Một số nét chính trong công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2004 và phương hướng công tác đối ngoại năm 2005
I. Một số nét chính trong công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2004:
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2004 đã được triển khai đồng bộ dưới những hình thức đa dạng và phong phú, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
1.Sự kiện đối ngoại nổi bật nhất trong năm 2004 là Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội. Đây là Hội nghị cấp cao đánh dấu việc mở rộng với sự tham gia của 39 thành viên. Hội nghị đã thông qua những văn kiện quan trọng bao gồm 3 Tuyên bố (Tuyên bố của Chủ tịch, Tuyên bố Hà Nội về thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế Á-Âu càng chặt chẽ hơn, Tuyên bố về đối thoại giữa các nền văn hoá và văn minh) và 9 sáng kiến, trong đó có 2 sáng kiến mà Việt Nam là đồng tác giả.
Thành công của ASEM 5 và các hoạt động liên quan đã củng cố hình ảnh về một nước Việt Nam hoà bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, một đối tác tin cậy, một địa điểm hấp dẫn đối với kinh doanh, du lịch và đầu tư, đồng thời đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong ASEM đi vào chiều sâu.
2. Năm 2004, Việt Nam tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với các nước và các khu vực trên thế giới.
Nổi bật là chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang CH Liên bang Đức, Cu-ba, Bỉ, và Uỷ ban châu Âu; Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Băng-la-đét, Pa-kít-xtan, Liên bang Nga, Hung-ga-ri, Vương quốc Anh, thăm các nước Nam Mỹ Bra-xin, Chi-lê và Ác-hen-ti-na. Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Ma-lai-xi-a, Trung Quốc, Mông Cổ, Ma-rốc, An-giê-ri và Nam Phi, thăm làm việc Xin-ga-po.
Việt Nam cũng đón và làm việc với nhiều đoàn cấp cao nước ngoài, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác chung trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam tiếp tục tạo dựng, hoàn thiện và củng cố khuôn khổ quan hệ đối tác ổn định lâu dài với nhiều nước, nhất là các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
2.1 Với các nước láng giềng:
Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc tiếp tục được củng cố và hoàn thiện trên cơ sở khuôn khổ hợp tác đã được thoả thuận. Trao đổi đoàn và đối thoại chính trị ở cấp cao được duy trì. Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Trung Quốc tháng 5/2004; Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên thăm tháng 6/2004. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tháng 10/2004 là một bước tiến có ý nghĩa đối với quan hệ hai nước theo hướng tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng khai thác những tiềm năng hiện có để nâng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư lên ngang tầm mức độ quan hệ chính trị. Hai bên đã ký Nghị định thư Hợp tác bổ sung về hợp tác nghề cá, phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ.
Quan hệ hữu nghị truyền thống với Lào tiếp tục được củng cố. Hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương giữa hai nước ngày càng có hiệu quả. Các cuộc tiếp xúc cấp cao, cuộc họp Uỷ ban Hỗn hợp, các bộ, các ngành đã thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Quan hệ với Căm-pu-chia tiếp tục phát triển; nhiều chương trình, dự án hợp tác được triển khai thực hiện. Quá trình xây dựng Tam giác phát triển Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam có một bước tiến quan trọng với việc Thủ tướng 3 nước Thông qua Tuyên bố Viên-chăn về việc thành lập Tam giác phát triển Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam cùng Bản Quy hoạch tổng thể.
2.2 Với các nước Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương
Việt Nam tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các đối tác quan trọng ở cả 3 khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương, chú trọng thúc đẩy việc thiết lập các khuôn khổ hợp tác với các nước trong khu vực theo hướng ổn định, lâu dài và tin cậy lẫn nhau.
Ở Đông Nam Á, sau khi đã ký với Phi-lip-pin năm 2002, và In-đô-nê-xia năm 2003, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy ký các Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện với Thái Lan, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a trong thế kỷ 21 nhân chuyến thăm của Lãnh đạo Việt Nam tới các nước này năm 2004.
Quan hệ của Việt Nam với ASEAN tiếp tục phát triển. Việt Nam chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Hiệp hội.
Với khu vực Nam Á, Việt Nam cũng đạt được khuôn khổ hợp tác với hai nước quan trọng là Ấn Độ và Pa-ki-xtan. Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục được duy trì. Hai nước đã kỷ niệm trọng thể 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Thủ tướng Nê-ru.
Quan hệ của Việt Nam với Ô-xtrây-lia và Niu Di-lân tiếp tục được thúc đẩy với chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (6/2004) và chuyến thăm hai nước này của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.
2.3 Với khu vực Đông Bắc Á:
Quan hệ với Nhật Bản tiếp tục được thúc đẩy. Hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp cao thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực. Nhật Bản cam kết và duy trì ODA cho Việt Nam ở mức tương đối cao, năm sau cao hơn năm trước.
Với Hàn Quốc, hai nước đang nỗ lực triển khai thoả thuận cấp cao về phát triển quan hệ Việt-Hàn thành "Đối tượng toàn diện trong thế kỷ 21".
2.4 Với các nước châu Mỹ:
Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục được củng cố và phát triển theo đà của năm 2003. Việc trao đổi đoàn các cấp của chính quyền, quốc hội, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ ...giữa hai nước tiếp tục được tăng cường. Quan hệ hai nước được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ kinh tế-thương mại tiếp tục được mở rộng và phát triển theo chiều sâu.
Quan hệ Việt Nam với Ca-na-đa tiếp tục phát triển nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, viện trợ và giáo dục.
Quan hệ Việt Nam với Cu-ba tiếp tục được tăng cường và chú trọng nâng cao tính hiệu quả, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của hai nước. Hai bên trao đổi nhiều đoàn thăm lẫn nhau.
Quan hệ với các nước Mỹ La tinh khác cũng được củng cố và mở rộng.
2.5 Quan hệ của Việt Nam với các nước Tây Bắc Âu:
Quan hệ của Việt Nam với các nước EU tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực. 25 nước thành viên EU đã cử đoàn cấp cao sang dự Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội. Lần đầu tiên cuộc gặp gỡ cấp cao Việt Nam-EU đã được tổ chức ở Hà Nội. Hai bên đã hoàn tất đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Quan hệ kinh tế-thương mại có bước phát triển đáng khích lệ. EU là một trong số những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam.
Nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam đã sang thăm và làm việc ở các nước Tây Bắc Âu.
2.6 Quan hệ với các nước Nga và Đông Âu:
Quan hệ với Liên bang Nga phát triển tốt đẹp và ổn định. Quan hệ với một số nước ở Đông Âu và SNG như Ba Lan, Séc, Hung-ga-ri, U-crai-na, Bê-la-rút, Môn-đô-va có bước phát triển mới. Việc trao đổi đoàn, kể cả đoàn cấp cao tiếp tục được duy trì. Nhiều Hiệp định, văn kiện hợp tác quan trọng đã được ký kết.
2.7 Quan hệ với các nước Tây Á-Châu Phi:
Quan hệ với khu vực Tây Á-Châu Phi là một bộ phận trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam chú trọng tăng cường, mở rộng quan hệ với các đối tác quan trọng trong khu vực và triển khai chương trình Hành động với Châu Phi. Trao đổi đoàn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được tăng cường.Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và một số nước châu Phi phát triển mạnh.
3. Hoạt động ngoại giao đa phương được triển khai mạnh mẽ và phát huy vai trò ngày càng quan trọng vào việc tạo dựng môi trường hoà bình và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
4. Công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế tiếp tục được coi trọng, trước hết là giúp duy trì và mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại, du lịch, đầu tư với các nước và tham gia giải quyết những tranh chấp nảy sinh với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực này. Các nội dung kinh tế được tập trung, ưu tiên trong các hoạt động đối ngoại, trong các cơ chế và khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương; thông qua các cuộc đi thăm, tiếp xúc cấp cao của Lãnh đạo Việt Nam, hoạt động ngoại giao ở các cấp...Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư. Việt Nam duy trì và phát triển kinh tế thương mại với các nước, đặc biệt là các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU. Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện lộ trình AFTA.
5. Về tham gia các điều ước quốc tế, từ tháng 1 đến tháng 10/2004, Việt Nam đã ký 97 điều ước quốc tế, trong đó có 83 hiệp định song phương và 5 điều ước quốc tế đa phương. Các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới tham gia tạo thêm khuôn khổ pháp lý cần thiết và thuận lợi cho quan hệ hợp tác của Việt Nam với nhiều đối tác trên nhiều lĩnh vực.
II. Phương hướng công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới:
Công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp đà phát triển quan hệ đối ngoại trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh đất nước.
Công tác đối ngoại của Việt Nam sẽ tập trung vào một số trọng tâm sau:
Củng cố và hoàn thiện khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài hiện đã có với các đối tác hàng đầu.
Tích cực góp phần tháo gỡ những khó khăn trong hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác, tăng cường vai trò của đối ngoại của trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, ODA, quảng bá du lịch, hợp tác lao động quốc tế.
Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt các tiến trình thành lập khu vực mậu dịch tự do đa phương và song phương. Tích cực phấn đấu gia nhập WTO năm 2005.
Tăng cường hoạt động trên các diễn đàn đa phương, phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |