Ngoại giao Việt Nam 2010 : Đồng hành cùng đất nước vững bước trên con đường hội nhập và phát triển bền vững
Phạm Gia Khiêm
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Năm 2010 sôi động với đầy ắp những sự kiện và dấu ấn quan trọng trong và ngoài nước đã khép lại. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chứng kiến những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, có hệ lụy sâu rộng đến tất cả các quốc gia. Ở trong nước, nền kinh tế đang trên đà phục hồi; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hân hoan kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn – những mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta, và ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Trong không khí chung sôi nổi đó, phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm qua, Ngoại giao Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ, rộng khắp nền Ngoại giao toàn diện với sự huy động sức mạnh tổng hợp của các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, kết hợp hài hòa các trụ cột công tác Ngoại giao chính trị, Ngoại giao kinh tế và Ngoại giao văn hóa, đóng góp hiệu quả vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước; không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam; góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng.
Xác định rõ cơ hội và thách thức
So với 2009, kinh tế thế giới 2010 tiếp tục phục hồi, song tốc độ giảm dần và không đồng đều giữa các nước và các khu vực. Nhiều nước vẫn phải đối mặt với tình trạng tiêu dùng và đầu tư tiếp tục ở mức thấp, lạm phát thấp, thất nghiệp cao. Nguy cơ chiến tranh tiền tệ và suy thoái tái diễn vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ công quá cao, đặc biệt ở châu Âu, đã cản trở sự phục hồi thị trường tài chính toàn cầu. Thương mại toàn cầu đã tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2010 song có dấu hiệu chững lại trong những tháng cuối năm do tác động của kinh tế phục hồi chậm lại. Trong khi đó, vòng đàm phán Đô-ha vẫn bế tắc. Trật tự kinh tế thế giới cũng có những thay đổi đáng chú ý. Vai trò của nhóm các nước công nghiệp phát triển G-8 giảm dần, trong khi G-20 với sự tham dự của cả các nền kinh tế đang nổi (như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin…) ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi. Các thể chế tài chính – tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đang được cải cách theo hướng tăng thêm vai trò của các nền kinh tế đang nổi. Trọng tâm phát triển kinh tế chuyển nhanh sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương với việc các nền kinh tế khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN phát triển năng động; tiến trình liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại khu vực phát triển nhanh. Các nước đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế, điều chỉnh mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn, chú ý nhiều đến các vấn đề môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh chung đó, kinh tế Việt Nam năm 2010 tiếp tục tăng trưởng khá cao, đạt 6,7%. Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam đã cam kết viện trợ hơn 7,9 tỷ đô-la Mỹ vốn ODA, thể hiện sự tin tưởng vào vai trò của Chính phủ và triển vọng kinh tế nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, thâm hụt thương mại và chi tiêu chính phủ tăng…, đòi hỏi phải có chính sách phù hợp để duy trì đà phục hồi, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế, chú trọng vấn đề môi trường nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững và có chất lượng hơn.
Về tình hình chính trị - an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động khủng bố, xung đột cục bộ, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, tài nguyên vẫn diễn biến phức tạp. Các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu, môi trường, ngày càng gay gắt. Cục diện thế giới “đa cực”, “đa trung tâm” ngày càng hình thành rõ nét. Sự tập hợp lực lượng giữa các nước tiếp tục đa dạng và đan xen giữa hợp tác và đấu tranh, ngày càng dựa vào lợi ích địa chiến lược, an ninh, kinh tế và phát triển của các quốc gia. Hợp tác đa phương được coi trọng hơn nhằm đối phó với các thách thức kinh tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống và các vấn đề toàn cầu; các thể chế, diễn đàn khu vực và quốc tế nhất là về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, tiếp tục được điều chỉnh, cải tổ hoặc sắp xếp lại cho phù hợp với những phát triển mới của tình hình thế giới và khu vực. Châu Á-Thái Bình Dương trên đà phục hồi nhanh và phát triển năng động, có vai trò nổi bật trong đời sống kinh tế-chính trị thế giới, ngày càng được các nước, đặc biệt là các nước lớn, coi là khu vực ưu tiên chiến lược. Tuy nhiên, các tranh chấp lãnh thổ và một số điểm nóng ở khu vực này, đặc biệt là Bán đảo Triều Tiên, cũng diễn biến phức tạp hơn. Tình hình Đông Nam Á cơ bản ổn định, ASEAN đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng cộng đồng, tăng cường đoàn kết và hợp tác nội khối, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các bên đối tác và khẳng định vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác khu vực.
Bối cảnh quốc tế nêu trên đã đặt ra trước chúng ta những cơ hội và thách thức đan xen khi bước vào ngưỡng cửa năm 2010. Đất nước tiếp tục có môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định để phát triển; kinh tế thế giới và các đối tác lớn của chúng ta phục hồi và tăng trưởng khá trở lại; các nước lớn có những điều chỉnh chính sách quan trọng đối với châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á nói riêng. Việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN đã tạo cơ hội lớn để chúng ta đóng góp vào nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao vị thế trong ASEAN và trên trường quốc tế, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, phát huy tốt hơn các lợi ích của ASEAN và Việt Nam. Bên cạnh thuận lợi đó, một số thách thức, phức tạp nảy sinh tác động đến an ninh, phát triển của nước ta, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng XI và bước sang giai đoạn phát triển mới với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Đáng chú ý là những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới tác động không thuận đến nước ta cùng với những bất cập của kinh tế trong nước đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp xử lý thỏa đáng để ổn định kinh tế vĩ mô, không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, việc giải quyết các thách thức an ninh truyền thống liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu, tiếp tục đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Những dấu ấn mới của nền Ngoại giao toàn diện
Trong bối cảnh đầy biến động đó, trên cơ sở nhận thức rõ các cơ hội và thách thức đan xen, Đảng và Nhà nước ta đã xác định nhiệm vụ ưu tiên của công tác đối ngoại là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam, hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006-2010; giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tự tin và trách nhiệm trong nỗ lực gánh vác các công việc quốc tế, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Hướng tới những mục tiêu đó, chúng ta đã chủ động và tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại một cách đồng bộ, toàn diện, và đã gặt hái được nhiều thành công, mang lại những dấu ấn mới cho nền Ngoại giao Việt Nam. Những thành công chung đáng tự hào đó là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; của sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao với các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương.
Về ngoại giao chính trị, ngoại giao đa phương đã đạt thành tích nổi bật, có nhiều sáng kiến quan trọng và hỗ trợ tích cực cho ngoại giao song phương. Phát huy thành công nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (2008-2009), chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 trên cả ba khía cạnh. Một là, đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, hội nghị quan trọng của ASEAN, góp phần thúc đẩy đoàn kết và tăng cường hợp tác nội khối; đẩy nhanh và tạo sự chuyển biến về chất trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN đến năm 2015. Hai là, đã góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài thông qua nhiều hoạt động song phương bên lề; khẳng định vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Ba là, đã xử lý tốt một số vấn đề phức tạp nảy sinh và đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của các nước ASEAN và lợi ích của ta trong các nội dung, chương trình của Hiệp hội. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn đa phương như Hội nghị Cấp cao của Liên Hợp Quốc về các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về An ninh Hạt nhân, Hội nghị Cấp cao G-20, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Ủy hội Sông Mê-công Quốc tế (MRC), Hội nghị Cấp cao các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam, Hội nghị Cấp cao Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyarwady – Chao Phraya – Mê-công (ACMECS)…, góp phần tích cực vào nỗ lực toàn cầu để giải quyết các vấn đề an ninh hạt nhân, phòng chống tội phạm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững… Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đi vào giai đoạn phát triển sâu hơn với việc Việt Nam quyết định tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những dấu ấn đó đã cho thấy một bước trưởng thành mới của ngoại giao đa phương Việt Nam và là sự thể hiện sinh động của chủ trương nhất quán “Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Ngoại giao song phương năm 2010 đã chứng kiến nhiều hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm chẵn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nhiều nước bạn bè trên thế giới, đồng thời đạt được nhiều thoả thuận hợp tác thực chất, cụ thể, góp phần đưa quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các đối tác khác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt – Lào tiếp tục được tăng cường. Hai bên trao đổi nhiều đoàn các cấp, tích cực triển khai các thoả thuận đã đạt được; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục phát triển mạnh. Quan hệ với Căm-pu-chia không ngừng được củng cố và phát triển theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Hợp tác an ninh quốc phòng được tăng cường. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, giao thông vận tải tiếp tục phát triển. Tuy vậy, quan hệ kinh tế - thương mại giữa nước ta với Lào và Căm-pu-chia còn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên. Quan hệ hợp tác nhiều mặt với Mi-an-ma, nhất là về kinh tế, có bước phát triển mạnh. Việt Nam tham gia vào thị trường Mi-an-ma trên 12 lĩnh vực ưu tiên . Quan hệ với các nước ASEAN khác như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Phi-lip-pin và Brunei tiếp tục duy trì đà phát triển.
Quan hệ hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung tiếp tục được củng cố và tăng cường. Hai nước chú trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Các hoạt động chào mừng “Năm hữu nghị Việt – Trung” và kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được triển khai tích cực. Hai bên trao đổi nhiều đoàn các cấp; hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, kể cả về an ninh - quốc phòng được tăng cường. Lần đầu tiên, hai nước đã tổ chức thành công đối thoại chiến lược về an ninh quốc phòng cấp thứ trưởng và diễn tập cứu nạn trên biển. Kim ngạch thương mại song phương dự kiến đạt 25 tỷ đô-la Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu ở mức cao. Về đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 14/91 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại nước ta. Về các vấn đề trên biển, hai bên đang tích cực tiến hành các vòng đàm phán cấp chuyên viên về nội dung thỏa thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước.
Với Nga, quan hệ đối tác chiến lược tiếp tục được thúc đẩy theo cả bề rộng lẫn chiều sâu. Hai bên đã và đang tích cực triển khai các thỏa thuận đạt được trong năm 2009, đặc biệt là các dự án hợp tác đầu tư khai thác dầu khí trên lãnh thổ hai nước, các dự án hợp tác về an ninh – quốc phòng... Việt Nam quyết định chọn Nga làm đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Hai nước cũng tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động phong phú kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao; trao đổi nhiều đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; thống nhất và triển khai thực hiện “Danh mục ưu tiên trong quan hệ song phương 2010”; ký lộ trình thực hiện các dự án hợp tác Việt – Nga về năng lượng; ký hiệp định công nhận tương đương văn bằng giáo dục và học vị khoa học và nhất trí thành lập Đại học công nghệ Việt – Nga tại Việt Nam. Ta ủng hộ Nga gia nhập ASEM, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tham gia Cấp cao Đông Á (EAS).
Quan hệ song phương Việt - Mỹ trong năm 2010 có bước phát triển đáng kể theo định hướng “đối tác hữu nghị, tích cực, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”. Hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ, tiến hành đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng Việt - Mỹ lần thứ 3, đối thoại quốc phòng Việt - Mỹ cấp thứ trưởng… Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam và tham gia tích cực vào những hoạt động trong khuôn khổ các diễn đàn của ASEAN như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) 17, Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+). Hai bên tích cực thúc đẩy thực hiện các thoả thuận về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, ký hiệp định khung về hợp tác y tế, thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề nhân đạo như chất độc da cam/dioxin và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA)… Mỹ tiếp tục là đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục đối thoại về những vấn đề còn có khác biệt như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo…
Quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản thực sự đi vào chiều sâu với độ tin cậy cao. Việt Nam và Nhật đã đạt được thỏa thuận về việc Nhật là đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 và là đối tác khai thác phát triển đất hiếm tại Việt Nam. Hai nước đã họp Uỷ ban hợp tác kinh tế lần thứ ba; nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại đối tác chiến lược Việt - Nhật cấp thứ trưởng ngoại giao. Hai bên đang thúc đẩy thực hiện các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc – Nam, khu công nghệ cao Hoà Lạc và bổ sung một số dự án mới như sân bay Long Thành… Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. ODA dành cho Việt Nam trong năm tài khoá 2010 đạt tương đương hơn 350 triệu đô-la Mỹ (đợt 1) và tại Hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ (CG) (tháng 12/2010), Nhật cam kết cung cấp 1,76 tỷ đô-la Mỹ vốn ODA cho Việt Nam năm 2011.
Với Hàn Quốc, hai bên thường xuyên duy trì tiếp xúc cấp cao và giao lưu các cấp. Về kinh tế, kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đạt 12 tỷ đô-la Mỹ và hai bên phấn đấu nâng con số này lên 20 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2015; duy trì và triển khai có hiệu quả các kỳ họp Uỷ ban liên chính phủ; phối hợp tổ chức đối thoại chiến lược ngoại giao – an ninh - quốc phòng cấp thứ trưởng ngoại giao. Trong các khuôn khổ đa phương, chúng ta đã xử lý thỏa đáng, phù hợp với lợi ích của các bên liên quan trong các vấn đề nảy sinh trên Bán đảo Triều Tiên.
Với Liên minh Châu Âu (EU), chúng ta đã ký tắt Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), tạo khuôn khổ mới cho việc phát triển toàn diện và sâu rộng quan hệ Việt Nam – EU trong thời gian tới. Hai bên cũng đã tuyên bố khởi động đàm phán FTA ngay sau khi hoàn tất trao đổi kỹ thuật. Với các nước thành viên EU, nhất là các thành viên chủ chốt, ta đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, tăng cường các cuộc tiếp xúc bên lề các Hội nghị, diễn đàn quốc tế; đã ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Anh. Chúng ta đã vận động thành công EU bỏ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu; chủ động đối thoại, xử lý vấn đề dân chủ nhân quyền với EU và nhiều nước châu Âu. Trong năm 2010, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Va-ti-căng có những bước phát triển đáng ghi nhận; hai bên đã tiến hành họp Vòng II Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Va-ti-căng.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục được tăng cường, kể cả trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Hai bên trao đổi nhiều đoàn các cấp. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt 2,6 tỷ đô-la Mỹ. Với Ố-xtơ-rây-li-a, hai bên đã ký Chương trình hành động giai đoạn 2011 – 2013, tổ chức đối thoại chiến lược Việt Nam – Ố-xtơ-rây-li-a. Kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đạt hơn 3,7 tỷ đô-la Mỹ. Ố-xtơ-rây-li-a có 232 dự án đầu tư với giá trị 1,23 tỷ đô-la Mỹ, đứng thứ 20/91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Trong triển khai chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam tiếp tục coi trọng và quan tâm thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết, tin cậy và hợp tác. Quan hệ với Cu-ba tiếp tục được thúc đẩy với việc trao đổi đoàn cấp cao nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng ta đã tiến hành các biện pháp chủ động thúc đẩy quan hệ với các nước châu Phi, tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Việt Nam – Châu Phi lần 2, tăng cường trao đổi đoàn với các đối tác tiềm năng ở khu vực này, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hai bên triển khai hợp tác kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như viễn thông, nông lâm nghiệp, thủy sản... Quan hệ với các đối tác tiềm năng ở Trung Đông và Mỹ La-tinh ngày càng đi vào thực chất hơn với các dự án hợp tác cụ thể về kinh tế, đầu tư, lao động...
Chất lượng của hoạt động ngoại giao kinh tế, nhất là công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu tiếp tục được nâng lên, đóng góp thực chất vào công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, trong đó có việc khắc phục hậu quả khủng hoảng, duy trì đà tăng trưởng, cũng như vào quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách kinh tế đối ngoại như quyết định tham gia TPP với tư cách thành viên chính thức và các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là thúc đẩy khởi động FTA với EU và liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút và Ka-dắc-xtan. Ngành Ngoại giao đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác xúc tiến kinh tế đối ngoại được đẩy mạnh thông qua việc lồng ghép với nội dung của các chuyến thăm cấp cao. Chúng ta đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á, các Hội nghị Bộ trưởng Mê-công – Mỹ và Mê-công – Nhật; chủ động đưa ra một số sáng kiến mới, tranh thủ được sự tham gia của Mỹ, Nhật đối với hợp tác tiểu vùng sông Mê-công; tham dự và đóng góp tích cực vào hội nghị G-20 với tư cách chủ tịch ASEAN... Ngoại giao cũng góp phần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, ODA, kiều hối, du lịch; phối hợp giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, vận động, đấu tranh với các nước, các đối tác nhằm loại bỏ những biện pháp bảo hộ mậu dịch bất công nhắm vào các sản phẩm của Việt Nam.
Ngoại giao văn hóa đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Trong năm 2010, chúng ta đã xây dựng và hoàn thiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020; tranh thủ các sự kiện văn hóa lớn để tăng cường quảng bá văn hóa, du lịch và giới thiệu hình ảnh đất nước với trọng tâm là năm Chủ tịch ASEAN và Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng vận động thành công UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long và một số di sản khác của Việt Nam là Di sản thế giới, đóng góp thiết thực cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Các hoạt động văn hóa đối ngoại đang từng bước được tiêu chuẩn hóa để áp dụng thống nhất cả trong và ngoài nước. Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại đã phục vụ tốt các trọng tâm đối ngoại, nhất là các hoạt động lớn của năm ASEAN 2010, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và các ngày lễ lớn của đất nước. Ta đã kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí quốc tế về tình hình và chính sách của Việt Nam, tích cực, kiên quyết trong đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đáng chú ý, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại (tháng 11/2010), góp phần tăng cường thống nhất và hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thông tin đối ngoại trong thời kỳ mới.
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Chúng ta đã tiến hành tổng kết 6 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; rà soát những vướng mắc và đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện những chính sách mới cho kiều bào liên quan đến việc mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, vấn đề quốc tịch… Công tác vận động và hỗ trợ cộng đồng có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức với nhiều hoạt động gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước và hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Công tác thông tin, tuyên truyền cho kiều bào được tăng cường, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang đẩy mạnh triển khai Đề án chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài xây dựng đất nước giai đoạn 2010 - 2020, Đề án đẩy mạnh tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài…; hoàn thiện cơ chế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương và địa phương về công tác người Việt.
Công tác biên giới lãnh thổ đạt một số kết quả cụ thể, góp phần ổn định các đường biên giới, tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa các địa phương biên giới. Về biên giới trên bộ, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức Lễ công bố 3 văn kiện pháp lý về quản lý biên giới và cửa khẩu, góp phần tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa giữa hai nước và hạn chế tối đa các hoạt động vi phạm. Việt Nam và Lào đã thống nhất lấy năm 2010 là năm tăng tốc tăng dày và tôn tạo mốc giới, đã họp Nhóm chuyên viên liên hợp trao đổi giải quyết các vấn đề dân di cư tự do và sống chung không đăng ký kết hôn trong khu vực biên giới Việt – Lào. Công tác phân giới cắm mốc với Căm-pu-chia đạt một số tiến triển về chuyển vẽ bản đồ, nghiệm thu hồ sơ trong cuộc họp vòng 12 Nhóm chuyên gia kỹ thuật liên hợp Việt Nam – Căm-pu-chia. Về biên giới trên biển, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành được 4 vòng đàm phán cấp chuyên viên về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển và 5 vòng đàm phán về việc phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Công tác lãnh sự và bảo hộ công dân được đặc biệt coi trọng. Chúng ta đã chủ động phối hợp, liên hệ với cơ quan hữu quan trong và ngoài nước để xử lý kịp thời hàng trăm lượt tàu thuyền, hàng ngàn ngư dân ta bị lực lượng tuần tra các nước bắt giữ. Công tác bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài rất được chú trọng. Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài đã phối hợp tốt trong việc tạo thuận lợi cho bà con về các thủ tục lãnh sự, hồi hương; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về di cư; giải quyết các vụ việc liên quan tới quan hệ lãnh sự với các nước.
Công tác đấu tranh trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo trong năm 2010 được triển khai một cách tích cực, chủ động và có hiệu quả. Trong khi kiên quyết đấu tranh với những hành động can thiệp vào công việc nội bộ của ta, chúng ta đã duy trì được các kênh đối thoại với nhiều nước và tổ chức quốc tế; thường xuyên cung cấp thông tin về thành tựu của đất nước trong lĩnh vực này cho các đối tác; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về dân chủ, nhân quyền tới nhiều đối tượng ở trong nước; tích cực đóng góp cho các hoạt động nhân quyền tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Cơ quan liên chính phủ về nhân quyền của ASEAN, qua đó đề cao thiện chí và sự cởi mở của Việt Nam, làm thất bại các âm mưu và hoạt động kích động, vu cáo ta của các lực lượng thù địch, chống đối.
Đối ngoại quốc phòng – an ninh được triển khai tích cực, chủ động, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả với ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa. Chúng ta đã chủ động thúc đẩy và mở rộng quan hệ quốc phòng - an ninh với các nước ASEAN; tổ chức thành công các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Các nước ASEAN Cộng (ADMM+), Hội nghị Những người đứng đầu Cơ quan An ninh các nước ASEAN (MACOSA)... Hợp tác an ninh, quốc phòng giữa nước ta với các nước trong và ngoài khu vực không ngừng được mở rộng và từng bước đi vào chiều sâu cả về nội dung và hình thức, thể hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ trong quan hệ với các nước ở khu vực và trên thế giới. Sự hợp tác và phối hợp giữa ngoại giao - quốc phòng - an ninh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Cùng với kênh Ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân tạo nên thế chân kiềng vững chãi trên mặt trận đối ngoại. Đối ngoại Đảng đã góp phần củng cố tình đoàn kết, sự hợp tác và tin cậy lẫn nhau với các đảng cộng sản, thúc đẩy quan hệ với các đảng cầm quyền. Quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục được tăng cường và củng cố. Đảng ta coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Nhân dân Campuchia; có nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ với Đảng Cộng sản Cu-ba và Đảng Lao động Triều Tiên; tích cực mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả, đảng cầm quyền, tham chính ở nhiều nước trên thế giới. Đối ngoại Quốc hội đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới. Nổi bật nhất là việc Quốc hội ta đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) và tổ chức tốt Đại hội đồng AIPA lần thứ 31. Với Lào và Căm-pu-chia, Quốc hội ta tiếp tục triển khai các chương trình, dự án theo tinh thần thỏa thuận hợp tác cấp cao, tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó, đẩy mạnh giao lưu nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm… Quốc hội ta cũng đã phát triển mạnh quan hệ với Quốc hội/Nghị viện của nhiều nước; tham gia tích cực tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế. Đối ngoại nhân dân được triển khai sâu rộng với nhiều hoạt động cụ thể, có ý nghĩa chính trị cao và hiệu quả thiết thực. Các tổ chức nhân dân có nhiều đóng góp cho công tác đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tuyên truyền về Việt Nam, mở rộng bạn bè, đối tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, vận động đòi công lý cho các nạn nhân chất động da cam/dioxin. Hệ thống cơ quan ngoại vụ các tỉnh thành tiếp tục được củng cố cả về tổ chức bộ máy, nhân sự và hoạt động. Sự phối hợp của các cơ quan ngoại vụ địa phương với các cơ quan đối ngoại của Trung ương được tăng cường một bước, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao hơn trước, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và mở rộng hợp tác quốc tế của các địa phương.
Cơ chế thống nhất quản lý đối ngoại tiếp tục được hoàn thiện. Bộ Chính trị đã ra Quyết định 295 về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại. Việc tổ chức quán triệt và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành đang tích cực triển khai Luật về Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Công tác thẩm định các đề án đối ngoại, công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng được phối hợp triển khai đồng bộ với chất lượng ngày càng cao, góp phần tích cực vào thành tích chung của công tác đối ngoại năm 2010.
Nền Ngoại giao toàn diện với khí thế mới, bắt tay vào triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XI của Đảng
Năm 2011 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước ta. Đây là năm đầu tiên chúng ta triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH (sửa đổi, bổ sung) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020. Việt Nam đang bước sang giai đoạn “phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững” . Việc triển khai thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong năm 2011 sẽ là tiền đề quan trọng cho thành công của các năm tiếp theo.
Môi trường bên ngoài năm 2011 tiếp tục có những mặt thuận lợi như hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo ở khu vực và trên thế giới; xu hướng thế giới “đa trung tâm” ngày càng được khẳng định cả về kinh tế và chính trị; kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và chuyển mạnh theo hướng tăng trưởng cân bằng và bền vững; khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động; các nước lớn quan tâm hơn tới khu vực Đông Nam Á… Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cho công tác đối ngoại trong năm tới là không nhỏ. Kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại và gặp nhiều thách thức; các nguy cơ suy thoái kép, chiến tranh tiền tệ… vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn. Xung đột cục bộ, mâu thuẫn, tranh chấp biên giới lãnh thổ, tài nguyên, cạnh tranh giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá quyết liệt… Trong bối cảnh đó, mục tiêu cao nhất của công tác đối ngoại thời gian tới là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tranh thủ tối đa mọi điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Những trọng tâm đối ngoại của năm 2011 sẽ bao gồm:
Một là, chủ động xây dựng các chương trình hành động, định hướng chiến lược nhằm phổ biến, quán triệt và thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra và gắn với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020.
Hai là, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương thông qua việc phát huy những kết quả đã đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2008 – 2009); tích cực tham gia và có đóng góp thực chất cho các diễn đàn đa phương như các Diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APEC), hợp tác tiểu vùng sông Mê-công…
Ba là, tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao song phương. Tập trung thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước láng giềng khu vực, cụ thể là với Lào, Căm-pu-chia, In-đô-nê-xi-a (nước Chủ tịch ASEAN 2011) và các nước ASEAN khác; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn tại liên quan đến biển, đảo; tiếp tục triển khai các thỏa thuận đột phá đã đạt được và đưa quan hệ với Nga đi vào chiều sâu; duy trì và thúc đẩy đà phát triển quan hệ đã có với Mỹ; đẩy mạnh triển khai các nội dung cụ thể trong quan hệ đối tác chiến lược và tranh thủ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Nhật Bản và Hàn Quốc; tạo thêm động lực mạnh mẽ, thực chất trong quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ; chính thức hoàn tất việc ký kết PCA với EU; triển khai các thỏa thuận đạt được với Anh, Tây Ban Nha về đối tác chiến lược, tiếp tục thúc đẩy nâng cấp quan hệ với Đức, tăng cường quan hệ hợp tác với Pháp; tích cực mở rộng và nâng cao năng lực và hiệu quả hợp tác với các đối tác quan trọng, tiềm năng ở châu Á, châu Âu, Trung Đông, châu Phi và Mỹ La tinh.
Bốn là, về biên giới lãnh thổ, trọng tâm là thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề trên biển; đẩy nhanh tốc độ tăng dày, tôn tạo mốc giới với Lào và tạo bước đột phá trong công tác phân giới cắm mốc với Căm-pu-chia; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và có biện pháp đấu tranh trước các hành động vi phạm chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.
Năm là, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế theo hướng lồng ghép các vấn đề kinh tế thực chất vào nội dung các chuyến thăm cấp cao; xây dựng chiến lược đàm phán tham gia TPP; phấn đấu sớm mở đàm phán FTA với EU và với Nga; tăng cường công tác tham mưu, dự báo tình hình kinh tế thế giới, các thị trường, các xu hướng lớn trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, tài chính – ngân hàng…; đẩy mạnh xúc tiến kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư, ODA, kiều hối, du lịch, mở rộng thị trường xuất khẩu, lao động; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp triển khai có hiệu quả các thỏa thuận quốc tế đã đạt được; tích cực vận động các nước công nhận quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; và phối hợp đấu tranh trong các vụ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài.
Sáu là, tích cực triển khai ngoại giao văn hóa theo Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020; hỗ trợ các địa phương có danh hiệu UNESCO phát huy các giá trị của danh hiệu di sản; tiếp tục vận động thêm danh hiệu UNESCO cho các di sản khác của đất nước.
Bảy là, tiếp tục rà soát nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại liên quan đến quyền lợi chính đáng của kiều bào; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thiết thực trong công tác xây dựng, vận động và hỗ trợ cộng đồng; chú trọng thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế, tri thức và công nghệ của kiều bào; kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các phần tử Việt kiều phản động.
Tám là, tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại Đảng, Quốc hội và ngoại giao nhân dân, trong đó quan tâm tăng cường quan hệ với các Đảng cầm quyền; tăng cường phối hợp, gắn kết các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đối ngoại quốc phòng – an ninh, hoạt động đối ngoại của các bộ, ban, ngành, trung ương, địa phương và các hoạt động ngoại giao nhân dân, triển khai hiệu quả Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.
Chín là, làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề mới nảy sinh, tham mưu cho các cấp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các vấn đề lớn liên quan tới công tác đối ngoại cũng như liên quan tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
*
* *
Trên nền tảng vững chắc của truyền thống 65 năm không ngừng phấn đấu và trưởng thành, cùng đất nước chuyển mình vươn lên những tầm cao mới, Ngoại giao Việt Nam năm 2010 đã tiếp tục gặt hái nhiều thành công, tạo những dấu ấn mới có ý nghĩa quan trọng trên con đường hội nhập, phát triển của đất nước. Xuân 2011 đang gõ cửa từng nhà, tràn về trên từng con phố, mang đến hương sắc mùa xuân tươi mới, khơi dậy trong mỗi chúng ta khí thế và niềm tin vào chặng đường hội nhập, phát triển thành công phía trước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, nền Ngoại giao toàn diện của chúng ta sẽ khẩn trương bắt tay triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XI đề ra bằng những đòn bẩy mới, đưa con thuyền Việt Nam vững tay chèo ra biển lớn, vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, vì sự nghiệp cao cả “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |