, có thể thấy được rằng thế giới đang đi vào một thời kỳ ổn định tương đối. Chính trong những diễn biến mạnh mẽ và bất ngờ đó, đã hiện lên một bản chất cơ bản của các mối quan hệ quốc tế trong những năm cuối thế kỷ cũ và đầu thế kỷ mới. Đó là hợp tác và đấu tranh, hợp tác trong đấu tranh, đấu tranh nhưng không phá vỡ sự hợp tác. Đằng sau mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh đó là những hình thức thể hiện các mâu thuẫn cơ bản của thời đại, của cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa một bên là độc lập, tự chủ và bên kia là cường quyền, áp đặt, can thiệp và những mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc muốn thống trị thế giới. Những năm đầu của thế kỷ mới vẫn sẽ tiếp tục trạng thái đó, được thể hiện trên mọi lĩnh vực trước hết trong tiến trình toàn cầu hóa, trong mối quan hệ giữa các tổ chức khu vực, giữa các châu lục và trong bước đi hội nhập quốc tế của từng quốc gia. Thế giới năm 2000 đã chứng kiến sự bộc lộ mặt trái của một số trào lưu đang phát triển mạnh mẽ như toàn cầu hóa, ứng dụng của công nghệ thông tin, sáp nhập công ty,... Các nước, nhất là các nước đang phát triển, đã ý thức được đầy đủ hơn và đúng đắn hơn về những mặt tiêu cực này đối với sự phát triển và hội nhập quốc tế, đối với việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đối với khả năng cạnh tranh của mình nên đã có những bước đi thích hợp, có những biện pháp thỏa đáng để đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình nhằm tạo dựng sự tham gia của họ vào trào lưu ấy công bằng hơn, phù hợp với họ hơn, không để cho chúng bị các nước giàu hơn và phát triển hơn lợi dụng, chi phối phục vụ cho lợi ích riêng của các nước đó. Đông - Nam á và Đông á năm qua đã vượt qua được những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và trở lại với sự tăng trưởng năng động, khơi dậy lại hy vọng khu vực này trong những năm tới trở thành tâm điểm của sự phát triển chung. Với sự tăng cường các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt ở Đông - Nam á, ở Đông - Bắc á cũng như giữa hai khu vực này với nhau thì điều đó có thể trở thành sự thật. Vai trò của Trung Quốc và của ASEAN cũng như diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên đang và sẽ là những động lực cho diễn biến tình hình ở cả khu vực trong thời gian tới. Tuy vậy những vấn đề mới nảy sinh trong khu vực như ở In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin... có thể có những tác động tiêu cực. Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta năm qua được thực hiện một cách chủ động và hiệu quả trong bối cảnh tình hình ấy. Sự kết hợp hài hòa giữa các hình thức hoạt động đối ngoại phong phú của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các đoàn thể nhân dân và tổ chức quần chúng xã hội đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực và quốc tế cũng như vào việc tạo dựng sự hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch hiệu quả của đất nước ta với nước ngoài. Chúng ta thật sự vui mừng thấy đất nước bước vào năm mới, thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và với vị thế, ảnh hưởng quốc tế cao như ngày nay. Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta năm qua đã được triển khai cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, coi trọng cả phạm vi lẫn hiệu quả thiết thực, tập trung vào những ưu tiên hàng đầu, tháo gỡ những khâu đột phá quan trọng, nhưng đồng thời cũng đã khôi phục các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước bạn bè truyền thống xa gần. Sự cải thiện các mối quan hệ song phương đó được bổ sung và hỗ trợ đắc lực bằng các hoạt động ngoại giao đa phương. Các chuyến thăm hữu nghị chính thức cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ ta ở các nước và những chuyến thăm Việt Nam của các vị đứng đầu Nhà nước và chính phủ nhiều nước trên thế giới đã làm cho sự hiểu biết lẫn nhau được tăng cường và sự hợp tác cùng có lợi được thúc đẩy mạnh mẽ. Tại các diễn đàn đa phương như Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ của LHQ, Hội nghị cấp cao Nam - Nam, cấp cao không chính thức ASEAN,... sự tham gia của Việt Nam ở cấp cao nhất và những sáng kiến do Việt Nam đưa ra đã được đánh giá cao, thể hiện mong muốn của Việt Nam góp phần mình vào việc giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của toàn nhân loại. Trong những thành tựu đối ngoại nổi bật, đáng kể nhất là bước phát triển quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc và các nước láng giềng khác, sự cải thiện quan hệ quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, giữa Việt Nam và EU, giữa Việt Nam với Nhật và các nước tài trợ. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch ASC và ARF đảm nhận từ tháng 7-2000, Việt Nam đã có nhiều hoạt động phong phú để củng cố đoàn kết nội bộ ASEAN, giữ gìn những nguyên tắc cơ bản đối với hoạt động của ASEAN là đồng thuận trong đa dạng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tạo dựng sự hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài định hướng vào việc thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Hà Nội và tầm nhìn 2020, coi đó là những chuẩn bị chiến lược quan trọng nhất cho ASEAN bước vào những năm đầu của thế kỷ mới. Một trọng tâm được ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong năm qua là phục vụ kinh tế. Hoạt động đối ngoại đã góp phần huy động một nguồn lực không nhỏ từ bên ngoài bổ sung cho việc phát huy nội lực của đất nước. Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại và huy động viện trợ phát triển, trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường và làm cầu nối cho mối quan hệ làm ăn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước - những nội dung này đã và sẽ chiếm vị trí rất quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của chúng ta. Đi đôi với việc đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, Việt Nam đã từng bước chủ động hội nhập quốc tế và khu vực. Hội nhập quốc tế, trước hết về kinh tế, là sự bổ sung và hỗ trợ cần thiết cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để từ đó có thể chủ động đi vào dòng chảy của thời đại một cách có lợi nhất cho mình và phù hợp nhất với mình. Phương châm hội nhập của Việt Nam là hội nhập nhưng giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa ; hội nhập quốc tế một cách chủ động, tiến hành từng bước trong một lộ trình hợp lý và khả thi nhằm khai thác thuận lợi, tránh và vượt qua thách thức. Trên tinh thần đó, trong năm qua, chúng ta đã thực hiện các cam kết song phương với các nước, trong khuôn khổ AFTA và APEC, cũng như thúc đẩy quá trình đàm phán để tham gia vào WTO. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và tăng cường thông tin đối ngoại đã được quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể hiện trong nhiều biện pháp chính sách mới nhằm giúp bà con Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, đoàn kết cộng đồng, hòa nhập vào sở tại và hướng về Tổ quốc, góp phần xây dựng quê hương, đồng thời làm cầu nối cho tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và thế giới. Những biện pháp chính sách đó đã tác động tích cực đến tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đáp ứng được nhiều mong mỏi của bà con, tạo được không khí phấn khởi trong cộng đồng tin tưởng vào đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, vào tương lai chung của cả dân tộc. Công tác thông tin đối ngoại được đẩy mạnh nhằm chủ động đấu tranh và định hướng dư luận, góp phần tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là góp phần làm phá sản âm mưu và mọi hình thức "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những năm đầu của thế kỷ XXI, điều kiện quốc tế và trong nước đối với đất nước ta vẫn gặp phải không ít khó khăn. Chúng ta có đà phát triển của các năm trước và niềm tin son sắt vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Bác Hồ đã chỉ ra. Nhưng nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi phải luôn tỉnh táo và nhạy bén trong việc nhận biết và tận dụng thời cơ, chủ động và kiên quyết trong đấu tranh để bảo vệ và thực hiện lợi ích quốc gia. Năm 2001 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng, có ý nghĩa rất quan trọng cho cả thời kỳ tới. Vì thế, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta vừa phải tiếp tục đà và phát huy được thành quả đối ngoại của thời kỳ trước, vừa phải định hướng vào những yêu cầu cao hơn của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhằm thực hiện thành công những nhiệm vụ cụ thể mà Đại hội lần thứ IX của Đảng đề ra. Trong tinh thần đó, phương hướng hoạt động đối ngoại trong năm 2001 là tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Thông điệp của chúng ta gửi tới thế giới trong thế kỷ mới là "Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Nhiệm vụ đối ngoại của toàn Đảng, toàn dân ta là tiếp tục tạo môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực và trên quốc tế cho đất nước thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và phát triển. Để đáp ứng được yêu cầu này, điều cốt yếu nhất trong hoạt động đối ngoại là phải giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cơ sở những định hướng lớn và ưu tiên cụ thể đã được xác định cũng như cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng, với từng điều kiện cụ thể và với từng địa bàn. Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2001 là tiếp tục sự hợp tác hài hòa giữa các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ với tất cả các nước, trước hết là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè có quan hệ truyền thống, các tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả sự hợp tác quốc tế, thực hiện những thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương. Một nội dung quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Vấn đề đặt ra ở đây là tạo bước chuyển biến cơ bản và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, ban, địa phương, giữa các cơ quan và địa phương trong nước với các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài trong công tác này. Trọng tâm của hoạt động đối ngoại năm 2001 là đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), tăng cường vai trò của Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao đa phương, nâng cao hiệu quả thiết thực của ngoại giao đa phương, xây dựng lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế theo phương châm đã nêu ở trên cũng như đóng góp tích cực hơn nữa vào giải quyết các vấn đề chung của khu vực và quốc tế. Những nhiệm vụ đối ngoại nặng nề ấy đòi hỏi đội ngũ làm công tác đối ngoại phải không ngừng học tập và phấn đấu nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn lên tầm tương xứng, đòi hỏi cần có cơ chế thống nhất quản lý đối ngoại trong nước và tại các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài. Quá trình thực hiện những phương hướng nhiệm vụ đối ngoại nói trên không đơn giản và dễ dàng. Nhưng chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng rằng toàn Đảng và toàn dân ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại trong mọi tình huống, như đã thực hiện thành công trong nhiều giai đoạn đã qua trong thế kỷ XX.