TS. Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Chủ tịch Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam
Năm 2010 khép lại với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, với việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và đặc biệt Thủ đô Hà Nội cùng cả nước long trọng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là hai sự kiện lớn, đánh dấu sự phát triển và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, để lại trong tâm trí người dân Thủ đô, dân tộc Việt Nam và trong lòng bạn bè quốc tế hình ảnh đặc biệt về đất nước Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, một thủ đô giàu truyền thống anh hùng và một thành phố vì hoà bình.
Trong hai sự kiện trên, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là hoạt động chính trị - xã hội mang tầm vóc lịch sử to lớn, thu hút sự quan tâm và tham gia không chỉ của nhân dân trong nước, mà còn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Ý nghĩa đó chính là một trong những lý do khiến Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định thông qua Nghị quyết tham gia Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với đất nước chúng ta. Về phần mình, Bộ Ngoại giao đã coi việc phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long vừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đồng thời cũng là vinh dự được đóng góp một phần công sức cho sự kiện “nghìn năm chỉ có một lần” này. Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị cho sự kiện này ngay từ dịp Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội và đặc biệt trong năm Ngoại giao Văn hoá 2009, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên đã ký Thoả thuận hợp tác với Bộ Ngoại giao nhằm triển khai các hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ngay từ những ngày đầu năm 2010, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Đài truyền hình Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức lễ dâng hương cho bà con kiều bào về dự Xuân Quê hương 2010 tại Hoàng Thành-Thăng Long. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đã trở thành truyền thống thường niên đối với kiều bào mỗi dịp Tết đến xuân về, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và hướng bà con kiều bào về quê hương đất nước. Hoạt động này lại càng có ý nghĩa hơn khi mở đầu cho lễ hội xuân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và bà con kiều bào được làm lễ dâng hương ngay tại chính khu Trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long, di tích gắn liền với lịch sử quốc đô Thăng Long và lịch sử cách mạng thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, di sản văn hoá thế giới đã được UNESCO công nhận.
Trong suốt cả năm 2010 và nhất là trong dịp Đại lễ, một trong các trụ cột của công tác ngoại giao hiện đại là công tác Ngoại giao Văn hoá liên tục được triển khai một cách chủ động, tích cực và sáng tạo trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội tại các nước bằng nhiều hình thức khác nhau như: gắn kết nội dung tuyên tuyền về các hoạt động kỷ niệm của Đại lễ trong các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước, lồng ghép các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với các hoạt động trong khuôn khổ năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN; cung cấp thông tin về Đại lễ trên các trang tin điện tử liên quan; hướng dẫn và quản lý các hoạt động báo chí nước ngoài trong việc đưa tin, bài, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền về Hà Nội và Việt Nam...
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ tích cực trong việc triển khai các hoạt động mời và đón tiếp khách quốc tế đến tham dự các hoạt động kỷ niệm, nhất là Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành ngày Đại lễ 10/10. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng tích cực hướng dẫn các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài phối hợp với các Tổ chức quốc tế tại Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện văn hóa chào mừng Đại lễ như mời tham gia con đường Gốm sứ, tổ chức các lễ hội, buổi hoà nhạc...và các Tuần lễ văn hoá của nước ngoài tại Hà Nội. Những hoạt động trên đã góp phần mang nét văn hoá của dân tộc Việt Nam giới thiệu đến bạn bè quốc tế, qua đó tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới.
Một trong những đóng góp quan trọng khác của Bộ Ngoại giao nói chung và công tác Ngoại giao Văn hoá nói riêng đối với Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là việc chúng ta đã mở chiến dịch vận động ngoại giao tổng thể từ Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên Hội đồng di sản thế giới đến các tổ chức chuyên môn và phái đoàn đại diện của các quốc gia này tại tổng hành dinh UNESCO và đã vận động thành công UNESCO công nhận các danh hiệu văn hoá quốc tế đối với một loạt hồ sơ có liên quan đến Hà Nội như hồ sơ 82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê – Mạc (1442 – 1779) tại Văn Miếu – Quốc tử Giám được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (ngày 9/3/2010), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 16/11/2010) và đặc biệt là hồ sơ Khu Trung tâm Hoàng Thành – Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (ngày 31/7/2010).
Những thành công trên là kết quả của nhiều đợt vận động chính trị - ngoại giao ở rất nhiều cấp, từ Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến Lãnh đạo các Bộ, ngành, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và UBND thành phố Hà Nội, trên bình diện song phương và đa phương; sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội. Có lẽ không có món quà nào ý nghĩa hơn những danh hiệu mà UNESCO đã vinh danh đối với các di sản văn hóa của thủ đô Hà Nội thân yêu vào đúng dịp Đại lễ 1000 năm. Chính những danh hiệu đó đã góp phần tô thắm bức tranh nghệ thuật để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và là điểm nhấn rõ nét cho những thành công chung trong công tác đối ngoại năm 2010 của Nhà nước ta. Có một điều thú vị nữa là chưa từng có một thành phố của một quốc gia nào có đến ba loại hình danh hiệu khác nhau được UNESCO công nhận trong cùng một năm như Hà Nội.
Thành công trong việc vận động này không những khẳng định những giá trị lịch sử - văn hoá nổi bật của Thủ đô 1000 năm tuổi, từng được UNESCO công nhận là Thành phố vì hòa bình năm 1999, mà còn chứng tỏ sức hấp dẫn của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung đối với thế giới. Đồng thời, các loại hình danh hiệu này cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội theo hướng bền vững thông qua việc thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Thành công này cũng góp phần củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với UNESCO và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác vận động cho các hồ sơ tiếp theo của Việt Nam để UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu văn hoá quốc tế mới.
Bước sang năm 2011, năm đầu tiên chúng ta thực hiện đuờng lối đối ngoại của Đảng sau Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, công tác Ngoại giao Văn hóa sẽ tiếp tục được coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa nhằm quảng bá rộng rãi và hiệu quả hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nét đặc sắc văn hoá của Hà Nội và của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các hoạt động này sẽ góp phần phát huy lòng tự tôn của dân tộc đối với thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi cũng như đối với đất nước Việt Nam và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội theo hưóng bền vững của Hà Nội và các vùng, miền, địa phương thông qua việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản đã được UNESCO công nhận, hỗ trợ du lịch phát triển, nhất là các loại hình du lịch văn hoá, du lịch di sản, tiếp tục tạo ra vị thế xứng đáng trên trường quốc tế cho đất nước Việt Nam ngày càng lớn mạnh, với truyền thống văn hoá hàng ngàn năm./.