Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn số Báo xuân, Tạp chí VIETNAM ECONOMICS NEWS

Ngày 28 tháng 12 năm 2010

Câu 1: Xin Phó Thủ Tướng đánh giá về những kết quả hợp tác ASEAN đã đạt được năm 2010 trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam?

Trả lời:
    Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN đúng vào thời điểm Hiệp hội bước vào triển khai Lộ trình 5 năm hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào 2015. Xác định đúng những thời cơ và thách thức đặt ra đối với ASEAN trong giai đoạn quan trọng này, Việt Nam đã đề xuất và được các nước ASEAN nhất trí coi 2010 là năm hành động của Hiệp hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành xây dựng Cộng đồng với Chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”.
    Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam năm 2010, ASEAN đã tiến thêm những bước vững chắc tới mục tiêu xây dựng cộng đồng. Một số kết quả chính là:
    Thứ nhất, ASEAN đẩy nhanh quá trình liên kết, thống nhất, phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Với chủ đề nêu trên, ASEAN đã có sự chuyển biến đáng kể về tính “hành động” và “thực thi” trong hợp tác ASEAN, cũng như hợp tác với các Đối tác đối thoại của ASEAN. Việc triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục đạt được những kết quả cụ thể trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển. Các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, một văn kiện quan trọng bổ sung cho Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhằm góp phần đẩy mạnh liên kết ASEAN và tạo cơ sở mở rộng kết nối ra toàn khu vực Đông Á. Việc Hiến chương ASEAN (có hiệu lực từ 12/2008) thực sự đi vào cuộc sống cũng đã tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cần thiết cho liên kết trong ASEAN được củng cố và gia tăng mạnh mẽ hơn nữa.
Thứ hai, quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển mạnh cả về bề rộng lẫn bề sâu. Quan hệ giữa ASEAN với các đối tác chính theo khuôn khổ ASEAN+1 được đẩy mạnh và nâng cấp. Quan hệ ASEAN - Hàn Quốc được nâng lên thành đối tác chiến lược trong lúc quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục phát triển sâu rộng hơn; Quan hệ với Hoa Kỳ cũng được nâng lên tầm chiến lược, quan hệ với các đối tác còn lại (Ấn Độ, Ôt-xtrây -lia, Niu Di-lân, Nga, EU, Canada, Liên Hợp Quốc) tiếp tục được củng cố trên nền tảng đối tác toàn diện hoặc tăng cường. Hợp tác ASEAN+3 phát triển sâu rộng trong 22 lĩnh vực với gần 60 cơ chế khác nhau, nhất là về tài chính – kinh tế (đáng chú ý Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai với trị giá 120 tỉ USD có hiệu lực từ 3/2010). Tiến trình EAS tiếp tục phát triển năng động với hai dấu ấn quan trọng là Tuyên bố chung kỷ niệm 5 năm thành lập EAS và quyết định mở rộng EAS cho Nga và Hoa Kỳ tham gia từ năm 2011. Các đối tác tiếp tục khẳng định coi trọng quan hệ và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện với ASEAN, ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và giữ vai trò trung tâm ở khu vực  Nhiều nước, nhóm nước bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hoặc lập quan hệ với ASEAN thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Thứ ba, vai trò khu vực và vị thế quốc tế của ASEAN được nâng cao mạnh mẽ. ASEAN tiếp tục phát huy vị trí là nhân tố trung tâm trong các tiến trình đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và cùng phát triển ở khu vực, đóng góp tích cực cho nỗ lực hình thành một cấu trúc khu vực trong tương lai. Bên cạnh các diễn đàn, cơ chế hiện có, ASEAN đã mở rộng thêm các cơ chế mới như Hội nghị lần đầu tiên những người đứng đầu cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các Đối tác (ADMM+), góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác rộng rãi về các vấn đề chính trị - an ninh khu vực. Sự tham gia, đóng góp hiệu quả của ASEAN tại các diễn đàn toàn cầu như Liên Hợp Quốc, G-20… trong năm qua được ghi nhận và đánh giá cao.
Hơn nữa, hợp tác cả trong khuôn khổ ASEAN và với các Đối tác nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu đã được đẩy mạnh và đạt tiến triển khả quan. Tại các Hội nghị Cấp cao trong năm, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ cam kết chính trị mạnh mẽ và thông qua nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm tích cực triển khai các biện pháp hợp tác cả ở cấp độ khu vực và quốc tế hướng tới mục tiêu chung này.   

Câu 2: Được biết, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 17, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua bản Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN. Xin Phó Thủ tướng cho biết một số nội dung cơ bản cũng như mục đích, ý nghĩa của bản Kế hoạch Tổng thể về Kết nối này và ASEAN dự định triển khai Kế hoạch này như thế nào?

Trả lời:
    Bản Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, soạn thảo bởi Nhóm đặc trách về Kết nối do Việt Nam chủ trì trong năm 2010, đã được các Nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17, Hà Nội, tháng 10/2010. Bản Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa Sáng kiến về Kết nối ASEAN được nhất trí tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 15 tháng 10/2009, với mục đích tăng cường kết nối ASEAN một cách toàn diện, trên cả 3 khía cạnh hạ tầng, thể chế và con người. Theo đó, ASEAN sẽ triển khai 17 chiến lược lớn với gần 100 biện pháp và 15 dự án ưu tiên để kết nối ASEAN về giao thông vận tải, năng lượng, thông tin - truyền thông, thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, di chuyển của người dân, tăng cường giáo dục, giao lưu văn hóa và xúc tiến du lịch...
    Được xây dựng kịp thời đúng vào năm bản lề xây dựng Cộng đồng ASEAN, bản Kế hoạch Tổng thể này có ý nghĩa rất lớn, góp phần quan trọng hỗ trợ cho quá trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN kết nối thông suốt, có tính cạnh tranh cao và là hạt nhân cho các mối liên kết tại Đông Á trong tương lai.  
Để tạo nguồn lực ban đầu cho việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể, ASEAN sẽ thành lập Quỹ Cơ sở Hạ tầng ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN sẽ huy động thêm nguồn lực từ các nước đối thoại, các tổ chức ngân hàng đa phương, các doanh nghiệp tư nhân và các nhà tài trợ khác. Ngay đầu năm 2011, ASEAN cũng sẽ thành lập Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN để theo dõi và quản lý quá trình thực thi bản Kế hoạch Tổng thể này.
Câu 3: Tới thời điểm này, có thể nói Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp vai trò Chủ tịch ASEAN. Năm 2010 được đánh giá là năm đậm nét thành công của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Xin Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng gì để tạo nên dấu ấn thành công đó?
Trả lời:
Thành công của ASEAN và dấu ấn Việt Nam trong năm chúng ta đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2010 được bạn bè ASEAN và quốc tế đánh giá cao. Tại Lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 17, Tổng thống In -đô -nê - xia, Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô (Susilo Bambang Yudhoyono), Chủ tịch ASEAN 2011, đã cảm ơn và chúc mừng Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, góp phần thúc đẩy ASEAN phát triển vững mạnh hơn, đưa Hiệp hội tiến gần hơn tới mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN đều chia sẻ đánh giá về những đóng góp quan trọng của nước Chủ tịch Việt Nam trong việc tăng cường đoàn kết, hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN.  
Để tạo được thành công và dấu ấn tốt đẹp đó, trước hết phải kể đến việc Việt Nam đề xướng và thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu và trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong năm 2010, đáp ứng đúng những yêu cầu và đòi hỏi của ASEAN trong giai đoạn phát triển mới. Với chủ đề xuyên suốt của cả năm hướng mạnh vào yếu tố hành động, trong quá trình triển khai hợp tác ASEAN, chúng ta đã chủ động thúc đẩy văn hóa thực thi, đề cao các cơ chế giám sát, đánh giá để đảm bảo các quyết sách, thỏa thuận mà ASEAN đã đề ra được thực hiện nghiêm túc và đúng Lộ trình. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với các nỗ lực liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng của ASEAN.
Trong vai trò Chủ tịch, năm qua, Việt Nam đã chủ động điều phối và thúc đẩy quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và thực chất hơn giữa ASEAN với các Đối tác, thông qua các khuôn khổ khác nhau như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)… Thành công của các Hội nghị Cấp cao thường niên giữa ASEAN với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bàn, Hàn Quốc, Ấn Độ và một loạt các Cấp cao không thường niên với Hoa Kỳ, Nga, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Liên Hợp Quốc do Việt Nam đồng chủ trì trong năm 2010 với các Đối tác đã thực sự tạo đà mạnh mẽ để nâng tầm quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác này. Việc Cấp cao Đông Á ra Tuyên bố kỷ niệm 5 năm thành lập với những định hướng quan trọng cho giai đoạn tiếp theo, trong đó có quyết định mở rộng để Nga và Hoa Kỳ tham gia từ 2011 thể hiện một bước phát triển mới về chất, mang tầm chiến lược của tiến trình này, hòa cùng các nỗ lực chung thúc đẩy một cấu trúc hợp tác hài hòa và hiệu quả ở Đông Á.
Năm 2010 chứng kiến vai trò năng động, tích cực của ASEAN trong việc tăng cường đối thoại và hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, với việc phát huy và đề cao các khuôn khổ, công cụ quan trọng vì mục tiêu này do ASEAN khởi xướng như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC)… Với nỗ lực thúc đẩy của Việt Nam, một số cơ chế đối thoại và hợp tác mới đã được khởi xướng và đi vào hoạt động lần đầu tiên như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các Đối tác (ADMM+), Hội nghị những người đứng đầu cơ quan an ninh các nước ASEAN (MACOSA)… hình thành các khuôn khổ đối thoại và hợp tác đan xen, đa tầng, giúp xây dựng lòng tin và tạo tiền đề để mở rộng hợp tác ứng phó với các vấn đề chung của khu vực.  
Để nâng cao năng lực của ASEAN ứng phó với các thách thức toàn cầu đang tác động tới khu vực, Việt Nam đã khởi xướng và thúc đẩy một loạt các sáng kiến được thông qua ở cấp cao nhất của ASEAN. Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Phục hồi và Phát triển bền vững, Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Ứng phó Biến đổi khí hậu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-16, Tuyên bố Hà Nội về Phát triển nguồn nhân lực và phát triển các kỹ năng vì phục hồi và phát triển bền vững, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường Phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em ASEAN... thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Hợp tác Tìm kiếm và Cứu hộ Người và Tàu thuyền gặp nạn khi đi biển… thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm cao của ASEAN trong việc đẩy mạnh hợp tác đối phó với các thách thức đang nổi lên, đồng thời bảo vệ và nâng cao đời sống, phúc lợi của người dân trong khu vực.
Vai trò chủ động, tích cực và đầy trách nhiệm của nước Chủ tịch Việt Nam trong quá trình chủ trì điều hành các Hội nghị của ASEAN, điều phối lập trường, quan điểm chung của ASEAN đối với các vấn đề nảy sinh ở khu vực cũng như đại diện cho ASEAN tham gia các diễn đàn quốc tế quan trọng như Hội nghị Cấp cao G-20… được bạn bè và đối tác ở khu vực cũng như trên trường quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.  
Tựu chung lại, những gì chúng ta đã làm và đóng góp cho ASEAN trên cương vị Chủ tịch trong năm 2010 đều xuất phát từ ý thức trách nhiệm của một thành viên cũng như lòng nhiệt thành vì một ASEAN ngày càng vững mạnh và phát triển, trong đó có lợi ích của Việt Nam cũng như tất cả các nước thành viên khác./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer