Thứ trưởng thường trực Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 1/1/2011
Năm 2010, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước hết sức sôi động, đạt được rất nhiều thành công, đánh dấu vai trò, vị thế đi lên của Việt Nam với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Dấu ấn nổi bật của đối ngoại năm 2010 là Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch ASEAN. Ta đã tổ chức và điều hành tốt các hoạt động quan trọng của ASEAN, trong đó có các Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 và 17, Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), 10 cuộc họp cấp Bộ trưởng, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối tác (ADMM+8). Thành công của các sự kiện này đã góp phần thúc đẩy đoàn kết và tăng cường hợp tác và liên kết nội khối; đẩy nhanh quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như tăng cường quan hệ giữa Hiệp hội với các đối tác bên ngoài.
Ta cũng đã tham gia và có nhiều đóng góp tích cực tại các diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân, Hội nghị Cấp cao Liên Hợp quốc kiểm điểm các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Cấp cao APEC, Cấp cao Á- Âu (ASEM), Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Diễn đàn kinh tế Đông Á tại Việt Nam...
Trong năm 2010, ta tiếp tục đưa quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và khu vực, các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng cũng như các nước bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu và mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, đồng thời thiết lập thêm khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước khác. Các mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào, quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Căm-pu-chia tiếp tục được tăng cường và phát triển mạnh và đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực. Với các nước lớn và các trung tâm kinh tế lớn, ta đã thúc đẩy quan hệ với Mỹ phát triển theo hướng xây dựng “đối tác hữu nghị, tích cực, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi”. Ta cũng tiếp tục đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga đi vào chiều sâu; phối hợp với Nhật tích cực triển khai các nội dung quan hệ đối tác chiến lược; xây dựng khuôn khổ mới cho việc phát triển toàn diện và sâu rộng quan hệ Việt Nam – EU; nâng cấp quan hệ chiến lược với Anh, Tây Ban Nha.
Ngoại giao kinh tế được triển khai năng động và hiệu quả, góp phần tranh thủ các nguồn lực cho đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, chúng ta vẫn đạt được các con số về kinh tế đối ngoại đầy ấn tượng như kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng 2010 là 139,2 tỷ đô-la Mỹ, cam kết viện trợ ODA cho Việt Nam năm 2011 đạt mức 7,88 tỷ đô-la Mỹ.
Ngoại giao văn hóa năm 2010 đã tích cực quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam trong các sự kiện lớn của đất nước. Đáng chú ý, trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được đổi mới, thu hút bà con hướng về quê hương. Công tác bảo hộ công dân, cứu nạn người, tàu thuyền trên biển và tại nước ngoài luôn được chú trọng.
Điều tâm đắc nhất là chúng ta đã phát huy được sức mạnh của ngoại giao toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương... để tạo nên những kết quả quan trọng như đã nêu ở trên. Thành tựu đối ngoại đã góp phần tích cực cùng các binh chủng khác đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước.
Câu hỏi 2: Vì sao Việt Nam lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước trong và ngoài Hiệp hội để đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, thưa đồng chí ?
Năm Chủ tịch ASEAN 2010 là năm thành công đặc biệt, không chỉ với Việt Nam và cả với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Ngay từ khi đầu năm 2010, với việc xác định rõ các trọng tâm ưu tiên của Năm Chủ tịch, xác định đúng chủ đề của cả năm là "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động" cũng như nhấn mạnh "văn hóa thực thi", Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng cao của các nước thành viên của ASEAN trong Hiệp hội trong bối cảnh các nước đều nhấn mạnh việc chuyển hướng hợp tác trong ASEAN sang một giai đoạn liên kết chặt chẽ và thực chất hơn.
Trong cả năm 2010, Việt Nam đã đảm đương vai trò Chủ tịch ASEAN với tinh thần "chủ động, tích cực và có trách nhiệm", luôn đặt lợi ích của Việt Nam trong tổng thể lợi ích chung của ASEAN.
Chúng ta đã đưa ra nhiều sáng kiến về những vấn đề thiết thân nhất đối với khu vực, qua đó tạo cơ sở quan trọng để ASEAN hiện thực hóa tầm nhìn: Cộng đồng ASEAN đến 2015 và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang hình thành. Chúng ta cũng đã chủ động, tích cực góp phần mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, nhất là việc mở rộng Cộng đồng Đông Á với sự tham gia của hai nước lớn Nga và Mỹ; đưa ra sáng kiến tổ chức lần đầu tiên hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác; hội nghị những người đứng đầu cơ quan an ninh ASEAN… qua đó góp phần khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Ta đã có chính sách và các biện pháp đối ngoại khéo léo, chủ động và kiên trì đối với các vấn đề mang tính nhạy cảm nhằm tìm điểm đồng, làm dịu căng thẳng và đưa ra thái độ phù hợp được các bên liên quan chấp nhận và được dư luận đánh giá cao. Ta cũng đã chủ động, sáng tạo nắm bắt thời cơ để thúc đẩy những cơ chế hợp tác có lợi cho ta và hài hoà với lợi ích của các nước khu vực, Ví dụ như việc đưa ra sáng kiến cơ chế hợp tác an ninh ASEAN; mở rộng hợp tác quốc phòng ASEAN; vấn đề an ninh an toàn ở Biển Đông…
Những hoạt động của ta trong năm làm Chủ tịch ASEAN được bạn bè, đối tác đánh giá cao cả về năng lực tổ chức, tính sáng tạo và linh hoạt trong điều hành. Những kết quả đạt được trong “năm ASEAN” của Việt Nam là rất quan trọng, mang tính định hướng cho hoạt động của ASEAN trong những năm tới .
Câu hỏi 3: Năm 2010 là năm kỷ niệm chẵn việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga... và việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Việt Nam cũng chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Anh. Đề nghị đồng chí cho biết những dấu mốc này sẽ tác động như thế nào đến quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong tương lai.
Đó là những mốc quan trọng đối với ngoại giao Việt Nam trong năm 2010. Việc chúng ta kỷ niệm việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước bạn bè, các nước đối tác quan trọng không đơn thuần là hoạt động mang tính lễ hội. Quan trọng hơn, đó là dịp để kiểm điểm lại các thành tựu trong quan hệ song phương, đặt nó trong bối cảnh hiện tại, để từ đó hai bên hướng tới tương lai, xây dựng các khuôn khổ quan hệ hữu nghị, ổn định lâu dài, mở rộng và nâng tầm sự hợp tác sang nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại-đầu tư, phát triển, văn hóa, giáo dục, hợp tác trên các diễn đàn quốc tế. Điều đó không chỉ đáp ứng lợi ích của hai bên mà còn nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới. Việc chúng ta thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác mới cũng nằm trong định hướng chung như vậy.
Câu hỏi 4: Việt Nam đã có một năm bận rộn hiếm có trong công tác đối ngoại. Đồng chí có thể kể những câu chuyện thú vị về nỗ lực của Bộ Ngoại giao nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó?
Có rất nhiều ví dụ về nỗ lực của Bộ Ngoại giao để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ở đây chỉ xin đơn cử một vài ví dụ tưởng chừng đơn giản song đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ để đạt được. Để triển khai chính sách chủ động, tích cực và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, bên cạnh việc tham gia đóng góp tích cực nội dung tại các diễn đàn đa phương, ta còn cần thể hiện hình thức thích hợp để nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam. Một trong những hình thức mang nhiều ý nghĩa là thứ tự lãnh đạo ta phát biểu tại các hội nghị quốc tế.
Thông thường, tại các diễn đàn đa phương, những nước phát biểu đầu tiên là những nước có vai trò quốc tế cao. Trong Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân tại Hoa Kỳ tháng 4/2010 với sự tham gia của 50 quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong sáu nhà lãnh đạo phát biểu dẫn đề đầu tiên. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18 tại Nhật Bản vào tháng 11/2010, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là một trong bốn lãnh đạo cấp cao phát biểu chính của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và cũng là một trong bốn lãnh đạo cấp cao phát biểu tại phiên thảo luận về liên kết khu vực. Tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 8 tại Bỉ vào tháng 10/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong những lãnh đạo đầu tiên phát biểu về các vấn đề quốc tế, khu vực, về phát triển bền vững và thách thức toàn cầu. Đó là kết quả của những nỗ lực vận động "hậu trường" của ta với nước chủ nhà, với ban tổ chức để có thứ tự ưu tiên phát biểu như vậy.
Câu hỏi 5: Trên cương vị lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đồng chí có thể cho biết điều mong muốn nhất của bản thân trong năm Tân Mão sắp tới ?
Nhân dịp Xuân mới, tôi xin gửi tới Quý báo và qua Quý báo, tới toàn thể độc giả của Báo Quân đội Nhân dân lời chúc mừng Năm mới tốt đẹp nhất. Trong năm 2010 đầy sôi động vừa qua, ngành ngoại giao đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ rất tích cực của các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Quốc phòng, trong việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi không có mong ước gì lớn hơn là trong Năm mới này, những người làm công tác đối ngoại thuộc các binh chủng khác nhau tiếp tục phối hợp tích cực và chặt chẽ nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI sắp tới, góp phần thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Back Top page Print Email |