Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị-kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương
PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO PHẠM GIA KHIÊM
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN
Câu hỏi 1: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đánh giá như thế nào về thành tựu của ASEAN sau 40 năm hình thành và phát triển. Theo quan điểm của Việt Nam, thành tựu nào được cho là quan trọng nhất mà ASEAN đã đạt được trong 4 thập kỷ qua. Thành tựu về đối ngoại của ASEAN đã giúp ASEAN thay đổi như thế nào trên trường quốc tế ?
Trả lời:
ASEAN được thành lập ngày 8-8-1967. Qua 40 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng, được bạn bè và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những tổ chức quốc tế khu vực thành công nhất thế giới.
Thành tựu nổi bật và quan trọng nhất của ASEAN là đã hình thành một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á, đưa đến những thay đổi căn bản về chất của Hiệp hội, cũng như tình hình khu vực.
Thứ hai là: ASEAN ngày càng mở rộng hợp tác nội khối ra nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo khuôn khổ và nền tảng vững chắc cho việc gia tăng liên kết khu vực, hỗ trợ tích cực cho các nước thành viên trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ ba là: Vai trò và uy tín của ASEAN trên trường quốc tế cũng được nâng cao. ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị-kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á và Châu Á-TBD, là động lực thúc đẩy hợp tác và các mối liên kết khu vực ở Châu Á-TBD, là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước và các trung tâm lớn trên thế giới.
Thứ tư là: ASEAN đã giữ vững được những nguyên tắc cơ bản, đồng thời biết vận dụng linh hoạt “Phương cách ASEAN” hết sức độc đáo. ASEAN đã đoàn kết, hợp tác vượt qua những thăng trầm của lịch sử, những thách thức của thời đại.
Chính chủ đề Kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN “ Một ASEAN ở trái tim của một Châu Á năng động” là một tuyên bố mạnh bạo thể hiện rõ vai trò và vị trí hiện nay của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Câu hỏi 2: Mục tiêu đang hướng tới của ASEAN là gì ? Theo PTT, BTNG, các nước ASEAN cần làm gì để đạt được các mục tiêu này ?
Trả lời:
1. Mục tiêu lớn nhất mà ASEAN đang hướng tới là xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Cộng đồng ASEAN sẽ dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay tại Singapore. Đồng thời, ASEAN cũng tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực.
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng ASEAN thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu sắc hơn và ràng buộc hơn; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.
2. Để đạt mục tiêu trên :
- Mỗi nước thành viên cần kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của cả khu vực vì mục tiêu chung là hình thành một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất và liên kết chặt chẽ hơn.
- Hiệp hội ASEAN cần đổi mới tổ chức-bộ máy và cơ chế hoạt động theo hướng gọn nhẹ và nâng cao hiệu quả hoạt động ; phải có các biện pháp thiết thực để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển hiện đang tồn tại trong Hiệp hội ; phấn đấu xác lập vững chắc vai trò là trung tâm thúc đẩy và kết nối các mối liên kết khu vực ở nhiều tầng nấc khác nhau ở Châu Á-TBD, nhất là về kinh tế-thương mại; tiếp tục mở rộng và duy trì quan hệ cân bằng với các đối tác bên ngoài, kiên trì giữ vững vai trò chủ đạo trong việc xử lý các vấn đề khu vực.
Câu hỏi 3: Gia nhập ASEAN từ năm 1995, kể từ đó đến nay, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tổ chức này và được các quốc gia thành viên công nhận. PTT, BTNG có thể cho biết cụ thể về những đóng góp đó?
Trả lời:
Từ khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN tháng 7/1995, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN.
Đóng góp quan trọng đầu tiên của Việt Nam là góp phần tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Mi-an-ma và Căm-pu-chia, hình thành một khối ASEAN thống nhất, quy tụ tất cả 10 quốc gia ở Đông Nam Á; tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN VI tại Hà Nội (12/1998), giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế quốc tế của Hiệp hội trong thời điểm khó khăn nhất.
Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc xác định phương hướng hợp tác và các quyết sách lớn của ASEAN, như xây dựng Tầm nhìn 2020, Chương trình Hành động Hà Nội, Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển, v.v... Việt Nam cũng góp phần tích cực cùng các nước ASEAN thúc đẩy và phát huy tác dụng của các cơ chế bảo đảm an ninh khu vực.
Việt Nam đã cùng các nước ASEAN tiến hành đàm phán và thúc đẩy hợp tác và tự do hoá về thương mại, dịch vụ, đầu tư trong và với các Đối tác bên ngoài như thực hiện AFTA, Hành lang Đông Tây ; tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của ASEAN.
Trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại của ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các nước Đối thoại, góp phần nâng cao tiếng nói và vị thế của ASEAN trên thế giới./. (Bộ Ngoại giao)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|